Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bảo tàng và di tích văn hóa của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-05-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Nhân kỷ niệm tròn 10 năm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã xây dựng phòng triển lãm riêng để trưng bày các thành tựu của ông Kim tại Bảo tàng cách mạng Bắc Triều Tiên. Đầu tháng 4, truyền thông nước này đưa tin Bảo tàng cách mạng Bắc Triều Tiên đã xây dựng một Phòng trưng bày thời kỳ kháng chiến để đánh dấu việc mở ra một giai đoạn chuyển tiếp trong công cuộc xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời giải thích đây là nơi tập hợp những thành tựu trong quá trình lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un kể từ sau Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 hồi tháng 5/2016, cho thấy bảo tàng còn có chức năng củng cố tư tưởng của người dân. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các bảo tàng và di tích văn hóa ở miền Bắc cùng giáo sư Jang Kyung-hee, đến từ khoa Bảo tồn di sản văn hóa Đại học Hanseo. Đầu tiên là ý nghĩa của bảo tàng tại Bắc Triều Tiên.

 

Bảo tàng lịch sử là nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử từ thời tiền sử tới triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) đến thời hiện đại, còn bảo tàng cách mạng sau khi giải phóng đã trở thành nơi trưng bày các hiện vật về cuộc đấu tranh cách mạng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Có thể nói đây là nơi tập hợp các hiện vật về cách mạng liên quan đến cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, phu nhân Kim Jong-suk và những người liên quan. Đây là hai loại bảo tàng tiêu biểu nhất của Bắc Triều Tiên và được sử dụng làm phương tiện củng cố tư tưởng của người dân, nên có thể thấy nước này rất coi trọng tính chính thống của chính quyền. Đặc biệt, miền Bắc coi việc tái hiện các giá trị vật chất do tổ tiên tạo ra là di sản văn hóa quốc gia. Vì vậy, các di sản văn hóa cách mạng và di sản văn hóa xa xưa được nước này trưng bày và lưu giữ trong bảo tàng.

 

Bắc Triều Tiên có khoảng 300 bảo tàng và phòng triển lãm. Trong đó, Bảo tàng cách mạng Bắc Triều Tiên, nơi trưng bày các thành tựu của Chủ tịch Kim Jong-un lần này, cũng là bảo tàng cách mạng tiêu biểu của miền Bắc với các di vật và tư liệu liên quan đến việc thành lập lực lượng quân du kích và lịch sử hoạt động của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố Chủ tịch Kim Jong-il. Các bảo tàng tiêu biểu của Bắc Triều Tiên tập trung tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, đóng vai trò là cơ quan giáo dục nhằm cổ động tư tưởng của người dân.

 

Ngay đối diện quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng là Đại học tập đường Nhân dân, tương ứng với Thư viện trung ương quốc gia, cũng là trung tâm triết học của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, bên trái quảng trường này là Bảo tàng mỹ thuật Bắc Triều Tiên, chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và thể hiện tư tưởng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, bên phải là Bảo tàng lịch sử trung ương Bắc Triều Tiên với các di tích văn hóa và lịch sử, phía sau là Bảo tàng dân tộc Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy miền Bắc đã xây dựng ba trung tâm về triết học, mỹ thuật và lịch sử xung quanh quảng trường Kim Nhật Thành. Các bảo tàng ở nước này đều trưng bày các ghi chép về tất cả các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo ngay tại cửa ra vào, và có một hội trường lớn ở mỗi phòng để giải thích về các di tích cho người xem. Từ thời kỳ hiện đại, các bảo tàng Bắc Triều Tiên đã trưng bày tranh liên quan đến chủ nghĩa hiện thực xã hội và tranh ủng hộ cố lãnh đạo Kim Nhật Thành nhiều hơn. Trong khi Hàn Quốc triển lãm các hiện vật theo nhu cầu của khách tham quan, miền Bắc chủ yếu trưng bày xung quanh chủ đề cách mạng và tư tưởng, nhằm nhấn mạnh vào ý đồ của người tổ chức triển lãm.

 

Bảo tàng đầu tiên của Hàn Quốc là Bảo tàng Lee Wang-ga, khánh thành vào năm 1908, chủ yếu trưng bày đồ gốm sứ xanh thời Goryeo (thế kỷ X-XIV), các tác phẩm điêu khắc Phật giáo, tranh và gốm sứ thời Joseon. Trong thời kỳ thực dân Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, Bảo tàng Phủ tổng đốc Joseon được xây dựng và mở cửa vào tháng 12/1915. Bắt đầu với việc đưa chi nhánh bảo tàng vào hoạt động ở thành phố Gyeongju, thực dân Nhật Bản thành lập Bảo tàng phủ lập Gaesung vào năm 1931 và Bảo tàng phủ lập Bình Nhưỡng vào năm 1933. Tuy nhiên, khi hai miền Nam-Bắc bị chia cắt vào năm 1945, bảo tàng duy nhất còn lại ở Bắc Triều Tiên là Bảo tàng phủ lập Bình Nhưỡng, sau này được mở rộng và cải tạo lại thành Bảo tàng Bình Nhưỡng vào tháng 12/1945, trước khi Chính phủ miền Bắc được thành lập.


Sau chuyến thăm các di tích lịch sử như đài Ulmil (Ất Mật) ở Bình Nhưỡng vào tháng 9/1945, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhận thấy tầm quan trọng của những di tích lịch sử trong việc phổ biến chính sách, chính trị và tư tưởng tới người dân. Vì vậy, cùng năm đó, Bắc Triều Tiên đã thực hiện dự án mở rộng Bảo tàng phủ lập Bình Nhưỡng, vốn được mở cửa trong thời kỳ thực dân Nhật Bản chiếm đóng. Một năm sau đó, nước này ban hành Luật bảo tồn bảo vật với mục đích bảo tồn các di sản văn hóa. Đồng thời, miền Bắc đã khai quật các di chỉ khảo cổ để thu thập các cổ vật từ khắp nơi trên cả nước, sau đó thực hiện các chính sách về bảo tàng, bao gồm mở cửa Bảo tàng lịch sử Hyangsan ở tỉnh Bắc Pyongan, Bảo tàng lịch sử Cheongjin ở tỉnh Bắc Hamgyong, Bảo tàng Hamheung ở tỉnh Nam Hamgyong, và Bảo tàng lịch sử Sinuiju ở tỉnh Bắc Pyongan.

 

Song song với việc mở các viện bảo tàng trên khắp cả nước, Bắc Triều Tiên có kế hoạch mở rộng các di tích khảo cổ. Năm 1952, trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, nước này thành lập Viện khoa học Bắc Triều Tiên, một cơ quan chuyên khai quật các di tích văn hóa. Ngoài ra, miền Bắc cũng cải cách hệ thống giáo dục để đào tạo các chuyên gia khảo cổ. Đặc biệt, nhiều khu di tích đã trở thành bảo tàng thông qua việc nghiên cứu và khai quật các di tích lịch sử.

 

Vì khai quật là cách phục hồi các di tích đã bị phá hủy nhanh chóng, Bắc Triều Tiên đã thành lập Viện khoa học xã hội để khai quật các di tích. Năm 1952, do gặp khó khăn trong việc xây dựng bảo tàng ở Gaesung, miền Bắc đã tận dụng tòa nhà Sungkyunkwan từ triều đại Goryeo để xây dựng Phòng trưng bày lịch sử Goryeo, nằm ngay bên cạnh cầu Seonjuk, nơi nhân vật lịch sử Jeong Mong-ju qua đời. Sau đó, tại thành phố Wonsan (tỉnh Gangwon), nơi Chủ tịch Kim Jong-un được sinh ra, Bắc Triều Tiên đã xây dựng một bảo tàng lịch sử vào tháng 3/1952 và một khu nghỉ mát trượt tuyết ngay phía trước bảo tàng. Tháng 6/1954, nước này đã sử dụng một tòa quan nha thời Joseon tại thành phố Kanggye (tỉnh Jagang) làm bảo tàng lịch sử. Đây là một trong nhiều trường hợp khu vực di tích lịch sử được sử dụng làm bảo tàng tại miền Bắc.

 

Trong chiến tranh Triều Tiên, hơn 150.000 hiện vật của Bảo tàng Bình Nhưỡng đã bị phá hủy, chỉ còn lại 2.500 hiện vật. Vì vậy, miền Bắc đã khôi phục và mở cửa trở lại địa điểm này vào năm 1954, sau đó đổi tên thành Bảo tàng lịch sử trung ương Bắc Triều Tiên, tọa lạc ở quảng trường Kim Nhật Thành như hiện nay.

 

Tôi cho rằng Bắc Triều Tiên đã mở rộng Bảo tàng lịch sử trung ương bằng cách khai quật nhiều di tích từ thời Nakrang (năm 108 trước Công nguyên – năm 313 sau Công nguyên), Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên – năm 668 sau Công nguyên), Gojoseon (cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ I trước Công Nguyên) và Goryeo. Bảo tàng hiện là một tòa nhà ba tầng, có một hội trường trung tâm, trưng bày khoảng 150.000 hiện vật khai quật được, tương tự các bảo tàng lịch sử ở Hàn Quốc và trên thế giới. Các viện bảo tàng ở miền Bắc trưng bày theo trình tự thời gian lịch sử, chẳng hạn như Gojoseon, Goguryeo, Balhae (698-926) đến Goryeo, do sở hữu nhiều hiện vật thời Gojoseon và Goguryeo hơn là thời Baekje (năm 18 trước Công nguyên – 660 sau Công nguyên) và Silla (năm 57 trước Công nguyên – 935 sau Công nguyên), vốn đóng đô ở miền Nam.

 

Bảo tàng mỹ thuật quốc gia Bình Nhưỡng được chính quyền Bắc Triều Tiên chủ trương thành lập năm 1948 cũng bị tàn phá toàn bộ trong chiến tranh. Vì vậy, năm 1954, miền Bắc thành lập Bảo tàng mỹ thuật quốc gia, nhưng gặp nhiều khó khăn do thiếu hiện vật trưng bày. Hiện tại, bảo tàng này đã được mở rộng và cải tạo thành Bảo tàng mỹ thuật Bắc Triều Tiên, tọa lạc tại quảng trường Kim Nhật Thành. Đây là bảo tàng mỹ thuật duy nhất tại miền Bắc chỉ tập trung thu thập và trưng bày tranh vẽ.

Vào những năm 1990, khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cộng thêm thiên tai khắc nghiệt, Bắc Triều Tiên bị cô lập và phải trải qua thời kỳ khó khăn kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ”. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền miền Bắc đã áp dụng các chính sách nhằm nhấn mạnh tư tưởng Juche (Chủ thể) của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, trong đó có việc tích cực sử dụng các di tích lịch sử.


Trước nhiệm vụ cần nhấn mạnh tư tưởng Chủ thể của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, Bắc Triều Tiên cần khẳng định được tính chính thống về mặt lịch sử của chế độ, xuyên suốt từ thời Gojoseon đến Goguryeo qua Goryeo để trở thành Bắc Triều Tiên ngày nay. Vì vậy, nước này đã khai quật lăng mộ vua Dangun, vị vua đầu tiên của dân tộc Hàn, khai quật lăng mộ vua Dongmyeong, người sáng lập vương quốc Goguryeo, và trùng tu lăng mộ vua Wang Geon, vị vua đầu tiên của triều đại Goryeo. Miền Bắc đã khai quật lần lượt từng di tích, sau đó thành lập phòng trưng bày lịch sử hoặc hoàng lăng để kết nối các mốc lịch sử với nhau.


Năm 1994, khi cố Chủ tịch Kim Jong-il lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã sửa đổi toàn diện các luật liên quan đến di sản văn hóa thành Luật di vật văn hóa. Khác với trước đây, di sản văn hóa sẽ được phân loại theo hệ thống, chia thành di tích văn hóa và di vật văn hóa, bao gồm cấp quốc bảo, cấp bán quốc bảo và cấp tiêu chuẩn. Thành Bình Nhưỡng được chỉ định là Di tích quốc bảo số 1 của miền Bắc, trong khi các công cụ cổ bằng đá được khai quật tại hang Komun Moru ở huyện Sangwon, Bình Nhưỡng trở thành Di vật quốc bảo số 1 của nước này. Ngoài ra, Luật di vật văn hóa của Bắc Triều Tiên cũng có quy định về việc "bảo tồn và quản lý các di vật văn hóa". Theo đó, các di vật văn hóa nếu đã được công nhận thì phải được đăng ký với các bảo tàng và cơ quan bảo tồn các cấp nhằm bảo tồn và quản lý hiệu quả. Đối với các di vật văn hóa quý hiếm dễ bị hư hại, chỉ có thể phục chế để trưng bày sau khi xin phép Cơ quan hướng dẫn bảo tồn di vật văn hóa.

 

Các bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Bắc Triều Tiên và Bảo tàng lịch sử trung ương Bắc Triều Tiên đang trong tình trạng không tốt do không được đảm bảo điều kiện chống nhiệt và chống ẩm nếu mất điện. Tương tự như Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng có các chuyên gia phục chế di vật như tranh, tượng dễ hư hỏng để di vật thật có thể được bảo quản ở những nơi được đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Những người này có thể là nhân viên của bảo tàng hoặc sinh viên các trường mỹ thuật được phân loại gắt gao.


Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã cho thấy sự khác biệt trong cách quản lý các bảo tàng, di vật và di tích so với thời đại trước. Đặc trưng lớn nhất là việc nước này bắt đầu sử dụng thuật ngữ "di sản văn hóa" thay cho "di vật văn hóa", đồng thời bổ sung thuật ngữ “di sản văn hóa phi vật thể”. Nói cách khác, kể từ khi ông Kim Jong-un nhậm chức, miền Bắc ngày càng có xu hướng tuyên truyền ưu thế văn hóa của mình, thoát khỏi sự cô lập từ quốc tế, giải quyết vấn đề khó khăn kinh tế trong nước, tăng cường đoàn kết trong nhân dân và thúc đẩy sự ổn định của chế độ thông qua các Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.


Bắc Triều Tiên ban hành Luật di sản văn hóa đã được bổ sung các quy định về di sản văn hóa phi vật thể. Luật này sau đó đã được đổi tên thành Luật di sản dân tộc. Trong các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, có thể kể đến bức tranh tường trong mộ cổ từ thời Goguryeo. Dù có sự giúp đỡ của Hàn Quốc thì việc di sản Bắc Triều Tiên được UNESCO công nhận cũng không phải là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có các di sản có thể dễ dàng ghi danh vào UNESCO, chẳng hạn các di sản văn hóa phi vật thể như múa và hát. Đặc biệt, Chủ tịch Kim Jong-un chủ trương quốc tế hóa để khẳng định mình là nguyên thủ của một quốc gia bình thường. Vì vậy, việc đăng ký các di sản văn hóa phi vật thể như bài hát Arirang, đấu vật cổ truyền, món ăn, trang phục cổ truyền đã được quy định trong Luật bảo tồn di sản dân tộc của nước này.

 

Các bảo tàng ở Bắc Triều Tiên đóng một vai trò quan trọng trong việc khai quật, tìm hiểu và bảo tồn, sử dụng các di sản văn hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hệ thống phân loại, phân phối và tiếp cận các di vật và di tích văn hóa của hai miền Nam-Bắc có một sự khác nhau nhỏ, đồng thời khẳng định việc trao đổi và nghiên cứu chung là cần thiết trước khi khoảng cách giữa hai bên ngày một lớn hơn.


Hai miền Nam-Bắc không có sự khác biệt đáng kể trong cách tiếp cận di sản văn hóa, cũng là lĩnh vực mà hai nước có sự giao lưu tích cực hơn các lĩnh vực khác do không liên quan đến chính trị. Để quảng bá về những di sản văn hóa, lịch sử, tính chính danh của dân tộc, nền độc lập của dân tộc Hàn, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cần nối lại giao lưu liên Triều. Từng là nơi đặt thủ đô, Bắc Triều Tiên có nhiều di tích thời Gojoseon, Goguryeo, Goryeo, hoặc Balhae hơn Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc cũng có nhiều di tích thời Baekje, Silla và Gaya (42-532) hơn. Vì vậy, điều quan trọng là hai miền Nam-Bắc cần hợp tác để tái hiện tính nhất quán của lịch sử dân tộc Hàn, từ thời kỳ Gojoseon đến Joseon.


Có thể thấy những khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt quốc tế và chính sách đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng đến các bảo tàng ở Bắc Triều Tiên. Các hiện vật tại bảo tàng miền Bắc cũng là minh chứng cho lịch sử quý giá của dân tộc Hàn, một khi đã hư hỏng thì việc khôi phục sẽ rất khó khăn. Vì vậy, ngoài tổ chức các cuộc giao lưu triển lãm, trao đổi công nghệ tiên tiến và chuyên môn liên quan đến bảo quản, lưu trữ và triển lãm hiện vật cũng là một nhiệm vụ cấp thiết cho hai miền Nam-Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập