Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tầng lớp giàu có mới nổi tại Bắc Triều Tiên

2021-08-19

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ở Bắc Triều Tiên, “donju” chỉ những người có nhiều tiền, hay còn gọi là tầng lớp giàu có mới nổi. “Donju” cũng là thuật ngữ mà người Hàn Quốc cũng phần nào quen thuộc vì đây là tầng lớp có ảnh hưởng ngày càng lớn và thậm chí có thể lay chuyển nền kinh tế miền Bắc. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các donju Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu cấp cao Kim Young-hui đến từ Trung tâm kinh tế mới bán đảo Hàn Quốc thuộc Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB).

 

Tiêu chuẩn trở thành donju tại Bắc Triều Tiên

Do mỗi khu vực có một mức sống khác nhau, tiêu chuẩn trở thành donju cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn, những người ở thủ đô Bình Nhưỡng sở hữu tài sản 100.000 USD hay 1 triệu USD thì mới được gọi là donju. Tuy nhiên, ở một số địa phương, như vùng Hyesan ở tỉnh Yanggang, để trở thành donju chỉ cần 40 triệu won Bắc Triều Tiên (5.000 USD), một số tiền khá lớn so với mức lương bình quân 3.000 won Bắc Triều Tiên (3,33 USD)/tháng tại miền Bắc. Theo đó, có thể kết luận quy mô của các donju nhỏ dần từ thành phố về địa phương.

 

Nguồn gốc của tầng lớp donju tại Bắc Triều Tiên

Ban đầu, donju là từ để chỉ nhóm người di cư từ Nhật Bản sang Bắc Triều Tiên vào những năm 1960 và trở nên giàu có nhờ nhận tiền mà người thân chuyển về từ Nhật Bản. Sau những năm 1970, các Hoa kiều và những người có thân thích ở Mỹ cũng được coi là donju nhờ cách làm giàu tương tự. Sau khi Trung Quốc cải cách và mở cửa vào năm 1978, tại miền Bắc xuất hiện tầng lớp donju “di động”, là các thương gia chuyên buôn bán làm ăn với Trung Quốc. Sau đó vào những năm 1980, Bắc Triều Tiên bắt đầu cho phép các cửa hàng ngoại tệ hoạt động, làm phát sinh nhu cầu sử dụng USD. Nghề buôn bán USD bất hợp pháp ra đời, tạo nên tầng lớp donju giàu có nhờ tiền tự kiếm chứ không phải tiền từ nước ngoài gửi về.

Tầng lớp giàu có mới nổi donju chính thức xuất hiện vào những năm 1990, khi Bắc Triều Tiên phải trải qua thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” do hệ thống bao cấp sụp đổ và các cửa hàng quốc doanh phải đóng cửa. Gặp khủng hoảng vì thiếu lương thực, người dân miền Bắc tụ họp lại để mua bán các nhu yếu phẩm hàng ngày, tạo nên thị trường chợ tư nhân, dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp donju. Ngoài ra, donju còn gồm những người kiếm nhiều tiền nhờ buôn lậu và quan chức nhận hối lộ. Do đó, kể từ sau những năm 1990, donju được chia làm hai loại gồm người giàu mới nổi nhờ kinh doanh và người giàu có nhờ thu nhập không qua lao động.

 

Phạm vi hoạt động của tầng lớp donju tại Bắc Triều Tiên

Có thông tin cho rằng các donju đang tích lũy nhiều tài sản hơn bằng cách dùng năng lực tài chính khổng lồ hiện có để đầu tư vào hoạt động cho vay nặng lãi và hiệu cầm đồ. Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thiếu hụt các công ty tài chính, những người có tiền đang đào sâu vào lỗ hổng này và đóng vai trò cung cấp nguồn tài chính tư nhân. Các nguồn tài chính tư nhân này đã thay thế vai trò của ngân hàng tại Bắc Triều Tiên với các dịch vụ không chỉ cho vay mà còn cả tiền gửi, đầu tư và thanh toán các giao dịch cá nhân.

Phạm vi hoạt động của donju tại thị trường chợ tư nhân đang được mở rộng bằng cách mượn danh nghĩa của các công ty Nhà nước hoặc thuê các tòa nhà thuộc sở hữu Nhà nước để kinh doanh riêng. Bên cạnh đó, các donju cũng mượn danh các công ty quốc doanh để tham gia đầu tư vào các dự án như phố Yomyong và đường nhà khoa học tương lai mà Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong Un chủ trương. Tại thị trường nhà đất, các donju cung cấp vốn và vật liệu, để đổi lại có được quyền sử dụng nhà ở, sau đó bán chúng cho những người dân bình thường và thu về lợi nhuận khổng lồ.

 

Đóng góp của donju cho nền kinh tế Bắc Triều Tiên

Các donju đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia nhờ đầu tư, như đầu tư xây dựng chung cư hoặc đầu tư doanh nghiệp, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, các ngành công nghiệp khác và tương lai là cả ngành tài chính. Có thể nói các donju đang đóng vai trò tài chính trong bối cảnh tình hình tài chính của Bắc Triều Tiên đang suy yếu.

Tại một quốc gia với nền kinh tế kế hoạch như Bắc Triều Tiên, tầng lớp giàu có mới nổi mang tên donju xuất hiện và phát triển đến mức có thể kiểm soát nền tảng nền kinh tế và nắm giữ quyền lực kinh tế quan trọng ở miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập