Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngành ảo thuật tại Bắc Triều Tiên

2021-09-09

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Ở Bắc Triều Tiên, ảo thuật là bộ môn rất được yêu thích, thậm chí còn có cả các chương trình truyền hình về ảo thuật. Gần đây, các học viện dạy ảo thuật xuất hiện ở khắp nơi trên cả nước, và miền Bắc cũng có các chính sách hỗ trợ cho ngành này. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về ngành ảo thuật của Bắc Triều Tiên cùng giáo sư Jeong Eun-chan đến từ Viện Giáo dục thống nhất thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

 

Quá trình phát triển ngành ảo thuật tại Bắc Triều Tiên

Kể từ đầu những năm 1970, sau khi một ảo thuật gia Bắc Triều Tiên trở thành người châu Á đầu tiên giành được giải thưởng tại một buổi trình diễn quốc tế, nước này bắt đầu đạt được nhiều thành tích tốt về ảo thuật trên trường thế giới. Đây cũng là thời điểm Chủ tịch Kim Jong-il lên nắm quyền và tích cực thúc đẩy chính sách thần thánh hóa cố Chủ tịch Kim Nhật Thành qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật để củng cố thể chế quyền lực tập trung vào nhà lãnh đạo. Ngành ảo thuật cũng không phải ngoại lệ khi các khía cạnh kỹ thuật, kỹ năng, tính huyền bí được ông Kim Jong-il nhấn mạnh. Nhờ đó, ngành này đã được hiện đại hóa với các kỹ thuật tiên tiến nhất, như áp dụng video 3D lập thể.

Bắc Triều Tiên thành lập Hiệp hội ảo thuật quốc gia vào năm 2001 và cho xây dựng rạp ảo thuật chuyên dụng một năm sau đó. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, ngành ảo thuật đã phát triển đáng kể cả về khoa học công nghệ lẫn quy mô, mang lại những buổi biểu diễn đột phá với sân khấu ấn tượng. Mục đích miền Bắc hỗ trợ toàn diện cả về mặt chính sách và tài chính cho ngành ảo thuật là để duy trì chế độ, phát triển văn hóa nghệ thuật để quảng bá trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường đoàn kết nội bộ và đa dạng hóa đời sống văn hóa cho người dân.

 

Ngành xiếc tại Bắc Triều Tiên

Ảo thuật ở Bắc Triều Tiên được coi là một phần của bộ môn Kyoye, hay còn gọi là nghệ thuật trình diễn tinh xảo, bao gồm các màn trình diễn ở rạp xiếc, trong đó ngoài ảo thuật còn có nhào lộn, xiếc thú và các tiết mục hài. Ngành biểu diễn xiếc của miền Bắc bắt đầu vào năm 1952, khi nước này thành lập Đoàn xiếc quốc gia, nay được gọi là Đoàn xiếc Bình Nhưỡng. Hiện nay, người dân miền Bắc có thể thưởng thức các buổi biểu diễn thường niên Đoàn xiếc Bình Nhưỡng hay Đoàn xiếc quân đội nhân dân tại các rạp chuyên dụng.

 

Quá trình đào tạo nghệ sĩ và ý nghĩa của các màn trình diễn xiếc tại Bắc Triều Tiên

Cùng với sự nổi tiếng của biểu diễn xiếc, nhiều người dân miền Bắc ước mơ trở thành nghệ sĩ làm việc trong ngành này. Để trở thành nghệ sĩ xiếc, các trẻ em có tiềm năng sẽ được tuyển chọn và đào tạo nghiêm ngặt tại các cơ quan chuyên ngành, trong đó có Học viện xiếc Bình Nhưỡng. Dưới sự ủng hộ toàn diện của Nhà nước, các nghệ sĩ xiếc Bắc Triều Tiên được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế. Nhờ vậy, biểu diễn xiếc đang được phát triển như một dịch vụ du lịch tại miền Bắc.

Tuy không được thể hiện bằng lời, các buổi biểu diễn xiếc của Bắc Triều Tiên trên thực tế thường chứa đựng các yếu tố tư tưởng của thế chế. Du khách nước ngoài chỉ chú ý đến những kỹ thuật bắt mắt và tuyệt vời của nghệ sĩ và cho rằng đây là một trong các hoạt động nhất định phải trải nghiệm khi đến miền Bắc. Tuy nhiên, tùy vào các góc nhìn khác nhau, các buổi biển diễn có thể mang những thông điệp khác nhau.

 

Gia tộc ảo thuật gia lâu đời tại Bắc Triều Tiên

Vì ảo thuật cũng là một bộ môn được yêu thích trong các bộ môn xiếc, nhiều người dân miền Bắc cũng muốn trở thành ảo thuật gia. Tại Bắc Triều Tiên, gia đình ông Kim Thaek-song nổi tiếng có ba đời đều làm nghề ảo thuật. Ông Kim là một ảo thuật gia lão làng từng làm giảng viên tại Học viện xiếc Bình Nhưỡng. Hai con trai của ông là Kim Chol và Kim Gwang-chol cũng tiếp bước cha trên con đường nghệ thuật. Đặc biệt, ông Kim Gwang-chol đã thu hút được nhiều sự chú ý khi trở thành ảo thuật gia được trình diễn trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Hai người cháu Kim Ju-song và Kim Gwang-song cũng là những ảo thuật gia nổi tiếng với các màn biểu diễn sử dụng không gian độc đáo.

 

Sự phát triển của ảo thuật miền Bắc dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un

Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un tỏ ra rất quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa cũng như khoa học công nghệ. Là một phần trong nỗ lực bắt kịp xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa, ông Kim đặt kỳ vọng vào việc phát triển ngành ảo thuật để biến môn nghệ thuật này thành công cụ quảng bá thành tựu văn hóa của đất nước ra toàn thế giới. Ngoài ra, các buổi biểu diễn ảo thuật cũng có thể trở thành một phương tiện thu ngoại tệ của nước này.

Trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều  năm 2018 tại Bình Nhưỡng, ảo thuật gia Hàn Quốc Choi Hyun-woo đã biểu diễn một màn ảo thuật với chủ đề thần giao cách cảm bằng cách để lãnh đạo hai miền đoán đúng suy nghĩ của đối phương. Trong bối cảnh rất khó dự đoán được tiến triển tiếp theo quan hệ liên Triều, hy vọng hai miền Nam-Bắc sẽ sớm tìm ra phương án để đạt được sự hòa hợp như màn biểu diễn ảo thuật năm xưa.

Lựa chọn của ban biên tập