Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên có dấu hiệu tái kích hoạt cơ sở hạt nhân Yongbyun

2021-09-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 27/8 công bố báo cáo thường niên cho biết Bắc Triều Tiên có dấu hiệu khởi động lò phản ứng công suất 5 MW và cơ sở tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng bên trong cơ sở hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan). Theo đó, lò phản ứng hạt nhân tại đây có thể đã hoạt động trở lại sau hơn hai năm rưỡi tạm dừng. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự kiện này cùng nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Cơ sở hạt nhân Yongbyun là một tổ hợp phức tạp với các cơ sở làm giàu uranium, lò phản ứng 5MW, cơ sở tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng và chiết xuất tritium. Theo báo cáo mới nhất của IAEA, Bắc Triều Tiên có dấu hiệu khởi động lại quá trình tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng tại cơ sở này từ tháng 2 đến đầu tháng 7 năm nay, cho thấy nước này có khả năng đã kích hoạt các lò phản ứng hạt nhân để chiết xuất plutonium từ tháng 7 vừa qua.

 

Bắc Triều Tiên xây dựng cơ sở hạt nhân ở Yongbyun vào những năm 1960 và đưa cơ sở trọng tâm là lò phản ứng công suất 5 MW vào hoạt động chính thức vào năm 1986. Việc dỡ bỏ các cơ sở ở Yongbyun được coi là một trong những biện pháp phi hạt nhân hóa quan trọng kể từ khi vấn đề hạt nhân miền Bắc nổ ra. Bình Nhưỡng đã cho đóng băng lò phản ứng 5 MW sau khi ký kết Thỏa thuận hạt nhân với Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ vào năm 1994. Đến năm 2007, miền Bắc cam kết đóng cửa lò phản ứng này căn cứ theo thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của nước này, và thậm chí đã cho nổ tung tháp làm lạnh của lò phản ứng vào năm 2008. Sau đó, Bắc Triều Tiên liên tục khởi động và đình chỉ cơ sở hạt nhân Yongbyun cho tới khi vấn đề này được đưa lên bàn đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội năm 2019.

 

Cơ sở hạt nhân Yongbyun có khả năng sản xuất ba nguyên liệu hạt nhân quan trọng là uranium, plutonium và tritium được làm giàu cao. Chính vì vậy, đây là cơ sở cần phải bị loại bỏ đầu tiên. Từ tháng 12/2018 cho đến đầu tháng 7/2021, lò phản ứng ở Yongbyun không có dấu hiệu hoạt động, cho thấy ý định của miền Bắc trong việc dùng cơ sở này làm điều kiện để tiếp tục đàm phán hạt nhân với Mỹ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã đề nghị đình chỉ cơ sở hạt nhân Yongbyun để đổi lại được Mỹ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn miền Bắc dỡ bỏ đồng thời khu phức hợp Yongbyun cùng các cơ sở làm giàu uranium khác. Chính sự khác biệt về quan điểm này đã khiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội không đạt được kết quả.

 

Bắc Triều Tiên ngừng hoạt động cơ sở hạt nhân Yongbyun dưới thời cự Tổng thống Trump nhưng lại có động thái tái khởi động cơ sở này khi Chính phủ Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Các chuyên gia cho rằng lý do miền Bắc vẫn kích hoạt lại khu phức hợp Yongbyun dù biết rõ cộng đồng quốc tế đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của cơ sở này qua vệ tinh là nhằm gây sức ép với Mỹ khi Washington không có động thái gì về việc nối lại đối thoại dù từng khẳng định mong muốn đàm phán vô điều kiện.

Trong một diễn biến khác, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã có cuộc hội đàm với Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim tại Washington (Mỹ) vào đầu tuần này, một tuần sau khi hai bên gặp gỡ và thảo luận về việc viện trợ nhân đạo cho miền Bắc tại Seoul vào ngày 23/8. Trong cuộc gặp mới nhất, quan chức hạt nhân Hàn-Mỹ đã một lần nữa đề cập đến vấn đề viện trợ nhân đạo và cho biết sẽ chờ phản hồi của Bình Nhưỡng. Hai bên cũng tái khẳng định nền tảng chính sách đối với miền Bắc của Mỹ là giải quyết các vấn đề liên quan bằng giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại. Trong khi đó, liên quan đến báo cáo của IAEA gần đây, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của đối thoại và ngoại giao vì mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc.

 

Trong khi Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước, Mỹ lại chỉ cam kết thực hiện việc này khi các cuộc đàm phán đạt được kết quả. Trước tình hình này, Washington và Seoul đã đưa ra đề nghị cung cấp viện trợ nhân đạo cho miền Bắc, một động thái chưa đủ để xoa dịu Bình Nhưỡng. Sau khi rút quân đội khỏi Afghanistan, Mỹ hiện có thể tập trung nhiều hơn vào các vấn đề ngoại giao khác để làm gia tăng ảnh hưởng ngoại giao của mình, đồng thời lấy lại uy tín đã bị tổn hại vì vấn đề Afghanistan bằng cách phá vỡ bế tắc trong vấn đề hạt nhân với miền Bắc.

 

Trong một phát ngôn về báo cáo của IAEA ngày 30/8 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định Trung Quốc hy vọng các nước liên quan sẽ tìm ra một giải pháp hiệu quả và cân bằng lợi ích trên nguyên tắc đồng thời và theo từng giai đoạn để hướng tới cách tiếp cận song song nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc trong hòa bình.

 

Trung Quốc luôn nhất quán trong việc ủng hộ cách tiếp cận song song, trong đó Bắc Triều Tiên và Mỹ sẽ cùng lúc tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và ký kết hiệp ước hòa bình. Cụ thể hơn, Bắc Kinh kêu gọi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tương ứng với các động thái phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Tuy có lập trường tương tự với miền Bắc, Trung Quốc lại không hài lòng với việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, vì việc này có thể dẫn đến “hiệu ứng domino hạt nhân”, là cơ sở để các nước châu Á khác như Nhật Bản, Đài Loan sở hữu loại vũ khí này. Do đó, Trung Quốc ủng hộ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, nhưng vẫn duy trì lập trường thận trọng khi xem xét quan hệ Trung-Triều.

 

Việc Bắc Triều Tiên khởi động lại các cơ sở hạt nhân Yongbyun, cũng là cơ sở trung tâm trong chương trình hạt nhân của nước này, cho thấy nơi đây có thể trở thành yếu tố chính ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán và quan hệ Mỹ-Triều.

 

Khu tổ hợp Yongbyun vẫn có giá trị khi có thể trở thành lá bài được Bắc Triều Tiên dùng để đàm phán. Tuy nhiên, dù cơ sở này được dỡ bỏ, miền Bắc vẫn còn các cơ sở sản xuất vật chất hạt nhân khác. Nối bước cựu người tiền nhiệm, Tổng thống Biden có khả năng sẽ từ chối thỏa hiệp về vấn đề Yongbyun và có các yêu cầu cao hơn tại các cuộc đàm phán trong tương lai với miền Bắc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lại muốn đạt được thỏa thuận chỉ với tổ hợp hạt nhân này. Ở thời điểm hiện tại, Bắc Triều Tiên có khả năng sẽ áp dụng chiến lược đàm phán khiêu khích cường độ thấp. Tuy bị miền Bắc phản đối gay gắt, các cuộc tập trận quân sự Hàn-Mỹ vẫn sẽ không gây trở ngại cho các cuộc đàm phán vì đây chỉ là dịp mà Bình Nhưỡng muốn Seoul và Washington nhượng bộ hoặc thể hiện thành ý. Trước sự giằng co của đôi bên, nhiều người đang chú ý xem Washington sẽ có động thái đáp trả như thế nào và giai đoạn đầu của đàm phán Mỹ-Triều sẽ được tiến hành ra sao.

 

Sau báo cáo về việc Bắc Triều Tiên tái kích hoạt các cơ sở hạt nhân ở Yongbyun, tình hình ngoại giao khu vực đang ngày càng trở nên bất ổn. Trong bối cảnh những cơ sở hạt nhân này có khả năng trở thành một nhân tố mới ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ba bên, chúng hãy cùng chờ xem miền Bắc sẽ có động thái gì tiếp theo.

Lựa chọn của ban biên tập