Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ý nghĩa của núi Baekdu tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-06-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Hình ảnh ấn tượng trong ngày 20/9/2018, cũng là ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba diễn ra ở Bình Nhưỡng, hẳn vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người.

Điểm nhấn của sự kiện là cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cùng leo lên núi Baekdu (Bạch Đầu), ngọn núi linh thiêng của dân tộc Hàn.

Tại đây, lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã nắm chặt tay nhau, và Chủ tịch Kim Jong-un kêu gọi hai nước cùng viết nên trang sử mới cho quan hệ liên Triều.

Hai nhà lãnh đạo đã cùng giương cao đôi bàn tay đang nắm chặt trước hồ Cheonji (Thiên Trì) trên đỉnh Baekdu, làm dấy lên kỳ vọng rằng ngọn núi sẽ trở thành địa điểm tượng trưng cho hòa bình và hợp tác giữa hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, tình hình đã có nhiều thay đổi sau đó. Là ngọn núi tiêu biểu của dân tộc Hàn, núi Baekdu còn mang nhiều ý nghĩa khác tại Bắc Triều Tiên. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Bắc Triều Tiên học Oh Sam-eon đến từ Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc tìm hiểu về ý nghĩa của núi Baekdu tại miền Bắc.


Quốc ca Hàn Quốc bắt đầu bằng câu “Cho đến khi biển Đông khô cạn và núi Baekdu mòn”. Trong lời hai của Quốc ca Bắc Triều Tiên, núi Baekdu cũng xuất hiện trong câu hát "Giữ gìn khí phách anh hùng núi Baekdu và phát huy tinh thần lao động". Vì vậy, có thể nói núi Baekdu là ngọn núi đại diện cho dân tộc Hàn tại cả hai miền Nam-Bắc. Ngọn núi có tên gọi là Baekdu vì một năm thì có tới hơn 8 tháng đỉnh núi bị tuyết bao phủ. Baekdu là nơi bắt đầu đường “xương sống” của bán đảo Hàn Quốc, kéo dài về phía Nam đến núi Jiri của Hàn Quốc.

Về mặt hành chính, núi Baekdu thuộc thành phố Samjiyon, tỉnh Ryanggang của miền Bắc. Đây là một tỉnh mới được thành lập vào năm 1954 bằng cách gộp một phần của hai tỉnh Nam Hamgyong và Bắc Hamgyong với nhau. Tỉnh được đặt tên Ryanggang (Lưỡng Giang) vì có hai con sông chảy qua là sông Amnok (Áp Lục) và sông Duman (Đồ Môn). Người ta kể lại rằng dung nham phun trào từ núi Baekdu chảy xuống, tạo thành ba cái hồ liền nhau, cũng là nguồn gốc của tên gọi Samjiyon (Tam Trì Uyên, nghĩa là ba hồ sâu). Núi Baekdu cao 2.750m so với mực nước biển, là ngọn núi cao nhất trên bán đảo Hàn Quốc. Do khí hậu trên núi thường xuyên thay đổi, người dân thậm chí còn nói đùa là phải tích phúc ba đời thì mới có thể thấy được hồ Cheonji trên đỉnh núi.

 

Núi Baekdu được tạo thành từ những vụ phun trào núi lửa cách đây một triệu năm, còn Cheonji là tên của hồ nước được hình thành trên miệng núi. Sỡ dĩ hồ được gọi là Cheonji (Thiên Trì) là vì nằm ở nơi giao thoa giữa trời với đất. Theo tài liệu của Bắc Triều Tiên, núi Baekdu có 2.685 loại thực vật, bao gồm các loại thông, cây vân sam, trong đó có 199 loài thực vật chỉ mọc trên núi cao. Đây là vùng lạnh nhất ở Bắc Triều Tiên và chỉ có khoảng ba tháng trong năm để cây có thể phát triển. Ngoài sự chênh lệch nhiệt độ trong năm có thể lên tới khoảng 65 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm dao động từ 20 đến 25 độ C. Thành phố Samjiyon trồng một số loại thực vật chỉ có thể được tìm thấy ở các khu vực núi cao như đỗ quyên núi, hoa hồng núi và cả các loài động vật quý hiếm được chỉ định là bảo vật thiên nhiên như hươu và gà rừng Samjiyon. Ngoài ra, hồ Samjiyon cũng có các loài cá đa dạng như cá tuế, cá hồi núi và đặc biệt là cá chép Samjiyon, đặc sản miền Bắc, đối tượng cần được bảo vệ và được công nhận là bảo vật thiên nhiên của nước này.

 

Bắc Triều Tiên sử dụng hình tượng thần bí của núi Baekdu làm biểu tượng cho hình ảnh của gia tộc họ Kim.

Cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Nhật Bản của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành được tuyên truyền với tên gọi lịch sử cách mạng núi Baekdu, từ đó hợp thức hóa thể chế thống trị độc tài của nhà họ Kim.

 

Không chỉ là ngọn núi linh thiêng của dân tộc Hàn, núi Baekdu còn được ghi lại trong sử sách về “Ngũ Hồ thập lục quốc” của Trung Quốc, đồng thời còn được coi là địa điểm trung tâm trong các thần thoại về nguồn gốc của dân tộc Mãn Châu (Trung Quốc) và cũng là ngọn núi linh thiêng của dân tộc này. Cuộc đấu tranh vũ trang chống thực dân Nhật Bản của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trên thực tế diễn ra tại vùng Mãn Châu nhưng lại coi núi Baekdu là căn cứ địa, từ đó khắc họa hình ảnh người anh hùng đã bảo vệ ngọn núi linh thiêng của cả bán đảo Hàn Quốc và vùng Đông Bắc Trung Quốc.

 

Cố Chủ tịch Kim Jong-il dù được biết đến là sinh ra tại nước Nga nhưng Bắc Triều Tiên lại tuyên truyền rằng ông được sinh ra trong một căn cứ mật ở núi Baekdu nhằm hợp thức hóa quyền lực cha truyền con nối tại nước này.

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng tích cực sử dụng núi Baekdu để khẳng định về tính chính đáng trong việc kế vị của mình bằng cách quảng bá hình ảnh bản thân leo lên ngọn núi này trước các sự kiện chính trị và các quyết định quan trọng. Theo đó, việc cha truyền con nối từ ông Kim Nhật Thành đến ông Kim Jong-il và Chủ tịch Kim Jong-un đã được nhấn mạnh bằng tên gọi “huyết thống Baekdu”.

 

Bài quân ca tiêu biểu của Bắc Triều Tiên về cố Chủ tịch Kim Nhật Thành được phát hành năm 1946 cũng có câu mở đầu nhắc đến núi Jangbaek (Trường Bạch), một tên gọi khác của núi Baekdu. Ngoài ra, bài hát về cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng được coi là một trong những bài hát cách mạng bất hủ của miền Bắc, được báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động, công bố năm 1997. Bài hát này cũng bắt đầu bằng câu “Từ núi Baekdu đi xuống là ba ngàn dặm giang sơn gấm vóc”. Việc hai bài hát đều mở đầu bằng hình ảnh ngọn núi này cho thấy Bắc Triều Tiên đã xây dựng núi Baekdu thành biểu tượng cho sự nghiệp vĩ đại của cuộc cách mạng Juche (Chủ thể). Tương tự, trong lời ba của bài hát ca ngợi Chủ tịch Kim Jong-un cũng có câu “Mở ra tương lai sáng ngời ba ngàn dặm từ đất nước lớn của núi Baekdu”. Cụm từ “đất nước lớn của núi Baekdu” đã mở rộng ý nghĩa của ngọn núi thành biểu tượng cho đất nước Bắc Triều Tiên.

 

Người dân miền Bắc được dạy về lịch sử của thánh địa cách mạng núi Baekdu từ thời thơ ấu. Vì vậy, những người đào tẩu từ miền Bắc cũng nhớ rõ những truyền thuyết về núi Baekdu mà họ được dạy hồi nhỏ.

Nhằm giáo dục người dân về truyền thống cách mạng của vị lãnh tụ tối cao, Bắc Triều Tiên đang tích cực tổ chức các chuyến thăm những địa điểm cách mạng và trải nghiệm hành quân thực tế để nghe các bài giảng thuyết. Đây là các sự kiện mà sinh viên hay nhân viên các cơ quan và công nhân các nhà máy có thể tham gia theo đơn vị. Trong đó, tiêu biểu nhất là hoạt động “Hành quân thực thế di tích cách mạng núi Baekdu”. Truyền thông miền Bắc cũng đang giới thiệu về các chuyến đi bộ đường dài và các chuyến hành quân thực tế đến địa điểm cách mạng núi Baekdu. Đặc biệt, Bắc Triều Tiên còn phát hành một bài hát mang tên “Đi thôi, đến núi Baekdu” vào năm 2015.

Năng lực lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un bị chỉ trích đáng kể sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Cuối năm đó, khi đến thăm di tích cách mạng núi Baekdu, ông Kim khẳng định sẽ đạt được đột phát mới trong bối cảnh các lệnh trừng phạt ngày càng trở nên khốc liệt, đồng thời nhấn mạnh công tác tổ chức các chuyến tham quan thực tế tại ngọn núi này.

 

Sau khi chỉ thị của Chủ tịch Kim Jong-un được ban hành, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19, số lượng người tham gia các chuyến hành quân thực tế đến núi Baekdu đã lên tới hơn 80.000 người với 1.900 chuyến thăm trong vòng một năm. Ngoài mục đích thần tượng hóa hình ảnh bản thân, ngọn núi này còn được Chủ tịch Kim tích cực sử dụng như một phương tiện để phát triển kinh tế.

Bắc Triều Tiên chú trọng đến việc phát triển thành phố Samjiyon, cửa ngõ dẫn đến núi Baekdu. Nước này thành lập một khu du lịch tại khu vực Baekdu-Samjiyon vào những năm 1960 và bắt đầu đầu tư toàn diện cho khu vực này vào năm 2016 dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un.

Samjiyon đã được nâng cấp từ huyện lên thành phố vào năm 2019 và hoàn thành ba giai đoạn phát triển vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh hầu hết các dự án của Bắc Triều Tiên đều gặp trở ngại do các lệnh trừng phạt quốc tế và chính sách đóng cửa biên giới, dự án phát triển thành phố Samjiyon đã trở thành một trong những thành tựu lớn nhất của ông Kim Jong-un sau 10 năm cầm quyền.

 

Bắc Triều Tiên thực hiện dự án mở rộng sân bay Samjiyon và xây dựng một con đường mới kết nối sân bay này với Khu trượt tuyết Samjiyon, chuẩn bị các cơ sở vật chất để sẵn sàng chào đón du khách trong và ngoài nước. Nhiều tòa nhà mới được xây dựng, trong đó có Nhà máy sản xuất đồ lưu niệm Samjiyon, Bệnh viện Nhân dân, trung tâm văn hóa, Cung thể thao học sinh và thanh thiếu niên, thư viện, khách sạn Samjiyon. Đặc biệt, Bảo tàng tổng hợp núi Baekdu có diện tích sàn lên tới hơn 10.000m2, là nơi trưng bày lịch sử khai phá khu vực núi Baekdu và quá trình tiến hóa của các loài động thực vật nơi đây.

 

Ngày 15/2 vừa qua, Bắc Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của cố Chủ tịch Kim Jong-il tại thành phố Samjiyon với sự tham gia của Chủ tịch Kim Jong-un và các quan chức cấp cao miền Bắc bất chấp thời tiết lạnh giá.

Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng đưa tin cho biết người dân rất thích thú với màn bắn pháo hoa mãn nhãn.

 

Sự kiện diễn ra với sự tham gia của Chủ tịch Kim Jong-un và các quan chức cấp cao tại thành phố Samjiyon đã giúp khắc họa hơn hình ảnh của địa phương này. Dự án phát triển thành phố Samjiyon đã trở thành một mô hình kiểu mẫu cho các dự án phát triển địa phương mà miền Bắc thực hiện trong vòng 6 năm dưới thời ông Kim Jong-un. Bên cạnh đó, việc làm mới lại quê hương của cố Chủ tịch Kim Jong-il, cũng là thánh đường của cách mạng, là một cách thể hiện lòng trung thành với cố lãnh đạo.

 

Các chuyên gia cho rằng Bắc Triều Tiên tổ chức sự kiện kỷ niệm sinh nhật cố Chủ tịch Kim Jong-il mang tên lễ Kwangmyeongsong (Sao Quang Minh, tức ngôi sao sáng) ở thành phố Samjiyon nằm dưới chân núi Baekdu chứ không phải ở thủ đô Bình Nhưỡng là nhằm khẳng định quyền lực của Chủ tịch Kim Jong-un với huyết thống núi Baekdu, đồng thời tăng cường đoàn kết nội bộ.

Trang web “Triều Tiên ngày nay” chuyên quảng bá du lịch Bắc Triều Tiên giới thiệu cảnh tượng mãn nhãn nhất tại khu vực núi Baekdu chính là cảnh Mặt trời mọc xua tan màn sương mù và nhuộm đỏ nước hồ Cheonji, khiến nhiều người dân Hàn Quốc khắc khoải mong đợi không biết đến khi nào mới có thể nhìn thấy cảnh tượng hùng tráng ấy.

Lựa chọn của ban biên tập