Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Những thay đổi trong chiến lược đối ngoại của Bắc Triều Tiên

2021-10-28

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Từ đầu năm đến nay, Bắc Triều Tiên đã thực hiện 8 vụ thử phóng tên lửa, trong đó có tới 4 vụ trong tháng 9 gồm vụ phóng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa bội siêu thanh và tên lửa đất đối không kiểu mới. Đến tháng 10, miền Bắc tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Ngoài ra, nước này cũng trưng bày các loại vũ khí công nghệ cao được phát triển trong 5 năm qua tại Triển lãm phát triển quốc phòng nhân kỷ niệm 76 năm thành lập đảng Lao động. Sau đây, nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất sẽ giải thích ý nghĩa các động thái này của miền Bắc.

 

Xét đến các yếu tố như thời điểm phóng tên lửa, có thể thấy việc công bố vũ khí là một chiến lược của Bắc Triều Tiên, để qua đó công khai với bên ngoài rằng lộ trình phát triển vũ khí chiến thuật của nước này là không đổi. Đặc biệt, Bắc Triều Tiên đã cho trưng bày tất cả các loại vũ khí mà nước này thử nghiệm từ năm 2017 đến nay tại Triển lãm phát triển quốc phòng vừa qua, cho thấy sự tự tin vào việc tăng cường năng lực quân sự cũng như kế hoạch tiếp tục phát triển, cải tiến các loại vũ khí chiến lược và chiến thuật trong tương lai.

 

Tương tự các chuyên gia khác, nhà nghiên cứu Hong Min cho rằng chiến lược đối ngoại của Bắc Triều Tiên gần đây đã có sự thay đổi, chia thành ba giai đoạn. Đầu tiên là khi miền Bắc tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, sau đó đến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều và cuối cùng là thời kỳ hòa bình.

 

Trong giai đoạn cuối, Bắc Triều Tiên thảo luận về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc, đổi lại Mỹ thực hiện các biện pháp tương ứng, đồng thời đưa lên bàn đàm phán xem hai bên sẽ thực hiện cùng lúc hay một bên sẽ tiến hành trước. Tóm lại, trong quá trình này, Bình Nhưỡng đã ký các thỏa thuận với Seoul và Washington tại các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều, trong đó bao gồm các điều kiện về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tiến trình hòa bình trong khu vực.

 

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên đã thay đổi sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018 tại Hà Nội không đạt được kết quả. Mặc dù vẫn tiếp tục đàm phán với Washington, song thái độ và phương thức đàm phán của Bình Nhưỡng đã thay đổi đáng kể. 

 

Bắc Triều Tiên một mặt kỳ vọng và tiếp tục tập trung vào các cuộc đàm phán với Mỹ, mặt khác lại nối lại các hoạt động thử nghiệm vũ khí chiến lược và chiến thuật sau hơn một năm nhằm gây sức ép với Mỹ. Miền Bắc đã thử nghiệm 4 loại vũ khí mới từ tháng 4/2019 đến hết năm. Cho rằng không thể đạt được thỏa thuận với Mỹ theo hình thức đàm phán trước đây, Bắc Triều Tiên đã có kế hoạch tiếp tục phát triển vũ khí chiến thuật và chiến lược để chuẩn bị cho quá trình đấu tranh kéo dài nhằm gây áp lực để Mỹ thay đổi thái độ. Đồng thời, việc Bình Nhưỡng đặt ra điều kiện tiên quyết là Washington phải rút lại chính sách thù địch khiến cánh cửa đối thoại khó mở ra hơn cũng là một thay đổi trong chiến thuật của miền Bắc ở giai đoạn này.

 

Trong bài phát biểu khai mạc sự kiện triển lãm quốc phòng vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quân sự là để tự vệ, không phải để gây chiến trên bán đảo Hàn Quốc hay nhắm đến một quốc gia cụ thể nào như Hàn Quốc và Mỹ. Đồng thời, ông Kim còn chỉ trích các tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch của Washington. Nhà nghiên cứu Hong Min cho rằng chiến lược của Bắc Triều Tiên đã thay đổi kể từ Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng một năm nay.

 

Tại Đại hội đảng Lao động đầu năm nay, Chủ tịch Kim Jong-un đã công bố các loại vũ khí miền Bắc đang và sẽ phát triển. Cùng với quyết tâm phát triển vũ khí, miền Bắc cũng khẳng định nước này sẽ thay đổi thái độ tùy vào các động thái của đối phương với nguyên tắc “lấy cứng rắn đáp trả cứng rắn, lấy mềm mỏng đáp trả mềm mỏng.” Sau đó, Bình Nhưỡng đã có sự thay đổi trong chiến lược khi bắt đầu áp dụng cách tiếp cận hai chiều, được nhắc đến trong bài phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tối cao khóa XIV và Triển lãm phát triển quốc phòng vừa qua. Theo đó, miền Bắc sẽ tiếp tục lộ trình chiến lược để phát triển vũ khí, đồng thời có thể tham gia đối thoại và cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc để khiến hai nước này từ bỏ các tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch. Nói tóm lại, miền Bắc đang áp dụng cách tiếp cận hai chiều là phát triển vũ khí và ngoại giao với mục tiêu cuối cùng là đàm phán về việc giải trừ hạt nhân với Mỹ và kiểm soát vũ khí với Hàn Quốc.

 

Trong bối cảnh này, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn-Mỹ đã liên tiếp nhóm họp, thảo luận các chính sách liên quan đến miền Bắc. Ngày 24/10, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Sung Kim đã có cuộc gặp kín với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk tại thủ đô Seoul. Sau cuộc gặp, ông Sung Kim cho biết hai nước sẽ hợp tác để tìm ra các ý tưởng và sáng kiến đa dạng, bao gồm cả đề xuất tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in. Đặc phái viên Kim cho rằng vụ phóng SLBM của Bắc Triều Tiên là một hành động khiêu khích nhưng cũng khẳng định Washington không có ý định thù địch, mà sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. Phát biểu này cho thấy Mỹ vẫn không thay đổi quan điểm cơ bản về miền Bắc.

Trong khi đó, nhân kỷ niệm 71 năm Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên ngày 25/10, Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi vòng hoa tới nghĩa trang các binh lính Trung Quốc hy sinh tại miền Bắc nhằm thể hiện tình hữu nghị Trung-Triều. Trước tình hình miền Bắc đồng hành cùng Trung Quốc đối đầu với Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời biện minh các vụ phóng tên lửa là hành động tự vệ, dư luận đang chuyển sự chú ý sang đề xuất tuyên bố kết thúc chiến tranh của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

 

Tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên có ý nghĩa rất lớn và có thể trở thành lá bài đàm phán hiệu quả. Hai miền Nam-Bắc vẫn luôn duy trì trạng thái chiến tranh trong gần 70 năm qua. Dù mang tính chính trị hay tượng trưng thì tuyên bố chấm dứt chiến tranh và trạng thái thù địch giữa hai miền đều có giá trị to lớn cho dù ở bất cứ thời điểm nào. Tuyên bố này cũng có ý nghĩa quan trọng với các nước liên quan. Bắc Triều Tiên từng yêu cầu tuyên bố chấm dứt chiến tranh như một cách xây dựng lòng tin trong đàm phán. Tuy vẫn còn các điều kiện tiên quyết, Bình Nhưỡng cho rằng tuyên bố này là một sự lựa chọn hấp dẫn vì đây là một phương tiện quan trọng để xác định sự chân thành và tích cực của Washington trong các chính sách với miền Bắc. Về phần mình, Hàn Quốc tin rằng tuyên bố này sẽ là bước khởi đầu quan trọng trong việc thiết lập lòng tin trong quan hệ Mỹ-Triều và Hàn-Mỹ-Triều, vốn ở trong trạng thái thù địch trong thời gian dài. Là bên tích cực nhất với đề xuất này, Hàn Quốc cần tạo ra điểm chung để ba bên Hàn-Mỹ-Triều có thể đối thoại thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

 

Bắc Triều Tiên khẳng định kế hoạch tăng cường khả năng quân sự là để tự vệ, yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ đưa ra lựa chọn, đồng thời thận trọng theo dõi xem tình hình hiện tại có thể mở ra cánh cửa đối thoại có lợi cho nước này hay không. Vì vậy, Seoul và Washington cần phải đưa ra các biện pháp cụ thể và thực tế để đối phó với những thay đổi trong chiến lược của Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập