Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Văn hóa thêu tranh của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-05-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đầu tháng 1 năm nay đã đăng một bài báo về việc các nghệ nhân tại Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng đang thực hiện các tác phẩm tranh thêu biểu tượng quốc gia. Tại Bắc Triều Tiên, tranh thêu không những là một mặt hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu chuyên để xuất khẩu mà còn là một phương tiện giáo dục tư tưởng chính trị. Ngoài ra, nghệ thuật thêu tranh cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của miền Bắc vào năm 2016. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về văn hóa thêu tranh của Bắc Triều Tiên cùng giáo sư Jang Kyung-hee, đến từ khoa Bảo tồn di sản văn hóa Đại học Hanseo. Giáo sư Jang từng có dịp đến thăm và chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm tranh thêu của miền Bắc khi lên kế hoạch cho Triển lãm giao lưu thủ công mỹ nghệ truyền thống liên Triều vào năm 2006. Bà giải thích về ý nghĩa của tranh thêu tại Bắc Triều Tiên.

 

Trong bối cảnh thiếu thốn hàng hóa, tranh thêu rất được ưa thích tại Bắc Triều Tiên vì có thể sản xuất chỉ với nguyên liệu là tấm vải nhỏ và chỉ. Mặt hàng này có thể trở thành trang sức và những người có tay nghề cao còn có thể được phong làm nghệ nhân. Vào cuối thế kỷ XIX, tại bán đảo Hàn Quốc, tranh thêu đắt gấp 10 lần so với tranh vẽ. Tuy nhiên, vào thời cận đại khi nền giáo dục nghệ thuật phương Tây được du nhập, tranh thêu dần trở thành một loại hình nghệ thuật nhỏ, áp dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, như túi đựng loại nhỏ. Tuy nhiên, tại Bắc Triều Tiên, các tác phẩm tranh thêu thần thánh hóa nhà lãnh đạo đòi hỏi nhiều công sức và mất nhiều thời gian để hoàn thành hơn tranh vẽ. Tôi nghĩ đây cũng là các tác phẩm đóng vai trò tăng cường sự đoàn kết thể chế.

 

Người sáng lập nghề thêu hiện đại của Bắc Triều Tiên là phu nhân Kim Jong-suk, vợ của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và mẹ ruột của cố Chủ tịch Kim Jong-il và bà Kim Kyong-hui. Bà Kim Jong-suk sinh ra ở thành phố Hoeryong (tỉnh Bắc Hamgyong) vào năm 1917 và tham gia lực lượng du kích kháng Nhật vào năm 1935. Bà kết hôn với cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1940 và qua đời khi sinh con năm 1949. Tại miền Bắc, bà được coi là người tiên phong trong việc cải cách hình thức và nội dung tranh thêu theo hướng hiện đại.

 

Hoạt động trong Quân đội cách mạng nhân dân Bắc Triều Tiên, phu nhân Kim Jong-suk đảm nhận việc sản xuất quân nhu cho đơn vị. Tại thời điểm đó, bà và các đội viên nữ đã làm khăn tay, quân kỳ và khăn choàng bằng phương pháp thủ công. Trong bối cảnh cần phải di chuyển liên tục, sáng tác hội họa hay nghệ thuật không phải điều dễ dàng. Các sản phẩm thêu thường chỉ được trang trí đơn giản bằng chữ cái tiếng Hàn hoặc hình hoa đỗ quyên nên không mang tính nghệ thuật cao. Năm 1937, tác phẩm khăn tay thêu dòng chữ “Hoa đỗ quyên của tổ quốc” ra đời với họa tiết hoa đỗ quyên và nụ hoa màu hồng nhạt, có kích thước nhỏ và được đóng khung. Tác phẩm này nhận được nhiều lời khen ngợi và đánh giá cao vì hoa đỗ quyên được nhà lãnh đạo thời đó là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ca ngợi là loài hoa quan trọng đại diện cho miền Bắc.

 

Sau khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng vào năm 1945, phu nhân Kim Jong-suk đã đưa ra nhiều phương án để đặt nền móng cho ngành thêu của Bắc Triều Tiên. Cờ hiệu đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền tại miền Bắc. Thời điểm đó, bà Kim đã sáng tạo ra nhiều loại cờ chúc mừng khác nhau, trong đó có lá cờ chiến thắng gửi đến công trường cải tạo sông Potong vào năm 1946 và cờ hiệu của Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên. Năm 1947, để phát triển công nghệ thêu và giúp phụ nữ miền Bắc tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, bà thành lập Xưởng chế tác tranh thêu, nay là Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng.

 

Ở Bắc Triều Tiên, phụ nữ gửi con vào mẫu giáo hoặc nhà trẻ để đi làm giống như nam giới. Vì nguyên tắc cơ bản của bình đẳng giới là phải độc lập về mặt kinh tế, Xưởng chế tác tranh thêu đã được thành lập với mục đích dạy phụ nữ cách thêu thùa để họ có thể tự kinh doanh mà không cần vốn. Ban đầu, xưởng có cách vận hành vô cùng đơn giản với một giám đốc xưởng phụ trách chung, một người chuyên phác thảo bản vẽ và khoảng 6 người thêu theo bản vẽ để thợ mộc làm khung và bán ra thị trường. Tuy nhiên, dần dần xưởng bắt đầu mở rộng hệ thống do số người phác thảo tăng lên, đồng thời số nhân công thêu tranh cũng tăng lên 20, 30 người.

 

Ban đầu, Xưởng chế tác tranh thêu chỉ chủ yếu sản xuất đồ dùng hàng ngày và đồ trang trí. Trong các nghệ nhân của xưởng, những người có năng khiếu đặc biệt sẽ đảm nhận việc chế tác các sản phẩm thủ công có hình ảnh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, từ đó khẳng định vị thế của Xưởng chế tác tranh thêu.

 

Các tác phẩm liên quan đến lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên đều sẽ được gắn với số hiệu là “số 1”. Chẳng hạn, tranh chân dung cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sẽ được gọi là “tranh chân dung số 1”. Từ năm 1968 đến năm 1974, có tổng cộng 14 tác phẩm thêu thủ công về cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã được hoàn thành. Để củng cố tư tưởng Kim Nhật Thành, mỗi khi ông đến thăm công trường, nhà máy điện hay mỏ than, cảnh hoan hô nhiệt tình của công nhân sẽ được vẽ lại và gửi cho Xưởng chế tác tranh thêu để làm thành các tác phẩm tranh thêu. Nếu những năm 1960 là thời điểm nhiều tranh về các chuyến thăm thực địa của cố Chủ tịch Kim ra đời thì đến những năm 1970, những bức chân dung số 1 miêu tả ông đã có sự thay đổi. Bởi khi đó, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã xây dựng được hình ảnh một vị lãnh tụ như người cha hiền từ, nên các bức chân dung chủ yếu tái hiện hình ảnh vị Chủ tịch quay quần bên con cái hay ngồi trong vườn đọc báo.

 

Xưởng chế tác tranh thêu được thành lập vào năm 1947, lần lượt được cải tạo và mở rộng thành Xưởng nghiên cứu tranh thêu trung ương năm 1948, Xưởng nghiên cứu tranh thêu quốc gia năm 1953 và cuối cùng trở thành Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng năm 1958. Trong quá trình này, xưởng đã phát triển thành một cơ sở đào tạo nghệ nhân tranh thêu. Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng hiện nay đã được di dời đến tòa nhà được xây dựng ven sông Potong vào năm 1978.

 

Khoảng năm 2005-2006, tôi có cơ hội đến thăm và chiêm ngưỡng các tác phẩm của xưởng nghiên cứu này khi thực hiện Triển lãm giao lưu thủ công mỹ nghệ truyền thống liên Triều. Khi đó, có khoảng 200 người đang làm việc tại xưởng với các cấp bậc như Nghệ sĩ cống hiến, Nghệ sĩ nhân dân, và cả giám đốc xưởng. Nhiều học sinh miền Bắc độ tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đến đây sau giờ học để làm việc. Lúc đầu, tôi được xem họ làm cờ hiệu thêu chữ, rồi các vật phẩm nhỏ, và sau đó dần dần được thấy các tác phẩm chất lượng cao. Những phụ nữ không có điều kiện kinh tế học nghề tại đây, trở nên độc lập về tài chính và có thể đi khắp cả nước để hành nghề. Các tác phẩm ở đây được sản xuất qua một hệ thống. Cụ thể, đầu tiên họa sĩ sẽ vẽ một bức tranh, bức tranh sẽ được thêu lên, đánh số và tiêu thụ.

 

Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng tổ chức các buổi đánh giá định kỳ để nâng cao chất lượng tác phẩm. Đồng thời, đơn vị này cũng bắt đầu áp dụng các kỹ thuật thêu và kỹ thuật ứng dụng đa dạng vào sản phẩm với mục đích phát triển tính hội họa và tính nghệ thuật cho tác phẩm thay vì chỉ sản xuất các sản phẩm đời thường. Bên cạnh đó, các tác phẩm của những nghệ nhân ở Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều thành tích tại các cuộc triển lãm khác nhau và nhận được đánh giá tích cực tại thị trường nước ngoài. Có thể nói, tranh thêu cũng đóng vai trò là một phương tiện thu ngoại tệ của Bắc Triều Tiên.

 

Tương tự hội họa, các tác phẩm tranh thêu của Bắc Triều Tiên cũng thể hiện chủ nghĩa hiện thực ở mức cao và kỹ thuật cũng rất đa dạng, chẳng hạn như tái hiện hình ảnh lông chó bay hay hình ảnh cánh chim chao nghiêng chân thực hơn cả ảnh chụp. Vì vậy, vào những năm 1960, tranh thêu của miền Bắc đã giành giải nhất ở các cuộc thi tại Đông Âu, Bulgaria, Romania, Tiệp Khắc và vẫn được đánh giá là có chất lượng hàng đầu, đặc biệt là với tác phẩm tái hiện lại sinh động khuôn mặt của các nhà lãnh đạo trên thế giới.


Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng có nhiều nghệ nhân tranh thêu tiêu biểu, trong đó có bà Ri Won-in. Bà bắt đầu công việc sáng tác vào năm 1954 khi được bổ nhiệm làm giảng viên dạy nghề thêu tại bộ Giáo dục Bắc Triều Tiên. Bà Ri Won-in là nữ nghệ nhân đầu tiên được phong làm Nghệ sĩ cống hiến vào năm 1962 và trở thành Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1982, được đánh giá là một nghệ nhân giỏi trong việc vẽ chân dung người bằng nhiều kỹ thuật thêu đa dạng, và bà cũng là người thực hiện tác phẩm kỷ niệm những hoạt động cách mạng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của bà Ri mang tên “Con hổ”, được thêu vào năm 1965, nổi tiếng vì được bà trực tiếp thực hiện từ công đoạn thiết kế đến thêu tranh.

 

Khác với hình tượng con hổ xinh đẹp, dễ thương, hài hước trong tranh dân gian truyền thống của Hàn Quốc, hình ảnh con hổ trong tranh thêu của bà Ri Won-in hơi đáng sợ do bà đã trực tiếp đến sở thú để phác họa hình ảnh chú hổ gầm lên với đôi mắt mở to khi thấy một con bò vàng đi qua. Ngoài ra, tác phẩm “Con hổ” của bà Ri cũng gây được tiếng vang lớn trong giới tranh thêu vì đây là loài vật phù hợp với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên. Kỹ thuật thêu của bà Ri ở mức tinh xảo, thể hiện sống động sự chuyển động, bố cục, sử dụng sợi tơ để thể hiện sự mềm mại của lông động vật, hay dùng sợi chỉ đỏ để thêu nên những gốc cây cổ thụ. Sự sống động và kỹ thuật thêu được kết hợp nhuần nhuyễn đã làm cho bức tranh thêu này tiến lên một tầng cao mới, nâng tầm nghệ thuật thủ công lên sánh ngang với hội họa.

 

Mặt khác, Đoàn sáng tác tranh thêu thuộc Công ty sáng tác Mansudae cũng là một đơn vị đào tạo nghệ nhân và sản xuất tranh thêu. Công ty sáng tác Mansudae bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối những năm 1950, khi đơn vị này bắt tay vào sản xuất Tượng đài Cheonlima (Thiên lý mã) ở Bình Nhưỡng. Trong những năm 1970, nơi đây đã trở thành một đơn vị sáng tác mỹ thuật tổng hợp, bao gồm tất cả các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật như tranh phong cách thời Joseon (thế kỷ XIV đến XIX), thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật công nghiệp và tranh thêu. Sau đó, công ty này tập trung vào dự án tuyên truyền nhằm thiết lập hệ thống tư tưởng độc đáo của đảng Lao động Bắc Triều Tiên và được tiếp quản một phần Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng.

 

Những nghệ nhân tay nghề cao từng thực hiện các tác phẩm số 1 hoặc ở trình độ Nghệ sĩ nhân dân, như Ri Won-in và Kim Chung-hee tại Xưởng nghiên cứu tranh thêu Bình Nhưỡng sẽ được điều đến Công ty sáng tác Mansudae. Xưởng nghiên cứu có mục đích đào tạo các học viên từ cấp thấp để họ có thể độc lập về kinh tế. Trong số này, những người xuất sắc nhất thuộc top 1% sẽ được đến Công ty sáng tác Mansudae để sản xuất các tác phẩm nghệ thuật như chân dung cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hay các tác phẩm nhằm quảng bá tư tưởng Juche (Chủ thể) của ông, thay vì các sản phẩm trang trí đơn giản như trước.

 

Tranh thêu Bắc Triều Tiên được đánh giá vượt trội về mặt kỹ thuật nhưng rất tiếc lại được dùng để thu ngoại tệ và giáo dục tư tưởng cho người dân thay vì tôn vinh ý nghĩa thuần túy của nó.

 

Thay vì đảm bảo tính nghệ thuật, các tác phẩm tranh thêu của Bắc Triều Tiên gắn liền với mục tiêu thu ngoại tệ và giáo dục tư tưởng. Vì vậy, các tác phẩm của nước này tại hội chợ mỹ thuật hiện nay đều tái hiện hình ảnh trẻ em nước ngoài và những chú cún xinh xắn với mục đích thu hút người mua hơn là thể hiện cảm xúc cá nhân để tạo ra một tác phẩm có giá trị mãi mãi nhờ trình độ kỹ thuật cao. Tôi nghĩ để tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao hơn, nghệ nhân miền Bắc cần thêm vào tranh yếu tố tư tưởng và triết học.

 

Tương tự Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng công nhận nghệ thuật thêu tranh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, hai miền Nam-Bắc sẽ có thể khôi phục lại sự thống nhất về văn hóa và cùng đăng ký nghệ thuật thêu tranh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) như hai nước đã từng làm với môn đấu vật truyền thống.

Lựa chọn của ban biên tập