Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Môn bắn cung ở Bắc Triều Tiên

2021-12-23

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Ngày 6/12, thành phố Gwangju (tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc) chính thức được lựa chọn làm nơi đăng cai tổ chức Giải vô địch bắn cung thế giới năm 2025 (World Archery Championships 2025). Đây là giải đấu được tổ chức hai năm một lần và là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho một hạng mục duy nhất. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là cơ hội cho giao lưu bắn cung liên Triều, đẩy cao sự quan tâm về môn bắn cung của hai miền Nam-Bắc. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về môn bắn cung ở Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Heo Jeong-pil đến từ Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên học thuộc Đại học Dongguk.

 

Sự phổ biến của môn bắn cung tại Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên gia nhập Liên đoàn bắn cung thế giới (WA) vào năm 1961 và tổ chức nhiều giải đấu cho các vận động viên hay các giải đấu giao lưu thể thao dân tộc có bao gồm hạng mục bắn cung, như Đại hội thể thao giải Mangyongdae vào tháng 4 hàng năm, Đại hội thể thao vận động viên nước cộng hòa, Đại hội thể thao giải đuốc Pochonbo và Đại hội thể thao Nhân dân. Ngoài ra, miền Bắc còn tích cực tham gia các giải đấu quốc tế của Liên đoàn bắn cung thế giới, tổ chức các giải bắn cung trước các ngày lễ truyền thống hàng năm cho đối tượng là người dân và công nhân các xí nghiệp. Bắc Triều Tiên còn phát hành tem kỷ niệm về bắn cung nhân dịp Thế vận hội mùa hè Rio de Janeiro năm 2016 tại Brazil, cho thấy sự nổi tiếng của môn thể thao này. Nước này cũng đang xây dựng trường bắn cung trong dự án khu du lịch Wonsan-Kalma dọc bờ biển phía Đông.

 

Thành tích môn bắn cung của Bắc Triều Tiên trên trường quốc tế

Tại Giải vô địch bắn cung thế giới năm 1975 ở Thụy Sĩ, vận động viên Han Sun-hi đã trở thành cung thủ Bắc Triều Tiên đầu tiên giành được huy chương với tấm huy chương đồng nội dung đơn nữ. Vào đầu những năm 1980, một nữ cung thủ khác của miền Bắc là O Gwang-sun đã giành được nhiều thành tựu xuất sắc tại các giải đấu quốc tế được khối phía Đông, trong đó có Liên Xô và Ba Lan tổ chức. Cô cũng đánh bại hai cung thủ Hàn Quốc là Kim Jin-ho và Kim Mi-young để giành huy chương vàng tại Á vận hội năm 1982 ở New Delhi, Ấn Độ. Sau khi Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời năm 1994, cũng là lúc Bắc Triều Tiên phải trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quan gian khổ”, nước này tạm thời gác thể thao sang một bên để tập trung vào việc phục hồi kinh tế. Thêm vào đó, người kế nhiệm là cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng đặt nhiều sự quan tâm vào văn hóa nghệ thuật và phim ảnh hơn là thể thao. Vì vậy, trong thời kỳ này, miền Bắc đã không đạt được nhiều thành tựu trong thể thao, bao gồm cả bắn cung.

 

Sự quan tâm của Chủ tịch Kim Jong-un danh cho bắn cung

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên một lần nữa dành sự quan tâm cho thể thao với mục tiêu trở thành một cường quốc thể thao. Bình Nhưỡng đã thành lập Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia để hỗ trợ toàn diện cho lĩnh vực này. Nền bắn cung của miền Bắc cho thấy sự phát triển vào năm 2014, khi nước này đánh bại Mỹ và Ukraine ở nội dung đồng đội nữ cho cung một dây tại vòng một của Giải bắn cung thế giới tổ chức ở Thượng Hải, Trung Quốc vào cùng năm. Sau đó, vào năm 2018, cung thủ Kang Un-ju và Pak Yong-won của Bắc Triều Tiên đã giành huy chương bạc nội dung đôi nam-nữ tại Á vận hội Jakarta Palembang năm 2018 ở Indonesia, đánh dấu thời điểm Bình Nhưỡng đặt mục tiêu phát triển bắn cung thành môn thể thao chủ lực của quốc gia. Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay, Chủ tịch Kim Jong-un đề ra mục tiêu đưa Bắc Triều Tiên thành một “quốc gia phát triển về thể thao”. Theo đó, miền Bắc đặt kỳ vọng sẽ đạt được kết quả xuất sắc tại các giải đấu quốc tế, tương tự như việc nước này từng thành công đứng thứ 20 trong bảng tổng sắp huy chương tại Thế vận hội London (Anh) năm 2012.

 

Sự quan tâm của Bắc Triều Tiên đến trang thiết bị bắn cung

Nhiều báo đài đưa tin các cung thủ Bắc Triều Tiên đã sử dụng cung Hàn Quốc và tên bắn do Mỹ sản xuất khi tham dự Đại hội thể thao châu Á 2014 tổ chức tại Incheon (Hàn Quốc). Truyền thông miền Bắc cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã đến xem các trận bắn cung và chỉ thị quan chức chuẩn bị cung và tên chất lượng nhất cho các vận động viên, cho thấy sự quan tâm của nước này trong việc phát triển trang thiết bị môn bắn cung. Bắc Triều Tiên đang cho thấy nỗ lực trong việc tập trung phát triển môn bắn cung. Kể từ chuyến chỉ đạo thực địa của Chủ tịch Kim Jong-un vào năm 2014, bắn cung đã được miền Bắc khoa học hóa. Ngày 13/1/2017, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) có bài viết cho biết sự phát triển trong thiết bị môn bắn cung của miền Bắc đã được đánh giá cao tại Triển lãm thành tựu khoa học kỹ thuật thể thao toàn quốc lần thứ 20, khẳng định miền Bắc có thể tự sản xuất cung tên và các phụ kiện cung tên.

 

Lịch sử và triển vọng giao lưu bắn cung liên Triều

Các cung thủ hai miền Nam-Bắc đã có khá nhiều lần cùng tham gia giải đấu quốc tế nhưng chưa có trận giao hữu nào. Năm 2015, đoàn thể thao 25/4 của miền Bắc và đoàn thể thao KOLON cùng đội thuộc cơ quan hành chính thành phố Yeoju của Hàn Quốc đã huấn luyện chung tại Trung Quốc để kiểm tra năng lực thi đấu và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Giải vô địch bắn cung thế giới năm 2025 tại thành phố Gwangju được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để cung thủ liên Triều hội ngộ. Là cái nôi của Phong trào vận động dân chủ 18/5 với tinh thần dân chủ, hòa bình và nhân quyền, thành phố Gwangju đề xuất thành lập đội tuyển bắn cung liên Triều, góp phần to lớn vào việc mở rộng giao lưu giữa hai nước qua Giải vô địch bắn cung thế giới năm 2025. Từ năm 2020 đến năm 2024, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cần tổ chức cho thanh thiếu niên hai nước giao lưu trong môn bắn cung ở cấp độ thấp, đồng thời thành lập đội tuyển liên Triều và cho phép các cung thủ miền Bắc tham gia các giải đấu được Hàn Quốc tổ chức ở cấp độ giao lưu cao hơn.

Lựa chọn của ban biên tập