Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đường xá ở Bắc Triều Tiên

2021-11-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Luật đường bộ Bắc Triều Tiên quy định đường bộ là bộ mặt của quốc gia và là thước đo quan trọng thể hiện trình độ phát triển kinh tế và mức độ văn minh của quốc gia đó. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về đường xá ở miền Bắc cùng Giám đốc Viện Hợp tác kinh tế bán đảo Hàn Quốc Ahn Byung-min.

 

Vai trò của đường bộ tại Bắc Triều Tiên

Ở Bắc Triều Tiên, đường bộ đóng vai trò phụ trợ cho đường sắt và được sử dụng để vận tải trong khoảng cách ngắn. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành từng khẳng định đường bộ được xây dựng nhằm tạo điều kiện để xe buýt vận hành, giải quyết vấn đề giao thông của các vùng miền núi hẻo lánh, đồng thời cho phép các máy móc nông nghiệp như máy cày, máy xới đất có thể vào được vùng đất canh tác. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu đất canh tác, điều kiện tiền đề cho việc xây dựng đường xá tại nước này là không được phép xâm lấn đất nông nghiệp. Vì vậy, miền Bắc không có những con đường hiện đại, thuận tiện.

 

Tình trạng đường bộ tại Bắc Triều Tiên

Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho biết tính đến năm 2019, đường bộ miền Bắc có tổng chiều dài 26.180 km, bằng khoảng 23% so với tổng chiều dài 111.314 km của đường bộ Hàn Quốc. Ngoại trừ đường cao tốc, đường xá Bắc Triều Tiên chỉ có dưới 10% được trải nhựa và đa số chỉ có hai làn xe trở xuống. Ngoài ra, đường bộ nước này cũng gặp tình trạng rạn nứt nghiêm trọng và không bằng phẳng, dẫn đến tốc độ xe bị giới hạn không quá 50 km/giờ. Thêm vào đó, cơ sở vật chất an toàn đường bộ tại miền Bắc cũng còn nhiều thiếu thốn. Bắc Triều Tiên chia đường bộ thành 7 loại, bao gồm đường cao tốc và đường thông thường từ cấp 1 đến cấp 6. Trong đó, đường quốc lộ là đường cấp 1 nhưng cũng không được trải nhựa, không có cống thoát nước và đèn chiếu sáng, tương tự những con đường trước khi được trải nhựa của Hàn Quốc vào những năm 1970.

 

Đường cao tốc tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên có 6 đường cao tốc với tổng chiều dài hơn 660 km, bằng khoảng 14% tổng chiều dài đường cao tốc Hàn Quốc. Đường cao tốc từ Bình Nhưỡng đến thành phố Wonsan (tỉnh Gangwon), được hoàn thành vào năm 1978, là tuyến đường cao tốc đầu tiên của miền Bắc với 196 km đường bê tông và 4 làn xe chạy. Sau đó, các đường cao tốc lần lượt được xây dựng gồm đường từ Bình Nhưỡng đến quận ngoại ô Kangdong, từ Wonsan đến núi Geumgang, từ Bình Nhưỡng đến thành phố biên giới Gaeseong, từ Bình Nhưỡng đến huyện Hyangsan (tỉnh Bắc Pyongan) và đường “Anh hùng thanh niên” nối Bình Nhưỡng với thành phố cảng Nampo.

 

Hạn chế của đường bộ miền Bắc

Trong một diễn biến khác, Luật đường bộ Bắc Triều Tiên có điều khoản cấm sử dụng đường cao tốc, với nội dung cấm người dân đi bộ hoặc đi xe đạp trên đường cao tốc, cấm nuôi chó hoặc thả rông vật nuôi gần đường cao tốc. Đồng thời, luật này cũng quy định chỉ những xe được chỉ định mới được phép chạy trên đường cao tốc, đồng nghĩa với việc không phải xe nào cũng có thể sử dụng đường cao tốc. Nếu cho phép vận chuyển hàng hóa và hành khách trên đường cao tốc, Bắc Triều Tiên có thể giải quyết được nhiều vấn đề về giao thông vận tải. Tuy nhiên, nước này lại đang kiểm soát chặt chẽ các phương tiện được phép dùng đường cao tốc, chỉ giới hạn với các loại xe như xe quân sự, xe buýt liên thành phố, xe buýt ngoại thành, xe vận chuyển vật tư khẩn cấp, xe tham quan các địa điểm cách mạng hoặc xe chở khách du lịch nước ngoài.

 

Kế hoạch hiện đại hóa đường bộ của Bắc Triều Tiên

Từ năm 2018, Bắc Triều Tiên bắt đầu thu phí trên đường cao tốc từ Bình Nhưỡng đến thành phố Wonsan với mức thu khác nhau tùy thuộc vào loại phương tiện và quãng đường di chuyển. Nếu đi khứ hồi, các chủ phương tiện sẽ phải trả khoảng 8 euro (9,3 USD) bằng thẻ ngân hàng IC tại các trạm thu phí đặt ở nơi ra vào đường cao tốc. Đây là tín hiệu cho thấy các công ty đầu tư nước ngoài có thể thu hồi vốn nếu đầu tư vào đường bộ miền Bắc. Theo Luật đường bộ trước đây, Bắc Triều Tiên chỉ thu phí cầu đường từ người nước ngoài và các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nước này đã sửa đổi luật để thu phí tất cả người tham gia giao thông, cho thấy nước này đang có chiến lược cải tạo và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường bộ.

Chúng ta hãy cùng chờ xem chiến lược hiện đại hóa đường bộ sẽ tạo ra thay đổi gì cho xã hội Bắc Triều Tiên. Trong số tiếp theo của “Cận cảnh Bắc Triều Tiên”, mời quý vị và các bạn tìm hiểu về giao thông đường bộ của miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập