Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa chuyến thăm Hàn Quốc của Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ

2021-08-26

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim đã có chuyến công du Hàn Quốc trong 4 ngày bắt đầu từ ngày 21/8, hai tháng sau chuyến thăm hồi tháng 6 vừa qua. Đặc phái viên Sung Kim cho biết chuyến công du lần này thể hiện lập trường nhất quán của Washington trong việc duy trì hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Seoul trong tất cả các vấn đề liên quan đến Bình Nhưỡng. Trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS), ông Sung Kim đã dùng cụm từ “bạn bè” khi nói về miền Bắc, đồng thời nhấn mạnh nước này không cần lo lắng về các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ bởi Mỹ không có ý đồ thù địch với Bắc Triều Tiên.

Ngày 23/8, Đặc phái viên Sung Kim đã có buổi hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk, thảo luận về các phương án hợp tác nhằm đạt được tiến triển thực chất trong việc phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ cho chúng ta biết thêm về thông điệp gửi đến miền Bắc trong cuộc hội đàm lần này.

 

Ngay sau cuộc hội đàm, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Noh Kyu-duk giải thích Seoul và Washington nhất trí sẽ quản lý ổn định tình hình, theo dõi chặt chẽ việc khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều và cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ, đồng thời nỗ lực sớm nối lại đối thoại với miền Bắc. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên trong các lĩnh vực y tế, phòng chống bệnh truyền nhiễm, nước uống và vệ sinh thông qua các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, cho thấy cả Seoul và Washington đều muốn tạo động lực để đối thoại với Bình Nhưỡng thông qua hỗ trợ nhân đạo. Về cơ bản, Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giải quyết tất cả vấn đề thông qua đối thoại, kêu gọi miền Bắc không thực hiện các hành động khiêu khích vì các cuộc diễn tập quân sự Hàn-Mỹ chỉ mang tính chất phòng thủ.

 

Cùng thời điểm Đặc phái viên Sung Kim thăm Hàn Quốc, Thứ trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov cũng đã đến Seoul. Trong cuộc gặp giữa Đặc phái viên hạt nhân Hàn-Nga vào sáng ngày 24/8, hai bên đã trao đổi quan điểm về ngoại giao khu vực nói chung và phương án hợp tác để phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc nói riêng. Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Đặc phái viên hạt nhân Hàn-Nga kể từ tháng 11/2019. Bên cạnh đó, việc các Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ và Nga đến thăm Hàn Quốc cùng lúc cũng là một sự kiện hiếm thấy.

 

Mặc dù thăm Seoul cùng một thời điểm, hai Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ và Nga đã không tổ chức một cuộc họp ba bên với Hàn Quốc, cho thấy mục đích của hai chuyến công du là khác nhau. Tôi cho rằng mục đích của Matxcơva là muốn nắm bắt tình hình trước khi đối thoại Mỹ-Triều được nối lại. Tương tự Trung Quốc, Nga gần đây cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nối lại đàm phán hạt nhân 6 bên, nên đây có thể là quá trình chuẩn bị trước cho đối thoại đa phương. Được biết đàm phán ba bên Hàn-Mỹ-Nga không được thực hiện do Nga từ chối, cho thấy nước này không muốn gây áp lực lên Bắc Triều Tiên bằng các động thái ủng hộ liên minh Hàn-Mỹ.

 

Trong một diễn biến khác, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã đến thăm công trường xây dựng chung cư bậc thang dọc theo sông Pothong ở Bình Nhưỡng vào ngày 21/8, 20 ngày kể từ khi ông Kim tham dự và chụp ảnh tại Đại hội cựu chiến binh toàn quốc. Trước đó, nhiều ý kiến dự đoán Bình Nhưỡng sẽ thực hiện các hành động khiêu khích trong thời gian ông Sung Kim thăm Hàn Quốc, tương tự như Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un, gần đây đã đưa ra các phát ngôn gay gắt chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ.

 

Trái ngược với vai phản diện của bà Kim Yo-jong, Chủ tịch Kim Jong-un đang thực hiện quá trình “thần tượng hóa” bản thân khi xây dựng hình tượng một nhà lãnh đạo thân thiện bằng cách đến thăm các khu vực kinh tế và an ủi người dân địa phương đang gặp khó khăn. Ngoài mục đích này, động thái đến thăm công trường xây dựng nhà ở gần đây của ông Kim cũng nhằm gửi một thông điệp tới quốc tế rằng Bình Nhưỡng đang tập trung vào các vấn đề đối nội thay vì thực hiện khiêu khích hạt nhân hoặc tên lửa trong quá trình Hàn Quốc và Mỹ diễn tập quân sự chung, cho thấy nước này cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đối thoại.

 

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên "Miền Tây - Liên hợp 2021" từ ngày 9-13/8 với sự tham gia của hơn 10.000 binh lính cùng nhiều máy bay quân sự, pháo và xe tăng. Mặc dù Bắc Kinh giải thích mục đích của các cuộc tập trận là để bảo vệ an ninh khu vực và ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa khủng bố, song việc nước này và Nga tổ chức tập trận trùng thời điểm với cuộc tập trận quân sự Hàn-Mỹ đã thu hút sự chú ý.

 

Trước tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang tại khu vực eo biển Đài Loan, Bắc Kinh đang muốn thể hiện khả năng quân sự bằng cách lôi kéo Matxcơva. Đáng chú ý, Trung Quốc và Nga đã thành lập các đơn vị hỗn hợp Trung-Nga dưới sự quản lý của một ban chỉ huy chung trong lần tập trận này, một phương thức tương tự với các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Có thể dự đoán Bắc Kinh và Matxcơva đang có kế hoạch thành lập một liên minh tương tự như liên minh quân sự Hàn-Mỹ-Nhật trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều đang lôi kéo đồng minh để tạo liên minh quân sự nhằm phô trương sức mạnh.

 

Hiện tại, Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên tham gia đối thoại vô điều kiện, trong khi miền Bắc kiên định với quan điểm Washington phải giảm bớt các biện pháp trừng phạt và từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh hai bên đối đầu gay gắt và tình thế đang lâm vào bế tắc, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm chuyến thăm Seoul vừa qua của Đặc phái viên hạt nhân Mỹ Sung Kim sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngoại giao khu vực.

 

Nhiều chuyên gia dự đoán đối thoại Mỹ-Triều sẽ sớm được nối lại nhưng với điều kiện tiên quyết là Bắc Triều Tiên phải đồng ý với các chính sách hòa giải mà Hàn Quốc và Mỹ đang chuẩn bị. Nếu Bình Nhưỡng có phản ứng tiêu cực với đề nghị viện trợ nhân đạo được thảo luận trong cuộc họp của Đặc phái viên hạt nhân Hàn-Mỹ vừa qua, đối thoại Mỹ-Triều có thể tiếp tục bị trì hoãn. Đứng trên lập trường của Chủ tịch Kim Jong-un, miền Bắc cần giành được thế chủ động ngay từ khi bắt đầu đàm phán. Vì vậy, Bắc Triều Tiên chắc hẳn đang đắn đo xem có thể đưa ra chiêu bài gì ngoài các hành động khiêu khích. Tương tự, Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị giải pháp theo giai đoạn cho vấn đề hạt nhân và viện trợ nhân đạo có vẻ sẽ trở thành quân bài đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, trong khi Hàn Quốc mong muốn viện trợ số lượng lớn và giảm các lệnh trừng phạt cho miền Bắc, Mỹ lại không đồng ý nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Nếu không thể tìm ra động lực để xoay chuyển tình trạng bế tắc giữa Bình Nhưỡng và Washington, Seoul sẽ gặp phải thách thức lớn với vai trò trung gian.

 

Để giúp quan hệ Mỹ-Triều thoát khỏi bế tắc và có bước tiến tích cực, Chính phủ Hàn Quốc cần đóng vai trò vô cùng quan trọng, như đưa ra các chiến lược đa dạng nhằm thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều và lôi kéo sự hợp tác từ các nước liên quan.

Lựa chọn của ban biên tập