Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nhìn lại 10 năm cầm quyền và chính sách tương lai của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un

2021-12-23

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Cách đây 10 năm, ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên khi chỉ mới 27 tuổi sau sự ra đi đột ngột của cha là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il. Chính quyền nhà lãnh đạo trẻ miền Bắc khi đó đã thu hút sự chú ý khi mà trong lịch sử hiện đại chưa từng có tiền lệ nào như Bắc Triều Tiên với chế độ thống trị “cha truyền con nối ba đời”, thêm vào đó là nước này lại phải đối mặt với khó khăn kinh tế triền miên do các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của quốc tế. Khác với những người tiền nhiệm, Chủ tịch Kim Jong-un được đánh giá là có phong cách thống trị mang tính thực tế và gây được cảm tình, như diễn thuyết và trực tiếp giao lưu tiếp xúc với người dân. Sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm nhìn lại 10 năm cầm quyền và chính sách tương lai của Chủ tịch Kim Jong-un cùng nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Khác với cố Chủ tịch Kim Jong-il, người phải áp dụng chiến lược quản lý quốc gia theo di huấn của cha mình là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trong tình trạng khẩn cấp, ông Kim Jong-un đã thiết lập chiến lược với mục tiêu quản lý Nhà nước một cách bình thường. Dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, Bắc Triều Tiên coi trọng khía cạnh tư tưởng trừu tượng trong quyền lực thống trị, như tư tưởng chính trị ưu tiên quân sự, phiên bản xã hội chủ nghĩa riêng của miền Bắc và triết học “lá cờ đỏ”. Tuy vẫn chủ trương áp dụng tư tưởng lãnh đạo của hai người tiền nhiệm, Chính quyền Kim Jong-un nỗ lực thúc đẩy các chính sách với khẩu hiệu mang tính thực tế và dễ tiếp cận, như “chủ nghĩa quốc gia là trên hết”, “học thuyết quốc gia chiến lược”, “quốc gia văn minh xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa khoa học kỹ thuật”, “kinh tế tri thức”. Ông Kim cũng tích cực ủng hộ nền chính trị lấy đảng làm trung tâm nhằm bình thường hóa quyền lực. Với khẩu hiệu “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết”, Chủ tịch Kim cũng nỗ lực thể hiện hình ảnh thân thiện trước công chúng bằng cách giao lưu tiếp xúc với người dân.

 

Tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 vào tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un được bầu làm Tổng bí thư. Gần đây, truyền thông miền Bắc bắt đầu gọi ông Kim là “lãnh tụ”, vốn là danh hiệu chỉ dùng cho hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il; đồng thời nhấn mạnh tư tưởng cầm quyền khác biệt của ông Kim Jong-un, trong đó có “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết”. Điều này cho thấy sau 10 năm cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã đạt được địa vị chính trị tương đương với những người tiền nhiệm.

 

Chủ tịch Kim Jong-un củng cố quyền lực của mình nhanh hơn người tiền nhiệm Kim Jong-il và đang nắm giữ cả ba chức danh cao nhất của đảng Lao động và đất nước, bao gồm Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang. Dù đã ngồi vào tất cả các chức vụ tối cao, điều quan trọng là ông Kim phải duy trì danh hiệu “lãnh tụ” mang tính biểu tượng để hậu thế công nhận thành tựu kế thừa truyền thống cách mạng của ông, kết hợp với nỗ lực thần tượng hóa nhà lãnh đạo. Vì vậy, ở Bắc Triều Tiên gần đây xuất hiện thuật ngữ “tư tưởng Kim Jong-un” và “chủ nghĩa Kim Jong-un”, cùng với đó là truyền thông miền Bắc liên tục gọi ông Kim là “lãnh tụ”. Điều này cho thấy nỗ lực của ông Kim trong việc đạt được thành quả, vị thế và quyền lực tượng trưng trên danh nghĩa này khi bước vào năm thứ 10 cầm quyền.

 

Ngày 20/2, trong bài viết giới thiệu thành quả của Chủ tịch Kim Jong-un, Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã gọi vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào ngày 29/11/2017 của miền Bắc là “khoảnh khắc lịch sử không thể quên”, đồng thời nhấn mạnh địa vị quốc tế của Bắc Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã được nâng cao. Theo đó, chính sách tăng cường khả năng quốc phòng, trong đó có việc phát triển vũ khí hạt nhân, được coi là thành tựu quan trọng nhất của chính quyền ông Kim. Trên thực tế, từ khi Chủ tịch Kim lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân và khoảng 60 vụ phóng tên lửa.

 

Các vụ phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên không chỉ nhiều về số lượng mà còn đa dạng về chủng loại, trong đó có tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, hệ thống phòng thủ tên lửa phiên bản miền Bắc, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) kiểu mới có thể mang nhiều đầu đạn và tên lửa bội siêu thanh. Xét theo từng thời kỳ, 2013-2017 có thể xem là giai đoạn một của thời kỳ phát triển vũ khí hạt nhân, cũng là giai đoạn miền Bắc chủ yếu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Trong giai đoạn hai từ tháng 4/2019 đến nay, Bắc Triều Tiên chuyển qua phóng thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn để đưa Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi có căn cứ quân đội Mỹ, vào tầm bắn; cũng như nhiều loại vũ khí chiến lược và chiến thuật mới, trong đó có cả loại vũ khí có thể triển khai trong thực chiến.

 

Kế hoạch 5 năm về phát triển hệ thống vũ khí của Bắc Triều Tiên cho thấy ý định tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân nhằm mục đích tự vệ của nước này. Tuy nhiên, khác với mong muốn được cộng đồng quốc tế công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và thúc đẩy nền kinh tế bằng chính sách mở cửa dần dần, miền Bắc càng phát triển vũ khí hạt nhân thì càng khiến tình hình kinh tế thêm tồi tệ.

Truyền thông quốc tế cũng chỉ ra tình hình kinh tế nghiêm trọng ở Bắc Triều Tiên sau 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un. Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), ông Kim đã củng cố quyền lực thông qua các cuộc thanh trừng lớn, sau đó dồn lực vào phát triển vũ khí hạt nhân để đạt được thành công trong các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhưng chính điều này đã khiến miền Bắc bị cộng đồng quốc tế cô lập trừng phạt mạnh mẽ hơn. Hãng tin Reuters (Anh) cho rằng 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Kim có thể được định nghĩa bằng tham vọng theo đuổi vũ khí hạt nhân, đồng thời chỉ trích miền Bắc không đạt được sự thay đổi trong tổ chức mặc dù đã ông Kim Jong-un đã đề xuất cải cách nền kinh tế, hướng đến những thay đổi trong quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều.

 

Các chính sách quản lý kinh tế và biện pháp cải cách của Chủ tịch Kim Jong-un mang nhiều yếu tố tích cực. Ngay từ những năm đầu cầm quyền, ông Kim đã áp dụng chính sách thân thiện với thị trường, như trao nhiều quyền tự chủ hơn cho các nhà máy và xí nghiệp, áp dụng chế độ đóng thuế theo tỷ lệ nhất định để cải thiện các điểm thiếu sót của nền kinh tế kế hoạch cứng nhắc trước đây. Dưới thời ông Kim Jong-un, số lượng chợ tổng hợp đã tăng từ 200, 300 lên khoảng hơn 500 nơi, cho thấy mạng lưới thị trường không chính thức đã được mở rộng. Nền kinh tế Bắc Triều Tiên đã ở trong thời kỳ vàng cho đến năm 2017, cũng là lúc 5 nghị quyết kêu gọi trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế miền Bắc. Sau đó, nước này còn phải đương đầu với đại dịch COVID-19 và lũ lụt thường xuyên xảy ra. Nếu tình hình dịch bệnh không tiến triển, nền kinh tế Bắc Triều Tiên có khả năng sẽ còn suy thoái nghiêm trọng hơn.

 

Mặt khác, hình ảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nắm tay Chủ tịch Kim Jong-un cùng vượt qua đường ranh giới quân sự liên Triều và đi dạo trên cây cầu tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã để lại ấn tượng khắc sâu trong tâm trí của người dân toàn thế giới. Từ năm 2018, ông Kim đã quảng bá hình ảnh bản thân là nhà lãnh đạo của một quốc gia bình thường bằng cách tổ chức các cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đặc biệt, Bắc Triều Tiên đánh giá Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều với cựu Tổng thống Trump là sự kiện lịch sử trong 10 năm cầm quyền của ông Kim Jong-un.

Nếu như trước đây, Bình Nhưỡng là bên yêu cầu đàm phán với Washington nhưng bị từ chối, thì nay Mỹ là bên tích cực đề nghị đối thoại. Nhưng cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn chưa đáp lại yêu cầu đối thoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) của Chính phủ Hàn Quốc. Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung gia tăng khiến các điều kiện đối thoại Mỹ-Triều ngày càng khó khăn và biên giới đóng cửa do đại dịch làm nền kinh tế càng thêm suy thoái, miền Bắc sẽ có những động thái gì vào năm 2022?

 

Có thể tóm tắt thái độ chiến lược trong 5 năm tới mà Bắc Triều Tiên đưa ra tại Đại hội đảng Lao động vào tháng 1 năm nay bằng nguyên tắc “lấy cứng rắn đáp trả cứng rắn, lấy thiện chí đáp trả thiện chí”. Tuy nhiên, miền Bắc vẫn giữ im lặng trước các đề nghị hợp tác, đồng thời đáp trả gay gắt các cuộc tập trận chung và hợp tác phát triển vũ khí Hàn-Mỹ bằng các động thái thử nghiệm vũ khí mang tính uy hiếp. Đặt mục tiêu phát triển vũ khí chiến lược theo hướng không thể đảo ngược trong 5 năm tới, Bắc Triều Tiên sẽ áp dụng khéo léo nguyên tắc trên. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Biden vẫn thờ ơ trong việc đối thoại với miền Bắc nhưng có khả năng sẽ thay đổi chính sách tùy theo động thái tiếp theo của Hàn Quốc. Bất chấp tình hình có biến đổi ra sao, mục tiêu chiến lược của Bắc Triều Tiên là không làm gia tăng căng thẳng và lợi dụng Hàn Quốc một cách hiệu quả cho đến khi kế hoạch cải tiến vũ khí hạt nhân được hoàn thành ở mức độ không thể đảo ngược.

 

Trong một thập kỷ qua, tuy Chủ tịch Kim Jong-un đã củng cố được quyền lực tuyệt đối trong nội bộ nhưng tình hình ngoại giao, an ninh và kinh tế của Bắc Triều Tiên lại trở nên sa sút. Chúng ta hãy cùng chờ xem chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đưa ra chính sách gì cho năm 2022 trong bối cảnh miền Bắc phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng và tình hình ngoại giao trở nên phức tạp hơn so với 10 năm trước.

Lựa chọn của ban biên tập