Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngành phát thanh truyền hình tại Bắc Triều Tiên

2021-09-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Theo "Sách trắng Nhân quyền Bắc Triều Tiên 2021" do Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc công bố vào ngày 23/7, chính quyền miền Bắc đã tăng cường giám sát và xử phạt với các trường hợp xem nội dung truyền hình, video của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn các tư tưởng chống đối chế độ phát sinh do du nhập văn hóa ngoại lai. Vậy, ngành phát thanh truyền hình miền Bắc hoạt động như thế nào, hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu với phóng viên chuyên về Bắc Triều Tiên Jang Yong-hun đến từ hãng tin Yonhap.

 

Mục đích hoạt động của ngành phát thanh truyền hình Bắc Triều Tiên

Mục đích chính của các chương trình phát sóng tại Bắc Triều Tiên là tuyên truyền kích động và ưu tiên thông báo về các định hướng chính sách của đảng Lao động và Chính phủ. Ngành phát thanh truyền hình miền Bắc được giám sát bởi Ủy ban phát thanh truyền hình trung ương Triều Tiên. Mặc dù các chương trình phát sóng của Bắc Triều Tiên gần đây đang dần có chủ đề và nội dung đa dạng hơn, như các vấn đề của nam nữ giới và cuộc sống của người dân, song các yếu tố tuyên truyền và kích động vẫn chiếm ưu thế.

 

Các cơ quan phát thanh truyền hình của Bắc Triều Tiên

Đài phát thanh chính của miền Bắc là Đài phát thanh trung ương Triều Tiên, phát sóng 22 tiếng mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng. Còn đài truyền hình tiêu biểu nhất của nước này là Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, cung cấp dịch vụ truyền hình từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối các ngày trong tuần. Ngoài ra, miền Bắc cũng có các cơ quan truyền hình khác như Đài truyền hình Ryongnamsan, Đài truyền hình thể thao.

 

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA)

Cơ quan truyền thông đầu tiên của miền Bắc đưa tin tức của nước này ra thế giới là Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA). Đây cũng là hãng thông tấn quốc doanh duy nhất của miền Bắc và có trách nhiệm công bố các thông tin đối nội đối ngoại của đất nước, như các thông báo của quan chức cấp cao và các phát ngôn của đảng Lao động, đồng thời cũng có chức năng như một cơ quan tuyên truyền.

 

Sự thay đổi trong phong cách của phát thanh viên Bắc Triều Tiên

Dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, phát thanh viên Bắc Triều Tiên đã có nhiều sự thay đổi trong phong cách. Khác với hình ảnh bà Ri Chun-hee trong bộ trang phục truyền thống Hanbok có váy đen áo hồng với giọng nói đầy quyền uy, phát thanh viên miền Bắc ngày nay thường mặc âu phục là váy hai mảnh hoặc một mảnh. Thay vì chỉ ngồi đọc tin tức như trước đây, phát thanh viên bây giờ có các hoạt động đa dạng hơn, như nấu ăn trước máy quay hoặc trực tiếp tới khu vực lũ lụt để đưa tin. Ngoài ra, các phát thanh viên nam ngày nay cũng đưa tin với giọng điệu mềm mại chứ không cứng nhắc và nghiêm trọng như quá khứ.

 

Sự thay đổi toàn diện trong ngành phát thanh truyền hình Bắc Triều Tiên

Sản xuất hình ảnh độ nét cao đã trở thành thay đổi kỹ thuật cơ bản đối với ngành phát thanh truyền hình Bắc Triều Tiên. Thay vì dùng hình ảnh Trái đất hay bản đồ đơn điệu làm hình nền như trước đây, các chương trình truyền hình miền Bắc đã bắt đầu sử dụng đồ họa máy tính ở mức cơ bản. Ngoài ra, bất chấp các khó khăn như vấn đề kỹ thuật hay thiếu hụt máy quay, các sự kiện quan trọng như diễu hành quân sự vẫn thường xuyên được phát sóng trực tiếp. Bên cạnh đó, việc đưa các tin tức về thảm họa cũng có những thay đổi đáng kể. Nhằm hạn chế để lộ điểm yếu, các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên trước đây thường chỉ truyền tải hình ảnh hoặc bài viết đơn giản khi lũ lụt xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay, phát thanh viên tại trường quay sẽ được kết nối với các phóng viên tại hiện trường để đưa những thông tin chân thực nhất.

 

Chức năng tuyên truyền kích động của ngành phát thanh truyền hình miền Bắc

Vì Bắc Triều Tiên có thể chế quyền lực tập trung vào nhà lãnh đạo tối cao, những tin tức liên quan đến Chủ tịch Kim Jong-un được dùng để mở đầu cho tất cả các chương trình thời sự của đài phát thanh và truyền hình nước này, kể cả báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động. Miền Bắc cũng gặp một phần trở ngại trong việc sản xuất các chương trình giải trí hay phim truyền hình do khó khăn kinh tế. Đây cũng là yếu tố có thể cản trở sự thay đổi tích cực trong ngành phát thanh truyền hình nước này. Hy vọng hai miền Nam-Bắc sớm cải thiện quan hệ và tiến hành trao đổi song phương trong lĩnh vực phát sóng để người dân Bắc Triều Tiên có thể xem các chương trình đa dạng hơn.

Lựa chọn của ban biên tập