Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bia tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-07-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Cái nắng nóng mùa hè đến chính là báo hiệu mùa chimaek (gà rán và bia) đã bắt đầu. “Chimaek” là từ kết hợp giữa gà (chicken) và bia (maekju) trong tiếng Hàn, một cách diễn đạt phổ biến đến mức được đưa vào từ điển tiếng Hàn. Quả thật, một ly bia cay nồng và mát lạnh cùng miếng gà rán mềm giòn rụm cho ngày hè đúng là không gì sánh được. Đặc biệt, khi cái nóng đang hoành hành như hiện nay, không chỉ quán bia mà các bàn đặt trước cửa hàng tiện lợi cũng đông đúc người thưởng thức gà rán và bia, trong khi xe máy giao hàng gà rán thì tấp nập trên đường. Vậy liệu Bắc Triều Tiên có văn hóa gà “chimaek” như vậy không? Trong chủ đề liên quan đến mùa hè của “Vì một bán đảo thống nhất” hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về bia của miền Bắc cùng giáo sư Jeong Eun-chan đến từ Viện Giáo dục thống nhất quốc gia thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.


Tôi vẫn nhớ đến những lần uống bia với bạn bè ở nhà hàng Chongryugwan, Bình Nhưỡng khi còn học đại học và viết luận văn tốt nghiệp tại đây. Nhưng lúc đó, chúng tôi chỉ uống bia như đồ uống giải khát chứ không có gà rán. Thực tế, ở Bắc Triều Tiên gà được coi là một loại thức ăn bổ dưỡng nên nước này không có văn hóa ăn gà rán cho vui như Hàn Quốc. Sau khi tôi đến Hàn Quốc để định cư vào năm 2004, thì mới bắt đầu có những người thuộc tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng ăn gà rán và uống bia. Tuy nhiên, đây không phải là một nét văn hóa phổ biến ở Bắc Triều Tiên.

 

Người dân Bắc Triều Tiên thích uống rượu mạnh lên đến trên 30 đến 40 độ. Vì vậy, bia được coi là một thức uống giải khát, và thường được dùng kèm với các món đồ nhắm khô.

 

Người dân Bắc Triều Tiên thường ăn các món nhắm khô như cá minh thái, cá cơm, ngao, mực, bạch tuộc khô tùy theo từng địa phương. Các món nhắm này cũng thay đổi theo thời gian. Khác với thế hệ cũ chuộng đồ ăn nhắm khô thì giờ đây, thế hệ mới ở miền Bắc đã bắt đầu ăn gà rán khi uống bia tại các nhà hàng lớn ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh văn hóa tổng thể thì xu hướng này vẫn còn hạn chế.

 

Ngoài 4 loại bia phổ biến nhất là bia Ponghak, bia Geumgang, bia Ryongsong và bia Sông Daedong (Đại Đồng), Bắc Triều Tiên cũng có nhiều loại bia đa dạng khác như bia Bình Nhưỡng và bia Kyongheung. Trong đó, nổi tiếng nhất là bia Sông Đại Đồng, cũng được coi là loại bia quốc dân của miền Bắc. Tháng 6 vừa qua, truyền thông nước này đưa tin Nhà máy bia Sông Đại Đồng kỷ niệm 20 năm thành lập. Nhân dịp này, Ủy ban trung ương đảng Lao động đã gửi điện mừng tới các công nhân, kỹ sư và nhân viên nơi đây.

 

Loại bia lâu đời nhất ở Bắc Triều Tiên là bia Bình Nhưỡng, được sản xuất từ giữa những năm 1950. Sau đó, một nhà máy bia đã được xây dựng dưới sự chỉ đạo của đảng Lao động miền Bắc vào những năm 1980 và lần lượt cho ra đời bia Ryongsong và bia Ponghak. Năm 1996, bia lon đầu tiên của Bắc Triều Tiên được sản xuất với tên gọi bia tươi Geumgang. Văn hóa bia của miền Bắc đánh dấu một bước ngoặt lớn vào những năm 2000, khi cố Chủ tịch Kim Jong-il đến Nga vào năm 2001 để thăm nhà máy bia Baltica ở thành phố Saint Petersburg và thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến ngành công nghiệp bia. Do đó, cố Chủ tịch Kim đã cho mua lại cơ sở Nhà máy bia Ushers của Anh, vốn đã đóng cửa vào năm 2000, và đưa toàn bộ cơ sở này về Bắc Triều Tiên bằng 30 container. Sau đó, miền Bắc xây dựng nhà máy bia tại khu vực Sadong, Bình Nhưỡng và tổ chức lễ hoàn công vào tháng 6/2002 sau khi áp dụng công nghệ sản xuất bia điều khiển bằng máy tính của Đức, cũng là công nghệ tân tiến nhất được sử dụng tại các cơ sở sản xuất bia của Anh vào thời điểm đó. Đây chính là sự kiện đánh dấu sự ra đời của bia Sông Đại Đồng. Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng đưa tin cố Chủ tịch Kim Jong-il đã thể hiện rằng bản thân rất vui vì người dân có thể uống bia mát lạnh trong cả bốn mùa sau khi được xem quy trình sản xuất bia.

 

Bia Sông Đại Đồng là một dự án mà cố Chủ tịch Kim Jong-il đặc biệt quan tâm lúc sinh thời, và được truyền thông Bắc Triều Tiên quảng bá là loại bia tuyệt nhất phương Đông. Bia Sông Đại Đồng được chia làm 7 loại tùy theo tỷ lệ lúa mạch và gạo. Theo tỷ lệ lúa mạch giảm dần, bia số 1 được làm từ 100% mạch nha, đến bia số 5 thì được sản xuất từ 100% gạo trắng. Số 6 và số 7 là bia đen, lần lượt có hương cà phê và chocolate.

 

Ở Bắc Triều Tiên, mỗi loại bia Sông Đại Đồng lại có hương vị khác nhau để phù hợp với khẩu vị người dùng. Chẳng hạn, bia Sông Đại Đồng số 1 có vị đắng, bia số 2 thì có tỷ lệ lúa mạch và gạo là 7:3 nên có vị nhẹ dễ uống và được người dân miền Bắc ưa thích nhất, tôi cũng không phải ngoại lệ. Hồi còn ở Bắc Triều Tiên, tôi không phải là người hay uống rượu bia nhưng khi tụ tập với bạn bè thì họ hay đưa tôi uống từng ly một rồi khen ngon. Bao bì bia Sông Đại Đồng còn dùng nhãn hiệu hình tròn để đánh số theo từng loại và có ghi số phần trăm độ cồn, thường trung bình là 5%.

 

Theo truyền thông Bắc Triều Tiên, bia Sông Đại Đồng có mùi và hương vị đặc biệt vì nó trải qua quy trình sản xuất hiện đại, với thành phần lúa mạch được sản xuất ở tỉnh Hwanghae, bia tươi sản xuất ở tỉnh Ryanggang đầy nắng, và nguồn nước ngầm sạch của sông Đại Đồng. Loại bia này thậm chí còn được quảng cáo trên tivi, vốn là một việc hiếm thấy trước đây.

Năm 2009, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi phát sóng một quảng cáo thương mại cho bia Sông Đại Đồng, trong đó nhấn mạnh đây là loại bia có độ lên men cao, nhẹ và sạch, cho cảm giác sảng khoái, đồng thời đạt được chứng nhận chất lượng ISO9001 của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Tuy nhiên, quảng cáo này đã phải ngừng phát sóng sau khi bị chỉ trích gay gắt là quảng cáo thương mại của chủ nghĩa tư bản.

 

Tại Bắc Triều Tiên, quảng cáo bị chỉ trích là văn hóa của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quảng cáo xuất hiện tại nước này, chẳng hạn như quảng cáo bia, mỹ phẩm và điện thoại di động Arirang. Tuy nhiên, khác với quảng cáo tại Hàn Quốc cố gắng sáng tạo nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng trong thời gian ngắn để tiết kiệm chi phí, thì quảng cáo tại miền Bắc lại giải thích cụ thể về sản phẩm và áp dụng các câu chuyện thực tế. Tôi cho rằng mục đích của các quảng cáo ở Bắc Triều Tiên là để thu hút vốn và bán sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là sau khi chính quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un thể hiện quyết tâm nắm bắt xu hướng toàn cầu. So với Hàn Quốc, quảng cáo của miền Bắc có chất lượng vẫn còn thấp và nghiệp dư, nhưng việc nước này sản xuất quảng cáo đã là một bước đi khác biệt so với trước đây, nên đây cũng là nội dung cần được chú ý theo dõi.

 

Tháng 8/2016, Bắc Triều Tiên tổ chức lễ hội bia đầu tiên mang tên Lễ hội bia Sông Đại Đồng Bình Nhưỡng trên du thuyền ở sông Daedong (Đại Đồng), và phục vụ 7 loại bia Sông Đại Đồng cùng nhiều món nhắm đa dạng. Chính quyền Bắc Triều Tiên đã mời các cơ quan truyền thông nước ngoài, các phái đoàn ngoại giao và du khách quốc tế đến tham gia để quảng bá cho lễ hội bia, đồng thời đưa tin về những đánh giá tốt từ khách du lịch Đức, vốn được mệnh danh là quê hương xứ sở của bia.

Đồng thời, các phương tiện truyền thông miền Bắc cũng đã phát sóng một chương trình đặc biệt giới thiệu về nhà máy bia Sông Đại Đồng và lễ hội bia này. Dựa trên nội dung của chương trình phát sóng, có phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên tổ chức lễ hội bia vào thời điểm đó nhằm quảng cáo bia Sông Đại Đồng để xuất khẩu, đồng thời cho thấy nước này vẫn hoạt động bình thường bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.

 

So với thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, chính quyền nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã có sự thay đổi lớn và thể hiện tham vọng quảng bá đất nước với thế giới nhằm chứng tỏ rằng người dân Bắc Triều Tiên vẫn tận hưởng các hoạt động văn hóa và giải trí thoải mái như công dân các quốc gia khác. Về mặt kinh tế, chính sách cởi mở này cũng có mục đích tập trung thu hút một phần ngoại tệ đang được lưu thông giữa người dân trong nước và người nước ngoài.

 

Năm 2017, Bắc Triều Tiên từng tuyên bố sẽ tổ chức Lễ hội bia Sông Đại Đồng Bình Nhưỡng lần thứ hai nhưng sau đó đã hủy bỏ mà không cho biết lý do.

Ở miền Bắc có khá nhiều nhà hàng bia, trong đó, nhà hàng bia Kyongheunggwan ở khu vực Pothonggang của Bình Nhưỡng đặc biệt nổi tiếng. Nhà hàng này bán 7 loại bia Sông Đại Đồng và phục vụ tới 1.500 thực khách mỗi ngày. Khác với tên gọi “hof” tại Hàn Quốc, miền Bắc gọi những địa điểm uống bia là maekjujip (quán bia). Ngoài ra, người dân nước này cũng có thể uống bia tại các quán nước giải khát.

 

Trên nguyên tắc, Bắc Triều Tiên không sử dụng từ mượn tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, người dân miền Bắc ngày nay đã bắt đầu sử dụng các từ như espresso, black coffee (cà phê đen). Từ “hof” cũng dần dần được lan truyền tại Bình Nhưỡng. Tất nhiên, từ này không có trong từ điển tiếng Bắc Triều Tiên. Thay vào đó, người dân nước này vẫn dùng các từ như "nước ngọt" hoặc "quán bia”. Từ thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, bia đã được nhấn mạnh như một di huấn cần tuân theo. Trong bối cảnh miền Bắc muốn quảng bá rằng người dân nước này được hưởng tiêu chuẩn văn hóa và giải trí cao để bác bỏ các chỉ trích về khó khăn nội bộ, Bắc Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục phát triển đáng kể các lĩnh vực liên quan đến bia trong tương lai.

 

Thời tiết ngày hè nóng nực dạo gần đây thật khiến người ta thèm ăn một bữa gà rán và uống bia “chimaek” sảng khoái. Hy vọng sẽ có một ngày người dân hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc có thể cùng nhau thưởng thức chimaek bên bờ sông Đại Đồng để xua tan cái nóng.

Lựa chọn của ban biên tập