Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Kỳ nghỉ hè tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-08-03

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Mùa hè nóng nực chính là thời điểm thích hợp cho các chuyến nghỉ mát. Đặc biệt năm nay, người dân Hàn Quốc mới được đón kỳ nghỉ hè đầu tiên kể từ khi Chính phủ dở bỏ lệnh giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, nên có rất nhiều người đã hoặc đang lên kế hoạch đi nghỉ dưỡng. Vậy người dân Bắc Triều Tiên nghỉ hè như thế nào? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về kỳ nghỉ hè tại miền Bắc cùng giáo sư Jeong Eun-chan đến từ Viện Giáo dục thống nhất quốc gia thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

 

Khác với người dân Hàn Quốc, người dân Bắc Triều Tiên không có khái niệm đi nghỉ dưỡng hay ra nước ngoài du lịch vài ngày vào kỳ nghỉ hè mà thường chỉ ở nhà nghỉ ngơi, nếu có điều kiện thì đến các địa phương khác hoặc đi biển. Vì thời tiết mùa hè nóng nực, các nhóm bạn có thể đến chơi ở các con suối tại vùng quê hoặc bãi biển và nướng thịt ăn cùng nhau. Người dân miền Bắc không có văn hóa cùng gia đình đi nghỉ dưỡng. Thay vào đó, kì nghỉ là dịp cho những người có điều kiện được nghỉ ngơi giải trí.

 

Trên thực tế, nghỉ hè là một dịp nghỉ được nhân viên văn phòng ở Bắc Triều Tiên trông đợi và đây cũng là quyền lợi được Luật lao động xã hội chủ nghĩa nước này đảm bảo. Công nhân và nhân viên văn phòng bình thường có thời gian nghỉ phép thông thường là 14 ngày/năm, và tùy theo nghề nghiệp mà có thể được nghỉ thêm 7-21 ngày. Tuy nhiên, người dân miền Bắc không thể tận dụng kỳ nghỉ này một cách hợp lý.

 

Để có thể tận hưởng kỳ nghỉ thì người dân phải được tự do đi lại và hạ tầng giao thông phải phát triển. Tại Bắc Triều Tiên, bể bơi chỉ có ở các thành phố lớn và các nhà thi đấu, nhưng thực tế người dân địa phương khó có thể đến Bình Nhưỡng hoặc các khu vực biên giới để nghỉ dưỡng vì phải có giấy thông hành đặc biệt. Ngoài ra, vì không thể đi đường dài, hầu hết người dân miền Bắc đều chỉ nghỉ hè tại địa phương và có rất ít trường hợp được ra nước ngoài như người dân Hàn Quốc. Hơn nữa, để có thể tận hưởng kỳ nghỉ thì cũng cần có điều kiện kinh tế. Bắc Triều Tiên có nền kinh tế kế hoạch với cơ cấu kinh tế kép hoạt động đồng thời với thị trường, do đó tại nước này tồn tại cùng lúc giá cả theo Nhà nước và giá cả theo thị trường. Người dân được trả lương theo quy định Nhà nước nên rất khó có khả năng mua hàng theo giá thị trường, vốn có khoảng cách rất lớn so với giá Nhà nước.

 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Bắc Triều Tiên không thể tận hưởng kỳ nghỉ. Truyền thông miền Bắc thường xuyên đăng tải các bài báo cho biết nhiều bể bơi và bãi biển trên khắp cả nước chật kín người vào kỳ nghỉ hè tháng 7 và tháng 8. Địa điểm được ưa chuộng nhất trong kỳ nghỉ hè tại nước này cũng là bãi biển.

 

Bãi biển Majeon ở khu vực Hungnam, tỉnh Nam Hamgyong là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất ở Bắc Triều Tiên với cơ sở nghỉ dưỡng và tiện nghi đúng với danh tiếng. Truyền thông Bắc Triều Tiên giới thiệu đây là một bãi biển nổi tiếng thu hút hàng chục nghìn người mỗi ngày. Ngoài ra, khi nói đến các bãi biển nổi tiếng của miền Bắc thì không thể không nhắc tới bãi biển Myeongsasimni (Minh Sa Thập Lý) của thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon. Tên gọi của địa danh này bắt nguồn từ việc nơi đây có những bãi cát trắng và mịn nối đuôi nhau dài tới 10 dặm (16,09 km). Thành phố Wonsan thậm chí còn nổi tiếng hơn cả bãi biển này vì có đa dạng nhiều loại hải sản, trong đó có nghêu. Bãi biển Songdowon cũng là một địa danh không thể bỏ qua khi nhắc đến thành phố này.

 

Các bãi biển của Bắc Triều Tiên cực kỳ hiếm khách du lịch đến từ địa phương khác, chủ yếu là người dân sống gần đó tới du lịch trong ngày. Thông thường, họ đến vào sáng sớm, tìm kiếm một nơi nghĩ dưỡng tốt, sau đó chơi cả ngày và trở về vào buổi tối. Những bãi biển nổi tiếng ở miền Bắc bao gồm bãi biển Songdowon và bãi biển Myeongsasimni ở thành phố Wonsan (tỉnh Gangwon), bãi biển Majeon ở tỉnh Nam Hamgyong, và bãi biển Waudo ở thành phố Nampo (tỉnh Nam Pyongan). Tuy không có nhiều tự do nhưng người dân miền Bắc vẫn đến các bãi biển, sông và thung lũng gần nhà để bắt cá, ăn uống và thư giãn, trút bỏ ưu phiền thường ngày.

 

Khác với Hàn Quốc, các địa điểm cắm trại tại Bắc Triều Tiên không đảm bảo được môi trường phù hợp cho khách du lịch. Người dân phải tự chuẩn bị hết mọi thứ trước khi đi để giảm chi phí hoặc bởi điều kiện môi trường hạn chế của địa điểm, chẳng hạn như ven sông. Thậm chí khách du lịch còn phải tự mang cả nồi sắt, củi, bát và các thứ cần thiết khác. Tuy nhiên, văn hóa du lịch tại miền Bắc đang dần thay đổi, cụ thể là đã xuất hiện các dịch vụ cho thuê, vốn không hề tồn tại trước đây. Đặc biệt, tại các khu nghỉ hè cao cấp ở Bình Nhưỡng, người dân đã có thể mua mọi thứ cần thiết tại chỗ.

 

Thế hệ trẻ thời nay thường chuẩn bị trước cho kỳ nghỉ hè từ khá sớm. Sau khi lên kế hoạch, chọn địa điểm, phương tiện đi lại, chỗ ở, họ còn lên kế hoạch “rèn luyện cơ thể", như là ăn kiêng và tập thể dục để khoe thân hình thon thả hay 6 múi khi mặc đồ bơi.

 

Tại Bắc Triều Tiên cũng có những người dân ăn kiêng vài tháng để mặc đồ bơi, nhưng chưa đến mức như Hàn Quốc. Người dân miền Bắc gọi loại trang phục đi biển là đồ bơi thay vì bikini. Không gợi cảm và đa dạng như trang phục Hàn Quốc, đồ bơi của Bắc Triều Tiên có phần thướt tha, ít khoe thân và hạn chế về mẫu mã hơn để tránh bị phê phán về mặt chủ nghĩa xét lại hoặc phi xã hội chủ nghĩa.

 

Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, các công viên giải trí và công viên nước đã được xây mới hoặc mở cửa trở lại. Trong đó, địa điểm nổi tiếng nhất ở Bắc Triều Tiên hiện nay là công viên nước Munsu ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Công viên nước Munsu là một công viên nước tiêu biểu ở Bắc Triều Tiên với các bể bơi trong nhà và ngoài trời, sân bóng chuyền trong nhà và các trang thiết bị leo núi nhân tạo. Với diện tích 125.000m2, nơi đây có tới 27 cầu trượt. Truyền thông miền Bắc từng đưa tin về giới trẻ tận hưởng mùa hè tại công viên nước Munsu khi trải nghiệm trượt trên máng trượt gần như thẳng đứng dài 18m. Công viên có sức chứa lên đến 20.000 người mỗi ngày. Mặc dù vé vào cửa rất đắt đỏ nhưng nơi đây vẫn trở thành một địa điểm nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên đến mức vé chợ đen cũng rất thịnh hành. Công viên nước Munsu cũng thường xuyên được truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin là công viên nước tiêu biểu của Bình Nhưỡng vào mùa hè.

 

Khác với các công viên giải trí trước đó, công viên nước Munsu có quy mô lớn, được trang bị cơ sở vật chất và công nghệ mới nhất cùng các ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, đôi khi cũng có thông tin cơ sở này sử dụng nhiều nước nhưng lại quản lý chất lượng nước kém, gây ra sự bất tiện đáng kể cho người sử dụng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là công viên này có thể quản lý được tốt các cơ sở vật chất mới nhất kia hay không. Dù thế nào đi nữa thì có thể thấy các địa điểm vui chơi giải trí của miền Bắc đã làm tốt nhiệm vụ thu hồi ngoại tệ từ người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, công viên nước Mangyongdae ở Bình Nhưỡng cũng là một địa điểm vui chơi thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Bắc Triều Tiên. Khi giới thiệu về các công viên nước, truyền thông Bắc Triều Tiên cũng tích cực tuyên truyền thể chế bằng cách đưa tin về trải nghiệm vui chơi vui vẻ tại đây của các nhà khoa học và kỹ sư đã tham gia phát triển tên lửa Hwasong-14 và những cựu quân nhân được điều động trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Có phân tích cho rằng kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, các tin tức về việc người dân đi nghỉ hè tại các công viên nước và công viên giải trí đã tăng lên, phù hợp với phương châm điều hành đất nước của ông Kim. Từ những ngày đầu cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa văn minh và nhấn mạnh rằng sẽ tập trung vào việc cải thiện đời sống văn hóa của người dân.

 

Sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thấy mục tiêu của Nhà nước là xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh, trong đó có mục xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa văn minh. Theo ông Kim, một đất nước xã hội chủ nghĩa văn minh là nơi người dân có thể tận hưởng các hoạt động giải trí giống người dân các nước khác trên thế giới, như có kỳ nghỉ hè hay tới vui chơi tại công viên nước Munsu ở Bình Nhưỡng. Từng là du học sinh ở Thụy Sỹ, ông Kim Jong-un nhấn mạnh “tư tưởng thương dân”, để người dân có thể bắt kịp các xu thế văn hóa của thế giới. Vấn đề đặt ra là liệu chính sách này có thể được phổ biến tới toàn bộ 25 triệu người dân Bắc Triều Tiên hay không. Có thể thấy các cơ sở giải trí còn được xây dựng để phục vụ mục đích quảng bá chính sách “chính trị thương dân” với người dân trong và ngoài nước.

 

Trong khi đó, những người đào tẩu Bắc Triều Tiên trong các cuộc phỏng vấn đã cho biết người dân nước này thường có các hoạt động kinh tế kinh doanh tại chợ thay vì tận hưởng các kỳ nghỉ. Mặc dù truyền thông miền Bắc hay đăng các bài báo về việc người dân tận hưởng kỳ nghỉ hè vào thời điểm này trong năm, nhưng có vẻ như không phải tất cả người dân Bắc Triều Tiên đều có thể đi nghỉ hè. Giáo sư Jeong Eun-chan phân tích:

 

Ban đầu tôi cũng tự hỏi liệu việc đi nghỉ dưỡng có thực sự cần thiết. Bởi vì mùa cao điểm vừa đông đúc vừa đắt đỏ nên có nhiều người đã xin nghỉ vài ngày vào mùa thấp điểm để đi du lịch. Chẳng hạn, tôi thường lái xe đến thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc) hoặc đến đảo Jeju trong vài ngày để thư giãn. Đây chính là một nhu cầu nghỉ ngơi chính đáng của con người. Tuy nhiên, sự cần thiết của việc nghỉ dưỡng đúng nghĩa đã bị xem nhẹ trong xã hội ngày nay. Tại Bắc Triều Tiên, trong khi những người có tiền có thể tận hưởng kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, hơn 70-80% người dân miền Bắc vẫn trăn trở làm sao cho no bụng.

 

Là dịp vui chơi để gạt đi những ưu phiền trong cuộc sống hàng ngày, kỳ nghỉ cũng là một dịp để chúng ta nạp năng lượng cho bản thân. Hy vọng một ngày không xa, người dân Bắc Triều Tiên sẽ sớm có thể lên kế hoạch và tận hưởng kỳ nghỉ một cách đúng nghĩa.

Lựa chọn của ban biên tập