Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nền điện ảnh Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-06-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin vào ngày 9/4, Bắc Triều Tiên đã phát hành bộ phim có tựa đề “Một ngày một đêm”. Đây là lần đầu tiên miền Bắc phát hành và quảng bá một bộ phim mới trong vòng 6 năm, thu hút sự chú ý rằng liệu đây sẽ là bước khởi đầu để ngành sản xuất phim Bắc Triều Tiên phục hồi sau một thời gian thoái trào dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un hay không. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về nền phim ảnh miền Bắc cùng giáo sư Jeon Young-sun đến từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk.

Đoạn video giới thiệu bộ phim “Một ngày một đêm” phát trên Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên đã gây được nhiều sự chú ý bởi phong cách biên tập mang lại cảm giác khác biệt so với các bộ phim trước đây.

Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, cũng tích cực quảng bá cho phim “Một ngày một đêm” khi cho rằng bộ phim này giúp người xem cảm nhận được nền nghệ thuật điện ảnh miền Bắc đã bước  lên một tầm cao mới. Bộ phim xoay quanh một nữ y tá phát hiện và tố giác một gián điệp cấu kết với thế lực bên ngoài âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên.

 

Bộ phim dựa trên một nhân vật có thật là bà Ra Myong-hee, một cựu binh Bắc Triều Tiên đã qua đời năm 2020. Năm 1958, bà Ra là y tá đến nhà của một quan chức cấp cao để tiêm thuốc và tình cờ phát hiện ra quan chức này là một kẻ phản bội. Bà đã gửi một bức thư cho cố Chủ tịch Kim Nhật Thành để thông báo và sau đó được trao danh hiệu anh hùng. Đặc điểm của phim là có nhiều yếu tố gay cấn khiến người xem phải căng thẳng theo dõi hơn so với các bộ phim khác.

 

Tại Bắc Triều Tiên, thể loại phim chính kịch như “Một ngày một đêm” được gọi là phim nghệ thuật. Bộ phim được Xưởng quay phim nghệ thuật Triều Tiên 25/4 quay và sản xuất.

 

Bắc Triều Tiên có ba đơn vị sản xuất phim tiêu biểu, lớn nhất là Xưởng quay phim nghệ thuật Triều Tiên. Tiếp theo là Xưởng quay phim nghệ thuật Triều Tiên 25/4 thuộc quân đội nhân dân miền Bắc, cũng là đơn vị sản xuất phim “Một ngày một đêm”. Cuối cùng là Đoàn sản xuất phim thanh thiếu niên thuộc Đại học sân khấu điện ảnh Bình Nhưỡng, vốn là nơi sinh viên năm cuối làm đồ án tốt nghiệp, nhưng sau đó được công nhận là cơ sở sản xuất phim chính thức ở miền Bắc nhờ sản xuất được nhiều phim chất lượng cao. Nhiều bộ phim của đơn vị này lấy thanh thiếu niên làm chủ đề và nhân vật chính.

 

Tất cả những người tham gia sản xuất phim tại Bắc Triều Tiên đều thuộc một số cơ quan nhất định. Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động sẽ chịu trách nhiệm kiểm duyệt toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu viết kịch bản đến quay phim và chỉnh sửa, còn Phòng phân phối phim ảnh thuộc Bộ Văn hóa đảm nhận giám sát việc phân phối các bộ phim.

 

Rạp hát ở miền Bắc được gọi là “điểm công diễn”, còn nơi chiếu phim được gọi hay “rạp phim”, có mặt ở các địa phương. Tại những nơi không có rạp chiếu phim, người dân vẫn có thể xem phim tại các rạp chiếu phim di động hoặc trung tâm văn hóa có trang bị máy chiếu và màn hình. Riêng tại Bình Nhưỡng, mỗi khu vực đều có một rạp chiếu phim riêng, như rạp chiếu phim Daedongmun, rạp chiếu phim Gaeseonmun. Đặc biệt, khu phức hợp tại đảo Yanggak nằm giữa sông Daedong (Đại Đồng) là nơi duy nhất tại miền Bắc có rạp chiếu phim quốc tế.

 

Rạp chiếu phim quốc tế Bình Nhưỡng là rạp chiếu phim tiêu biểu của Bắc Triều Tiên và cũng là nơi ra mắt bộ phim “Một ngày một đêm”. Công trình này được xây dựng vào năm 1989, cũng là năm Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới được tổ chức ở Bình Nhưỡng. Nơi đây có 6 phòng chiếu lớn nhỏ. Trong đó, hội trường chính có sức chứa lên tới 2.000 người và có thể được sử dụng để diễn kịch và ca kịch.

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng đáng kể của cố Chủ tịch Kim Jong-il đến lịch sử nền điện ảnh Bắc Triều Tiên. Là một người rất quan tâm đến điện ảnh, cố lãnh đạo Kim trở thành Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền vào cuối những năm 1960 và bắt đầu các dự án thần tượng hóa cha mình là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành một cách toàn diện, trong đó có việc thành lập Đoàn làm phim núi Baekdu (Bạch Đầu), chuyên phụ trách sản xuất phim về gia tộc họ Kim. Trong đó, tiêu biểu là bộ phim dài 10 tập có tựa đề “Ngôi sao Triều Tiên”, kể về cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật của ông Kim Nhật Thành thời niên thiếu.

 

Cố Chủ tịch Kim Jong-il đã đạt được vị trí lãnh đạo tối cao nhờ củng cố vị thế chính trị thông qua việc thần tượng hóa nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Trong quá trình này, ông Kim Jong-il đã thực hiện các chính sách quan trọng về điện ảnh, âm nhạc và nghệ thuật. Bộ phim “Ngôi sao Triều Tiên” được lấy cảm hứng từ một bài thơ có cùng tựa đề của nhà thơ Kim Hyok, người hết lòng ca ngợi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành là lãnh tụ tối cao của dân tộc. Đây là bộ phim tiêu biểu thể hiện tính chính thống trong cuộc cách mạng chống phát xít Nhật của vị Chủ tịch này và cũng là bộ phim được xem nhiều nhất cho đến nay ở miền Bắc. Có thông tin cho biết tính đến năm 1992, có 120 triệu khán giả đã xem bộ phim, vì đây là bộ phim bắt buộc phải xem thuộc dự án giáo dục chính trị.

 

“Ngôi sao Triều Tiên” là một tác phẩm lý tưởng hóa nhà lãnh đạo tiêu biểu của miền Bắc vì là bộ phim đầu tiên mà diễn viên vào vai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, vốn trước đó chỉ được ám chỉ bằng các biểu tượng.

Năm 1978, thế giới bàng hoàng trước tin Chủ tịch Kim Jong-il đứng đằng sau vụ bắt cóc đạo diễn Shin Sang-ok và nữ diễn viên Choi Eun-hee tại Hong Kong. Là đạo diễn tiêu biểu và nữ diễn viên số một Hàn Quốc vào những năm 1960, cặp vợ chồng này từng viết nên một trang mới trong lịch sử điện ảnh của Hàn Quốc với các bộ phim như “Vị khách đáng yêu và mẹ” hay “Chàng điếc Samryong”.

Phim tài liệu “Người tình và kẻ độc tài” (The Lovers and the Despot) của đạo diễn Ross Adam và Robert Cannan được mời tham dự Liên hoan phim Sundance 2016 ở Mỹ đã thuật lại vụ việc lúc đó và công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện thể hiện dã tâm của cố Chủ tịch Kim Jong-il được chính bà Choi Eun-hee lén ghi lại. Trong cuộc trò chuyện này, cố lãnh đạo Kim đã giải thích lý do đưa đạo diễn Shin và diễn viên Choi đến Bắc Triều Tiên.

Bà Choi Eun-hee từng xuất hiện trong một chương trình trò chuyện của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) vào năm 2009 và kể lại sự việc.

 

Cố Chủ tịch Kim Jong-il đề nghị ông Shin Sang-ok và vợ hãy bỏ qua yếu tố tư tưởng để làm những bộ phim hay có thể xuất khẩu ra nước ngoài, cải thiện hình ảnh tồi tệ của Bắc Triều Tiên tại khu vực Đông Nam Á. Theo yêu cầu của ông Kim, hai người chỉ tập trung vào sản xuất phim.

 

Với mong muốn củng cố chế độ với các bộ phim thu hút công chúng, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã tài trợ toàn diện để đạo diễn Shin Sang-ok sản xuất tới 17 bộ phim cho đến khi ông Shin trốn thoát trong chuyến quay phim nước ngoài tại Vienna (Áo) năm 1986.

 

Đạo diễn Shin Sang-ok đã thành lập xưởng sản xuất phim mang họ mình tại Bắc Triều Tiên để sản xuất ra nhiều bộ phim mà thậm chí đến ngày nay vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người đào tẩu miền Bắc luống tuổi. Ở Bắc Triều Tiên, ông Shin được hỗ trợ rất nhiều trong quá trình làm phim. Ví dụ, ông đã cho nổ một đoàn tàu thật thay vì mô hình để làm cho cảnh phim trở nên chân thực hơn, hoặc sử dụng nhiều máy bay trực thăng để tạo bão tuyết thay vì quạt công suất lớn.

 

Đạo diễn Shin Sang-ok có ảnh hưởng đáng kể đến nền điện ảnh Bắc Triều Tiên trong những năm 1980. So với các bộ phim trước đó tại nước này, các tác phẩm của ông ít có các yếu tố tuyên truyền và thể hiện tình cảm một cách cởi mở hơn, điều từng bị coi là cấm kỵ ở miền Bắc.

 

Những bộ phim của Bắc Triều Tiên khá nhàm chán vì chỉ tập trung vào vấn đề đạo đức, giáo dục và không có các phim 15+ hay 19+ như phim khiêu dâm, hành động hay kinh dị. Đặc biệt, các cảnh gợi cảm còn khá hạn chế. Phim sẽ đột ngột chuyển cảnh sang hướng quay khác hoặc cho cây vào chắn giữa màn hình khi đến cảnh hôn, khá giống với cách làm phim những năm 1980 tại Hàn Quốc. Chẳng hạn, khi đang thực hiện cảnh cưỡng hiếp trong bộ phim “Muối”, tất cả những người quay phim đều bỏ lại máy quay và bỏ chạy vì lo ngại sẽ gặp phải các rắc rối về vấn đề tư tưởng, khiến đạo diễn Shin Sang-ok phải tự mình quay cảnh này. Ngoài ra, cảnh cởi dây áo của nhân vật Chun-hyang trong phim “Tình yêu của tôi” cũng đã tạo ra tiếng vang lớn.

 

Đạo diễn Shin Sang-ok và diễn viên Choi Eun-hee được cho là đã góp phần làm nổi bật cá tính của các nghệ sỹ và tạo nên một loại phim ảnh theo cách thức mới tại Bắc Triều Tiên, một nơi vốn coi trọng chủ nghĩa tập thể.

Sau khi đạo diễn Shin trốn thoát, nền điện ảnh miền Bắc trở nên trì trệ do khối chủ nghĩa xã hội sụp đổ và sự bắt đầu của thời kỳ khó khăn kinh tế mang tên “Cuộc hành quân gian khổ” tại nước này. Tuy nhiên, từ giữa những năm 2000, miền Bắc đẩy mạnh xuất khẩu phim và hợp tác với nước ngoài. Đặc biệt, trong những năm đầu Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã khởi chiếu một loạt phim hợp tác sản xuất với nước ngoài.

 

Trước đây, Bắc Triều Tiên chủ yếu hợp tác sản xuất phim với Liên Xô. Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, nước này đã sản xuất các bộ phim như “Lời hẹn ở Bình Nhưỡng” hợp tác với Trung Quốc, “Đồng chí Kim bay lên trời” hợp tác cùng Anh và Bỉ, hay phim “Ngôi làng bên kia núi” do kiều bào Mỹ là ông Bae Byung-jun đạo diễn. Trong số đó, bộ phim “Đồng chí Kim bay lên trời” đã cho thấy khuynh hướng phát triển của nền điện ảnh miền Bắc với các yếu tố hài hước nhưng thực tế, đồng thời vận dụng chủ đề về xiếc Bắc Triều Tiên, một trong những lĩnh vực mà cộng đồng quốc tế đang quan tâm.

 

Phim “Đồng chí Kim bay lên trời” là một bộ phim hài lãng mạn nhẹ nhàng xoay quanh một công nhân khai thác than tên là Kim Young-mi vượt qua nỗi sợ độ cao và xuất thân tầng lớp lao động để theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ xiếc nhào lộn trên không. Phim này nằm trong 9 bộ phim mà miền Bắc sản xuất từ những năm 1980 cho đến nay được trình chiếu tại Liên hoan phim viễn tưởng quốc tế Bucheon ở Hàn Quốc. Trong số đó, bộ phim “Chuyện nhà tôi” khởi chiếu năm 2016 cũng thu hút được sự chú ý của khán giả tại sự kiện.

“Chuyện nhà tôi” đã giành giải “Phim hay nhất” tại Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng năm 2016. Bộ phim kể về câu chuyện một cô gái trẻ chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở đã chăm sóc hai anh em mồ côi nhà hàng xóm. Các diễn viên trẻ xuất hiện trong phim đã khắc họa cuộc sống thường ngày của các gia đình miền Bắc và các vấn đề mà thanh thiếu niên phải đối mặt một cách tự nhiên. Nhờ sử dụng các đoạn cắt đa dạng, đạo diễn đã làm cho các phân cảnh có thể gây nhàm chán cũng trở nên hấp dẫn.

 

Bố cục màn hình trong phim Bắc Triều Tiên đã trở nên ấn tượng hơn, đồng thời các cảnh cũng trở nên tươi sáng hơn. Ngoài ra, miền Bắc cũng tích cực áp dụng các góc máy đa dạng và kỹ thuật quay phim với các thiết bị hiện đại, chẳng hạn như cần cẩu máy quay Jimmy Jib.

 

Các bộ phim của Bắc Triều Tiên cũng đã áp dụng hình thức ghi âm lời thoại trực tiếp thay cho lồng tiếng để các diễn viên có thể tập trung vào diễn xuất và thể hiện cảm xúc tốt hơn. Bên cạnh đó, hai bộ phim “Đồng chí Kim bay lên trời” và “Chuyện nhà tôi” đều đã thoát khỏi hình thức tuyên truyền thông thường. Như lời Chủ tịch Kim Jong-un đã từng nhấn mạnh: “Vững chân trên mảnh đất quê hương và hướng tầm mắt ra thế giới”, nền điện ảnh miền Bắc đang dần có sự thay đổi phù hợp với xu hướng mới dưới thời ông Kim.

Lựa chọn của ban biên tập