Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính phủ Tổng thống Joe Biden lần đầu áp đặt cấm vận lên Bắc Triều Tiên

2021-12-16

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Vào Ngày Nhân quyền quốc tế 10/12, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách cấm vận 15 cá nhân và 10 tổ chức ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Myanmar và Bắc Triều Tiên, với các cáo buộc xâm phạm nhân quyền. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên được Chính phủ Tổng thống Joe Biden áp đặt lên miền Bắc. Trước đó, Washington chỉ đơn giản là kéo dài các lệnh cấm vận Bình Nhưỡng của các Chính phủ tiền nhiệm như gia hạn một năm lệnh cấm du lịch miền Bắc vào tháng 9 hay giữ nguyên Bắc Triều Tiên trong danh sách "nước lo ngại đặc biệt về tự do tôn giáo" vào tháng 11. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết thêm chi tiết về động thái này của Mỹ.

 

Các biện pháp cấm vận miền Bắc gồm có lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và của riêng từng các quốc gia. Lần này, Mỹ công bố biện pháp trừng phạt riêng cho Bắc Triều Tiên. Tại Mỹ, lệnh trừng phạt có thể được ban hành dưới sắc lệnh hành chính của Tổng thống hoặc quyết định của Quốc hội. Lệnh cấm vận lần này được Bộ Tài chính dưới quyền Tổng thống Joe Biden ban hành do tình trạng vi phạm nhân quyền tại miền Bắc chứ không phải vấn đề hạt nhân. Vì Bình Nhưỡng không đáp lại những nỗ lực đối thoại và ngoại giao từ trước tới nay của Chính phủ Tổng thống Biden, nên có thể xem động thái lần này của Washington là nhằm gửi thông điệp cảnh cáo đầu tiên tới Bình Nhưỡng, cho thấy khả năng Mỹ sẽ áp dụng biện pháp gây áp lực trong tương lai. Theo đó, các lệnh trừng phạt có được thực hiện hay không tùy thuộc vào động thái của Bắc Triều Tiên trước yêu cầu đối thoại của Mỹ.

 

Trong danh sách cấm vận lần này, Bộ Tài chính Mỹ cũng liệt kê các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm về các vụ việc đàn áp nhân quyền nghiêm trọng tại khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), Bangladesh và Myanmar. Ngoài ra, Mỹ cũng bổ sung thêm Viện Kiểm sát trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Ri Yong-gil và Xưởng phim hoạt hình thiếu nhi 26 tháng 4 của Bắc Triều Tiên vào danh sách này. Washington cáo buộc các cá nhân miền Bắc trong danh sách đã ép người dân nước này phải lao động, chịu giám sát liên tục, bị hạn chế quyền con người và quyền tự do, đồng thời khẳng định Viện Kiểm sát trung ương và hệ thống tư pháp Bắc Triều Tiên không công minh khi thi hành luật.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Ri Yong-gil từng giữ chức Bộ trưởng An ninh xã hội Bắc Triều Tiên, cơ quan phụ trách đàn áp người dân về mặt chính trị với các biện pháp kiểm soát xã hội. Trong khi đó, Viện Kiểm sát trung ương miền Bắc là nơi quyết định các hình phạt cho các hành vi phạm tội, cũng là một cơ quan đi đầu trong việc đàn áp người dân về mặt chính trị. Xưởng phim hoạt hình thiếu nhi 26 tháng 4 của miền Bắc cũng dính phải cáo buộc xuất khẩu lao động bất hợp pháp sang Trung Quốc và có các hành vi vi phạm nhân quyền khi sử dụng lao động.

 

Liên quan đến Xưởng phim hoạt hình thiếu nhi 26 tháng 4, có ba công ty hoạt hình và một cá nhân ở Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách cấm vận. Bên cạnh đó, một trường đại học tại Nga và các quan chức của trường này cũng bị Mỹ cấm vận vì cấp hàng trăm visa sinh viên cho người lao động bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên. Trong số 10 đối tượng được liệt kê trong danh sách, có 6 đối tượng liên quan đến miền Bắc. Ngoài việc ban hành Luật tăng cường cấm vận Bắc Triều Tiên vào năm 2016, Mỹ còn yêu cầu Bộ Ngoại giao gửi báo cáo về tình hình nhân quyền tại nước này hai lần một năm.

 

Mỹ lần đầu tiên áp dụng lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên vì vấn đề nhân quyền vào tháng 7/2016 với danh sách cấm vận bao gồm 15 cá nhân, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, và 8 cơ quan khác. Sau đó, Washington đã thêm vào danh sách này 7 cá nhân, trong đó có Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, cùng hai cơ quan khác vào tháng 1/2017; Bộ trưởng Lao động Jong Yong-su vào tháng 10/2017 và ba quan chức là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động Choe Ryong-hae, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quốc gia Jong Kyong-thaek, Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền Pak Kwang-ho vào năm 2018, cũng là năm bắt đầu tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã có các phản ứng dữ dội về lệnh cấm vận của Washington vì có liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Kim Jong-un. Tuy nhiên, trên lập trường của miền Bắc, vấn đề nhân quyền dù có được thảo luận thì vẫn sẽ gây tổn hại đến hình ảnh của ông Kim, người đã ra lệnh thanh trừng chú của mình là ông Jang Song-thaek và bị nghi ngờ chủ mưu vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ là ông Kim Jong-nam. Trước tình hình nhân quyền thực tế tại nước này thậm chí còn nghiêm trọng hơn, Bắc Triều Tiên đang ở trong tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa không muốn tiếp tục đề cập đến vấn đề nhân quyền vừa phản đối mạnh mẽ chỉ trích của các nước khác.

 

Các đối tượng chịu cấm vận của Mỹ sẽ bị cấm nhập cảnh và giao dịch tài chính. Các cá nhân và công ty chịu lệnh trừng phạt cũng sẽ bị đóng băng tài sản ở Mỹ, đồng thời bị cấm giao dịch với công dân và các công ty của nước này.

Trong khi đó, ngày 6/12, vài ngày trước khi Mỹ công bố danh sách cấm vận, nước này tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 vì vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc. Theo đó, mặc dù Mỹ vẫn cử đoàn vận động viên tham gia, song phái đoàn Chính phủ nước này sẽ không đến dự Thế vận hội tại Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đã có những động thái phản đối quyết liệt.

 

Tuy phản đối kịch liệt việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, Trung Quốc trên thực tế không có nhiều biện pháp đối phó hiệu quả vì nước này cũng không được lợi lộc gì nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Bắc Kinh có thể gây áp lực để các nước yếu hơn không tham gia tẩy chay, nhưng cách này cũng khó có hiệu quả trong bối cảnh toàn châu Âu đang nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền. Mặc dù chắc chắn đang đứng về phía Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng khó có thể tham gia Thế vận hội do tình hình COVID-19 phức tạp và lệnh đình chỉ của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

 

Việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh và áp đặt các biện pháp trừng phạt về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc có thể sẽ khiến xung đột Mỹ-Trung trở nên sâu sắc hơn. Các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên đầu tiên của Chính phủ Tổng thống Biden kể từ khi ra mắt cũng làm cho triển vọng quan hệ Mỹ-Triều trở nên mờ mịt. Các nhà phân tích nghi ngờ Mỹ có thể sẽ đổi chính sách về miền Bắc từ “đối thoại vô điều kiện” sang gây áp lực. Những diễn biến mới nhất này có thể ảnh hưởng đến đề nghị tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên của Hàn Quốc và tình hình ngoại giao khu vực.

 

Xung đột Mỹ-Trung ngày càng gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến tình hình ngoại giao trên bán đảo Hàn Quốc và đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh của Seoul, vốn không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, vị thế chiến lược của Hàn Quốc đã được nâng cao trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu. Bắc Kinh đã thể hiện thái độ tích cực hơn trong việc tuyên bố kết thúc chiến tranh mặc dù là để theo đuổi lợi ích riêng. Giờ đây, động thái mang tính chiến lược tiếp theo của Hàn Quốc trở nên vô cùng quan trọng. Seoul cần xem xét lợi ích quốc gia để quyết định có tham gia tẩy chay ngoại giao Bắc Kinh hay không.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên gọi năm 2021 là “năm chiến thắng” với kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mới. Chúng ta hãy cùng chờ xem, bước vào năm thứ 10 cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đối phó với những khó khăn kinh tế đang diễn ra như thế nào trong bối cảnh miền Bắc phải chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến vi phạm nhân quyền và phát triển vũ khí hạt nhân.

Lựa chọn của ban biên tập