Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thời trang tại Bắc Triều Tiên (phần 1) - Xu hướng thời trang

2021-04-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, gần đây đã đăng một loạt bài báo chỉ ra những vấn đề trong trang phục, cách trang điểm cũng như lối nói chuyện của người dân. Bài báo nhấn mạnh trang phục, đầu tóc và trang điểm thanh lịch, gọn gàng là một vấn đề đạo đức hết sức quan trọng, qua đó kêu gọi người dân nên ăn mặc sao cho phù hợp với yêu cầu của xã hội hơn là theo sở thích cá nhân. Động thái này dường như đang nhấn mạnh đến nền văn hóa xã hội chủ nghĩa khi yêu cầu người dân tuân theo một quy tắc ăn mặc nhất định. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về xu hướng thời trang ở Bắc Triều Tiên.

 

Các xu hướng thời trang mới tại Bắc Triều Tiên

Gần đây, Bắc Triều Tiên đã tổ chức “Triển lãm thời trang Triều Tiên” để giới thiệu các xu hướng thời trang mới. Ngoài ra, báo Phụ nữ Triều Tiên cũng đăng những thiết kế mới được cho là có khả năng trở thành mốt trong mùa xuân hoặc mùa thu năm nay nhằm cung cấp thông tin về các xu hướng thời trang mới nhất. Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un thường xuyên xuất hiện với áo sơ mi trắng và quần xám, nhiều nam giới miền Bắc đã học tập cách phối đồ này. Đối với phụ nữ, váy liền thân và váy ngắn liên tục trở thành mốt. Năm nay, việc sử dụng các phụ kiện thời trang, như trâm cài áo, có vẻ đang được ưa chuộng.

 

Thời trang tại Bắc Triều Tiên trước năm 2000

Thời trang Bắc Triều Tiên bắt đầu thay đổi đáng kể từ khoảng năm 2000. Cho đến những năm 1990, người dân miền Bắc chỉ có thể mua được hàng bao cấp. Trang phục của người dân nói chung đều giống nhau, ngoại trừ những người thuộc tầng lớp thượng lưu có thể đi du lịch nước ngoài. Chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt những người ăn mặc không đúng theo chuẩn mực xã hội chủ nghĩa, vì vậy người dân không thể mặc quần áo theo sở thích cá nhân.

 

Những thay đổi trong ngành thời trang của Bắc Triều Tiên sau năm 2000

Kể từ những năm 2000, ngày càng nhiều người dân Bắc Triều Tiên quan tâm đến thời trang nhờ sự xuất hiện của thị trường tư nhân, đặc biệt là các chợ bán lẻ. Với sự sụp đổ của hệ thống bao cấp Nhà nước vào những năm 1990, quần áo từ Trung Quốc, kể cả quần áo cũ, bắt đầu được nhập vào Bắc Triều Tiên. Các mặt hàng may mặc du nhập vào nước này qua các chợ đã được gia công lại. Ban đầu, việc gia công lại hàng may mặc là nhằm mục đích giảm bớt giá thành, tuy nhiên dần dần quần áo bắt đầu phản ánh thị hiếu của người tiêu dùng miền Bắc. Một số người có tay nghề tự may quần áo, sau đó tăng dần quy mô sản xuất và các xưởng may ra đời. Thời gian trôi qua, các nhà máy cải thiện về thiết kế và bắt đầu nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh miền Bắc đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tìm cách thúc đẩy các ngành công nghiệp nhẹ để cung cấp hàng tiêu dùng trong nước. Nhờ vậy, ngành công nghiệp thời trang cũng nhận được một số hỗ trợ của Nhà nước.

 

Ảnh hưởng của bà Ri Sol-ju đến thời trang tại Bắc Triều Tiên

Năm 2006, báo Phụ nữ Triều Tiên, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội phụ nữ dân chủ miền Bắc, bày tỏ lo ngại về phong cách thời trang ngoại lai đang ngày càng phổ biến trong xã hội nước này. Bài báo chỉ trích một số người bắt chước trang phục của các nước tư bản một cách mù quáng, không thực sự phù hợp với thuần phong mỹ tục cao quý của Bắc Triều Tiên, gây ảnh hưởng đến đoàn kết xã hội. Bài báo là minh chứng cho thấy nhiều loại quần áo khác nhau đã xuất hiện ở miền Bắc vào thời điểm đó. Gần đây, phong cách thời trang đã xuất hiện sự thay đổi lớn chủ yếu nhờ Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju, vợ Chủ tịch Kim Jong-un. Bà Ri Sol-ju đã diện phong cách thời trang xã hội chủ nghĩa điển hình của miền Bắc, trở thành nguồn cảm hứng cho các xu hướng thời trang và trang điểm tại đây, chấm dứt việc các xu hướng bị chi phối bởi quần áo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại các chợ.

 

Phong cách thời trang của bà Kim Yo-jong

Khác với hình ảnh duyên dáng và tinh tế của Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un, lại xuất hiện với phong cách thời trang lý tưởng của phụ nữ lao động trong xã hội Bắc Triều Tiên. Thay vì quần dài hay váy liền thân, bà Kim Yo-jong thường mặc những bộ váy hai mảnh dáng chữ H gọn gàng, vốn là trang phục công sở đặc trưng của phụ nữ lao động miền Bắc.

Sự thay đổi trong phong cách thời trang của Bắc Triều Tiên đến từ chợ bán lẻ, vốn hoạt động và phát triển dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản thương mại. Hàng may mặc được nhập vào miền Bắc qua nhiều con đường khác nhau đã cho người dân nhiều sự lựa chọn hơn và tạo ra các xu hướng thời trang chưa từng có trước đây. Trong số phát sóng tuần sau của “Cận cảnh Bắc Triều Tiên”, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự thay đổi trong các mặt hàng thời trang ở miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập