Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Phim tài liệu của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-06-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 1/2 vừa qua, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã phát sóng bộ phim tài liệu mang tên "Năm đại thắng vĩ đại 2021". Trong phim có hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un ngồi trên ngựa trắng ngắm Mặt trời đang ló dạng ở đường chân trời. Cảnh cưỡi ngựa này được chiếu ở phần cuối của bộ phim, nhằm tuyên truyền cho các thành tích chính trị mà ông Kim đạt được trong năm ngoái.

Cảnh phim là hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un dùng một tay giữ cương cưỡi ngựa trắng phi nước đại băng qua rừng sâu. Ngựa trắng có ý nghĩa biểu tượng rất lớn tại Bắc Triều Tiên. Nước này từng tuyên truyền rằng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã cưỡi ngựa trắng xông trận trong cuộc chiến tranh chống thực dân Nhật Bản, biến hình ảnh này trở thành biểu tượng cho một nhà lãnh đạo lý tưởng. Chủ tịch Kim Jong-un cũng sử dụng hình ảnh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành để thần tượng hóa bản thân và nhấn mạnh tính chính đáng của việc kế vị. Ý nghĩa đặc biệt này đã được miền Bắc làm nổi bật trong các bộ phim tài liệu. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về phim tài liệu Bắc Triều Tiên cùng ông Kim Seung, giáo sư kiêm nhiệm khoa Nội dung văn hóa Đại học Konkuk.

 

Phim tài liệu vốn là một công cụ phục vụ mục đích tuyên truyền và kích động chủ nghĩa toàn trị. Ví dụ điển hình là bộ phim tài liệu về Thế vận hội mùa hè Berlin của do chính quyền Đức quốc xã sản xuất. Bắc Triều Tiên cũng sản xuất tới 30 bộ phim tài liệu mỗi năm. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên thường xuyên phát sóng các phim tài liệu với nội dung chủ yếu về các chính sách quốc gia, sự kiện chính trị và các vấn đề tồn đọng của miền Bắc.

 

Phim tài liệu Bắc Triều Tiên chủ yếu ghi lại lịch sử cách mạng của đảng Lao động và các nhà lãnh đạo của nước này. Do đó, ngoài ý nghĩa của phim ảnh thông thường, đây còn là phương tiện giải thích trực tiếp các chính sách của đảng, đóng vai trò nhân chứng cho nội dung lịch sử được tuyên truyền và trở thành tư liệu lịch sử. Có thể thấy Bình Nhưỡng đang biến phim tài liệu thành một trục quan trọng để tuyên truyền thể chế. Một trong những đặc điểm của phim tài liệu Bắc Triều Tiên là cảnh quần chúng với số lượng áp đảo. Câu hỏi "Tại sao bạn không tham gia trong khi mọi người đều đang truyền bá cách mạng?" có tác dụng khuyến khích người dân tham gia. Phim tài liệu đã đóng vai trò một mũi tên trúng hai đích, vừa củng cố đoàn kết nội bộ vừa phô trương với nước ngoài.

 

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã sớm nhận ra tầm quan trọng của phim tài liệu và thành lập một xưởng sản xuất phim ngay sau khi bán đảo Hàn Quốc giành được độc lập từ tay thực dân Nhật Bản. Từ năm 1946, Bắc Triều Tiên bắt đầu tuyên truyền tính chính đáng của thể chế qua các bộ phim tài liệu như "Sự nghiệp kiến thiết của chúng ta" và "Cuộc bầu cử dân chủ".

 

Phim tài liệu có ưu điểm là quy trình sản xuất tương đối đơn giản nhưng lại có thể điều hướng công chúng nhanh chóng. Vì vậy, dù thiếu cơ sở vật chất và kỹ thuật trong thời kỳ ngay sau khi bán đảo Hàn Quốc giành được độc lập, nhưng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn hỗ trợ toàn diện cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, phim tài liệu “Vĩ tuyến 38” được sản xuất vào năm 1948 đã thực hiện cảnh quay trên không nhờ công nghệ máy bay không người lái tại Nhà máy phân bón Heungnam. Cuộc thanh trừng phe Kapsan, những người theo chủ nghĩa cộng sản hoạt động ở khu vực huyện Kapsan (tỉnh Bắc Hamgyong) và Mãn Châu thời thực dân Nhật chiếm đóng, vào năm 1967 đã trở thành một biến động lớn trong lịch sử miền Bắc, và chủ đề “Thủ vĩ song quan” (phải diệt cả đầu và đuôi cùng lúc) đã được nhấn mạnh sau sự kiện này đến mức trở thành giáo điều. Ngoài ra, một trong các đặc điểm của phim tài liệu Bắc Triều Tiên là lạm dụng nhạc nền để thay thế phần lớn lời tường thuật và âm thanh thật, khiến cho bộ phim giống như một video ca nhạc.

                     

Các phim tài liệu Bắc Triều Tiên đã được sử dụng để thể hiện và quảng bá tính chính đáng về mặt chính trị của đảng Lao động và nhà lãnh đạo tới người dân trong và ngoài nước. Nước này bảo mật một lượng lớn dữ liệu video liên quan đến các lãnh đạo tối cao và đưa ra sử dụng khi cần thiết. Một ví dụ điển hình là miền Bắc đã cho ra mắt phim tài liệu về người mẹ ruột không công khai trước đó của ông Kim Jong-un là phu nhân Ko Yong-hui. Bộ phim mang tên “Người mẹ của vị tướng quân vỹ đại Bắc Triều Tiên” được sản xuất năm 2011 và trình chiếu lần đầu tiên vào năm 2012 cho các cán bộ Nhà nước, ngay sau khi ông Kim lên nắm quyền. Bộ phim có các hình ảnh được quay sau lễ tưởng niệm 100 ngày mất của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1994, hình ảnh các chuyến chỉ đạo thực địa tại quân đội và doanh nghiệp của cố Chủ tịch Kim Jong-il, buổi ca nhạc của quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, cùng giọng thật của bà Ko Yong-hui.

Ngoài ra, bộ phim cũng chiếu các thước phim bà Ko Yong-hui hướng dẫn con trai là Chủ tịch Kim Jong-un đọc sách, vẽ và trồng cây thời thơ ấu, sau đó là cảnh ông Kim Jong-un đi chỉ đạo thực địa với tư cách là người kế vị và tham gia các cuộc diễu hành quân sự cùng với cha là cố Chủ tịch Kim Jong-il. Có phân tích cho rằng miền Bắc đang muốn nhấn mạnh tính chính đáng về “huyết thống núi Baekdu (Bạch Đầu)” của ông Kim qua bộ phim về bà Ko.

 

Phim tài liệu “Người mẹ của vị tướng quân vỹ đại Bắc Triều Tiên” là bộ phim đầu tiên công bố quá trình bà Ko Yong-hui nuôi dưỡng ông Kim Jong-un trên màn ảnh. Bộ phim được quay vào cuối những năm 1990, cũng là thời kỳ không ai có thể dự đoán trước quyền lực sẽ được chuyển giao cho ông Kim Jong-un, hay việc các tài liệu về bà Ko Yong-hui vẫn được lưu lại qua video. Qua đó, có thể thấy miền Bắc đang bảo quản một lượng lớn video tư liệu và sẽ sử dụng các tư liệu này vào thời điểm cần thiết theo nhận định chính sách của đảng Lao động.

 

Tương tự những người tiền nhiệm, Chủ tịch Kim Jong-un cũng sử dụng các bộ phim tài liệu, tiêu biểu như phim “Kế thừa sự nghiệp vỹ đại của cuộc cách mạng ưu tiên quân đội núi Baekdu” được ra mắt vào tháng 1/2012, hơn một tháng sau khi cố Chủ tịch Kim Jong-il qua đời.

Bộ phim tài liệu đã nhấn mạnh việc Chủ tịch Kim Jong-un là người thừa kế chính quyền, bắt đầu với hình ảnh ông Kim phi nước đại trên lưng ngựa, viếng cung Thái Dương Kumsusan, cũng chính là thánh địa thần tượng hóa gia tộc họ Kim, và chỉ huy các cuộc tập trận quy mô lớn, chẳng hạn như tập trận trên tàu Hải quân. Có phân tích cho rằng bộ phim đã sử dụng một phương pháp biên tập tinh vi để truyền tải nội dung.

 

Bộ phim tài liệu đầu tiên về Chủ tịch Kim Jong-un đã tái hiện lại sự tín nhiệm tuyệt đối của cố Chủ tịch Kim Jong-il vào huyết thống Baekdu và nhấn mạnh ông Kim sẽ trở thành một người đi tiên phong trong cuộc cách mạng giống cha mình. Sử dụng kỹ thuật chuyển giao (transfer) trong điện ảnh, bộ phim đã giải quyết vấn đề tìm người kế vị bằng các hình ảnh biên tập giao thoa với nhau về ba đời nhà họ Kim. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành là người tiên phong, cố Chủ tịch Kim Jong-il là Mặt trời và ông Kim Jong-un như lá cờ, một phép ẩn dụ cho việc ông Kim là người thừa kế cuộc cách mạng. Nếu phải xem đi xem lại những cảnh này, người dân nghiễm nhiên sẽ nhận thức rằng Chủ tịch Kim Jong-un là người kế vị.

 

Ví dụ, bộ phim sẽ chiếu hình ảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành thời niên thiếu đầu tiên, sau đó chuyển cảnh qua ông Kim Jong-il, tiếp theo là Chủ tịch Kim Jong-un vẫy tay chào người dân. Trong những ngày đầu cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un chỉ có thể dựa vào hào quang của người tiền nhiệm và công nhận tính chính đáng của việc kế thừa quyền lực thông qua kiểu biên tập giao thoa này. Năm 2016, đánh dấu năm thứ 5 ông Kim cầm quyền, các bộ phim tài liệu của Bắc Triều Tiên đã có những thay đổi đặc biệt, toàn diện đưa vào các thành tựu của ông Kim Jong-un thay vì các hình ảnh của thế hệ trước.

Đặc biệt, bộ phim tài liệu "Mở ra thời hoàng kim của cách mạng", được phát hành ngay sau Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 năm 2016, đã nhấn mạnh thành tích của Chủ tịch Kim như các chuyến thị sát các đơn vị quân đội để phô trương sức mạnh quân sự, các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Có phân tích cho rằng không chỉ nội dung mà kỹ thuật trình chiếu của tác phẩm này cũng đã trở nên đa dạng hơn.

 

Trước hết là sự thay đổi trong cách sắp xếp bố cục màn hình. Trước đây, điều cơ bản nhất trong các video số 1 hay ảnh số 1, vốn là các tư liệu về lãnh đạo tối cao của Bắc Triều Tiên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là hình ảnh nhà lãnh đạo tối cao phải nằm ở vị trí trung tâm nhằm làm nổi bật nhất vị lãnh đạo. Tuy nhiên, trong phim tài liệu này, Chủ tịch Kim Jong-un đứng một mình trên nền núi Baekdu hùng vĩ. Góc quay từ trên cao nhìn xuống đem lại hiệu ứng hùng tráng, đồng thời chuyển động của máy quay cũng nhấn mạnh khí chất trẻ trung và năng động của ông Kim. Ngoài ra, bộ phim cũng có cảnh phía sau lưng Chủ tịch Kim giám sát vụ phóng tên lửa, một góc quay mới đối với thể loại phim này tại miền Bắc. Cảnh phim có chủ ý này đã cho thấy sự khác biệt của bộ phim với các khuôn mẫu trước đây.

 

Những bộ phim tài liệu thời Chủ tịch Kim Jong-un tuy vẫn nhằm mục đích ổn định và thần tượng hóa thể chế như những người tiền nhiệm, nhưng lại có sự thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm giảm bớt khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân.

 

Bộ phim có các cảnh những đứa trẻ chạy đến khoác tay Chủ tịch Kim Jong-un trong tiếng hoan hô của đám đông nam nữ, cảnh ông Kim nhảy xuống nước khiến vệ sĩ bối rối. Đây là một chiến lược nhằm rút ngắn khoảng cách của nhà lãnh đạo với người dân, nhấn mạnh hình ảnh của một người cha thân thiện hơn là hình ảnh truyền thống của một vị lãnh đạo nghiêm khắc, một cách tái hiện lại tư tưởng cầm quyền “dĩ dân vị thiên” (coi dân là trời) của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ngoài ra, từ góc độ hình ảnh, ông Kim Jong-un thường được quay ở góc quay ngang tầm mắt trẻ em, khác với góc quay của người cha nhìn từ trên xuống thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. Mục đích của việc này là nhằm tái hiện hình ảnh người cha nhìn vào mắt các con.

 

Mục đích của bộ phim là vun đắp hình ảnh người cha ấm áp bằng cách thể hiện tình yêu thương thế hệ tương lai của Chủ tịch Kim Jong-un.

Các hình ảnh trong phim tài liệu nói lên thành tích của Chủ tịch Kim Jong-un mà không cần lợi dụng ánh hào quang của những người tiền nhiệm lại một lần nữa có sự thay đổi vào năm 2018, khi Bắc Triều Tiên dùng con bài phi hạt nhân hóa để xuất hiện trước cộng đồng quốc tế và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên. Đồng thời, các bộ phim tài liệu cũng tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế và đời sống của người dân. Bộ phim “5 công việc mỗi ngày của một nhà lãnh đạo vì nhân dân” là một ví dụ tiêu biểu.

 

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 tại Hà Nội đã kết thúc mà không đạt được kết quả, khiến tình hình thay đổi nhanh chóng. Bộ phim "Sáng ngời lịch sử tự lực chiến thắng" phát hành vào tháng 10 cùng năm có nhiều hình ảnh của hai cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách tự lực cánh sinh là phương châm của người tiền nhiệm. Một điều bất thường là bộ phim còn có cảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành phát biểu về sự đoàn kết dân tộc.

Có phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un đã bắt đầu sử dụng lại hình ảnh các nhà lãnh đạo tiền nhiệm để cải thiện tình hình khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế và sự bế tắc trong quan hệ Mỹ-Triều. Các bộ phim tài liệu của miền Bắc được sử dụng như một công cụ để ghi lại và truyền bá những thành tựu của nhà lãnh đạo tối cao, và ngay cả trong thời đại của Chủ tịch Kim Jong-un, các bộ phim tài liệu được kỳ vọng sẽ tiếp tục được thực hiện và duy trì vai trò chính trị đi đầu trong tuyên truyền.

 

Là những sản phẩm được tính toán kỹ lưỡng, phim tài liệu Bắc Triều Tiên cho thấy các ý đồ chính thức của chính quyền nước này. Vì vậy, miền Bắc sản xuất tới hàng chục bộ phim tài liệu mỗi năm. Thông qua các bộ phim này, chúng ta có thể đọc được mặt trái của thể chế Bắc Triều Tiên và dự đoán triển vọng cho tương lai của nước này. Đây cũng là lý do phim tài liệu của miền Bắc thu hút được nhiều sự quan tâm.

Lựa chọn của ban biên tập