Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên lần đầu phóng tên lửa đạn đạo kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức

2021-04-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Ngày 25/3, Bắc Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ huyện Hamju, tỉnh Nam Hamgyong về vùng biển phía Đông. Một ngày sau đó, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cho biết Viện khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới có trọng lượng đầu đạn 2,5 tấn với công nghệ cải tiến từ một loại tên lửa đã từng được giới thiệu trước đây. Tên lửa đã thành công nhắm chính xác vào mục tiêu thiết lập ở vị trí cách đó 600 km trên biển Đông. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ giải thích chi tiết hơn về sự kiện này.

 

Có phân tích cho rằng các tên lửa mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm vào tuần trước chính là phiên bản cải tiến của tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới mà nước này công bố tại lễ duyệt binh trong đêm nhân kỷ niệm Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 hồi tháng 1 vừa qua. Tên lửa này được cho là phiên bản cải tiến của tên lửa KN23, còn được ví von là tên lửa Iskander (Nga) phiên bản miền Bắc, xét về tầm bay và độ cao tối đa. Khả năng mang đầu đạn nặng tới 2,5 tấn của tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng đã thành công trong việc cải thiện động cơ nhiên liệu rắn. Với khả năng bay xa tới 600 km, đưa toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc vào tầm bắn, tên lửa này có thể trở thành mối hiểm họa lớn trong chiến tranh cục bộ.

 

Cơ quan truyền thông trên khắp thế giới đã nhanh chóng đưa tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Hãng thông tấn AFP (Pháp) nhấn mạnh việc miền Bắc phóng tên lửa trong giai đoạn chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét lại chính sách đối với nước này. Tờ New York Times (Mỹ) cho rằng Bình Nhưỡng đang phô trương vũ trang nhằm làm gia tăng căng thẳng hòng đạt được đòn bẩy trong giai đoạn này. Báo Guardian (Anh) cũng đưa tin vụ phóng tên lửa diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đang lâm vào bế tắc.

 

Các động thái khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên hầu hết đều có động cơ chính trị và vụ phóng tên lửa lần này cũng không phải ngoại lệ. Bình Nhưỡng thường khiêu khích vũ trang để gây sự chú ý với Washington trong những ngày đầu nhậm chức các Tổng thống Mỹ. Ngày 21/3, miền Bắc cho bắn hai tên lửa hành trình. Mặc dù không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, động thái này vẫn cho thấy Bắc Triều Tiên sẵn sàng thực hiện các hành động khiêu khích. 4 ngày sau, ngay trước cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, Bình Nhưỡng cho phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn được cho là nhằm phô trương khả năng quân sự đủ mạnh để đối đầu với Mỹ và buộc Mỹ chấp nhận yêu cầu của mình.

 

Trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Tổng thống vào ngày 25/3 (giờ địa phương), vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, ông Joe Biden lên án động thái này của miền Bắc vi phạm Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cảnh báo sẽ đáp trả tương ứng nếu Bình Nhưỡng muốn làm gia tăng căng thẳng. Về vụ phóng tên lửa hành trình trước đó của miền Bắc, Tổng thống Biden chỉ nhận định đây là một cuộc diễn tập quân sự điển hình.

 

Nghị quyết 1718 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào năm 2006 ngay sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bắc Triều Tiên, yêu cầu nước này dừng các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. Việc Tổng thống Biden vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với miền Bắc cho thấy Mỹ đã chuẩn bị cho một số hình thức ngoại giao với miền Bắc với điều kiện tiên quyết là khi bán đảo Hàn Quốc hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Trong khi Bình Nhưỡng yêu cầu Washington rút lại chính sách thù địch thì Mỹ lại kêu gọi miền Bắc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, cho thấy lập trường khác biệt giữa hai bên. Trong bối cảnh ông Biden cảnh báo rằng Mỹ sẽ đáp trả tương ứng nếu miền Bắc tiếp tục khiến căng thẳng leo thang, các động thái tiếp theo của miền Bắc đang được thận trọng theo dõi.

 

Ngày 27/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự trung ương đảng Lao động Ri Pyong-chol bác bỏ lập luận cho rằng Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo là vi phạm Nghị quyết của Liên hợp quốc và tuyên bố vụ phóng tên lửa là một hành động thực hiện quyền tự vệ của miền Bắc với tư cách là một quốc gia có chủ quyền. Ngày 29/3, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao miền Bắc Jo Chol-su đã cáo buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng tiêu chuẩn kép khi triệu tập cuộc họp kín nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và cảnh báo nước này sẽ có biện pháp đối phó. Một ngày sau, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, đã chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa của miền Bắc. Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang lấy lý do tự vệ để biện minh cho các hành động khiêu khích vũ trang.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra quan điểm nào về vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây. Ngày 26/3, báo Lao động đưa tin nhà lãnh đạo Kim đang thị sát một công trường xây dựng căn hộ và ngồi thử xe buýt chở khách mới trên trang nhất, còn tin về vụ phóng tên lửa được đăng ở trang thứ hai.  Trong khi trước đây, ông Kim thường đưa ra quan điểm sau khi Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích.

 

Việc Chủ tịch Kim Jong-un đi thị sát các địa điểm kinh tế là một động thái có chủ đích, cho thấy ưu tiên hàng đầu của ông Kim trong năm nay là kinh tế chứ không phải quân sự. Để các quan chức như bà Kim Yo-jong và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án Hàn Quốc và Mỹ, trong khi bản thân nhà lãnh đạo Kim lại không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào. Tôi nghĩ Bắc Triều Tiên đang cân nhắc lập trường của Mỹ, vốn vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao với Bình Nhưỡng. Nếu Chủ tịch Kim Jong-un công khai đối đầu với Mỹ hoặc ủng hộ các hành động khiêu khích vũ trang, miền Bắc sẽ không còn lối thoát nào. Bằng cách hạn chế thể hiện lập trường của mình, ông Kim đang để lại một phần khả năng cải thiện quan hệ với Washington.

 

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki trong buổi họp báo ngày 29/3 (giờ địa phương) cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ có cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm và không có ý định gặp Chủ tịch Kim Jong-un.

 

Đề cập của phát ngôn viên Jen Psaki cho thấy chính sách ngoại giao từ cấp thượng đỉnh đến cấp chuyên viên của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ không được Chính phủ Tổng thống Biden kế thừa. Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ không tham gia đối thoại với Bắc Triều Tiên. Tôi nghĩ Mỹ sẽ bổ nhiệm xong đội hình các quan chức ngoại giao phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vào mùa hè này. Tuy nhiên, có vẻ như cuộc chiến căng thẳng Mỹ-Triều đã bắt đầu, trong bối cảnh Bình Nhưỡng đưa ra những tuyên bố gây hấn và thực hiện các hành động khiêu khích. Chúng ta sẽ phải chờ xem cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này diễn ra như thế nào trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập