Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nghệ sỹ văn hóa đại chúng tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-06-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tại lễ bế mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 tổ chức ở thành phố Cannes (Pháp) vào ngày 28/5 vừa qua, điện ảnh Hàn Quốc đã viết nên trang sử mới.

Tại sự kiện, nam diễn viên Song Kang-ho giành giải thưởng “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” với vai diễn trong phim “Broker” (tạm dịch “Người môi giới”), còn đạo diễn Park Chan-wook giành giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất” với tác phẩm “Decision to Leave" (tạm dịch “Quyết định ra đi”). Đây cũng là lần đầu tiên nền điện ảnh Hàn Quốc gặt hái được cùng lúc hai giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes. Trong những năm gần đây, các đạo diễn và ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc như đạo diễn Bong Joon-ho, nữ diễn viên gạo cội Youn Yuh-jung đã đạt được những thành tựu chưa từng có ở kinh đô điện ảnh Hollywood (Mỹ) và châu Âu, chứng minh vị thế ngày càng cao của phim điện ảnh xứ kimchi. Bên cạnh điện ảnh, văn hóa K-pop, tiêu biểu là nhóm nhạc nam Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS), cũng đang khuấy động toàn thế giới.

Vậy văn hóa đại chúng đang phát triển thế nào và các nghệ sĩ đóng vai trò gì tại Bắc Triều Tiên? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các nghệ sĩ văn hóa đại chúng của miền Bắc cùng giáo sư Jeon Young-sun đến từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk.

 

Ở miền Bắc, nghệ sĩ trong các lĩnh vực như kịch, điện ảnh, âm nhạc, múa được gọi chung là diễn viên. Nghệ sỹ đại chúng được yêu thích nhất hiện nay của nước này là diễn viên thanh nhạc Kim Ok-ju.

Bà Kim đã thu hút được nhiều sự chú ý khi song ca bài hát "Gửi tới J" (To J) cùng nữ ca sỹ Hàn Quốc Lee Sun-hee tại buổi biểu diễn liên Triều năm 2018.

Ngoài ra, ca sỹ Kim Ok-ju còn chứng tỏ sự nổi tiếng của mình khi đã trình diễn hơn một nửa số bài hát trong buổi biểu diễn của Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ, mà Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã đến thưởng thức vào tháng 6 năm ngoái.

Bà Kim đã biểu diễn bài hát "Mẹ tôi" cùng một thành viên của Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ là ca sỹ Cha Yoon-mi.

Bài hát solo của bà mang tên “Đi theo tình cảm ấy” đã được phát hành video ca nhạc và bản nhạc ca khúc này còn được in trên báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Nhờ sự nổi tiếng của mình, nữ ca sĩ đã được trao danh hiệu cao quý nhất dành cho nghệ sĩ miền Bắc là "diễn viên nhân dân" vào tháng 7 năm ngoái. Bà Kim Ok-ju là người đầu tiên được trao tặng danh hiệu này sau 6 năm.

 

Có thể coi bà Kim Ok-ju là nghệ sĩ nổi tiếng được yêu thích nhất tại Bắc Triều Tiên. Danh hiệu “diễn viên nhân dân” mà bà nhận được cách đây không lâu là một danh hiệu cao quý đến mức có thể phải vài chục năm mới có một người. Bà Kim còn được khoác tay và chụp ảnh chung cùng Chủ tịch Kim Jong-un. Những nhân vật thành công ở miền Bắc có hai đặc điểm đáng chú ý là thường xuyên xuất hiện trên truyền thông và được chụp ảnh cùng Chủ tịch Kim, cũng là những điều có thể thấy ở ca sỹ Kim Ok-ju thời gian gần đây.

 

Bắc Triều Tiên trao danh hiệu cống hiến cho những người có công đặc biệt với đất nước, bắt đầu từ những nghệ sỹ có công phát triển nghệ thuật dân tộc trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), rồi mở rộng ra các lĩnh vực khác như khoa học, truyền thông, xuất bản và thể thao.

Các nghệ sỹ được trao cả hai danh hiệu “diễn viên cống hiến” và “diễn viên nhân dân” gồm có nhạc công âm nhạc dân tộc Jeong Nam-hui, diễn viên kịch Hwang Chol, nghệ sỹ múa đặt nền móng cho nền múa miền Bắc Choi Seung-hee, nữ diễn viên quốc dân xuất hiện trong bộ phim “Truyện Chunhyang” của cả Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc Mun Ye-bong, và nữ diễn viên chính của bộ phim “Trinh nữ bán hoa” là Hong Yong-hui, cũng là nhân vật được in trên tờ tiền 1 won của miền Bắc.

Ngoài ra, còn có ca sĩ Jeon Hye-young, chủ nhân của bài hát “Huýt sáo” vốn rất quen thuộc với người Hàn Quốc.

 

Các danh hiệu ở Bắc Triều Tiên có ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến và lương bổng. Nước này có 4 danh hiệu là “nghệ sỹ cống hiến”, “diễn viên cống hiến”, “nghệ sỹ nhân dân”, “diễn viên nhân dân”. Trong đó, các danh hiệu “nhân dân” có vị thế cao hơn và được đãi ngộ tương đương cấp Bộ trưởng, còn những người có danh hiệu “cống hiến” được đãi ngộ như cấp Thứ trưởng. Việc trao danh hiệu có thể được coi là quá trình khẳng định với người dân rằng Nhà nước công nhận và tôn vinh những người làm việc chăm chỉ trong từng lĩnh vực.

 

Các nghệ sĩ được nhận đãi ngộ tốt và rất nổi tiếng tại Bắc Triều Tiên. Ở Hàn Quốc, muốn trở thành nghệ sĩ nổi tiếng phải tham gia các buổi thử giọng, hay có khi được tuyển ngay trên đường phố và cũng có nhiều trường hợp phải trải qua quá trình thực tập khắc nghiệt tại các công ty giải trí thì mới được ra mắt. Còn ở miền Bắc, để trở thành nghệ sỹ thì phải tốt nghiệp các trường học trong ngành. Tầng lớp thượng lưu cạnh tranh gay gắt để gửi con em đến các trường mẫu giáo chuyên đào tạo nghệ thuật, chẳng hạn như Trường mẫu giáo Kyongsang và Trường mẫu giáo Changgwang.

 

Hệ thống giáo dục Bắc Triều Tiên áp dụng chiến lược chọn lọc và tập trung. Cụ thể, Nhà nước sẽ đầu tư cho những nhân tài có năng khiếu nghệ thuật học tại các trường nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Những đứa trẻ có thành tích tốt hoặc được công nhận tại các cuộc thi quốc tế sẽ được nhận vào các trường năng khiếu nghệ thuật, chẳng hạn như Học viện Kumsong hay Học viện nghệ thuật Bình Nhưỡng. Các ca sĩ nổi tiếng của miền Bắc hầu hết đều xuất thân từ các trường này.

 

Các trường đại học nghệ thuật tại Bắc Triều Tiên được chia thành hai loại là trung ương và địa phương. Các trường trung ương bao gồm Nhạc viện tổng hợp Kim Won-gyun, Đại học mỹ thuật Bình Nhưỡng, Đại học sân khấu điện ảnh Bình Nhưỡng và Đại học xiếc Bình Nhưỡng. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh còn có các trường riêng như Đại học nghệ thuật Sinuiju và Đại học nghệ thuật Hyesan. Những người tốt nghiệp từ các trường đại học nghệ thuật có thể hoạt động tại các đoàn nghệ thuật của Nhà nước hoặc các cơ quan khác nhau. Trong đó, nơi làm việc đáng mơ ước nhất của các sinh viên nghệ thuật là Đoàn nghệ thuật Mansudae và Đoàn ca kịch Biển máu, nơi công diễn các vở ca kịch cách mạng tiêu biểu của miền Bắc, ví dụ như vở “Trinh nữ bán hoa”. Tuy nhiên, các đoàn nghệ thuật thường ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trung ương. Vì vậy, có nhiều trường hợp sinh viên các trường địa phương không vào được đoàn nghệ thuật mong muốn.

 

Do được Nhà nước tài trợ cho việc học hành trong nhiều năm, các nghệ sĩ phải làm việc trong lĩnh vực tương ứng sau khi tốt nghiệp. Vì theo chế độ của công nhân viên chức nên họ cũng được phân cấp, chẳng hạn sinh viên tốt nghiệp học viện nghệ thuật tại địa phương sẽ thuộc cấp 7, học viện nghệ thuật trung ương là cấp 5. Các nghệ sỹ sẽ được đánh giá để thăng cấp, cao nhất là cấp 1. Những người có đóng góp đặc biệt sẽ được trao tặng danh hiệu “diễn viên cống hiến” hoặc “diễn viên nhân dân”.

 

Các ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng thường có một cộng đồng người hâm mộ riêng. Tuy cũng có trường hợp người hâm mộ quá khích bám đuôi và xâm phạm đời tư của nghệ sỹ, song nền văn hóa cộng đồng người hâm mộ fandom mới xuất hiện ở Hàn Quốc đang có những ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Ví dụ, người hâm mộ của 16 nhóm nhạc K-pop, trong đó có BTS, EXO và BLACKPINK, đã cùng tham gia chiến dịch bảo vệ rừng và các hoạt động gây quỹ để chung tay giúp đỡ các khu vực bị động đất hoặc lũ lụt. Vậy ở Bắc Triều Tiên có văn hóa fandom hay không? Ông Jeon Young-sun giải đáp:

 

Ở Bắc Triều Tiên khó có thể hình thành văn hóa fandom. Tuy nhiên, người hâm mộ miền Bắc có thể gửi thư, còn gọi là thư thành tích, cho các diễn viên nổi tiếng sau khi buổi công diễn kết thúc. Dạo gần đây, thư của người hâm mộ còn có thể được gửi dưới dạng tin nhắn. Video giới thiệu nữ diễn viên Paek Sol-mi, nữ chính của bộ phim “Chuyện nhà tôi”, có chiếu đến bức thư của một học sinh cấp 3 tên Kang Man-sun gửi cho cô để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Miền Bắc khó có thể hình thành văn hóa fandom, trong đó người hâm mộ được quyền tự do thực hiện các hoạt động mang tính vật chất và di chuyển cá nhân. Tất nhiên, nghệ sỹ nước này vẫn có người hâm mộ, nhưng họ không thể thể hiện tình cảm của mình với thần tượng bằng các hành động thực tiễn.

 

Các đặc điểm xã hội Bắc Triều Tiên không tạo điều kiện để hình thành văn hóa fandom. Tuy nhiên, các nghệ sĩ miền Bắc vẫn có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng. Trong số đó, tiêu biểu là phu nhân Ri Sol-ju, vợ của Chủ tịch Kim Jong-un.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Kumsong, trường đào tạo nhân tài nghệ thuật tốt nhất Bắc Triều Tiên, bà Ri Sol-ju hoạt động tại Dàn nhạc giao hưởng Unhasu (Dải ngân hà).

Bà Ri Sol-ju chứng minh vị thế của một phu nhân Chủ tịch khi tháp tùng chồng là ông Kim Jong-un trong nhiều chuyến thị sát thực địa. Được coi là một biểu tượng thời trang tại miền Bắc, phu nhân Ri vẫn giữ được sự nổi tiếng kể cả sau khi đã kết hôn.

 

Một nghệ sĩ văn hóa đại chúng khác có tầm ảnh hưởng không kém bà Ri Sol-ju là Hyon Song-wol, trưởng đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 tổ chức tại Hàn Quốc.

Dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, bà Hyon Song-wol đã biểu diễn trong Ban nhạc nhẹ Wangjaesan và Nhóm nhạc điện tử Pochonbo. Bài hát “Trinh nữ cưỡi tuấn mã” của bà Hyon là một trong những bài hát được người dân miền Bắc yêu thích nhất.

Bà Hyon Song-wol trở thành trưởng Ban nhạc Moranbong vào năm 2012 và hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động, cho thấy vị thế không nhỏ của bà tại Bắc Triều Tiên.

 

Có thể thấy Bắc Triều Tiên cũng có những ngôi sao văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, trong khi nền văn hóa đại chúng của Hàn Quốc đã mở rộng phạm vi ra toàn thế giới, các nghệ sĩ miền Bắc chỉ có thể hoạt động trong nước. Các chuyên gia chỉ ra rằng sắc thái chính trị trong nền văn hóa nghệ thuật Bắc Triều Tiên đã gây hạn chế trong việc nhận được sự đồng cảm của người dân thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập