Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nghệ thuật múa của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-05-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Người Trung Quốc cổ đại đã giới thiệu các nghi thức cúng tế của dân tộc Hàn như nghi thức Youngko (Nghinh Cổ) của nước Buyeo (thế kỷ II trước Công nguyên – năm 494 sau Công nguyên) hay nghi lễ tế trời Dongmaeng (Đông Minh) của nước Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên – năm 668 sau Công nguyên) trong các tác phẩm lịch sử như “Tam quốc diễn nghĩa” hay “Hậu Hán thư”, và nhận xét đây là một dân tộc thích ca vũ. Những hình ảnh về nhảy múa, như cảnh khoảng 10 nam nữ xếp thành hàng và ca hát nhảy múa cũng thường xuyên xuất hiện trong các bức bích họa cổ của bán đảo Hàn Quốc. Phải chăng làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu ngày nay chính là sự tiếp nối truyền thống yêu thích nhảy múa và ca hát có từ xa xưa của dân tộc Hàn. Vậy văn hóa nhảy múa của Bắc Triều Tiên đã phát triển ra sao? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các điệu nhảy của miền Bắc cùng bà Kim Chae-won, Giám đốc Viện Nghiên cứu so sánh văn hóa nhảy múa. Đầu tiên là những ấn tượng của bà Kim về các điệu nhảy của Bắc Triều Tiên.        

 

Đi theo đường lối chủ nghĩa lạc quan cách mạng, Bắc Triều Tiên tập trung thể hiện niềm tin và hy vọng vào tương lai của đất nước xã hội chủ nghĩa thay vì nỗi buồn. Các biểu cảm vừa nữ tính vừa năng động của vũ công để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

 

Tuy có cùng một nguồn gốc, văn hóa nhảy múa của hai miền Nam-Bắc đã thay đổi theo nhiều hướng khác nhau sau khi đất nước bị chia cắt. Cụ thể, các điệu múa của Bắc Triều Tiên có xu hướng coi trọng hình thức với kỹ thuật có độ tinh xảo cao cho từng động tác, cùng đặc trưng là các động tác nhanh hoặc ngắn ở mỗi đoạn ngắt âm.

 

Các điệu nhảy của Bắc Triều Tiên vận dụng nhiều kỹ thuật múa ba lê với đặc trưng biểu diễn nhẹ nhàng, nhanh nhẹn nhằm diễn tả điệu nhảy nước ngoài theo phong cách nước này. Miền Bắc cũng hạn chế cách diễn trừu tượng, các vũ công tập trung vào biểu cảm hiện thực, tốc độ rất nhanh và theo hình thức ba đoạn phức ABA trong âm nhạc, trong đó đoạn thứ ba lặp lại toàn bộ hoặc một phần đoạn thứ nhất. Ví dụ, vũ công sẽ bắt đầu phần trình diễn với tốc độ chậm, sau đó nhanh dần ở đoạn giữa và chậm lại ở phần cuối, hoặc ngược lại. Đây được coi là một nét đặc trưng rõ nét của văn hóa nhảy múa Bắc Triều Tiên.

 

Cố Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-il từng nhấn mạnh rằng “văn hóa nghệ thuật có thể xâm nhập vào những nơi chính trị khó xâm nhập và đạt được những thứ mà súng đạn không thể đạt được”, cho thấy chức năng và vai trò là phương tiện cho các mục đích chính trị của nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật nhảy múa. Từ điển văn học nghệ thuật của miền Bắc cũng định nghĩa múa là "một hình thức nghệ thuật diễn tả hiện thực xã hội và cảm xúc tư tưởng bằng phương tiện cơ bản là các chuyển động nhịp nhàng của con người".

 

Ở Bắc Triều Tiên, nghệ thuật múa được sử dụng như một phương tiện truyền bá tư tưởng đến người dân. Nghệ thuật múa Juche (Chủ thể) của miền Bắc sử dụng phương pháp sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa để thể hiện các nội dung bày tỏ lòng trung thành cũng như ca ngợi sự nghiệp vĩ đại của nhà lãnh đạo và đảng Lao động, kể lại những câu chuyện anh hùng trong cuộc cách mạng chống thực dân Nhật Bản hoặc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), đồng thời thể hiện lòng tự hào với chế độ chủ nghĩa xã hội.

 

Khi nhắc đến việc kết hợp kỹ thuật múa dân tộc với kỹ thuật múa nước ngoài để tạo nên một nền nghệ thuật múa với nội dung mang tính chủ nghĩa xã hội của Bắc Triều Tiên, không thể không nhắc đến công lao của cố nghệ sỹ múa Choi Seung-hee.

 

Cố nghệ sỹ múa Choi Seung-hee lấy chất liệu từ các điệu múa dân gian truyền thống thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX), đồng thời sử dụng các kỹ thuật múa ba lê sống động và hướng ngoại để tạo nên các vở múa như “Mục đồng và thiếu nữ”, múa quạt, múa hầu đồng và múa trống với các động tác năng động. Thể loại nhạc dân ca mới được sử dụng trong các vở múa cũng làm cho người xem cảm thấy vui vẻ hơn và khiến cho bản thân các điệu nhảy của bà Choi Seung-hee trở nên vô cùng tươi sáng.

 

Đây là buổi biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Arirang Bình Nhưỡng, do những người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên tổ chức tại Seoul năm 2019. Vũ điệu Jenggang (Leng keng) được biểu diễn tại đây vốn là vũ điệu tiêu biểu của miền Bắc được dựng lại dựa trên điệu múa lên đồng của cố nghệ sỹ Choi Seung-hee. Điệu múa này được đặt tên theo âm thanh mà vòng tay sắt của các vũ công tạo ra. Như vậy, điệu nhảy của cố nghệ sỹ Choi Seung-hee vẫn được các thế hệ kế thừa cho đến tận ngày nay.

Bà Choi Seung-hee sinh năm 1911 và là học trò của nghệ sỹ múa hiện đại Nhật Bản Ishii Baku. Bà là người góp công hiện đại hóa các tác phẩm kinh điển thời Joseon, tạo ra các điệu nhảy như Eheya Noara, Seungmu (Tăng vũ, tức vũ điệu của nhà sư), Munyeo (Vũ nữ) và trở thành một vũ công đẳng cấp thế giới qua các chuyến lưu diễn nước ngoài. Năm 1946, bà Choi Seung-hee sang Bắc Triều Tiên theo đề nghị của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, thành lập Viện nghiên cứu múa Choi Seung-hee và xuất bản cuốn sách “Những điều cơ bản về điệu múa dân tộc Joseon”, đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng nền móng cho nền nghệ thuật múa miền Bắc. Có thông tin cho rằng bà đã bị thanh trừng vào năm 1967 và mất năm 1969, nhưng sau đó đã được phục hồi danh dự và an táng tại Lăng liệt sỹ yêu nước.

 

Quyển “Những điều cơ bản về điệu múa dân tộc Joseon” do bà Choi Seung-hee biên soạn đã tạo dựng nền tảng cho nghệ thuật múa Bắc Triều Tiên và là cuốn sách giáo khoa đầu tiên cho tất cả các vũ công nước này. Ngoài ra, những thế hệ trẻ đến từ nhóm sáng tác vũ đạo do cố nghệ sỹ Choi Seung-hee thành lập đã tiếp quản nền nghệ thuật múa miền Bắc sau khi bà bị thanh trừng. Vì vậy, có thể nói không có người dân Bắc Triều Tiên nào là không nhảy các vũ điệu của bà.

 

Quá trình phát triển của nghệ thuật múa Bắc Triều Tiên phù hợp với những thay đổi trong chính sách quốc gia và phương châm của đảng Lao động. Việc sáng tác các tác phẩm nghệ thuật nhấn mạnh tính chiến đấu và tuyên truyền, đồng thời tổ chức các buổi biểu diễn phát huy tính cơ động đã trở thành phương tiện khích lệ quân lính và người dân trong chiến tranh Triều Tiên. Sau chiến tranh, nhiều vở múa đã được sáng tác với mục đích chủ nghĩa cộng sản hóa người dân. Miền Bắc bắt đầu hoàn thiện hệ thống sân khấu biểu diễn, như mở cửa trở lại Nhà hát Moranbong, vốn bị phá hủy trong chiến tranh, năm 1954, và hoàn công Nhà hát lớn Bình Nhưỡng năm 1960. Bên cạnh đó, các màn biểu diễn múa của nước này cũng bộc lộ rõ khuynh hướng chính trị, chẳng hạn như “Tứ đại danh tác”, tức 4 tác phẩm tiêu biểu của loại hình múa cách mạng.

 

Thời kỳ thay đổi lớn của nghệ thuật múa Bắc Triều Tiên bắt đầu vào cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970, cũng là khoảng thời gian 4 vở múa tiêu biểu của nước này mang tên “Tứ đại danh tác” ra đời. Đây là thời kỳ nghệ thuật múa trở thành một môn nghệ thuật Juche với các tác phẩm tiêu biểu là "Hoa đỗ quyên của tổ quốc", "Múa sàng", "Tuyết rơi" và "Táo được mùa", với nội dung thể hiện niềm tin lạc quan vào một tương lai tốt đẹp trong cuộc chiến khó khăn gian khổ. Đây là thời kỳ cho ra đời những tác phẩm được miền Bắc sử dụng làm mẫu để dạy cho người dân với tên gọi múa cách mạng.

 

Đặc biệt, vũ điệu “Múa sàng” miêu tả hình ảnh các cô gái sàng ngũ cốc bên cối xay nước để gửi lương thực cho quân du kích kháng Nhật và được coi là một trong 4 kiệt tác múa hay nhất của Bắc Triều Tiên.

“Múa sàng” là một đoạn trong vở ca kịch cách mạng “Biển máu” được trình diễn tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000. Đây được coi là tác phẩm đánh dấu bước ngoặt trong văn hóa nghệ thuật Bắc Triều Tiên vào những năm 1970. “Biển máu” nhấn mạnh tính tất yếu của cách mạng khi tái hiện nỗi đau mà nhân vật người mẹ Eul-nam phải chịu trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng. Tác phẩm được dựng thành kịch dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il vào năm 1971.

 

Vở ca kịch này là sự kết hợp của âm nhạc, lời ca và Bangchang (bàng xướng), tức bài hát giải thích và bổ sung tình huống theo cảm xúc của nhân vật chính, tương tự như một đoạn điệp khúc phía sau để giải thích thế giới nội tâm hoặc tình huống cao trào của nhân vật này. Âm nhạc được dàn nhạc thể hiện kết hợp một cách hệ thống với điệu múa và mỹ thuật sân khấu để tạo nên một vở ca kịch lớn. Vì vậy, có thể nói “Biển máu” chính là tác phẩm tạo nên khuôn mẫu về chủ đề và phương thức biểu diễn của nghệ thuật ca kịch cách mạng.

 

Như vậy, thể loại ca kịch cách mạng ra đời với tiêu chuẩn khác biệt so với các loại hình trước đó, và nghệ thuật biểu diễn sau này cũng học tập phương thức sáng tác của “Biển máu”. Và với sự ra đời của tác phẩm ca kịch cách mạng "Biển máu", nghệ thuật múa cũng trở thành một yếu tố thiết yếu trong các buổi biểu diễn của Bắc Triều Tiên.

 

Múa ca kịch là loại hình múa được lồng vào các vở kịch để thể hiện những phân cảnh khó biểu diễn bằng bài hát, lời thoại hoặc diễn kịch một cách hiệu quả và phong phú hơn. Nói cách khác, nghệ thuật múa là một phương tiện thể hiện quá trình thay đổi tư tưởng của nhân vật chính hoặc thúc đẩy sự tiến triển của vở kịch. Trên thực tế, vở ca kịch “Biển máu” chỉ có một vài phân cảnh múa.

 

Thông thường, các điệu múa tái hiện khung cảnh trong mơ nhờ tạo hình hoa được thực hiện bởi các vũ công, hoặc tạo ra một bầu không khí mờ ảo như trong mơ.

Bắc Triều Tiên tập trung vào loại hình múa dân gian vào những năm 1990 bằng cách thành lập các đoàn trình diễn mang màu sắc dân tộc, tìm ra các điệu múa dân gian đặc trưng của từng địa phương và cho ra đời các vở múa thể hiện đươc đặc trưng của các điệu múa đó. Bước vào những năm 2000, nghệ thuật múa miền Bắc có nội dung làm nổi bật tư tưởng ưu tiên quân đội của cố Chủ tịch Kim Jong-il.

 

Tư tưởng ưu tiên quân đội quy định quân đội là nguồn động lực của cách mạng chủ nghĩa xã hội Chủ thể và thể hiện ý định giải quyết các vấn đề mà xã hội theo chủ nghĩa xã hội phải đối mặt thông qua quân đội. Nói cách khác, tư tưởng này tái hiện ý chí quân dân một lòng với sự đoàn kết của đảng, quân đội và nhân dân. Theo đó, chủ đề sáng tác vũ đạo đã chuyển sang lấy quân đội và sự đoàn kết quân dân làm trung tâm, thay cho hình ảnh công nhân tại các khu công nghiệp như trước kia. Vì vậy, các tác phẩm truyền tải thông điệp chính trị như “Tiếng trống chiến thắng” hay “Súng của tướng quân” cũng được ra đời.

 

Văn hóa và nghệ thuật của Bắc Triều Tiên đã thay đổi đáng kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền. Trong một bài phát biểu nhân dịp năm mới 2012, ông Kim đã trình bày một tầm nhìn mới về xã hội và văn hóa, đề ra kế hoạch "xây dựng một đất nước văn minh chủ nghĩa xã hội", đồng thời nhấn mạnh quốc gia phải học theo các nước văn minh theo chủ nghĩa xã hội trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả văn học nghệ thuật. Kể từ đó, văn hóa nghệ thuật của miền Bắc tiếp tục trở thành phương tiện giáo dục tư tưởng nhưng với một cách tiếp cận khác, trong đó có sự thay đổi của nghệ thuật múa.

 

Những thay đổi của Bắc Triều Tiên dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un được thể hiện mạnh mẽ nhất trong âm nhạc và nghệ thuật múa. Đặc biệt, loại hình múa thiết hài đã trở nên rất phổ biến ở nước này. Khác với xu hướng bài xích văn hóa Mỹ trong quá khứ, miền Bắc dưới thời ông Kim đã xuất hiện các màn trình diễn sử dụng nhạc phim Rocky (Mỹ) và các búp bê nước ngoài, hoặc các cặp đôi nhảy điệu valse. Ngoài ra, nước này cũng bắt đầu học hỏi các kỹ thuật nhảy của nước ngoài, cho thấy việc tiếp nhận nền văn hóa phương Tây thay vì bài xích như trước đây chính là một thay đổi lớn của Bắc Triều Tiên dưới thời chủ tịch Kim Jong-un.

 

Màn biểu diễn của ban nhạc Moranbong và ban nhạc Samjiyeon cũng cho thấy những thay đổi của Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, nghệ thuật múa của miền Bắc vẫn phụ thuộc về mặt chính trị thay vì trở thành một môn nghệ thuật độc lập, khiến nhiều người phải suy nghĩ về vai trò và chức năng thực sự của nghệ thuật tại nước này.

Lựa chọn của ban biên tập