Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Y học cổ truyền tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-01-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Khác với Hàn Quốc, nơi y học cổ truyền được gọi là “y học Hàn” và được vận hành theo hệ thống riêng khác với Tây y, Bắc Triều Tiên gọi nền y học cổ truyền là “y học Goryeo” và vận dụng kết hợp các phương thức y học này chặt chẽ với y học phương Tây. Điều này cho thấy sự khác nhau giữa tên gọi và cách ứng dụng y học cổ truyền tại hai miền Nam-Bắc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng bác sĩ Kim Ji-eun, được biết đến là bác sĩ y học cổ truyền số một liên Triều, tìm hiểu về y học cổ truyền tại Bắc Triều Tiên. Bà Kim Ji-eun từng là bác sĩ khoa nội và khoa nhi sau khi tốt nghiệp Khoa Y học Goryeo tại Bắc Triều Tiên, sau đó đến Hàn Quốc và tiếp tục lấy bằng “y học cổ truyền”.

 

Tại Bắc Triều Tiên, tôi tốt nghiệp Khoa Y học Goryeo tại Đại học Y Chongjin và trở thành bác sĩ khoa nội và khoa nhi, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y học. Sau đó, tôi đến Hàn Quốc và trở thành bác sĩ y học cổ truyền. Tại miền Bắc, sinh viên y học cổ truyền như tôi có thể trở thành bác sĩ khoa nội và khoa nhi vì hệ thống giáo dục nước này có một chút khác biệt so với Hàn Quốc. Luật Giáo dục Hàn Quốc chỉ công nhận những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học y được Bộ trưởng Y tế và phúc lợi Hàn Quốc công nhận. Vì đại học y của Bắc Triều Tiên không nằm trong số này nên khi đến Hàn Quốc, tôi đã chuyển tiếp đến Khoa y học cổ truyền và học tiếp trong 4 năm. Hiện tại, Luật Giáo dục Hàn Quốc đã thay đổi, cho phép bác sĩ, bác sỹ y học cổ truyền, dược sĩ, nha sĩ và y tá miền Bắc tham gia kỳ thi cấp quốc gia tại Hàn Quốc để lấy chứng chỉ hành nghề.

 

Hệ thống y học cổ truyền tại hai miền Nam-Bắc có sự khác nhau cả trong tên gọi. Y học cổ truyền tại Bắc Triều Tiên ban đầu được gọi là “Đông y”, sau đó được đổi thành “y học Goryeo” vào năm 1993. Do đó, bác sỹ Đông y, thuốc Đông y cũng được đổi tên lần lượt thành bác sĩ y học Goryeo và thuốc Goryeo.

 

Tên gọi ban đầu của y học cổ truyền tại Bắc Triều Tiên là “Đông y”, có nghĩa là nền y học bắt nguồn từ phương Đông. Sau đó, cùng với xu hướng các trường đại học sư phạm tại Bắc Triều Tiên được đổi thành những cái tên mang ý nghĩa riêng, như Đại học sư phạm Kim Hyung-jik, Đại học sư phạm Kim Jung-suk và Đại học quân sự Kang Kon, các trường đại học tại miền Bắc cũng đổi tên “Đông y” thành “y học Goryeo”, nhằm nhấn mạnh đến thời kỳ mà nền y học cổ truyền trên bán đảo Hàn Quốc ở mức cực thịnh. Đây cũng là thời điểm miền Bắc ôm mộng thành lập nước Cộng hòa Liên bang Goryeo và thể hiện mong muốn phục hưng truyền thống, khẳng định tiếng nói của mình và nhấn mạnh nền y học độc lập của đất nước.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên đang dồn sự chú ý vào y học cổ truyền để trốn tránh thực trạng khó khăn của nền y tế. Tuy nhiên, miền Bắc từ lâu đã coi y học cổ truyền là một trục trọng tâm của nền y tế, song song với y học phương Tây.

 

Kể từ khi giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã coi y học cổ truyền là trụ cột của nền y tế, song song với Tây y. Tháng 2/1946, miền Bắc công bố 20 cương lĩnh chính trị của Ủy ban nhân dân lâm thời, trong đó đề cập đến việc Nhà nước sẽ trực tiếp chăm lo sức khỏe của người dân. Sau đó, nước này đưa y học cổ truyền vào dự án y tế cộng đồng vào năm 1947, công bố các quy định về trình độ của bác sĩ y học cổ truyền, chính thức đưa y học cổ truyền vào hệ thống y tế và thành lập các khoa y học cổ truyền tại các trường đại học y vào năm 1954. Ba năm sau đó, Bắc Triều Tiên đưa ra quy định bác sĩ Tây y cũng phải học về y học cổ truyền. Năm 1980, miền Bắc ban hành Luật Y tế nhân dân, khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu và sản xuất thuốc y học cổ truyền.

 

Bắt đầu với việc Đại học y Bình Nhưỡng thành lập Khoa Đông y vào năm 1960, Bắc Triều Tiên lần lượt thành lập Khoa Đông y tại các đại học y ở mỗi tỉnh cho đến những năm 1970 nhằm đào tạo bác sỹ Đông y. Tại miền Bắc, đại học y có chuyên ngành y học cổ truyền và Tây y, tuy nhiên không có trường đại học chuyên về y học cổ truyền như Hàn Quốc.

 

Khác với Hàn Quốc nơi Đại học y có tên gọi là “Đại học y khoa” trực thuộc Đại học tổng hợp, trường đại học y tại Bắc Triều Tiên được gọi là “Đại học y học”, là một cơ quan độc lập với các khoa Tây y, y học cổ truyền, nha khoa và khoa dược. Ngoài ra, cũng có các Đại học dược và Đại học tai mũi họng chuyên về dược học và nha khoa. Cho đến đầu những năm 1990, sinh viên y khoa miền Bắc phải học tổng cộng 7 năm, gồm một năm dự bị và 6 năm chuyên ngành. Vì vậy, sinh viên y học cổ truyền cũng được học nhiều về Tây y và đạt đến trình độ có thể tiến hành phẫu thuật. Hiện nay, sau khi các trường đại học y Bắc Triều Tiên đã tiến hành giảm tải chương trình học từ 7 năm còn 6 năm, gồm một năm dự bị và 5 năm chuyên ngành.

 

Hệ thống và chương trình giảng dạy của đại học y tại hai miền Nam-Bắc cũng có sự khác biệt. Thay vì phải thi kỳ thi quốc gia lấy chứng chỉ bác sỹ như sinh viên Hàn Quốc, sinh viên y khoa tại Bắc Triều Tiên phải làm bài thi tốt nghiệp cũng khó không kém. Ngoài ra, để được thi tốt nghiệp, sinh viên phải dịch 300 trang tài liệu tiếng nước ngoài, đỡ đẻ cho 10 sản phụ, thực tập tại bệnh viện 6 tháng trước khi tốt nghiệp, nộp báo cáo thực tập và đặc biệt phải hoàn thành khóa huấn luyện quân y.

 

Các sinh viên y khoa bắt buộc phải tham gia khóa huấn luyện quân y nếu muốn tham dự kỳ thi tốt nghiệp, bao gồm kiến thức về các bước cấp cứu nhằm hỗ trợ và chữa trị cho người bị thương trong thời chiến. Đây là một khóa học thú vị và có độ khó cao, chẳng hạn như cách tránh vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, làm kiểm tra trắc nghiệm trong một tòa nhà đang cháy, xử lý và di chuyển bệnh nhân gãy xương đùi, chấm điểm khi đang khiêng cáng. Trong 6 tháng huấn luyện, sinh viên sẽ phải học những kiến thức cụ thể như mặc quân phục, dựng trại, vận chuyển và sơ cứu lính bị thương. Vì vậy, những người tốt nghiệp đại học y ở miền Bắc đều có đủ trình độ để giữ chức trung tướng quân y cấp tiểu đoàn. Đây cũng là cách Bắc Triều Tiên chuẩn bị cho trường hợp chiến tranh nổ ra, một hệ thống nói lên hiện thực đáng buồn của hai miền Nam-Bắc khi bị chia rẽ.

 

Ở Hàn Quốc, một sinh viên có thể trở thành bác sĩ nếu vượt qua kỳ thi quốc gia để được cấp giấy phép hành nghề và có thể trở thành bác sĩ chuyên khoa sau khi thực tập tại một bệnh viện đào tạo được Nhà nước chỉ định, chọn chuyên ngành theo ý muốn, vượt qua khóa học nội trú và bài kiểm tra trình độ. Tuy nhiên, sinh viên y khoa ở Bắc Triều Tiên không trải qua quy trình này và không được chọn chuyên ngành theo ý muốn.

 

Hệ thống y tế Bắc Triều Tiên cho phép bác sĩ y học cổ truyền đảm nhận công việc của bác sĩ Tây y nhưng không có trường hợp ngược lại. Sinh viên không được chọn chuyên ngành theo ý muốn mà phải học theo chỉ thị của chính quyền. Về cơ bản, hệ thống y tế miền Bắc có nguyên tắc điều trị theo phương pháp y học cổ truyền dựa trên chuẩn đoán Tây y, ví dụ như vừa kê thuốc tiêu hóa và vừa châm cứu kết hợp xoa bóp cho người mắc bệnh khó tiêu. Theo đó, bác sĩ y học cổ truyền có thể kê dung dịch truyền tĩnh mạch, thậm chí cả các loại thuốc giảm đau gây nghiện, trong đó có morphin, và các loại thuốc kháng sinh.

 

Các bác sĩ Bắc Triều Tiên vẫn phải thi kiểm tra trình độ ba năm một lần và có thể mất tư cách hành nghề nếu trượt. Bài thi này cũng ảnh hưởng đến tiền lương và khả năng thăng tiến nên được các bác sĩ miền Bắc đặc biệt quan tâm.

 

Bác sĩ ở miền Bắc phải nỗ lực hết mình và không ngừng học tập để chuẩn bị cho bài thi đánh giá trình độ được tổ chức ba năm một lần, bởi nếu không đạt thì sẽ bị tước tư cách hành nghề. Sau khi tốt nghiệp trường y, bác sĩ sẽ được chia thành 6 cấp và có thể duy trì hoặc nâng cấp qua bài thi trình độ. Bài thi nâng cấp khó hơn bài thi duy trì, nhưng nếu được nâng cấp, bác sĩ có thể được tăng lương, thăng chức và thậm chí trở thành trưởng khoa tại bệnh viện.

 

Bắc Triều Tiên quy định tháng 4, tháng 5, tháng 9 và tháng 10 hàng năm là tháng trồng thảo dược nhằm khuyến khích sản xuất thảo dược trên toàn quốc. Vào thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990, hệ thống cung cấp thuốc dựa vào nhập khẩu của miền Bắc bắt đầu sụp đổ do sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa, dẫn đến việc nước này tập trung vào phát triển thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên ban hành Luật Thảo dược nhằm thúc đẩy người dân trồng thảo dược, đồng thời các bác sĩ và nhân viên y tế có nghĩa vụ phải thu hoạch thảo dược để cải thiện tình trạng thiếu thuốc y tế.

 

Cơ quan quản lý Đông y trung ương sẽ chịu trách nhiệm phân phối việc trồng thảo dược tại Bắc Triều Tiên, nhưng việc cung cấp thảo dược trở nên khó khăn và thiếu thốn, dẫn đến việc miền Bắc từ lâu đã khuyến khích các bệnh viện tự trồng các loại thảo dược. Vì vậy, Nhà nước sẽ cung cấp các loại thuốc không thu hoạch được và phải nhập khẩu, còn người dân tự hái các loại thuốc có thể tìm thấy trên núi về sử dụng. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng đưa ra giới hạn số lượng thảo dược mà mỗi người phải thu hoạch và nộp lên theo mùa, cả giám đốc bệnh viện hay bí thư đảng cũng không phải ngoại lệ.

 

Theo báo cáo về “Tình hình nghiên cứu và ứng dụng y học cổ truyền tại Bắc Triều Tiên” được Viện nghiên cứu y học cổ truyền Hàn Quốc công bố năm 2020, tất cả các cơ sở y tế tại miền Bắc, từ các cơ sở trị liệu cấp 1, như Phòng khám Lidong và Bệnh viện nhân dân, đến các cơ sở trị liệu cấp 4, như Bệnh viện tổng hợp Hội chữ thập đỏ Joseon, đều ứng dụng y học cổ truyền. Đặc biệt, y học cổ truyền chiếm đến 70% các liệu trình y tế tại các cơ sở y tế cấp 1 và dự kiến tỷ lệ này sẽ còn tăng cao trong bối cảnh việc nhập khẩu các thiết bị y tế và thuốc điều trị vào miền Bắc trở nên khó khăn do các lệnh trừng phạt cũng như chính sách đóng cửa biên giới để đối phó với dịch COVID-19.

 

Trong bối cảnh ứng dụng Tây y không nhiều khả thi, Bắc Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ưu tiên y học cổ truyền. Trong 10 năm cầm quyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã liên tục nhấn mạnh nguyên tắc của nền y tế miền Bắc là hiện đại hóa và khoa học hóa. Đó là lý do tại sao Bắc Triều Tiên xây dựng các bệnh viện và nhà máy sản xuất thuốc hiện đại, đặc biệt là bệnh viện ở thành phố Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Triều Tiên có lẽ đang đau đầu với vấn đề làm sao có thể ứng dụng các thiết bị y tế hiện đại vào các bệnh viện này.

 

Vào cuối năm ngoái, Viện chấn hưng y học cổ truyền và Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc đã tổ chức một hội nghị học thuật với chủ đề "Nhiệm vụ và triển vọng phát triển trao đổi, hợp tác liên Triều trong lĩnh vực y tế". Mặc dù hai miền Nam-Bắc sử dụng tên gọi khác nhau cho y học cổ truyền, nhưng nhiều ý kiến nhất trí rằng y học cổ truyền là di sản chung liên Triều, cần có sự trao đổi và hợp tác ổn định từ bây giờ để có thể trở thành một nền y học chung sau khi thống nhất.

 

Y học cổ truyền tại Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tuy đều là một ngành khoa học truyền thống nhưng vẫn có sự khác biệt trong thuật ngữ và cách biểu hiện, chẳng hạn như tên thuốc, do được nghiên cứu trong hệ thống khác nhau với các giá trị quan khác nhau suốt một thời gian dài. Nếu một dịch bệnh xảy ra ở miền Bắc, Hàn Quốc sẽ là nước đầu tiên bị ảnh hưởng. Vì vậy, hai miền Nam-Bắc cần chung tay cùng cải thiện nền y tế Bắc Triều Tiên để hướng tới tương lai một bán đảo Hàn Quốc thống nhất và khỏe mạnh.

 

Tuy Bắc Triều Tiên đã áp dụng y học cổ truyền trên danh nghĩa nền y học dân tộc trong nhiều năm, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định sự cần thiết của việc hiện đại hóa và xác minh tính ổn định của các phương pháp y tế này. Việc giao lưu y học cổ truyền liên Triều, vốn phát triển từ cùng một gốc rễ, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong việc khôi phục mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc hiện nay.

Lựa chọn của ban biên tập