Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tổ chức Đại hội cựu chiến binh toàn quốc

2021-08-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Nhân dịp 68 năm ký kết Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bắc Triều Tiên tổ chức Đại hội cựu chiến binh toàn quốc lần thứ 7 trước Tháp kỷ niệm chiến thắng cuộc chiến giải phóng Tổ quốc ở Bình Nhưỡng vào ngày 27/7. Trước khi tham dự Đại hội, lúc 0 giờ đêm cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã đến dâng hương bày tỏ lòng thành kính trước mộ các liệt sĩ. Một ngày sau đó, Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động, đã đăng một bức ảnh cho thấy Đại hội cựu chiến binh lần này được diễn ra vào lúc nửa đêm. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết lý do Bắc Triều Tiên tổ chức sự kiện quy mô lớn này bất chấp những khó khăn trong và ngoài nước như thiếu lương thực và các lệnh trừng phạt quốc tế.

 

Trên thực tế, hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để Bình Nhưỡng tổ chức Đại hội cựu chiến binh toàn quốc. Trước đó, Bắc Triều Tiên đã tổ chức đại hội cho ba trong 4 tổ chức lớn ngoài đảng Lao động là Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ và Tổng liên đoàn lao động nghề nghiệp, nhưng phải hoãn Đại hội Liên minh nông dân dự kiến vào tháng 7. Bất chấp tình hình mà chính Chủ tịch Kim Jong-un gọi là thời kỳ khó khăn hơn “cuộc hành quân gian khổ” do khủng hoảng kinh tế, vấn nạn thiếu lương thực và đại dịch COVID-19, miền Bắc vẫn tổ chức Đại hội cựu chiến binh toàn quốc quy mô lớn. Điều này cho thấy Bắc Triều Tiên muốn vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại từ kinh nghiệm và di sản lịch sử của chiến tranh Triều Tiên, vốn là cuộc chiến mà nước này tuyên bố toàn thắng và được coi là kỷ nguyên vĩ đại của miền Bắc.

 

Ngày 27/7/1953, ngày ký Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên, được miền Bắc kỷ niệm như một dịp lễ hội, vì nước này tuyên bố đã giành được chiến thắng trong chiến tranh. Bình Nhưỡng thậm chí còn chỉ định ngày 27/7 hàng năm là "Ngày chiến thắng cuộc chiến giải phóng Tổ quốc" vào năm 1973 và công nhận đây là ngày lễ quốc gia vào năm 1996.

 

Bắc Triều Tiên xuyên tạc rằng chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xâm lược miền Bắc và nước này đã chiến đấu giải phóng Tổ quốc. Chiến tranh Triều Tiên tuy là một thảm kịch của dân tộc nhưng lại góp phần củng cố quyền lực độc nhất của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành khi làm sụp đổ các phe phái chính trị khác ở miền Bắc như quân Liên Xô, đảng Lao động Nam Triều Tiên của ông Park Heon-young, hay những người cộng sản theo chủ nghĩa dân tộc. Vì vậy, Bình Nhưỡng gọi ngày ký Hiệp định đình chiến là Lễ chiến thắng chiến tranh và thậm chí còn xuyên tạc lịch sử để đảm bảo tính chính thống của chế độ.

 

Bắc Triều Tiên tổ chức Đại hội cựu chiến binh toàn quốc lần đầu tiên vào năm 1993, đánh dấu kỷ niệm 40 năm Hiệp định đình chiến và lần thứ hai vào năm 2012, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền. Sau đó, sự kiện này đã được tổ chức vào các năm 2013, 2015, 2018, 2020 và năm nay. Các nhà phân tích cho rằng ngay từ những năm đầu cầm quyền, ông Kim đã tích cực tận dụng các cựu chiến binh cho mục đích chính trị là kế thừa tinh thần đấu tranh và thắt chặt đoàn kết nội bộ.

 

Vì Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền khi mới giữa độ tuổi 20, quyền lực chính trị, tính chính danh và chính thống của ông Kim vẫn còn chưa vững chắc. Do đó, ông Kim Jong-un đã có các động thái thể hiện sự kính trọng với các cựu chiến binh, như công nhận cố liệt sĩ Hwang Sun-hui là nhân vật chủ chốt trong hàng ngũ du kích chống Nhật cùng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, hay ôm và nhường xe riêng cho vợ của cố Tư lệnh Ryu Kyong-su tại Đại hội cựu chiến binh, thậm chí còn đến viếng lễ tang của bà cùng Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju. Thể hiện sự kính trọng với thế hệ cựu chiến binh, đặc biệt là thế hệ du kích chống Nhật, Chủ tịch Kim Jong-un có ý định xây dựng một mối liên kết giữa bản thân và lịch sử khi nhấn mạnh về di sản của tầng lớp du kích và xuyên tạc về chiến thắng của chiến tranh Triều Tiên.

 

Ngày 09/8, Báo Lao động có bài viết về đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt kéo dài và thiệt hại do lũ lụt, đồng thời ví ba thách thức này giống như một cuộc chiến tranh và nhấn mạnh Bắc Triều Tiên đang ở trong tình thế khó khăn. Đây cũng là điều mà Chủ tịch Kim Jong-un thừa nhận trước các cựu chiến binh tại Đại hội cựu chiến binh toàn quốc vừa qua.

 

Trái ngược với cam kết khi lên nắm quyền rằng đất nước sẽ không phải thắt lưng buộc bụng nữa, Chủ tịch Kim Jong-un đã chính miệng đề cập đến tình trạng thiếu lương thực và quyết tâm thực hiện một “cuộc hành quân gian khổ” khó khăn hơn trong Hội nghị Bí thư chi bộ đảng vào tháng 4 vừa qua. Bắc Triều Tiên đang phải lâm vào tình trạng tồi tệ nhất trong 10 năm cầm quyền của ông Kim và lịch sử toàn chế độ với những thách thức do các lệnh trừng phạt quốc tế, đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19 và thiệt hại do nắng nóng, hạn hán, lũ lụt. Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ban hành lệnh phát gạo quân đội cho người dân tại Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 6 vừa qua, giá lương thực ở một số vùng biên giới vẫn cao hơn bình thường 30-40%. Bất chấp sự can thiệp của Nhà nước, tình hình lương thực vẫn không được cải thiện.

 

Khác với Đại hội cựu chiến binh năm ngoái, lần này ông Kim Jong-un nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh quân sự trong bối cảnh tình hình chính trị thay đổi nhưng lại không đề cập đến cụm từ "khả năng kiềm chế hạt nhân".

 

Bắc Triều Tiên không có khả năng tạo ra nguy cơ về ngoại giao trong thời điểm hiện tại. Vì không thể dỡ bỏ các lệnh phong tỏa biên giới do tình hình COVID-19 ở Trung Quốc, miền Bắc đang gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề trong nước, đồng nghĩa với việc nước này cần cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ. Trước mắt, Bình Nhưỡng có thể sẽ phản đối các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ; nhưng về lâu dài, miền Bắc vẫn cần một bước đột phá trong mối quan hệ với hai nước này. Vì vậy, tình hình trên bán đảo Hàn Quốc hiện tại có thể đang phủ sương mù, nhưng tương lai sẽ có khả năng trở nên xán lạn. Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng tuyệt đối trong quá trình này. Mỹ tuy ủng hộ đối thoại nhưng lại không có ý định thực hiện các yêu cầu của Bắc Triều Tiên, như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, miền Bắc muốn biết được những lợi ích mà nước này sẽ nhận được, kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ thể hiện sự chân thành bằng cách ngừng các cuộc tập trận quân sự chung. Nhiệm vụ của Seoul là xoa dịu sự bất mãn của Bình Nhưỡng và dàn xếp các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Thuyết phục cả miền Bắc và Mỹ là một việc rất khó khăn, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập