Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Thể dục đồng diễn của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-05-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 9/2018 đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đặc biệt, hình ảnh ông Moon trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên có bài phát biểu trước người dân miền Bắc chắc hẳn vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người.

Trước sự chứng kiến của 150.000 người dân Bắc Triều Tiên tại Sân vận động 1/5 Rungrado (Bình Nhưỡng), Tổng thống Moon Jae-in khẳng định dân tộc Hàn đã chung sống 5.000 năm nhưng lại bị chia cắt trong 70 năm qua, đồng thời đề xuất hai miền Nam-Bắc chấm dứt hoàn toàn 70 năm thù địch trong quá khứ để cùng thực hiện một bước tiến lớn về chung một nhà. Vào thời điểm đó, buổi thể dục đồng diễn nghệ thuật mang tên “Tổ quốc sáng ngời”, vốn chỉ được sử dụng với mục đích tuyên truyền thể chế, đã được Bắc Triều Tiên chỉnh sửa nội dung nhằm nhấn mạnh thông điệp hòa bình và thống nhất nhân chuyến thăm của Tổng thống Moon.

Một lá cờ bán đảo Hàn Quốc cỡ lớn xuất hiện trên nền bài dân ca Arirang, báo hiệu buổi biểu diễn bắt đầu. Hàng nghìn người giơ các tấm bảng trên khán đài để tạo ra hình ảnh tráng lệ với nội dung “Hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in”. Khán giả còn được thưởng thức màn trình diễn ngoạn mục với các nhạc cụ truyền thống như đàn tranh Gayageum, trống phong yêu Janggu, đồng diễn môn võ Taekwondo, thể dục, múa, cũng như biểu diễn công nghệ cao với khoảng 100 máy bay không người lái ghép thành chữ “Tổ quốc sáng ngời” giữa không trung.

Một buổi biểu diễn bao gồm trình diễn lật bảng quy mô lớn và nhiều tiết mục khác nhau như vậy được gọi là thể dục đồng diễn, cũng là một trong những thể loại biểu diễn tiêu biểu của Bắc Triều Tiên. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng bà Kim Chae-won, Giám đốc Viện Nghiên cứu so sánh văn hóa nhảy múa, tìm hiểu về loại hình thể dục đồng diễn của miền Bắc. Đầu tiên là ý nghĩa của thể loại biểu diễn này.

 

Một buổi thể dục đồng diễn của Bắc Triều Tiên có thể có tới vài chục nghìn, thậm chí là 100.000 người tham gia, một quy mô mà ít có quốc gia nào trên thế giới có thể huy động được. Bắc Triều Tiên tự hào tổ chức các chương trình thể dục đồng diễn vào những ngày đặc biệt hoặc dành cho các chuyến thăm cấp Nhà nước. Màn biểu diễn này cũng được bao gồm trong chương trình tour du lịch dành cho người nước ngoài nên cũng là một phương tiện kiếm ngoại tệ của miền Bắc. Trong nước, thể dục đồng diễn đóng vai trò to lớn trong việc tăng cường giáo dục tư tưởng cho người dân và củng cố đoàn kết nội bộ.

 

Trong “Đại từ điển tiếng Triều Tiên” của miền Bắc, thể dục đồng diễn được định nghĩa là một hình thức nghệ thuật thể dục tổng hợp mới, kết hợp các kỹ thuật thể dục tinh vi mang đậm tính tư tưởng và nghệ thuật với hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn người tham gia biểu diễn. Bắc Triều Tiên quy định các nghệ sĩ là các chiến sỹ trên mặt trận văn hóa và sử dụng văn hóa nghệ thuật như một công cụ tuyên truyền chính trị. Vì vậy, thể dục đồng diễn là một trong những phương tiện giáo dục người dân của nước này.

Theo báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, loại hình biểu diễn này bắt nguồn từ buổi biểu diễn “Thể dục hoa” do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sáng tạo và chỉ đạo tại trường Tân Minh ở thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) vào năm 1930.

 

Loại hình thể dục đồng diễn của Bắc Triều Tiên bắt nguồn từ màn biểu diễn “Thể dục hoa” do cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sáng tạo và được biểu diễn bởi các học sinh trường Tân Minh trong thời kỳ ông hoạt động cho cuộc cách mạng nông nghiệp vào những năm 1930. Vào thời điểm đó, các buổi biểu diễn được thực hiện dưới hình thức người tham gia tập hợp lại để xếp thành hình chữ cái, sau đó được phát triển thành các động tác sử dụng tay không, gậy dài, gậy ngắn đầu tròn vào năm 1947, cũng là năm Bắc Triều Tiên tổ chức buổi biểu diễn “Tướng quân Kim Nhật Thành vạn tuế”. Tuy nhiên, lúc này kỹ thuật đồng diễn lật bảng vẫn chưa xuất hiện.

 

Sau đó, đồng diễn lật bảng đã được thể hiện bởi “đội diễn nền” lần đầu tiên tại Bắc Triều Tiên trong chương trình “Bài ca giải phóng” được tổ chức vào năm 1955 để kỷ niệm 10 năm ngày bán đảo Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản. Quy mô của sự kiện được mở rộng với hơn 10.000 người tham gia vào năm 1958 với buổi biểu diễn “Đất nước vinh quang của chúng ta” và trở thành hình thức thể dục đồng diễn như ngày nay vào năm 1961 với buổi biểu diễn "Thời đại của đảng Lao động”.

Các màn thể dục đồng diễn của miền Bắc bao gồm đội thể dục, đội diễn nền và âm nhạc. Trong đó, đội thể dục đóng vai trò quan trọng nhất.

 

Đội thể dục phụ trách trình diễn những động tác thể dục mạnh mẽ và mang ý nghĩa tượng trưng riêng. Ví dụ, động tác giơ tay nghiêng về phía trước biểu hiện sự tôn trọng và ngưỡng mộ, động tác xúc xẻng hoặc vung búa tượng trưng cho lao động, động tác xây tháp người với hai người trở lên chỉ hoạt động lắp ráp. Ngoài ra, người biểu diễn còn sử dụng nhiều công cụ đa dạng để thể hiện các chủ đề về tư tưởng, như gậy ngắn đầu tròn, vòng, dây nhảy, thậm chí cả các dụng cụ lớn như xà ngang, xà đôi.

 

Trong chương trình thể dục đồng diễn, âm nhạc đóng vai trò chỉ huy để thống nhất động tác cho người tham gia. Trong khi đó, đội diễn nền trên khán đài có nhiệm vụ thể hiện các chủ đề hay nội dung mà đội thể dục không thể hiện hết qua các tấm bảng với hình ảnh và chữ cái. Đây không phải là các tấm bảng đơn thuần mà được coi như một tác phẩm nghệ thuật hội họa được các chuyên gia tỉ mỉ tạo ra.

 

Giống như phông nền sân khấu diễn kịch, đội diễn nền biểu diễn các màn lật bảng với vai trò làm nền cho đội thể dục thể hiện tác phẩm một cách sinh động. Nói cách khác, đội diễn nền có tác dụng giải thích và bổ sung những chủ đề mà đội thể dục không thể hiện hết bằng các hình thức lập thể như hình ảnh và chữ cái. Đội này bao gồm các học sinh 13 đến 15 tuổi, được huấn luyện sau giờ học bởi các đạo diễn và giáo viên, để phải đảm bảo sự đồng bộ hoàn hảo khi di chuyển và cần sự tập trung cao độ trong lúc diễn. Các em học sinh được đào tạo tập trung để thực hiện các động tác như ngồi đúng tư thế, cầm và mở sách thẻ đúng cách.

 

Tháng 11 năm ngoái, báo Lao động đưa tin miền Bắc đã tổ chức họp báo cáo kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn tổ chức thể dục đồng diễn. Trong quá khứ, do không có cơ quan dành riêng cho các buổi thể dục đồng diễn, vốn được tổ chức ở thủ đô và địa phương vào các ngày kỷ niệm lớn, Bắc Triều Tiên sẽ tập hợp các giáo viên và chuyên gia thể dục, âm nhạc và nghệ thuật tại các trường học đại học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thành một đội biểu diễn tạm thời khi có nhu cầu. Tuy nhiên, để chuẩn bị và thực hiện sự kiện hiệu quả hơn, nước này đã thành lập Đoàn tổ chức thể dục đồng diễn vào tháng 11/1971.

 

Đoàn tổ chức thể dục đồng diễn được thành lập với mục đích sáng tác, phân phối và phát triển các buổi biểu diễn tập thể. Đơn vị này bao gồm bộ phận đạo diễn sản xuất, bộ phận chỉ đạo thể dục, bộ phận chỉ đạo diễn nền, bộ phận chỉ đạo âm nhạc, đoàn nhạc với thành viên là các chuyên gia thể dục, múa, âm nhạc và trang phục. Để tổ chức một buổi biểu diễn cần trải qua ba bước. Đầu tiên là sáng tác kịch bản, tiếp theo là chỉ đạo học sinh tập các động tác cơ bản và chuẩn bị trang phục, đạo cụ và sân khấu. Cuối cùng là huấn luyện toàn diện và biểu diễn thử. Các học sinh đã được tập luyện tại trường học sẽ tập trung tại Quảng trường Kim Nhật Thành, Quảng trường Hội quán văn hóa 25/4 hoặc Nhà thi đấu Bình Nhưỡng để diễn tập.

 

Trong các buổi thể dục đồng diễn, hầu hết người tham gia là sinh viên và công nhân, còn những nghệ sỹ chuyên biểu diễn thể dục hoặc múa sẽ được giao cho các động tác khó ở mức độ cao và các cảnh quan trọng. Năm 1983, Đoàn tổ chức thể dục đồng diễn thành lập “Trường thể dục thanh thiếu niên” với mục đích tuyển chọn những học sinh tài năng để đào tạo sau giờ học và giao cho các phần biểu diễn kỹ thuật khó khi công diễn. Dần dần về sau, các màn thể dục đồng diễn của miền Bắc có quy mô lớn hơn và phức tạp hơn. Vào những năm 2000, nước này đã tạo ra một hình thức biểu diễn mới kết hợp giữa thể dục và nghệ thuật.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập đảng Lao động, Bắc Triều Tiên đã tổ chức một buổi đồng diễn quy mô lớn với sự tham gia của hơn 100.000 người với tên gọi “Đảng Lao động bách chiến bách thắng”, sau đó đạt được danh hiệu “Buổi biểu diễn thể dục và nghệ thuật tập thể quy mô lớn”.

 

Màn công diễn “Đảng Lao động bách chiến bách thắng” diễn ra lần đầu tại Sân vận động 1/5 vào ngày 12/10/2000. Đúng như tên gọi, đây là buổi biểu diễn quy mô lớn kể lại lịch sử thành lập đảng Lao động thông qua âm nhạc, múa, xiếc và đồng diễn lật bảng. Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, vốn đang trong chuyến thăm Bắc Triều Tiên tại thời điểm đó, cũng đã được xem buổi biểu diễn này, khiến nó được biết đến rộng rãi trên thế giới. Buổi biểu diễn thể dục và nghệ thuật tập thể quy mô lớn là một buổi biểu diễn nghệ thuật độc đáo kết hợp giữa thể dục và nghệ thuật, với sự tham gia của các thành viên chủ chốt đến từ các đoàn nghệ thuật hàng đầu miền Bắc, như Đoàn ca kịch Biển máu, Đoàn nghệ thuật Mansudae, Đoàn nghệ thuật dân tộc quốc gia và Đoàn xiếc Bình Nhưỡng.

 

Hai năm sau đó, vào năm 2002, Bắc Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, 60 năm ngày sinh Chủ tịch đương nhiệm là ông Kim Jong-il và 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên. Vì đây là một năm vô cùng ý nghĩa với miền Bắc, nước này đã tổ chức một buổi biểu diễn thể dục và nghệ thuật tập thể quy mô lớn mang tên Arirang.

Buổi biểu diễn Arirang có tới khoảng 100.000 người tham gia, là một màn trình diễn tổng hợp nhiều thể loại nghệ thuật đa dạng như âm nhạc, lật bảng, đồng diễn múa, thể dục dụng cụ, diễn kịch và nghệ thuật sân khấu. Buổi biểu diễn có nội dung kể về những người dân từng phải rơi nước mắt khi hát ca khúc Arirang sau khi mất nước vào tay thực dân nay cùng nhau tiến tới kỷ nguyên mới của cuộc cách mạng quân sự. Lần đầu ra mắt thế giới vào năm 2005, màn trình diễn này được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness của Anh công nhận là màn thể dục đồng diễn lớn nhất thế giới vào năm 2007.

 

Có chủ đề là bài hát dân gian cùng tên, Arirang là một buổi biểu diễn lớn kéo dài trong một tiếng 20 phút với các điệu múa dân gian đa dạng của dân tộc Hàn như múa trống, múa quạt, quay mũ đính dải lụa Sangmo và múa kiếm. Hàng chục nghìn học sinh đã góp công tạo nên một màn trình diễn lật bảng công phu như đồ họa máy tính, hay xây tháp người cao tới 5 tầng, nhảy dây ba hoặc bốn người và thực hiện xiếc nhào lộn mà không có lưới hay thiết bị an toàn. Là sự kết hợp hoàn hảo của thể dục đồng diễn, âm nhạc, múa và sử thi, Arirang đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong nền nghệ thuật biểu diễn Bắc Triều Tiên, tương tự như sự kiện vở ca kịch cách mạng “Biển máu” mở đường cho một loại hình biểu diễn mới tại nước này vào những năm 1970.

 

Học giả âm nhạc dân tộc và chuyên gia về âm nhạc Bắc Triều Tiên người Anh Keith Howard chỉ trích miền Bắc cố tình phức tạp hóa các vũ đạo trong các màn thể dục đồng diễn. Chỉ một người trượt chân cũng có thể làm hỏng toàn bộ buổi biểu diễn, đòi hỏi người tham gia phải tập trung cao độ. Theo đó, có phân tích cho rằng các buổi biểu diễn này đã góp phần tăng cường chủ nghĩa tập thể theo một cách chưa từng thấy, đồng thời được coi là một phương tiện vũ trang tư tưởng và thắt chặt tình đoàn kết cho cả người tham gia lẫn người xem.

 

Khác với việc nhận các tài liệu tuyên truyền được các chuyên gia biên soạn theo chỉ thị của Nhà nước, người dân được trực tiếp tham gia vào các buổi thể dục đồng diễn, nên đây cũng được coi là một phương tiện tuyên truyền của Chính phủ. Chứng kiến bạn bè và hàng xóm tham gia vào một sự kiện lớn như vậy cũng có thể được coi là một cấp độ tuyên truyền mới. Những người tham gia sẽ có được cảm giác khẳng định bản thân khi trở thành một phần quan trọng của buổi biểu diễn lớn, từ đó được giáo dục về tư tưởng một cách tự nhiên. Nói cách khác, đây là một phương tiện cho người dân cảm thấy mình thuộc về một xã hội và nhận ra được sự ưu việt của xã hội chủ nghĩa.

 

Bảo tàng Nghệ thuật Amore Pacific ở quận Yongsan (Seoul, Hàn Quốc) hiện đang tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Đức Andreas Gursky, vốn được coi là người đã viết nên một trang mới trong lịch sử nhiếp ảnh đương đại khi mở rộng phạm vi nhiếp ảnh sang nghệ thuật hiện đại. Tại triển lãm, một trong những tác phẩm thu hút sự chú ý là tác phẩm “Bình Nhưỡng VI”, một phần trong loạt ảnh mang tên “Bình Nhưỡng” được chụp tại buổi biểu diễn Arirang ở Bắc Triều Tiên vào năm 2007. Nhìn từ xa, người xem sẽ thấy cảnh Mặt trời mọc phía trên một bông hoa lớn. Tuy nhiên, khi nhìn cận cảnh, đây hóa ra là một hình ảnh lớn được tạo bởi con người, tượng trưng cho việc các cá nhân bị lu mờ bởi tập thể, cũng là những người bị bó buộc trong thể chế xã hội chủ nghĩa. Phải chăng màn đồng diễn thể dục hùng tráng do hơn 100.000 người biểu diễn chính là tượng trưng của tính tập thể và khác biệt của thể chế Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập