Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bánh kẹo của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-01-26

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Trẻ em Bắc Triều Tiên thường được tặng bánh kẹo vào những ngày lễ như sinh nhật nhà lãnh đạo tối cao hay ngày thành lập đảng Lao động nhằm nhấn mạnh tư tưởng yêu thương người dân của nhà lãnh đạo và để người dân khắc ghi ngày kỷ niệm quốc gia. Do đó, bánh kẹo ở miền Bắc mang nhiều ý nghĩa chính trị khác nhau. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu về bánh kẹo của Bắc Triều Tiên. Đầu tiên là ý nghĩa của bánh kẹo ở nước này.

 

Trước đây, bánh kẹo ở Bắc Triều Tiên không phải là thứ đồ ăn vặt có thể dễ dàng mua ở chợ, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, mà là món quà đặc biệt nhà lãnh đạo tặng cho người dân vào các dịp lễ nhằm thể hiện tình yêu dân của đảng Lao động. Tuy nhiên, ý nghĩa của bánh kẹo tại nước này gần đây đang bắt đầu có sự thay đổi, trở thành một loại đồ ăn được ưa chuộng sau khi nhiều nhà máy sản xuất bánh kẹo tự phát xuất hiện và phân phối sản phẩm này tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn như Bình Nhưỡng. Các sản phẩm gần đây cũng trở nên đa dạng nhờ chiến lược phát triển bánh kẹo thành mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực, các mặt hàng bánh kẹo đa dạng được người dân yêu thích và có thể mua bất cứ lúc nào không nhất thiết phải là ngày đặc biệt.

 

Tuy không còn nữa, nhưng loại đồ ăn vặt mang tên “bánh Liên hợp quốc” từng rất được ưa thích tại Bắc Triều Tiên vào những năm 2000. Đây là loại bánh quy dinh dưỡng được các nhà máy miền Bắc sản xuất bằng nguyên liệu Liên hợp quốc cung cấp qua Chương trình lương thực thế giới (WFP) để phát tại trường học và mẫu giáo. Tên gọi của loại bánh quy này mang ý nghĩa chỉ món đồ ăn vặt được các cơ quan quốc tế gửi đến.

 

“Bánh Liên hợp quốc” được các nhà máy Bắc Triều Tiên sản xuất bằng nguyên liệu từ WFP sao cho phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của trẻ, khác với các loại thực phẩm được phân phát nguyên trạng trong các dự án cứu trợ hay nhân đạo. Trong quá trình sản xuất, các loại bánh này được bổ sung dinh dưỡng, dễ ăn dành cho trẻ. Bánh Liên hợp quốc có hình vuông cạnh dài khoảng 5 cm, bên trên khắc logo của WFP, cũng là nguồn gốc tên gọi của loại bánh này. Tuy nhiên, loại đồ ăn vặt này đã biến mất khỏi miền Bắc do các nhà máy phải ngừng sản xuất sau khi WFP cắt hỗ trợ.

 

Sinh thời, cố Chủ tịch Kim Jong-il nhấn mạnh đến nền chính trị ưu tiên quân sự với câu nói “Không có kẹo thì vẫn sống được nhưng sẽ không thể sống nếu thiếu súng”. Song, dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên nhấn mạnh vào việc phục hồi kinh tế và cải thiện đời sống người dân, nhờ đó mà ngành công nghiệp bánh kẹo bắt đầu phát triển. Đặc biệt, việc thực hiện "hệ thống quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa" có thành tố tư bản đã giúp bánh kẹo được cải thiện hương vị và đa dạng hơn.

 

Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã có sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh nước này đang tìm cách phục hồi nền kinh tế thông qua ngành công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng và dịch vụ, thì sản xuất bánh kẹo cũng đã trở thành ngành công nghiệp gây được sự chú ý. Đây cũng là lĩnh vực đang được đầu tư phát triển nhờ có đủ trình độ công nghệ để xuất khẩu và tự sản xuất mà không cần nhập khẩu nguyên liệu. Một trong những nhà máy lớn nổi tiếng nhất nước này là Nhà máy liên hợp thể thao Geumkop (Cúp vàng), được xây dựng trên Đường thanh xuân tại Bình Nhưỡng, và đi vào sản xuất vào năm 2011. Nơi đây bắt đầu với việc sản xuất đồ uống và bánh mì, sau đó mở rộng sang các sản phẩm từ thịt, với tổng hơn 400 sản phẩm. Ngoài ra còn có Nhà máy thực phẩm Sunheung và Nhà máy thực phẩm Eunha Daesung (Ngân hà đại tinh) đang quảng bá thương hiệu “Ngân hà”. Tiếp đó phải kể đến Nhà máy thực phẩm tổng hợp Songdowon và Nhà máy thực phẩm tổng hợp Oh-il.

 

Tương tự hệ thống Tiêu chuẩn công nghiệp Hàn Quốc (KS), Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh đến việc tiêu chuẩn hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm và có một hệ tiêu chuẩn quốc gia áp dụng cho các sản phẩm từ công nghiệp đến thực phẩm, văn phòng phẩm mà truyền thông nước này ví như "luật pháp". Ngoài ra, miền Bắc cũng gia nhập Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) nhằm nhấn mạnh hệ thống quản lý sản xuất. Ngoài tiêu chuẩn ISO, Bắc Triều Tiên còn áp dụng chế độ Huy chương chứng nhận chất lượng hàng năm cho các sản phẩm bánh kẹo.

 

Bắc Triều Tiên đang chú ý hơn đến chất lượng các sản phẩm hàng tiêu dùng. Để nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm thay vì số lượng như trước, miền Bắc chọn ra các sản phẩm chất lượng cao để trao huy chương vào ngày 15/12 hàng năm, kể từ năm 2014. Các tiêu chuẩn mới được thiết lập hàng năm cho từng lĩnh vực nhằm chọn ra các sản phẩm có tính cạnh tranh để trao giải. Các sản phẩm đã từng đạt huy chương chất lượng trong lĩnh vực bánh kẹo gồm có bánh mì trái cây, kẹo cà phê, bánh kẹo tổng hợp, thạch dinh dưỡng và bánh gạo dinh dưỡng tổng hợp. Số lượng các sản phẩm mới tăng theo từng năm, dẫn tới số lượng sản phẩm được trao huy chương chất lượng vào ngày 15/12 ngày càng nhiều.

 

So với trước đây, bánh kẹo tại Bắc Triều Tiên đã trở nên đa dạng hơn về chủng loại, và được chia thành các loại như kẹo, bánh quy, bánh mỳ, thạch và bánh gạo. Các loại bánh kẹo miền Bắc được đặt tên theo nguyên liệu chứ không phải thương hiệu, nên có thể biết được loại bánh kẹo từ tên gọi của chúng.

 

Cách đặt tên rõ ràng này được áp dụng cho các loại kẹo tại Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như kẹo lạc. Ngoài ra, tên kẹo có thể bao gồm cả hương liệu hay nguyên liệu, chẳng hạn như kẹo hương nho, kẹo hương dâu; hoặc nhân kẹo, như kẹo nhân táo, kẹo nhân quả ngũ vị, kẹo thạch táo. Ngoài ra, kẹo còn có thể được đặt tên theo cách trình bày, như kẹo que xiên, cho thấy tên sản phẩm nói lên đặc trưng của sản phẩm đó.

 

Ở Bắc Triều Tiên, bánh mì được được chia thành các loại như seolgi (bánh bông lan), so-ppang (bánh mì tròn), bánh mì xoắn, mali-ppang (bánh cuộn chỉ) và tare-ppang (bánh dẹt). Bánh bông lan miền Bắc có bánh bông bơ, bánh bông lan dừa. Bánh mì tròn thì được đặt tên theo nguyên liệu làm nhân, có bánh mì đậu đỏ, bánh mì mứt dâu, bánh mì mứt táo, bánh mì mứt chanh. Bánh cuộn chỉ có hình dạng cuộn lại như cuộn chỉ và cũng được đặt tên theo nguyên liệu, chẳng hạn bánh cuộn chỉ vị quế, bánh cuộn chỉ vị bơ.

 

Tại Bắc Triều Tiên, từ “đồ chiên” được dùng để chỉ snack (đồ ăn vặt), còn bánh sandwich được gọi là “bánh kẹp”, mang ý nghĩa chỉ hai lớp bánh chồng lên nhau. Loại bánh này được đặt tên theo nguyên liệu lớp kem ở giữa, chẳng hạn như bánh kẹp kem sữa, bánh kẹp trà xanh. Còn đồ chiên được phân loại tùy thuộc vào nguyên liệu, như bạch tuộc chiên để chỉ khoai tây chiên vị bạch tuộc, giống như thương hiệu Saeukkang của Hàn Quốc. Ngoài ra còn có hành tây chiên, đậu xanh chiên, chocolate chiên, đậu Hà Lan chiên. Vì vậy, có thể thấy các tên gọi sản phẩm của Bắc Triều Tiên chủ yếu được đặt theo thành phần.

 

Người dân miền Bắc trước đây gọi kem là “nước đông đá” nhưng hiện tại cũng đã bắt đầu dùng danh từ “ice-cream” cho cả kem que và kem cây. Người dân nước này cũng gọi kẹo cao su là “gum”, chia thành “kẹo cao su mảnh” cho kẹo cao su dạng dẹp và “kẹo cao su giọt nước” cho kẹo cao su dạng quả bóng. Kẹo cao su không tẩm đường sẽ được gọi là “kẹo cao su không đường”. Các loại nước có ga được người dân Bắc Triều Tiên gọi là “nước ngọt có ga”, với các tên gọi theo thành phần nước như nước ngọt hương quả ngũ vị, hương táo, lê. Coca cola được gọi là “nước ngọt có ga hương ca cao”, còn soda thì giữ nguyên tên gọi.

 

Do đang nhấn mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi, Bắc Triều Tiên bắt đầu sản xuất nhiều sản phẩm và bánh kẹo từ sữa với thiết kế tinh tế hơn. Nhãn hiệu sản phẩm cho biết nội dung và tên sản phẩm cho biết thành phần, chẳng hạn như sữa canxi, sữa vitamin, sữa dâu, sữa táo, sữa ngô, sữa đào, sữa chanh xạ hương, sữa dinh dưỡng dành cho trẻ em. Ngoài ra, cũng có trường hợp đặt tên sữa theo chất dinh dưỡng, chẳng hạn như sữa chua, hay còn gọi là “sữa mới”, trong đó có sữa chua đào, sữa chua táo tàu.

 

Khi nhắc đến loại bánh kẹo nổi tiếng nhất Bắc Triều Tiên thì không thể không nhắc đến bánh Choco Pie. Sau khi được các công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung phát làm đồ ăn nhẹ cho công nhân Bắc Triều Tiên, loại bánh này đã trở nên phổ biến và được bán tại chợ với giá cao. Chính vì vậy, bánh Choco Pie từng được coi là biểu tượng của giới nhà giàu. Sau khi khu công nghiệp liên Triều Gaesung đóng cửa, miền Bắc cũng bắt đầu tự sản xuất bánh Choco Pie.

 

Choco Pie là một sản phẩm được ưa thích trên toàn thế giới và Bắc Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Là loại bánh khó tìm ở Bắc Triều Tiên, từng có trường hợp công nhân nước này vừa ăn vừa làm việc, cũng có trường hợp các bà mẹ mang về cho con cái, làm dấy lên tin đồn về độ ngon của sản phẩm này. Từ đó, loại bánh này đổ ra thị trường và được bán tại chợ, thậm chí được phân phối đến các khu vực cách xa khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Vì sự nổi tiếng của Choco Pie mà Trung Quốc và miền Bắc đều đã tự sản xuất các sản phẩm tương tự để bán trong nước. Sản phẩm của miền Bắc có tên gọi bánh bông lan chocolate với bao bì và bề mặt sản phẩm không được mịn do sự khác biệt trong khâu đóng gói và bánh cũng không có độ dẻo dai.

 

Nhân dịp Tết Thái Dương 15/4, Bắc Triều Tiên tổ chức “Triển lãm điêu khắc bánh kẹo” nhằm phát triển và khuyến khích phát triển các món bánh kẹo mới. Đây là sự kiện có sự tham gia của các kỹ sư và đầu bếp từ các nhà hàng lớn và các nhà máy thực phẩm. Năm 2017, bên cạnh các tác phẩm lấy cảm hứng từ các tòa nhà nổi tiếng ở Bình Nhưỡng và các nhân vật hoạt hình của miền Bắc, các nhân vật hoạt hình nước ngoài như Bạch Tuyết và bảy chú lùn cũng xuất hiện.

 

Các sản phẩm tại sự kiện có thể kể đến như bánh mỳ được tạo hình nghệ thuật, kẹo nung chảy để tạo thành sản phẩm, các tác phẩm điêu khắc hoa quả của các nhà hàng lớn, cho thấy Bắc Triều Tiên tổ chức Triển lãm điêu khắc bánh kẹo nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội vào việc phát triển đa dạng hơn các sản phẩm này. Sự kiện được tổ chức nhân dịp Tết Thái Dương, bắt đầu từ năm 2016, với hai nội dung thi là điêu khắc kẹo và điêu khắc bánh. Các tác phẩm hay bánh kẹo được đánh giá cao sẽ được trao bằng khen và huy chương công nhận.

 

Trước tình hình cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Bắc Triều Tiên vào năm 2016, nước này đã nhấn mạnh chính sách “tự lực cánh sinh” và coi việc nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, sử dụng nguyên, nhiên liệu trong nước là nhiệm vụ cấp bách. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kéo dài và biên giới bị phong tỏa do COVID-19, giá nhu yếu phẩm hàng ngày tăng cao, lương thực và nguyên liệu cũng ngày càng khó mua. Do đó, miền Bắc đang nhấn mạnh chính sách nội địa hóa tất cả các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo.

 

Tôi nghĩ quá trình nội địa hóa bánh kẹo tại Bắc Triều Tiên đã có sự tiến triển tương đối. Miền Bắc gặp hạn chế trong việc sản xuất bột mì và phải chịu giá thành cao nên đã khuyến khích các địa phương tự sản xuất ngũ cốc để khắc phục vấn đề này, sử dụng các nguyên liệu đa dạng như quế, vừng và bí ngô, đồng thời áp dụng cách quảng bá sản phẩm lợi dụng lòng yêu nước. Trên thực tế, để cạnh tranh được không phải là điều dễ dàng. Sở dĩ các sản phẩm bánh kẹo Hàn Quốc có thể đi khắp thế giới là do nhiều sản phẩm ra đời sau khi cạnh tranh khốc liệt và được thị trường kiểm chứng. Để có thể cạnh tranh thì cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác nhau, nhưng hiện tại do chưa đáp ứng được nên Bắc Triều Tiên đang tập trung nội địa hóa, cũng là phương án duy nhất khả thi trong tình cảnh khó khăn hiện tại của nước này.

 

Sau khi Bắc Triều Tiên công bố kế hoạch tiếp tục con đường phát triển kinh tế theo hướng “tự lực cánh sinh” tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào cuối năm ngoái, truyền thông miền Bắc cũng đang nhấn mạnh vào chính sách này trong năm nay. Bánh kẹo cũng là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thô của miền Bắc, nhưng vẫn chưa thể biết được liệu nước này có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế chỉ nhờ vào nội địa hóa hay không.

Lựa chọn của ban biên tập