Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nền chính trị âm nhạc của Bắc Triều Tiên

2021-07-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Năm nay, thông tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tham dự các buổi hòa nhạc thường xuất hiện trên các mặt báo nước này. Trong đó, một bài báo ngày 20/6 đưa tin ông Kim đã đến xem buổi biểu diễn của Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ sau khi tham dự Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động khóa VIII. Đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã phát sóng buổi biểu diễn này, đồng thời giới thiệu các bài hát mới dưới định dạng MV và thu hút được nhiều sự chú ý. Miền Bắc đã tích cực quảng bá các bài hát mới bằng cách đăng lời ca và bản nhạc lên báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động, và cho phát nhạc tại các địa điểm kinh tế như nhà máy, hầm mỏ và các vùng nông thôn. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhà bình luận chính trị Choi Young-il tìm hiểu lý do Bình Nhưỡng tập trung vào việc sử dụng âm nhạc cho mục đích chính trị vào thời điểm này.


Một trong những bài hát mới đó là ca khúc “Mẹ tôi” bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu đối với mẹ, cũng là tên gọi mà người dân Bắc Triều Tiên ưu ái dành cho đảng Lao động. Một bài hát khác là “Theo bước trái tim” lại có nội dung ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-un với lời ca nhắc đến “nguyên thủ quốc gia”. Miền Bắc đang có các chính sách khuyến khích người dân khắc sâu lời hai bài hát mới này vào tâm trí. Bên cạnh đó, các bài hát này được thể hiện bởi nữ ca sĩ trẻ Kim Ok-ju, người vừa giành được danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” khi mới trong độ tuổi 30. Việc quảng bá các ca sĩ trẻ trong nước và phát hành các bài hát về lòng trung thành cho thấy Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh chính sách kiểm soát ý thức hệ và tăng cường đoàn kết nội bộ trong bối cảnh làn sóng văn hóa Hàn Quốc ngày càng được quan tâm tại miền Bắc.


Tại Bắc Triều Tiên, âm nhạc đóng một vai trò vô cùng đặc biệt và quan trọng là truyền tải thông điệp chính trị đến người dân, quảng bá các giá trị xã hội và chế độ, và cũng là phương tiện giáo dục tư tưởng.


Ở Bắc Triều Tiên, âm nhạc là một công cụ chính trị nên còn được gọi là “nền chính trị âm nhạc”. Tại một đất nước nơi văn hóa và nghệ thuật được sử dụng như một công cụ tuyên truyền và kích động như miền Bắc, các bài hát đã trở thành phương tiện truyền tải thông điệp chính trị đến người dân một cách thân thiện và cảm xúc. Ngoài các tư tưởng và khuynh hướng chính trị của đảng, âm nhạc còn được sử dụng để cổ vũ người lao động tại các trang trại và nhà máy để tăng gia sản xuất. Thay vì các bài học và lớp giáo dục tư tưởng khô khan, các bài hát và điệu múa được sử dụng để giáo dục người dân một cách tự nhiên nhưng lại mang tính hiệu quả cao hơn.


Thuật ngữ “nền chính trị âm nhạc” lần đầu tiên được Bắc Triều Tiên đề cập đến là tại một hội thảo của Bộ Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 25/4/2000, dưới thời cố Chủ tịch Kim. Đặc biệt, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “nền chính trị âm nhạc” khi khẳng định âm nhạc đôi khi đã thay thế hàng nghìn hàng vạn khẩu súng và hàng trăm hàng nghìn tấn lương thực.


Cố Chủ tịch Kim Jong-il quan tâm sâu sắc đến văn hóa nghệ thuật và rất nỗ lực phổ biến lĩnh vực này theo cách riêng của Bắc Triều Tiên. Dưới thời ông Kim Jong-il, các bài hát có lời ca được sử dụng rộng rãi để quảng bá cho “nền chính trị ưu tiên quân sự” hơn là các buổi biểu diễn, nên còn có tên gọi là “nền chính trị bài hát”. Ngoài ra, nhiều đoàn nghệ thuật mang hơi hướng chính trị như Pochonbo, Wangjaesan và Samjiyon cũng được thành lập, mở ra khởi đầu cho "nền chính trị ban nhạc". Các đoàn nghệ thuật này có nhiệm vụ học hỏi những nét thú vị trong các bài hát nhạc pop và rock của phương Tây, ngăn chặn sự xâm nhập của âm nhạc phương Tây. Các hình thức âm nhạc mới có vai trò tạo sự mới mẻ, cung cấp phương tiện giải trí và giáo dục tư tưởng cho người dân, đặc biệt là thanh niên.


So với người tiền nhiệm, Chủ tịch Kim Jong-un cũng tích cực sử dụng âm nhạc cho các mục đích chính trị kể từ khi lên nắm quyền nhưng với phương thức độc đáo hơn cả về hình thức lẫn nội dung. Khác với phong cách chú trọng lời bài hát và trang phục truyền thống thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, âm nhạc thời ông Kim Jong-un đã thoát ra khỏi khuôn mẫu cũ và mang đến sự đổi mới táo bạo thông qua ban nhạc nữ Moranbong.


Ban nhạc Moranbong được chính Chủ tịch Kim Jong-un thành lập vào năm 2012 ngay sau khi lên nắm quyền. Ban nhạc nữ này gồm 7 ca sĩ và 10 nghệ sĩ, có thể chơi các nhạc cụ hiện đại như đàn organ, guitar điện và violin. Ra mắt tại Nhà hát nghệ thuật Mansudae (Bình Nhưỡng) vào ngày 6/7/2012, ban nhạc Moranbong đã có buổi biểu diễn độc đáo, với các bài nhạc phim Hollywood được tái hiện dưới ánh đèn màu sặc sỡ bởi các ca sĩ mặc váy ngắn chứ không phải trang phục truyền thống Hanbok. Áp dụng các xu hướng âm nhạc phương Tây và phát nhiều video chứa đựng những thông điệp khác nhau trên sân khấu biểu diễn cũng là cách để miền Bắc củng cố tư tưởng chính trị cho người dân. Ban nhạc Moranbong đôi khi cũng mặc quân phục khi biểu diễn tại các sự kiện quan trọng, nhằm quảng bá các thành tựu và thông điệp chính trị của ông Kim Jong-un theo cách hiện đại. Đây cũng chính là công cụ tiếp nối cho “nền chính trị âm nhạc” và “nền chính trị ban nhạc” của Bình Nhưỡng.


Tuy nhiên, ban nhạc Moranbong, vốn là biểu tượng và đại diện cho văn hóa miền Bắc thời Chủ tịch Kim Jong-un, đã hơn một năm vắng bóng trên các sân khấu chính thức. Thay vào đó, Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ được cho là đang ở thời hoàng kim và đảm nhiệm hầu hết các buổi biểu diễn có sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim trong năm nay.


Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ xuất hiện tại các sự kiện chính trị lớn của Bắc Triều Tiên từ khi ra mắt tại buổi biểu diễn mừng Tết Nguyên đán vào ngày 25/1/2020. Đây là một dàn nhạc quy mô lớn bao gồm các nhạc trưởng, nghệ sĩ và ca sĩ hàng đầu miền Bắc. Sân khấu chính thức cuối cùng của ban nhạc Moranbong và sân khấu đầu tiên của Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ có sự tương đồng về thời gian, cũng là thời điểm Bắc Triều Tiên đang lên kế hoạch đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế bằng chính sách tự lực cánh sinh và nhấn mạnh đoàn kết nội bộ. Tôi nghĩ ban nhạc Moranbong đã được thay thế bằng dàn nhạc quy mô lớn có thể trình diễn trên một sân khấu hoành tráng hơn, hoặc Bình Nhưỡng đã quyết định loại bỏ các yếu tố văn hóa phi xã hội chủ nghĩa và ngừng tiếp nhận văn hóa phương Tây.


Ở Bắc Triều Tiên nơi mọi thứ người dân nhìn thấy và nghe thấy đều liên quan đến chính trị, thì âm nhạc là công cụ chính để tuyên truyền về chế độ và kiểm soát tư tưởng đối với người dân. Vì lý do này, các hình thức biểu diễn và tụ tập hát hò vẫn tiếp tục diễn ra trong nước, bất chấp lệnh phong tỏa biên giới vì đại dịch COVID-19. Theo đó, “nền chính trị âm nhạc” với vai trò hòa hoãn mâu thuẫn nội bộ và kích thích lòng trung thành dự kiến sẽ được tiếp tục trong một thời gian tới.

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên giờ đây khó có thể vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ bằng “nền chính trị âm nhạc” đề cao lòng trung thành. Thay vào đó, Bình Nhưỡng cần có những biện pháp thiết thực và hiệu quả hơn để vượt qua giai đoạn cam go này.

Lựa chọn của ban biên tập