Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa của Thế vận hội đối với Bắc Triều Tiên

2021-07-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Sau một năm bị hoãn do COVID-19, Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 cuối cùng cũng khai mạc vào ngày 23/7 vừa qua. Trước đó, Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ không tham gia Olympic để bảo vệ sức khỏe của các vận động viên khỏi dịch bệnh, khép lại cơ hội mở ra cánh cửa đối thoại liên Triều nhân dịp này. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của Thế vận hội đối với miền Bắc cùng tiến sĩ Heo Jeong-pil đến từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên học thuộc Đại học Dongguk.

 

Lịch sử tham gia Thế vận hội của Bắc Triều Tiên

Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Ủy ban chỉ đạo thể thao Bắc Triều Tiên cũng được thành lập với hy vọng có thể trở thành thành viên của IOC, nhưng không được chấp nhận do IOC chỉ cho phép mỗi quốc gia chỉ có một Ủy ban Olympic. Tuy nhiên, sau khi Đông Đức và Tây Đức kết hợp thành một đội tham gia Thế vận hội và được phép gia nhập IOC, miền Bắc đã có thể tham gia IOC vào năm 1963 với điều kiện lập đoàn thể thao liên Triều cùng với Hàn Quốc. Nhưng đoàn thể thao chung này đã không được lập do các cuộc đàm phán giữa hai miền Nam-Bắc không đạt được kết quả, và một phần cũng bởi mục đích chính trị của Bắc Triều Tiên.

Sau khi gia nhập Ủy ban Olympic quốc tế năm 1963, Bắc Triều Tiên lần đầu tiên tham gia thi đấu tại Thế vận hội với tên gọi chính thức là nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên vào mùa hè 1972 tại thành phố Munich (Đức). Xếp hạng 22 chung cuộc tại Olympic Munich khi đó, miền Bắc đã thành công quảng bá tên tuổi trên trường quốc tế và ca ngợi thành tích thể thao trong nước. Tại các kỳ Thế vận hội tiếp theo, Bắc Triều Tiên đã đạt được các thành tích như thứ hạng 16 chung cuộc tại Thế vận hội Barcelona 1992, thứ hạng 33 tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và thứ hạng 20 tại Thế vận hội London 2012.

 

Các môn thể thao thế mạnh của Bắc Triều Tiên

Các môn thể thao thế mạnh của Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội là quyền anh, đấu vật, cử tạ, bắn súng, bóng bàn, Judo và thể dục dụng cụ. Vận động viên Om Yun-chol của miền Bắc hiện đang nắm giữ kỷ lục thế giới ở môn cử tạ. Ngoài ra, nữ vận động viên Judo Kye Sun-hui đã giành được huy chương vàng trước đối thủ đáng gờm đến từ Nhật Bản tại Thế vận hội Atlanta 1996 khi mới 17 tuổi. Miền Bắc có thế mạnh về đấu vật và Judo nhờ các hoạt động giao lưu thể thao với các quốc gia gần về mặt địa lý, nhưng lại không nổi trội trong lĩnh vực 5 môn phối hợp, bơi lội và điền kinh do hạn chế về thể chất. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng đạt được một vài thành tích như huy chương bạc nội dung trượt băng tốc độ 3.000m nữ tại Olympic mùa đông 1964 và huy chương đồng nội dung trượt băng tốc độ đường ngắn nữ tại Olympic mùa đông 1992.

 

Công tác đào tạo vận động viên của Bắc Triều Tiên

Những người có năng khiếu thể thao sẽ được hỗ trợ tối đa để trở thành những vận động viên xuất sắc. Huấn luyện viên phụ trách công tác đào tạo sẽ theo dõi các giải thể thao địa phương để tuyển chọn những vận động viên có triển vọng và chuyển lên các cơ sở thể thao của quận, thành phố, Bộ Thể thao và đảng Lao động. Những vận động viên bơi lội và thể dục dụng cụ được huấn luyện từ lúc nhỏ. Trong khi đó, các cầu thủ bóng đá và bóng chuyền được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia từ các học viện thể thao, đại học và đoàn thể thao. Qua các cuộc thi thể thao lớn, Bắc Triều Tiên lựa chọn các vận động viên tài năng cho đội tuyển quốc gia để đào tạo tại các cơ sở chuyên biệt.

 

Các hoạt động giao lưu thể thao của hai miền Nam-Bắc

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao song phương từ những năm 1960 nhưng không đạt được kết quả nào đáng kể về mặt chính trị. Tuy nhiên, bầu không khí ngoại giao đã thay đổi khi lần đầu tiên sau 45 năm kể từ khi chia cắt, hai trận bóng đá giao hữu liên Triều được tổ chức năm 1990 ở Bình Nhưỡng và Seoul. Sau một thời gian các hoạt động giao lưu thể thao giữa hai miền Nam-Bắc tạm thời bị đình trệ, đoàn vận động viên của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên lại cùng nhau tiến vào lễ đài trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa hè Sydney 2000. Cảnh tượng cảm động khi các vận động viên liên Triều rơm rớm nước mắt cùng sánh bước bên nhau dưới lá cờ in hình bán đảo Hàn Quốc màu xanh và nền nhạc bài dân ca “Arirang” đã gây ấn tượng với người dân toàn thế giới. Các hoạt động giao lưu và hợp tác thể thao giữa hai miền Nam-Bắc đã tiếp tục diễn ra tại các cuộc thi quốc tế được tổ chức tại Hàn Quốc, như Á vận hội Busan 2002 và Đại hội thể thao sinh viên thế giới Daegu 2003. Ngoài cùng sánh vai tại lễ khai mạc, hai miền Nam-Bắc còn thành lập đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ hợp nhất và cùng nhau tiến vào lễ đài trong lễ khai mạc và bế mạc tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Ngoài ra, tại Đại hội thể thao châu Á Incheon 2014, cùng là kỳ đại hội Bắc Triều Tiên đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng huy chương, một phái đoàn cấp cao của miền Bắc đã tham dự lễ bế mạc sự kiện bất chấp quan hệ liên Triều căng thẳng vào thời điểm đó, cho thấy thể thao có thể thay đổi quan hệ xuyên biên giới.

Tháng 2/2019, Bộ trưởng Thể thao và Ủy ban Olympic của hai miền Nam-Bắc đã nhóm họp với IOC tại Lausanne (Thụy Sĩ), nhất trí thành lập đoàn thể thao chung tham gia Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 ở các môn bóng rổ nữ, khúc côn cầu nữ, Judo và chèo thuyền. Dù kế hoạch cuối cùng sụp đổ, song thỏa thuận này một lần nữa cho thấy các hoạt động giao lưu thể thao có thể tạo động lực quan trọng cho hợp tác liên Triều. Do đó, việc tạo cơ hội để hai miền có thể giao lưu thể thao bất chấp xung đột chính trị là hết sức cần thiết.

Lựa chọn của ban biên tập