Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Những thay đổi của phụ nữ Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-10-05

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tại Bắc Triều Tiên, Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa là tổ chức lớn nhất dành cho phụ nữ, còn Đoàn Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, nay là Đoàn Thanh niên ái quốc xã hội chủ nghĩa, đại diện cho các thanh niên, bao gồm cả sinh viên và quân nhân. Nước này có câu nói nổi tiếng “Hội Liên hiệp phụ nữ chạy, đảng Lao động ngồi, Đoàn Thanh niên đứng”.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào những năm 1990 đã khiến hệ thống bao cấp của Bắc Triều Tiên sụp đổ, buộc người dân địa phương phải kiếm sống bằng cách buôn bán hàng hóa tại chợ tư nhân. Trong bối cảnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa đã thực hiện các hoạt động kinh tế tại chợ để giải quyết vấn đề sinh kế cơ bản, và thậm chí còn phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc những người yếu thế trong xã hội. Mặt khác, Đoàn Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa lại không đóng vai trò nào rõ rệt. Câu nói “Hội Liên hiệp Phụ nữ chạy, đảng Lao động ngồi, Đoàn Thanh niên đứng” cho thấy rằng phụ nữ là tầng lớp đi đầu trong việc đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của người dân.

 

Vừa rồi là phần giải thích của nhà nghiên cứu Park Young-ja đến từ Viện nghiên cứu thống nhất, người sẽ cùng chúng ta tìm hiểu về những thay đổi của phụ nữ miền Bắc trong chuyên mục hôm nay.

 

Bộ phim “Gia đình”, phát sóng trên Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) vào năm 2001, dựa trên cuốn tiểu thuyết “Bạn” năm 1988 của nhà văn Paek Nam-nyong, có bản dịch tiếng Anh được tạp chí Thư viện Mỹ “Library Journal” chọn là một trong những tác phẩm văn học thế giới hay nhất năm 2020. Câu chuyện xoay quanh công nhân thợ tiện Seok-chun và ca sĩ thanh nhạc Sun-hee. Trong phim, hai nhân vật chính yêu nhau và kết hôn. Nhưng sau những lần cãi vã liên miên do mâu thuẫn tính cách, người vợ đã đâm đơn ra tòa ly hôn. Bộ phim có chủ đề về ly hôn này đã gây tranh cãi trong xã hội Bắc Triều Tiên khi đó nên đã bị ngừng chiếu trước thềm phát sóng tập cuối cùng. Trong cuốn tiểu thuyết gốc, đoạn kết ám chỉ cuối cùng hai nhân vật chính vẫn hòa giải và quay trở lại với nhau sau khi được những người xung quanh khuyên nhủ.

 

Năm 1956, miền Bắc đã hủy bỏ chế độ đồng thuận ly hôn và chỉ cho phép các cặp vợ chồng ly hôn theo phán xét của tòa án. Trước những năm 2000, việc ly hôn rất hiếm khi xảy ra vì điều này sẽ nhận về cái nhìn tiêu cực từ xã hội.

 

Trong xã hội còn nặng tính gia trưởng của Bắc Triều Tiên, nhiều người chồng có tật xấu uống rượu và bạo lực gia đình để giải tỏa căng thẳng. Khác với Hàn Quốc, miền Bắc không có chế độ đồng thuận đệ đơn ly hôn và vợ chồng chỉ có thể ly hôn theo phán xét của thẩm phán tại tòa. Cho đến những năm 1990, rất khó để người dân Bắc Triều Tiên có thể tính đến chuyện ly hôn vì tòa án chỉ cho phép ly hôn khi có lý do chính trị, chẳng hạn như khi vợ, chồng hoặc gia đình của một trong hai người có kẻ phản bội đất nước. Tuy nhiên, trường hợp này chủ yếu xảy ra trong giới cầm quyền. Đối với những cặp đôi thuộc tầng lớp thấp, việc đường ai nấy đi là điều không tưởng.

 

Gần đây, số vụ ly hôn ở miền Bắc đang tăng nhanh đến mức trở thành một vấn đề xã hội. Theo Đài châu Á tự do (RFA) của Mỹ, ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên muốn ly hôn, khiến các tòa án phải hạn chế số vụ xét xử ly hôn mỗi ngày. Cùng lúc đó, chính quyền nước này đang tăng cường giáo dục tư tưởng để ngăn chặn các vụ ly hôn diễn ra. Việc số vụ ly hôn tăng mạnh phần lớn được giải thích là vì những thay đổi trong tầng lớp phụ nữ, vốn bắt nguồn từ các hoạt động tại chợ tư nhân.

 

Nguyên nhân lớn chính là hệ thống bao cấp sụp đổ tại Bắc Triều Tiên, phá hủy nhiều gia đình và khiến nhiều người dân chết đói. Trong hoàn cảnh khốn cùng, nhiều phụ nữ đã tham gia nền kinh tế chợ tư nhân để sinh tồn. Có người chỉ được ngủ 4 tiếng mỗi ngày và lót dạ bằng bánh rượu hoặc bánh ngô. Khi phụ nữ miền Bắc tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế thị trường, đặc biệt là giao thương với Trung Quốc, họ nhận ra rằng phụ nữ Trung Quốc và cả những người dân tộc Joseon thiểu số tại đây không có cuộc sống khổ cực như họ. Phụ nữ Bắc Triều Tiên nắm quyền kinh tế trong gia đình và đưa tiền tiêu vặt cho chồng, thế nhưng vẫn bị chồng bạo hành. Những người chồng tại các vùng biên giới thậm chí còn vướng vào các tệ nạn như nghiện ma túy, bạo lực gia đình. Kết quả là từ đầu những năm 2000, ngày càng nhiều phụ nữ nộp đơn lên tòa xin ly hôn, các trường hợp bạo lực gia đình và ngoại tình được chấp thuận ly hôn cũng ngày càng gia tăng.

 

Bắc Triều Tiên có câu nói đùa rằng "Viên đá ném vào chợ tư nhân sẽ luôn trúng vào đầu một phụ nữ", cho thấy phụ nữ đã trở thành trục chính của nền kinh tế chợ tư nhân. Trong quá trình buôn bán tại chợ, phụ nữ đã trở nên nhạy bén hơn với các xu hướng và thông tin, từ đó mở rộng mạng lưới kinh doanh và trở thành tầng lớp nắm giữ quyền quyết định. Có thông tin phụ nữ cũng chiếm một phần đáng kể trong giới nhà giàu mới nổi mang tên donju tại miền Bắc. Có người thậm chí còn cho rằng phụ nữ chính là tầng lớp nuôi sống nước này.

 

Xu hướng này đã phát triển hơn vào khoảng trước và sau năm 2010. Phụ nữ Bắc Triều Tiên ở độ tuổi cuối 40, độ tuổi 50 và đầu 60 trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” đã trực tiếp và gián tiếp thể hiện mong muốn rằng con cái sẽ không phải sống như họ. Sau năm 2010, những người buôn bán tại chợ có câu nói “chồng nhìn chướng mắt, con trai là ruột thừa, con gái là trái tim”, ám chỉ sự hiện diện của người chồng khiến người vợ không thoải mái, và con trai thì như một bộ phận cơ thể có thể cắt bỏ, nhưng con gái thì chính là trái tim quan trọng không thể thiếu của người mẹ. Nguyên nhân là vì các bà mẹ và con gái đã trở thành trụ cột gia đình ở Bắc Triều Tiên. Quyền lực của phụ nữ gia tăng đã đưa xã hội nước này bước vào thời kỳ quá độ về quyền phụ nữ.

 

Phụ nữ thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây. Trước đây, truyền thông miền Bắc từng nhấn mạnh các quan niệm truyền thống rằng phụ nữ nên hy sinh vì gia đình và thể hiện lòng trung thành với Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay truyền thông nước này thường đưa tin về những bé gái tài năng, đồng thời đề cao những phụ nữ có tinh thần cầu tiến và luôn thử thách bản thân.

 

Ví dụ, truyền thông đã giới thiệu về nỗ lực bền bỉ của nữ công nhân lái máy ủi thứ tư của cả nước. Cô gái này từng học tại một trường kỹ thuật cao cấp và đã nhận được Giải thưởng danh dự thanh niên Kim Nhật Thành, cũng là giải thưởng danh dự hàng đầu dành cho thanh niên Bắc Triều Tiên. Trong một cuộc phỏng vấn, cô gái lái máy ủi này chia sẻ điều khó khăn nhất khi mới tập lái chính là lực tay còn yếu, cần phải vận dụng toàn bộ sức lực để quay cần máy. Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng từng sản xuất một bộ phim tài liệu về một thợ trát vữa nữ, người đã đóng góp rất nhiều vào việc xây dựng các tòa nhà lớn như Nhà hát Moranbong và trường Đại học công nghiệp Bình Nhưỡng, nay là Đại học công nghệ Kim Chaek. Người thợ này từng trả lời phỏng vấn thể hiện sự tự tin khi làm việc vì đã học được hết các phương pháp và thực hành. Ngoài ra, miền Bắc cũng giới thiệu một nữ công nhân được mệnh danh là "Bà máy kéo", người đã làm việc tại một nhà máy máy kéo trong suốt cuộc đời của mình.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên ca ngợi những hoạt động năng nổ của phụ nữ để khích lệ tinh thần thử thách và niềm đam mê lao động của họ. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng nhấn mạnh về sự tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội của phụ nữ tại đại hội của Hội Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa.

 

Tham gia Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) của Liên hợp quốc, Bắc Triều Tiên tuyên truyền cho thế giới thấy chính quyền nước này yêu thương người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Quyền của phụ nữ thường được coi là tiêu chuẩn để xác định mức độ tiên tiến của một quốc gia trên toàn thế giới. Nắm bắt được điều này, miền Bắc nhấn mạnh vào các hoạt động năng nổ của phụ nữ nước này. Hiện tại, Bình Nhưỡng chỉ có các chính sách dành cho những bà mẹ thay vì chính sách dành cho phụ nữ và bình đẳng giới, vì nước này tin rằng họ đã đạt được bình đẳng giới sau khi ban hành Luật về quyền bình đẳng giới năm 1946, một năm sau khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản. Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng phụ nữ đã có quyền bình đẳng với nam giới và thường xuyên cho thấy phụ nữ nước này đã thực hiện quyền đó như thế nào. Nhờ vậy, quyền phụ nữ trong nước đã được nâng cao đáng kể.

 

Điều đáng chú ý là nhiều phụ nữ Bắc Triều Tiên đã tham gia vào chính trị dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Khác những người tiền nhiệm, vợ của ông Kim là bà Ri Sol-ju đã thu hút sự chú ý của công chúng trong vai trò là phu nhân Chủ tịch. Bên cạnh đó, em gái của nhà lãnh đạo Kim là bà Kim Yo-jong đã đến thăm Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhân dịp Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 với tư cách đặc sứ. Bà Kim Yo-jong cũng đã củng cố vị trí của mình trên cương vị tổng quát các nghiệp vụ liên quan đến quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều. Bà Hyon Song-wol, trưởng Đoàn nhạc giao hưởng Samjiyon, đại diện cho miền Bắc dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang, cũng đã chứng minh quyền lực của mình khi là người chuẩn bị nghi lễ chính thức cho Chủ tịch Kim Jong-un trong các sự kiện quan trọng. Ngoài ra còn có bà Choe Son-hui, một nhà ngoại giao tham dự các cuộc đàm phán cấp chuyên viên chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khi đó.

 

Năm 2020, truyền thông Bắc Triều Tiên cho biết nước này có 350 nữ tiến sĩ trong vòng 10 năm qua, đồng thời tiết lộ tên và lĩnh vực nghiên cứu chi tiết của những người này. Trong số đó có thể kể đến tiến sĩ Cho Su-kyong tại Đại học tổng hợp cơ khí Bình Nhưỡng, người đã phát triển một máy đóng gói tất tự động. Ngoài ra còn có nhà dự báo thời tiết Shim Myong-ok, người đã tiến hành nghiên cứu thời tiết hơn 40 năm tại Cục Khí tượng và thủy văn miền Bắc. Tuy nhiên, con số 350 nữ tiến sĩ trong 10 năm chỉ bằng tổng số người tốt nghiệp tiến sĩ của nước này trong cả năm 2019. Tuy ngày càng có nhiều phụ nữ miền Bắc tham gia các hoạt động xã hội và đảm nhiệm công việc chuyên môn hơn so với trước nhưng tỷ lệ này vẫn còn hạn chế.

 

Bắc Triều Tiên đã sử dụng nước đi bảo thủ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai diễn ra vào tháng 2/2019 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được kết quả. Miền Bắc kể từ đó đã đi theo con đường tự lực cánh sinh, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa toàn trị, khiến cho các gia đình ở nước này trở nên gia trưởng. Thêm vào đó, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế và việc đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19 đã hạn chế các hoạt động của phụ nữ tại chợ tư nhân. Các chính sách của Nhà nước lại tập trung nhiều hơn vào an ninh quốc gia, khiến xã hội Bắc Triều Tiên lấy nam giới làm trung tâm. Hầu hết phụ nữ tại miền Bắc đều từng tin rằng chính cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã giải phóng phụ nữ. Tuy nhiên, từ những năm 2000, họ đã bắt đầu theo đuổi việc tự giải phóng bản thân, mặc dù có thể sẽ mất nhiều thời gian. Có nhiều người kỳ vọng những người phụ nữ xuất chúng sẽ xuất hiện trong quá trình khó khăn này.

 

Nhân dịp Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã yêu cầu phụ nữ phải nâng cao ý thức trách nhiệm với tư cách là người nội trợ, người con dâu, người vợ và người mẹ. Cơ quan này kêu gọi phụ nữ thực hiện tốt vai trò phụng dưỡng bố mẹ chồng và giúp đỡ để chồng con thực hiện xuất sắc các nghĩa vụ với đất nước. Bất chấp các nghĩa vụ và trách nhiệm của phụ nữ mà bài báo nhấn mạnh, có nhiều thay đổi đang diễn ra trong tầng lớp phụ nữ miền Bắc. Chúng ta hãy cùng chờ xem những thay đổi đó sẽ mang tới điều gì cho xã hội Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập