Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tổ chức "Đại hội người tiên phong trong ba cuộc cách mạng" lần thứ 5

2021-11-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Trong vòng 4 ngày kể từ 18/11 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã tổ chức "Đại hội người tiên phong trong ba cuộc cách mạng" lần thứ 5. Đây vốn là sự kiện được miền Bắc tổ chức 10 năm một lần nhằm tôn vinh và lan rộng các trường hợp cán bộ, đơn vị gương mẫu trong việc thực hiện ba lĩnh vực tư tưởng, kỹ thuật và văn hóa. Tuy nhiên, Đại hội lần thứ 5 vừa qua đã diễn ra sau 6 năm kể từ đại hội lần thứ 4 năm 2015, được đánh giá là một động thái bất thường. Sau đây, nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất sẽ giải thích về động thái này của Bình Nhưỡng.

 

Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 5 năm 1970, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã kêu gọi tiến hành “ba cuộc đại cách mạng” trong các lĩnh vực tư tưởng, kỹ thuật và văn hóa. Sau đó, nhằm tạo ra thành quả thực tiễn hơn, người kế nhiệm Kim Jong-il đã phát động Cuộc vận động giành cờ đỏ, trao cờ đỏ cho người dân tùy vào kết quả thực hiện cách mạng. Bước vào năm thứ 10 cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un muốn kỷ niệm dịp này một cách trọng đại, nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt được thành tựu nào đáng kể thời gian qua. Vì vậy, "Đại hội người tiên phong trong ba cuộc cách mạng" chính là cơ hội để Bắc Triều Tiên tuyên dương những tấm gương làm việc trong từng lĩnh vực, từ đó củng cố đoàn kết nội bộ và xoa dịu lòng dân trong thời điểm khó khăn.

                                                                                                                                                       

Thay vì trực tiếp tham dự đại hội lần này, Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi thư kêu gọi cán bộ, người lao động tích cực thực hiện Cuộc vận động giành cờ đỏ. Ông Kim phê bình phong trào đã không được tiến hành hiệu quả trong thời gian qua do kinh tế khó khăn, qua đó hối thúc các cơ quan Nhà nước đưa ra chính sách phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về khả năng Bắc Triều Tiên đạt được thành quả với ba cuộc đại cách mạng này, vốn là biểu tượng của chính sách “tự lực cánh sinh” dưới thời hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.

 

Thay vì đưa ra các chính sách thực tế của riêng mình, Chủ tịch Kim Jong-un đang nghiêng về phương án sử dụng các chính sách của những người tiền nhiệm trong quá khứ, cho thấy ông Kim không đủ sắc bén để xây dựng phương hướng chính sách của bản thân. Đồng thời, việc áp dụng các chính sách cũ cũng có tác dụng chấn chỉnh người dân để tạo ra thành quả chính trị cho nhà lãnh đạo bên cạnh việc nhấn mạnh các thành quả khác, chẳng hạn như Luật phát triển quân đội và Kế hoạch kinh tế quốc gia 5 năm. Tuy nhiên, thành quả trên giấy tờ có giống với thực tế hay không vẫn là một ẩn số. Trước khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, xã hội miền Bắc đã phần nào được thị trường hóa và nhận thức của người dân về Nhà nước cũng đã thay đổi đáng kể. Điều này khiến nhiều người tự hỏi liệu một phong trào trong quá khứ có thể có sức thuyết phục đối với người dân Bắc Triều Tiên hiện tại.

 

Ngày 22/11 vừa qua, truyền thông miền Bắc đưa tin về lễ bế mạc "Đại hội người tiên phong trong ba cuộc cách mạng” và nội dung bức thư kêu gọi gửi đến những người đi đầu, các tấm gương và người lao động trong ba lĩnh vực cách mạng trên toàn quốc. Điều đáng chú ý là bức thư đã nhấn mạnh sự vĩ đại của Chủ tịch Kim, đồng thời kêu gọi người dân đồng lòng thực hiện “tư tưởng cách mạng của đồng chí Kim Jong-un”.

 

Trong thời gian cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un chưa bao giờ gắn tên mình với bất kỳ lý luận hay tư tưởng triết học nào. Tuy nhiên, lần này Bắc Triều Tiên lại sử dụng cụm từ “tư tưởng cách mạng của đồng chí Kim Jong-un”, cho thấy ông Kim đang có ý định tạo ra hệ tư tưởng của riêng mình nhằm củng cố đoàn kết xã hội và đia vị thống trị. Theo đó, có thể thấy nhà lãnh đạo Kim jong-un khả năng cao sẽ sớm công bố hoặc cụ thể hóa hệ tư tưởng riêng. Các thuật ngữ “Chủ nghĩa Kim Nhật Thành”, “Chủ nghĩa Kim Jong-il” không được sử dụng khi các nhà lãnh đạo còn tại thế, mà sẽ được người kế nhiệm đặt cho người tiền nhiệm. Vì vậy, việc Chủ tịch Kim Jong-un tạo ra một hệ tư tưởng theo tên mình khi còn sống được cho là một động thái bất thường, thể hiện sự tự tin của ông Kim vào quyền lực của mình.

 

Ngày 16/11, trước khi "Đại hội người tiên phong trong ba cuộc cách mạng” khai mạc, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã đến thị sát thực địa dự án xây dựng thành phố Samjiyon. Đây cũng là lần đầu tiên ông Kim xuất hiện công khai sau hơn một tháng kể từ sự kiện triển lãm phát triển quốc phòng mà miền Bắc tổ chức vào ngày 11/10.

 

Samjiyon được Bắc Triều Tiên xem như thánh địa cách mạng, là quê hương của cố Chủ tịch Kim Jong-il, nơi có ngọn núi Baekdu (Bạch Đầu), nguồn gốc tên gọi “dòng máu Bạch Đầu” của gia tộc họ Kim. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un thường đến thăm nơi đây khi cần đưa ra các quyết định quan trọng trong quá trình củng cố quyền lực và công bố các chính sách đối ngoại lớn, cho thấy tính biểu tượng và vai trò quan trọng của thành phố này trong đường lối thống trị của nhà lãnh đạo Kim. Động thái đến thăm dự án xây dựng tái tạo mới thành phố Samjiyon, một trong các dự án chủ lực của chính quyền Kim Jong-un sau khi lên nắm quyền, cho thấy ý chí của ông Kim trong việc áp dụng mô hình phát triển đô thị cho nhiều khu vực khác trên toàn quốc.

 

Trong khi đó, Ủy ban thứ ba phụ trách về nhân quyền trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 17/11 đã thông qua dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 17 liên tiếp và yêu cầu nước này cải thiện tình hình. Dự thảo nghị quyết sẽ được trình lên phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12 tới. Về vấn đề này, Đại sứ miền Bắc tại Liên hợp quốc Kim Song khẳng định tại Bắc Triều Tiên không hề tồn tại các hành vi xâm hại nhân quyền được đề cập trong dự thảo nghị quyết, lên án dự thảo này là một chính sách thù địch và tiêu chuẩn kép của Mỹ và châu Âu với miền Bắc. Ngày 21/11, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng chỉ trích mạnh mẽ và phản đối toàn diện việc thông qua nghị quyết, gọi đây là động thái xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này.

Mặc khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung trực tuyến vào ngày 16/11 vừa qua. Theo Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về tình hình trên bán đảo Hàn Quốc, đồng thời nhất trí vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên là một vấn đề tồn đọng cần sự hợp tác Mỹ-Trung và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa hợp giữa hai bên. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn bất đồng quan điểm gay gắt trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề Đài Loan. Vì vậy, nhiều người đang dồn sự chú ý vào các động thái tiếp theo của Bắc Triều Tiên.

 

Có thể coi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022 là một bước ngoặt quan trọng cho ngoại giao khu vực, vì Mỹ đang xem xét tẩy chay ngoại giao sự kiện này và khả năng cao Nhật Bản cũng sẽ hưởng ứng. Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cạnh tranh chiến lược và giằng co gay gắt trong nửa đầu năm sau, Bắc Triều Tiên khả năng cao sẽ có các động thái nghiêng về phía Trung Quốc. Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ cải tiến các loại vũ khí chiến lược và chiến thuật, đồng thời thực hiện các dự án trưng bày các loại vũ khí này. Miền Bắc đã cho thấy quyết tâm tăng cường vũ khí vào đầu và cuối năm nay, và cũng để ngỏ ý định tiếp tục phóng thử vũ khí. Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào đầu và cuối năm nay, miền Bắc còn công khai định hướng chính sách của năm sau nhằm khẳng định đường lối chiến lược và chiến thuật, tiếp tục đưa ra điều kiện để cải thiện quan hệ liên Triều là Hàn Quốc phải loại bỏ chính sách thù địch với nước này.

 

Hiện tại, Bắc Triều Tiên có rất nhiều nhiệm vụ cần phải giải quyết, chẳng hạn như mối quan hệ trì trệ với quốc tế, khó khăn kinh tế ngày càng tồi tệ và sự bất an của người dân ngày càng gia tăng do đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19. Chúng ta hãy cùng chờ xem Chủ tịch Kim Jong-un sẽ làm gì để tháo gỡ những vấn đề phức tạp này.

Lựa chọn của ban biên tập