Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên dự kiến tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động cuối tháng 12

2021-12-09

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 1/12, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã quyết định tổ chức Hội nghị toàn thể lần 4 Ủy ban trung ương đảng Lao động khóa VIII vào hạ tuần tháng 12 để quyết toán các chính sách quan trọng của đảng và Nhà nước năm 2021 và quyết định các kế hoạch dự án cho năm mới. Nếu sự kiện này diễn ra, đây sẽ là Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động lần thứ 11 dưới thời ông Kim Jong-un và lần thứ 4 chỉ tính riêng trong năm nay, một điều khá bất thường. Sau đây, nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết thêm chi tiết về động thái này của miền Bắc.

 

Sau năm 2019, Bắc Triều Tiên thường tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào đầu hoặc cuối năm. Trong quá khứ, miền Bắc không công bố các kế hoạch và phương hướng chính sách cho năm tới thông qua Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng mà thay vào đó, nhà lãnh đạo tối cao sẽ có bài diễn thuyết chúc mừng năm mới. Nhưng tại một đất nước nơi quyền lực tập trung vào đảng Lao động như miền Bắc, mọi chính sách đều phải do đảng quyết định. Vì thế, từ năm thứ 5 và thứ 6 cầm quyền, ông Kim Jong-un đã thực hiện thể chế chính trị lấy đảng làm trung tâm. Chủ tịch Kim sẽ phải chịu nhiều áp lực nếu không hoàn thành được các mục tiêu nêu ra trong bài diễn thuyết mừng năm mới, nhưng áp lực sẽ được giảm bớt nếu các chính sách đó đã được thảo luận và thông qua bởi đảng Lao động. Động thái lần này của Bình Nhưỡng cũng phù hợp với nỗ lực của ông Kim trong việc bình thường hóa hệ thống Nhà nước lấy đảng làm trung tâm.

 

Tại Bắc Triều Tiên, Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tại một nước có thể chế chính trị tập trung quyền lực vào đảng Lao động như miền Bắc, mọi quyết định quan trọng của quốc gia đều được đưa ra tại Đại hội đảng, được tổ chức tổng cộng 8 lần cho đến nay, kể từ lần đầu tiên vào ngày 10/10/1945 cho đến lần thứ 8 vào tháng 1 vừa qua. Điều lệ đảng Lao động quy định Đại hội đảng được tổ chức 5 năm một lần để công bố các chiến lược và đường lối chính sách dài hạn. Trong khoảng thời gian Đại hội đảng không tổ chức, các dự án quan trọng sẽ được Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng giám sát và thực hiện.

Dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, Bắc Triều Tiên không tổ chức Đại hội đảng Lao động, đồng thời cũng chỉ tổ chức trên danh nghĩa các phiên họp khác của đảng như cuộc họp Bộ Chính trị và Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng. Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, miền Bắc đã tổ chức Đại hội đảng hai lần vào năm 2016 và năm 2021, và tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng 10 lần. Các Hội nghị gần đây thậm chí còn kéo dài 4 ngày thay vì một ngày như trước, cho thấy sự kiện này đang được tiến hành thường xuyên hơn và trong khoảng thời gian dài hơn.

 

Là nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un coi việc đến thăm thực địa để chỉ ra các vấn đề, phân công nhiệm vụ và động viên người dân nhằm làm gương cho mọi người là một hoạt động chính trị quan trọng. Trong bối cảnh các chuyến thăm thực địa gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các phiên họp của đảng Lao động trở thành dịp để Chủ tịch Kim nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra chỉ thị để người dân thấy được nỗ lực của nhà lãnh đạo. Vì vậy, bên cạnh Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng, các phiên họp khác của đảng, như cuộc họp Bộ Chính trị, cũng được ông Kim tổ chức thường xuyên để giải quyết các vấn đề quan trọng cũng như trực tiếp tập huấn cho các quan chức. Dưới thời ông Kim Jong-un, việc quản lý Nhà nước qua các phiên họp như vậy đã trở thành thông lệ. Ngoài ra, Chủ tịch Kim còn chủ trương loại bỏ thế chế chính trị ưu tiên quân đội và khôi phục thể chế chính trị lấy đảng làm trung tâm. Kể từ Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 được tổ chức trở lại sau 36 năm vào năm 2016, miền Bắc đã tiến hành nhiều cuộc họp khác nhau để thảo luận các vấn đề của đất nước. Theo đó, Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng được tổ chức thường xuyên có thể được coi là một động thái nhằm củng cố thể chế thống trị lấy đảng làm trung tâm của ông Kim.

 

Trên thực tế, kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, các chính sách quan trọng của Bắc Triều Tiên đều được quyết định trong các Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng. Chẳng hạn, miền Bắc đã đưa ra đường lối phát triển kinh tế cùng vũ khí hạt nhân tại Hội nghị toàn thể lần thứ 23 Ủy ban trung ương đảng khóa VI vào tháng 3/2013. Ngoài ra, song song với thắng lợi của chính sách này, Bình Nhưỡng cũng cam kết tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế tại Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng khóa VII vào tháng 4/2018. Các chuyên gia cho rằng các phiên họp của đảng Lao động đã được khôi phục vị thế là cơ quan quyết định chính sách chính thức dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Hội nghị toàn thể dự kiến diễn ra vào cuối tháng này cũng được dự đoán sẽ quyết định định hướng chính sách của đất nước cho năm sau.

 

Bước vào năm cầm quyền thứ 10, Chủ tịch Kim Jong-un đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đầy tham vọng vào đầu năm nay. Do đã từng thất bại với kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm trước đó, lần này Chủ tịch Kim thể hiện quyết tâm bằng mọi giá phải thành công thông qua các chuyến thăm thực địa và trực tiếp tập huấn cho cơ quan các cấp. Vì vậy, tại Hội nghị toàn thể sắp tới, khả năng cao miền Bắc sẽ ưu tiên xem xét kết quả tiến hành kế hoạch phát triển kinh tế trong năm nay và đưa ra phương hướng cùng những nhiệm vụ mới cho năm thứ hai của kế hoạch.

 

Tại Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động khóa VIII vào tháng 6 vừa qua, Bắc Triều Tiên khẳng định sẵn sàng cho cả đối thoại và đối đầu với Hàn Quốc và Mỹ. Với nhiệm vụ đưa ra phương hướng toàn diện cho các chính sách của quốc gia, Hội nghị toàn thể lần này có khả năng cũng sẽ công bố định hướng chính sách đối ngoại của miền Bắc trong tương lai.

 

Về chính sách đối ngoại với Mỹ và Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên có thể sẽ duy trì lập trường được Chủ tịch Kim Jong-un công bố tại Đại hội đảng lần thứ 8, kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao và Triển lãm phát triển quốc phòng vừa qua. Theo đó, Bình Nhưỡng khả năng cao sẽ tiếp tục bày tỏ quyết tâm phát triển các loại vũ khí chiến lược và chiến thuật, vốn được duy trì từ năm 2019, đồng thời chỉ chấp nhận tham gia đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc nếu hai nước này rút lại tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch. Đặc biệt trong năm nay, miền Bắc chính thức công bố kế hoạch 5 năm về phát triển quốc phòng và hệ thống vũ khí, cho thấy Bắc Triều Tiên một lần nữa có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Phiên họp đảng tới đây có thể sẽ thông báo thêm chi tiết về kế hoạch này.

 

Trong khi đó, tại cuộc họp giữa Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Suh Hoon và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì tổ chức tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc vào đầu tháng này, ông Dương Khiết Trì cho biết lập trường của Bắc Kinh là ủng hộ Seoul thúc đẩy tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Do đó, nhiều người đang chú ý đến việc liệu miền Bắc có đưa ra thông điệp nào về vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng sắp tới hay không.

 

Thay vì đưa ra quyết định về khả năng chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng có khả năng cao sẽ nhắc lại các điều kiện tiên quyết của nước này, trong đó có việc Seoul và Washington phải từ bỏ tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch. Khác với thái độ tích cực vào năm 2018 của miền Bắc, việc đưa ra nhiều điều kiện tiên quyết cho thấy nước này hiện không mấy mặn mà về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh vì sẽ phải đóng băng các chương trình hạt nhân và đình chỉ việc phát triển vũ khí.

 

Trong khi đó, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong báo cáo quý IV “Triển vọng cây trồng và tình hình lương thực” công bố gần đây đã đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách các nước cần hỗ trợ lương thực. Báo cáo cũng cho biết việc tiếp cận nguồn lương thực và hỗ trợ nhân đạo bị hạn chế do biện pháp phong tỏa biên giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính gây ra nạn thiếu lương thực tại miền Bắc. Trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước còn nhiều bất ổn, chúng ta hãy cũng chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ công bố những thông điệp gì tại Hội nghị toàn thể tới đây.

Lựa chọn của ban biên tập