Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đấu vật truyền thống tại Bắc Triều Tiên

2021-12-16

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

"Đấu vật" (Ssireum) là một trò chơi truyền thống cũng là môn thể thao được yêu thích rộng rãi trên khắp bán đảo Hàn Quốc. Ssireum đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” vào năm 2018 với tên gọi chính thức là “môn đấu vật truyền thống của dân tộc Hàn”. Liệu môn thể thao này đã có sự thay đổi ra sao sau hơn 70 năm hai miền Nam-Bắc bị chia cắt? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về môn đấu vật truyền thống tại miền Bắc cùng tiến sĩ Heo Jeong-pil đến từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên học thuộc Đại học Dongguk.

 

Đấu vật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Tại Hội nghị hợp tác bảo tồn di sản phi vật thể Đông Bắc Á diễn ra ở Ulaanbaatar, Mông Cổ vào tháng 7/2014, hai miền Nam-Bắc đã trao đổi ý định cùng đăng ký môn đấu vật lên UNESCO. Tuy nhiên, vào tháng 3/2015, Bắc Triều Tiên đã đơn phương nộp đơn lên tổ chức này, và sau đó Hàn Quốc cũng đã gửi đơn đăng ký riêng vào tháng 3/2016. Tháng 10/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm Pháp đã thảo luận với Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay về vấn đề đăng ký chung của hai miền Nam-Bắc. Do đó, các đặc phái viên của UNESCO đã được cử tới Bình Nhưỡng để thúc đẩy toàn diện quá trình hai nước đăng ký chung môn đấu vật lên tổ chức này. Đồng thời, tuy có sự khác biệt về cách thức và thuật ngữ, môn đấu vật được UNESCO đánh giá là có nhiều điểm chung về ý nghĩa văn hóa xã hội tại Hàn Quốc và miền Bắc nên có thể được công nhận chung. Hơn nữa, 24 quốc gia thành viên của UNESCO cũng đã nhất trí quyết định chọn Ssireum là di sản phi vật thể chung của hai miền Nam-Bắc, một động thái mang ý nghĩa vì hòa bình và hòa giải trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Ý nghĩa của môn đấu vật tại bán đảo Hàn Quốc

Đấu vật xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn hóa khác nhau trên bán đảo Hàn Quốc, từ những bức tranh tường thời Goguryeo đến tranh phong tục triều đại Joseon, mang một số đặc điểm văn hóa với vai trò là một nghi lễ cộng đồng và một nghi thức trong phong tục thời tiết, đặc biệt là trong nông nghiệp. Môn thể thao này vẫn được duy trì trong cuộc sống người dân bán đảo Hàn Quốc như một lễ hội nơi tất cả dân làng không kể già trẻ gái trai cùng tham gia, hỗ trợ và thể hiện sự đoàn kết, giao tiếp, hòa hợp. Đấu vật vừa là một biểu tượng của nền văn hóa vừa là di sản hàng nghìn năm của dân tộc Hàn, song song với tiếng Hàn. Các thuật ngữ dùng để chỉ dụng cụ, phục trang, luật chơi và kỹ thuật đấu vật là các từ thuần Hàn, miêu tả sinh động các động tác và sự điêu luyện của người dân.

 

Môn đấu vật tại Bắc Triều Tiên

Năm 2013, Bắc Triều Tiên đã đưa môn đấu vật truyền thống vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tích cực phổ biến môn thể thao này trên toàn quốc, đặc biệt là ở Bình Nhưỡng; đồng thời tập trung thiết lập, bảo hộ và kế thừa các quy tắc đấu vật. Đặc biệt, đấu vật tại Bắc Triều Tiên được phân thành hai loại là đấu vật dân tộc, chủ yếu dành cho dân thường và công nhân các nhà máy xí nghiệp vào các ngày lễ, và đấu vật cạnh tranh dành cho các vận động viên tại các đại hội thể thao. Bên cạnh đó, các địa phương nước này cũng đang quảng bá đấu vật như một môn thể thao đại diện cho quê hương.

 

Sự tương đồng và khác biệt trong đấu vật tại hai miền Nam-Bắc

Đặc điểm lớn nhất để phân biệt đấu vật cổ truyền của bán đảo Hàn Quốc với đấu vật ở các quốc gia khác, trong đó có Mông Cổ, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng và Việt Nam, chính là khố, tức một tấm vải hoặc sợi dây buộc quanh thắt lưng và chân người chơi để đối phương có thể nắm vào và dùng sức mạnh cùng kỹ thuật vật đối thủ xuống sàn trước.

Tuy có nhiều lý do để đấu vật trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận chung cho cả hai miền Nam-Bắc, vẫn có một số điểm khác biệt trong cách tổ chức môn thể thao này tại hai nước. Ví dụ như vận động viên Hàn Quốc thi đấu trên sàn cát còn vận động viên Bắc Triều Tiên thì thi đấu trên thảm, người chơi ở Hàn Quốc cởi trần còn người chơi ở miền Bắc mặc áo, người dân Hàn ngồi xuống khi vào trận trong khi người dân miền Bắc thì đứng.

 

Tiềm năng toàn cầu hóa của môn đấu vật

Bắc Triều Tiên vẫn gìn giữ các đặc trưng kỹ thuật đấu vật riêng của từng địa phương, có thể trở thành cơ sở để hồi sinh sự đa dạng của đấu vật tại bán đảo Hàn Quốc trong tương lai. Đặc biệt, cùng với việc đấu vật trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận chung cho cả hai miền Nam-Bắc, hai nước đang hướng tới một mẫu số chung cho môn thể thao này. Hai bên được kỳ vọng có thể bổ sung thiếu sót của nhau và làm phong phú thêm nguồn tài nguyên của môn đấu vật truyền thống, mở ra khả năng tổ chức một giải đấu chung, phát triển trò chơi này thành một môn thể thao quốc tế sau khi điều chỉnh và bổ sung luật chơi nhằm tăng tính tin cậy. Đặc biệt, nếu trao đổi và hợp tác liên Triều được nối lại thúc đẩy giao lưu tiếp xúc, một ngày không xa hai bên sẽ có thể tổ chức chung giải đấu vật ở quy mô Đông Bắc Á và lớn hơn nữa là trên toàn thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập