Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Văn hóa kết hôn của Bắc Triều Tiên

2021-12-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ý nghĩa của việc kết hôn tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên coi hộ gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, đồng thời nhấn mạnh cách mạng hóa hộ gia đình về các mặt tư tưởng, ý thức và học vấn. Tương tự, hôn nhân cũng mang ý nghĩa chính trị, là bước tạo thành các đơn vị cơ bản, tế bào và tổ chức cấu tạo nên xã hội. Vì vậy, vợ chồng không những là hai người yêu thương nhau mà còn được công nhận chính thức là những người đồng chí có nhiệm vụ cách mạng hóa xã hội.

Luật gia đình Bắc Triều Tiên quy định nam nữ đủ tuổi kết hôn có thể quyền tự do lựa chọn vợ hoặc chồng tại thời điểm kết hôn. Tương tự Hàn Quốc, miền Bắc cũng áp dụng chính sách đăng ký kết hôn, công nhận nam nữ cùng đồng thuận và đã đăng ký kết hôn là vợ chồng. Tuy nhiên, hôn nhân ở Bắc Triều Tiên vào thời bao cấp còn đóng vai trò quan trọng vì lương thực hoặc nhà ở chỉ được cấp cho chủ hộ gia đình. Sau đó, vào thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” khi hệ thống bao cấp không hoạt động hiệu quả ở đa số địa phương, người vợ hoặc con cái đã đăng ký đều có thể nhận bao cấp, làm giảm ý nghĩa của sự công nhận mà Nhà nước dành cho hôn nhân.

 

Nghi lễ trong đám cưới tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên không có dịch vụ đám cưới. Thay vào đó, hôn lễ được gia đình hai bên chuẩn bị và tổ chức theo nghi lễ truyền thống tại nhà. Trong đám cưới, cô dâu thường mặc trang phục truyền thống hanbok, chú rể mặc âu phục và khách mời sẽ hát mừng hôn lễ. Tiệc cưới có các món ăn tùy theo từng địa phương, nhưng thường là bánh gạo và mỳ.

Bắc Triều Tiên không có dịch vụ cho thuê hội trường đám cưới. Trước đây, đám cưới thường được tổ chức tại nhà. Gia đình chú rể đến nhà cô dâu dâng lễ, đãi tiệc, sau đó rước dâu về nhà trai để một lần nữa lặp lại nghi lễ này nhằm thông báo việc kế hôn với mọi người. Phong tục lâu đời này có thể được coi là một di sản truyền thống của miền Bắc. Tuy nhiên, sau thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ”, việc làm lễ hai lần tại hai nơi gây tốn kém về kinh tế nên đã được gộp lại làm một.

 

Sự thay đổi trong cách tổ chức hôn lễ tại Bắc Triều Tiên

Sau thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”, đám cưới tại Bắc Triều Tiên đã xuất hiện hiện tượng phân hóa, khi tầng lớp trung và thượng lưu tại Bình Nhưỡng bắt đầu tổ chức lễ kết hôn tại nhà hàng nhiều hơn tại nhà, hay còn gọi là dịch vụ buffet di động. Thông thường trong đám cưới như vậy, chú rể mặc âu phục đuôi tôm còn cô dâu mặc váy cưới, ngoài ra còn có các nghệ sĩ chuyên nghiệp được mời đến biểu diễn.

 

Thủ tục đặc biệt trong hôn lễ tại Bắc Triều Tiên

Khác với ở Hàn Quốc, tại Bắc Triều Tiên, việc cô dâu chú rể đến một địa điểm mang ý nghĩa chính trị để làm nghi thức chào hỏi sau khi làm lễ và đãi tiệc là một thủ tục quan trọng để được công nhận là một cặp vợ chồng. Ví dụ, ở Bình Nhưỡng, việc cô dâu và chú rể đến quảng trường có tượng hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il để dâng hoa và chụp ảnh là một thủ tục quan trọng trong lễ kết hôn.

 

Cách người dân Bắc Triều Tiên hưởng tuần trăng mật

Trên thực tế, việc đi du lịch ở Bắc Triều Tiên nói chung không phải là điều dễ dàng, vì người dân nước này cần phải có giấy phép mới có thể đến một số địa phương nhất định như Bình Nhưỡng và các khu vực biên giới. Ngoài ra, vì phương tiện giao thông tại miền Bắc không thuận tiện như Hàn Quốc, người dân Bắc Triều Tiên thường không đi du lịch nếu không có điều kiện kinh tế. Người dân bình thường có thể đến chụp ảnh tại những nơi có cảnh đẹp gần nhà như bãi biển hay công viên. Tuy nhiên, tầng lớp giàu có có thể sử dụng xe riêng, thuê ô tô hoặc đi taxi để đi du lịch hưởng tuần trăng mật.

 

Sính lễ tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên cũng có văn hóa tặng sính lễ và quà cưới với khái niệm “5 tủ 6 máy”. Tùy từng khu vực và thời kỳ, “5 tủ” thường mang nghĩa chỉ tủ chăn, tủ áo, tủ bát, tủ sách, tủ trang sức hoặc tủ giày, còn “6 máy” chỉ các đồ dùng điện tử như máy giặt, tủ lạnh (miền Bắc gọi là máy lạnh), máy thu sóng ti vi, quạt máy, máy ghi âm, máy may hoặc máy chụp ảnh. Trước đây, thông thường nhà gái sẽ chuẩn bị của hồi môn. Tuy nhiên, do tình trạng cung cấp nhà ở Bắc Triều Tiên trở nên rất khó khăn gần đây, hai bên nhà trai và nhà gái có thể chia sẻ chi phí mua nhà hoặc sắm sửa sính lễ, hoặc bên có điều kiện kinh tế hơn sẽ đóng góp nhiều hơn. Tuy cũng tương tự Hàn Quốc nhưng có thể thấy các đồ sính lễ tân hôn tại Bắc Triều Tiên có chủng loại và chất lượng rất khác nhau tùy theo khả năng kinh tế của cô dâu chú rể.

Gần đây, người dân Bắc Triều Tiên, đặc biệt là giới trẻ, đang dần thay đổi suy nghĩ về hôn nhân. Trong số tiếp theo của “Cận cảnh Bắc Triều Tiên”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phong tục kết hôn đang dần thay đổi tại miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập