Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ngành đường sắt của Bắc Triều Tiên

2021-10-21

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un từng chia sẻ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng ông Moon có thể gặp bất tiện vì giao thông khi đến miền Bắc, gián tiếp cho thấy thực trạng của mạng lưới giao thông nước này. Mặc dù lãnh đạo hai miền Nam-Bắc cam kết sẽ kết nối và duy trì các tuyến đường sắt, đường bộ liên Triều trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ký kết ngày 19/9 cùng năm nhưng các nội dung này đến nay vẫn chưa được xúc tiến do quan hệ liên Triều bị đóng băng. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về ngành đường sắt của Bắc Triều Tiên cùng Giám đốc Viện hợp tác kinh tế bán đảo Hàn Quốc Ahn Byung-min.

 

Tầm quan trọng của ngành đường sắt tại Bắc Triều Tiên

Tại Bắc Triều Tiên, ngành đường sắt được coi là một trong 4 trụ cột chính của nền kinh tế nhân dân, cùng với than đá, kim loại và điện. Vì vậy, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành đường sắt khi ví hoạt động của đường sắt giống như hệ tuần hoàn của cơ thể người, ngành này phải được vận hành ổn định thì mới đảm bảo cho ngành công nghiệp và nông nghiệp phát triển, thúc đẩy xây dựng kinh tế. Ở miền Bắc, đường sắt có một vị thế đặc biệt vì đường sắt và đường bộ được luật pháp quy định là một trong hai thành quả cao quý của cuộc đấu tranh cách mạng.

 

Đường sắt là phương tiện chủ lực tại Bắc Triều Tiên

Hệ thống giao thông của Bắc Triều Tiên chủ yếu là đường sắt, còn đường bộ, đường sông và đường biển đóng vai trò phụ trợ cho vận tải đường sắt. Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc, đường sắt miền Bắc có tổng chiều dài 5.300 km tính đến năm 2019, chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải hàng hóa và 60% tổng lượng vận chuyển hành khách. Do đó, chính sách giao thông của Bắc Triều Tiên cũng có thể được gọi là chính sách đường sắt. Lý do đường sắt trở thành phương tiện giao thông chủ lực tại Bắc Triều Tiên là nhờ tính hệ thống, thời gian vận chuyển ngắn và chính xác, an toàn và tiết kiệm chi phí. Theo các dữ liệu về miền Bắc, chi phí vận chuyển của đường sắt chỉ bằng 34% chi phí vận tải bằng ô tô và 53% chi phí vận tải hàng hải, trong khi lượng hàng hóa tàu hỏa có thể vận chuyển một lần là khoảng 1.300 tấn, gấp 1,3 lần so với đường biển. Hơn nữa, quãng đường vận chuyển hàng hóa trung bình của đường sắt đạt 160 km, gấp 15 lần ô tô và 1,7 lần vận tải biển.

 

Sự quan tâm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đến ngành đường sắt

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bỉ ngày 30/6/1994, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhắc đến những lợi ích kinh tế từ hợp tác liên Triều. Ví dụ, Bắc Triều Tiên có thể thu được lợi nhuận 400 triệu USD nhờ vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua thành phố Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan) đến Seoul bằng tuyến đường sắt Gyeongui, và 1 tỷ USD nếu vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) hoặc Nga đến Hàn Quốc qua tuyến đường sắt Donghae (biển Đông). Như vậy, mỗi năm có thể thu về tổng cộng 1,3 đến 1,5 tỷ USD. Bước vào năm cầm quyền thứ 44 ở thời điểm đó, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đề xuất biến đường sắt thành trục giao thông quốc tế cũng như giao thông nội bộ ở miền Bắc, đem lại hiệu quả lan truyền và lợi ích kinh tế cao cho nước này.

 

Tình trạng nghiêm trọng của ngành đường sắt Bắc Triều Tiên

Năm 2018, lãnh đạo liên Triều đã ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm, trong đó xác định bài toán hàng đầu là phải liên kết và hiện đại hóa tuyến đường sắt và đường bộ Donghae và Gyeongui. Kết quả cuộc khảo sát chung thực hiện đối với 1.200 km đường sắt của hai tuyến Gyeongui và Donghae đã được đăng trên một tờ báo Hàn Quốc với tiêu đề "Một cây cầu từ năm thứ ba của triều đại vua Sunjong (Thuần Tông) vẫn đang được sử dụng", phản ánh tình trạng lạc hậu tại đây. Đáng chú ý là tốc độ tàu chạy ở đoạn từ Gaesong đến thành phố Sariwon (tỉnh Bắc Hwanghae) chỉ đạt 15-20 km/giờ, và đoạn từ Gaeseong tới Bình Nhưỡng chỉ đạt trung bình 30 km/giờ. Trong khi đó, để cạnh tranh được thì tàu chở hàng phải chạy ít nhất 1.000 km/ngày, tương đương hơn 40 km/giờ. Có thể nói, hệ thống đường sắt miền Bắc hiện tại không đủ để phục vụ vận tải thương mại.

 

Mạng lưới đường sắt Bắc Triều Tiên

Mạng lưới đường sắt Bắc Triều Tiên được chia thành các tuyến Tây, Đông, Bắc và Đông Tây, với khoảng 10 tuyến đường huyết mạch và 90 tuyến đường nhánh. Ngoài ra, còn có tuyến đường sắt quốc tế đến Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên gần đây đã đình chỉ tất cả các tuyến đường sắt quốc tế để phòng dịch COVID-19. Miền Bắc tham gia Tổ chức hợp tác đường sắt quốc tế (OSJD) vào năm 1956, khi tổ chức này mới chỉ có 28 quốc gia thành viên. Sau 60 năm, Bắc Triều Tiên giờ đây đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm vận tải hành khách và hàng hóa qua mạng lưới đường sắt quốc tế.

Tuy nhiên, có rất ít tuyến đường sắt ở miền Bắc hoạt động chính xác theo lịch trình do tình trạng thiếu điện kéo dài, thiếu đầu máy và đoàn tàu cũ, lạc hậu. Nhưng lịch trình đường sắt quốc tế là được thống nhất giữa các quốc gia, nên Bắc Triều Tiên cũng đang chuẩn bị nhiều biện pháp an ninh khác nhau để tuân thủ giờ tàu như sử dụng đầu máy chạy bằng diesel.

Lựa chọn của ban biên tập