Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bao bì nhu yếu phẩm của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-04-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Ngoài các thông tin về sản phẩm như nguyên liệu, ngày sản xuất, bao bì sản phẩm còn là một phương tiện gián tiếp nói lên hiện trạng của nhà máy sản xuất, đời sống của người dân và thực trạng nền kinh tế, xã hội của một nước thông qua nơi sản xuất, nhãn hiệu, thiết kế và phông chữ. Tiếp nối chủ đề bao bì bánh kẹo của Bắc Triều Tiên tuần trước, hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Kang Dong-wan, giám đốc Trung tâm Busan Hana tại Đại học Dong-a, tìm hiểu về xã hội miền Bắc qua các loại bao bì nhu yếu phẩm mà ông thu thập được tại khu vực 5 hòn đảo nằm ở vùng biển phía Tây Hàn Quốc. Đầu tiên là về sự đa dạng trong chủng loại bao bì.

 

Tại Bắc Triều Tiên, nhu yếu phẩm còn được gọi là hàng tiêu dùng nhân dân. Ngoài các loại thường được nhắc tới như bánh kẹo, sản phẩm từ sữa và thực phẩm, miền Bắc cũng có nhiều loại hàng tạp hóa, ví dụ như kem đánh răng, bàn chải, xà phòng, chất tẩy rửa, bột giặt, thậm chí cả dung dịch vệ sinh phụ nữ. Năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã trực tiếp đề cập đến việc đa dạng hóa hàng tiêu dùng nhân dân. Kể từ đó, miền Bắc đã sản xuất các sản phẩm đa dạng hơn với các thiết kế và màu sắc mới lạ. Đặc biệt, Chủ tịch Kim cũng liên tục nhấn mạnh việc nâng cao đời sống dân sinh sao cho phù hợp với chính sách nền chính trị yêu thương người dân, do đó các phương hướng kinh tế của Bắc Triều Tiên tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng nhân dân hơn là các ngành công nghiệp khác, dẫn đến nhiều sản phẩm đa dạng được ra đời.

 

Có nhiều loại bao bì mỳ ăn liền của miền Bắc trôi dạt vào khu vực 5 hòn đảo trên biển phía Tây. Tương tự Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sản xuất mỳ ăn liền với nhiều hương vị khác nhau, trong đó nhiều nhất là vị thịt bò. Trên mặt sau của gói mì miền Bắc có ghi cách nấu, cách sử dụng, nguyên liệu chính và cách bảo quản. Chẳng hạn, gói mỳ ăn liền được Nhà máy thực phẩm tổng hợp Daesungchon sản xuất có ghi: "Mỳ ăn liền được sản xuất với nguyên liệu thực phẩm thuần túy, cho bạn cảm giác ngon miệng nhờ hai vị thường và cay cùng sợi mỳ chất lượng cao". Trên bao bì sản phẩm còn ghi rõ cách nấu mỳ, cụ thể là đun sôi 550ml nước, sau đó bỏ gia vị và vắt mỳ vào, đun thêm khoảng 2 phút. Thành phần chính của sản phẩm là bột mì, dầu tinh luyện, bột thịt bò, bột thịt gà, bột ớt, muối, bột tiêu, bột gừng, bột nấm, hành lá khô, và không chứa chất bảo quản hay chất tẩy. Cùng với đó là các thông tin về điều kiện bảo quản như nhiệt độ, độ ẩm và hạn sử dụng. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn có các sản phẩm mỳ ăn liền có thiết kế tương tự sản phẩm của Hàn Quốc.


Bắc Triều Tiên có một số sản phẩm mỳ ăn liền với bao bì giống sản phẩm của Hàn Quốc đến mức khó có thể phân biệt được. Ví dụ, mỳ ăn liền vị bò của hai nước không chỉ có hình nhân vật chú bò giống nhau mà màu sắc và thiết kế cũng tương tự, cho thấy nhà sản xuất miền Bắc đã sao chép sản phẩm Hàn Quốc đến mức nếu không có tên thì không thể biết được đó là sản phẩm của nước nào.

 

Mỳ ăn liền ở Bắc Triều Tiên được sản xuất bởi nhiều thương hiệu đa dạng như Nhà máy thực phẩm dải ngân hà Gyeongheung, Nhà máy thực phẩm Daesungchon, Công ty thương mại núi Geumgang và Nhà máy thực phẩm tổng hợp Rason Ryongson. Điểm thú vị là các sản phẩm này lại có thiết kế tương tự nhau. Chẳng hạn, bao bì mỳ ăn liền vị bò của Nhà máy thực phẩm dải ngân hà Gyeongheung và Nhà máy thực phẩm tổng hợp Rason Ryonson chỉ khác nhau ở độ đậm và chiều dài của dòng chữ “mỳ ăn liền”. Ngoài ra, sản phẩm của Nhà máy gia công tổng hợp O-il và Công ty thương mại núi Geumgang cũng có phông chữ tương tự.

 

Ở Bắc Triều Tiên, để hưởng ứng phong trào cạnh tranh xã hội chủ nghĩa, các nhà máy thường chỉ thay đổi một đặc điểm nhỏ trên sản phẩm của nhà máy khác, chẳng hạn như đổi phông chữ sang thể chữ thảo, để tạo ra những thiết kế và sản phẩm riêng nhưng không hoàn toàn khác biệt. Trong khi ở Hàn Quốc, các sản phẩm được sản xuất bởi nhà máy và công ty khác nhau thì nhất định sẽ có thiết kế khác nhau.


Tại Bắc Triều Tiên, “cạnh tranh xã hội chủ nghĩa” được giải thích là một phong trào trong đó đơn vị đi trước giúp đỡ và dẫn dắt đơn vị đi sau, và đơn vị đi sau sẽ noi theo đơn vị đi trước để cùng phát triển. Khác với nền kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản, nơi coi sao chép sản phẩm là hành vi vi phạm bản quyền thiết kế, phong trào cạnh tranh xã hội chủ nghĩa của miền Bắc cho phép sử dụng các mẫu thiết kế tương tự nhau. Có khá nhiều mẫu bao bì các loại gia vị như bột tiêu, bột gia vị, bột ớt, đã được thu thập. Gia vị ở Bắc Triều Tiên được sản xuất bởi các nhà máy như Công ty thương mại Myohyang, Nhà máy thực phẩm Eunha Daesung (Ngân hà đại tinh) và Nhà máy chế biến thực phẩm Tổng cục hàng không Koryo, và hầu hết đều có hình ảnh nhiều món ăn đa dạng và nhân vật đầu bếp trên bao bì.

Ngoài ra, có nhiều loại bao bì thực phẩm đa dạng khác cũng được thu thập. Ví dụ, sản phẩm xúc xích của Nhà máy thực phẩm tổng hợp cho vận động viên Cúp vàng có bao bì mặt trước in nhân vật, trọng lượng và tên nhà máy, mặt sau ghi các nguyên liệu chính như thịt lợn, tỏi và hạt tiêu, điều kiện bảo quản là 0-4 độ C, và thời hạn bảo quản là một tháng. Bên cạnh đó, Công ty sản xuất thực phẩm Gwanmun và Công ty thương mại Gwanmun có hai nhãn hiệu mayonnaise là “Đám mây rực rỡ” với vị dịu thơm và “Mùa xuân” với vị thanh ngọt. Ngoài ra, trong số các bao bì được tìm thấy còn giấy gói của sản phẩm cá nóc khô đông lạnh hút chân không của nhãn hiệu Gunapo và bao bì một loại thịt nhân tạo nổi tiếng của miền Bắc.

 

Trên thực tế, thịt nhân tạo là một sản phẩm được sản xuất để cải thiện tình trạng thiếu thịt tại Bắc Triều Tiên. Thịt làm từ đậu, hay còn gọi là thịt nhân tạo, được làm ra bởi Phòng nghiên cứu sản phẩm kỹ thuật thuộc Đại học Kỹ thuật Nampo. Sản phẩm thịt nhân tạo này có thương hiệu là Jindo được thiết kế rất trực quan với hình ảnh những hạt đậu màu xanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhặt được bao bì thịt nhân tạo được sản xuất bởi Công ty thương mại Cheoldoroksan.

 

Bia Daedonggang (sông Đại Đồng) là một loại đồ uống có cồn tiêu biểu của Bắc Triều Tiên, cũng là sản phẩm xuất khẩu đại diện và được nước này quảng cáo rất nhiều. Ngoài ra, miền Bắc còn có các thương thiệu bia khác như bia Bonghak, bia Bình Nhưỡng và bia Jindallae (hoa đỗ quyên). Về rượu soju thì nước này có thương hiệu rượu Bình Nhưỡng, được sản xuất và quản lý thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc gia.

 

Trên thực tế, rượu là mặt hàng thành phẩm của Bắc Triều Tiên mà chúng tôi sưu tập được nhiều nhất với nhiều loại đa dạng tại biên giới Trung-Triều do miền Bắc chính thức xuất khẩu rượu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các vỏ chai dạt vào bờ biển lần này đều là chai nhựa, chủ yếu là vỏ chai bia tươi, và cũng có chai rượu soju. Ngoài loại bia sông Đại Đồng nổi tiếng còn có các loại chai bia đen và bia tươi 1 lít hay 1,5 lít, cho thấy Bắc Triều Tiên có nhiều loại đồ uống có cồn đa dạng. Tuy không có chai rượu gạo nào nhưng chúng tôi vẫn thu được các loại nhãn mác. Trong các nhãn hiệu rượu soju chúng tôi thu thập được có nhãn hiệu “Bông tuyết” của nhà máy rượu soju Junjin, được quảng cáo là loại rượu nhẹ được tinh chế bằng than gỗ sồi với nồng độ cồn 21%, cho thấy sở thích uống rượu nhẹ của người dân miền Bắc tương tự với người dân Hàn Quốc.

 

Nền y tế của Bắc Triều Tiên đang lâm vào tình trạng nghiêm trọng do khó khăn kinh tế. Theo lời những người đào thoát từ miền Bắc, người dân nước này khó có thể được điều trị hoặc kê đơn thuốc phù hợp kể cả khi đến bệnh viện do tình trạng thiếu thuốc men đã tồn tại từ lâu. Ngoài ra, hầu hết các bao bì thuốc được thu thập từ khu vực 5 hòn đảo ở biển Tây Hàn Quốc đều ghi các thành phần chiết xuất từ thiên nhiên dựa trên y học cổ truyền.

 

Thuốc men vẫn chưa được phổ biến tại Bắc Triều Tiên và người dân nước này cũng không thể trực tiếp mua thuốc. Các loại thuốc chúng tôi thu thập được như thuốc trị viêm gan loại viên, thuốc tẩy giun, thuốc tiêu hóa, đều là các loại thuốc Bắc và không có thuốc Tây. Trong khi đó, thuốc tiêu hóa được Nhà máy sản xuất dược phẩm cho trẻ sơ sinh sản xuất có thành phần chính là chiết xuất vỏ quýt, mộc hương và một loài thảo mộc thuộc chi họ cúc, cho thấy Bắc Triều Tiên chủ yếu sản xuất thuốc từ các nguyên liệu tự nhiên.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi đã thu thập được nhiều bao bì thuốc dịch truyền với mặt sau ghi cách sử dụng, điều kiện bảo quản, thành phần và những điều cần lưu ý. Trong số đó, có nhiều bao bì thuốc tiêm đường glucose và nước muối sinh lý của Nhà máy dược phẩm tổng hợp Jongsong, nơi được Chủ tịch Kim Jong-un nhiều lần đến thăm. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, ngày 8/11/2014 đã tường thuật lại lời nhận xét của Chủ tịch Kim rằng: "Việc tất cả các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn về sản xuất và quản lý chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là một điều đáng tự hào". Ngày sản xuất của bao bì thuốc được thu thập đều ở trong khoảng năm 2019 đến năm 2020, cho thấy Nhà máy dược phẩm tổng hợp Jongsong vẫn là trung tâm sản xuất và phân phối dược phẩm của miền Bắc cho đến gần đây.

 

Chúng tôi đã thu thập được nhiều bao bì thuốc tiêm đường glucose và nước muối sinh lý của Nhà máy dược phẩm tổng hợp Jongsong, có trụ sở tại Bình Nhưỡng, cũng là đơn vị được các tổ chức phi Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ. Tôi thậm chí đã có cơ hội tham dự buổi lễ hoàn công nhà máy này trước đây. Không quá lời khi nói rằng đây là nhà máy duy nhất được trang bị thiết bị hiện đại ở Bắc Triều Tiên. Nếu so sánh với các sản phẩm thuốc truyền dịch của nhà máy khác như Nhà máy dược phẩm Yusong, các sản phẩm của nhà máy dược phẩm tổng hợp Jongsong có chất lượng và bao bì tốt hơn rõ rệt. Có thể coi đây là nhà máy sản xuất thuốc truyền dịch tiêu biểu của miền Bắc.

 

Bên cạnh đó, các sản phẩm khác của Bắc Triều Tiên tại khu vực 5 đảo thuộc biển Tây Hàn Quốc, như khăn ướt, băng vệ sinh, mỹ phẩm, đồ dùng trong phòng tắm như dầu gội, xà phòng rửa mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, nước giặt, nước rửa bát, bút bi, mực, thuốc diệt côn trùng. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm xà phòng đều ghi nguyên liệu là dầu cọ, dầu dừa và hương liệu và có hiệu quả tương tự dược phẩm.

 

Chúng tôi thu thập được nhiều sản phẩm xà phòng rửa mặt hoàn chỉnh của nhãn hiệu “Hương mùa xuân” do Nhà máy mỹ phẩm Sinuiju sản xuất. Ngoài ra, Nhà máy này còn có nhiều loại xà phòng rửa mặt đa dạng như xà phòng ion âm, xà phòng nano bạc, xà phòng hương chanh, xà phòng hương than gỗ. Ngoài hiệu quả làm sạch và loại bỏ tạp chất như các loại xà phòng thông thường, xà phòng rửa mặt nhãn hiệu “Dải ngân hà” còn được nhấn mạnh là có khả năng tăng cường tuần hoàn máu.

 

Các bao bì sản phẩm trôi dạt trên bãi biển tuy không thể giúp chúng ta hiểu hết toàn bộ về xã hội Bắc Triều Tiên nhưng vẫn có thể phần nào nói lên cuộc sống của người dân và tình hình kinh tế của nước này. Qua các bao bì thu thập được, có thể thấy triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa của miền Bắc.

 

Nhờ các sản phẩm đã qua sử dụng, chúng ta có thể thấy được một phần xã hội Bắc Triều Tiên. Nước này có thể duy trì nền kinh tế cho đến nay là nhờ các hoạt động giao thương với Trung Quốc, cụ thể là nhập các nguyên liệu thô, thực phẩm và phân bón qua biên giới Trung-Triều. Tuy nhiên, trong bối cảnh biên giới bị phong tỏa do đại dịch COVID-19 và các lệnh trừng phạt quốc tế, miền Bắc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhấn mạnh vào chính sách nội địa hóa sản xuất. Do không thể nhập khẩu hàng hóa hay nguyên liệu thô từ Trung Quốc, giá thị trường tại miền Bắc tất nhiên sẽ tăng vì cung thấp hơn cầu. Nền kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ chịu cú sốc nghiêm trọng nếu biên giới tiếp tục bị đóng cửa trong thời gian dài.

 

Các mặt hàng nhu yếu phẩm của Bắc Triều Tiên tuy đã trở nên đa dạng hơn so với trước đây nhưng việc sản xuất vẫn gặp phải khó khăn do những hạn chế về mặt cơ cấu. Hơn nữa, liệu các sản phẩm có đủ tiện lợi cho tất cả người dân miền Bắc sử dụng hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Để "cải thiện đời sống người dân", Bắc Triều Tiên cần có giải pháp về mặt tổ chức để giải quyết tình trạng kinh tế hiện tại.

Lựa chọn của ban biên tập