Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nền âm nhạc cổ điển của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-10-12

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 31/8 vừa qua, bộ phim tài liệu “Thế hệ âm nhạc cổ điển Hàn Quốc” (K-Classics Generation) đã được khởi chiếu tại Hàn Quốc. Đạo diễn của tác phẩm này là ông Thierry Loreau, cũng là người đã phát sóng trực tiếp từ hiện trường cuộc thi âm nhạc quốc tế uy tín có tuổi đời 20 năm mang tên Cuộc thi Nữ hoàng Elizabeth. Trước đó, vị đạo diễn này đã sản xuất bộ phim tài liệu mang tên “Bí ẩn về âm nhạc cổ điển Hàn Quốc” vào năm 2012, sau khi nhận thấy có nhiều nhạc công Hàn Quốc lọt vào chung kết các cuộc thi quốc tế. Qua tác phẩm của mình, ông Loreau nhấn mạnh rằng người Hàn Quốc liên tục giành chiến thắng tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế lớn trong 20 năm qua và một trong các bí quyết cho việc này chính là các nhạc công trẻ Hàn Quốc có thể tự do thể hiện những câu chuyện bên trong với nhiều cung bậc cảm xúc phong phú riêng biệt.

 

Nền âm nhạc cổ điển Hàn Quốc còn được gọi là “K-classic” vì sở hữu độ nổi tiếng toàn cầu không kém cạnh nền âm nhạc K-pop. Có thông tin các nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Bắc Triều Tiên cũng đạt không ít thành tựu trên đấu trường quốc tế. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về nền âm nhạc cổ điển ở miền Bắc cùng bà Bae In-gyo, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc thuộc Đại học sư phạm quốc gia Gyeongin.

 

Kí ức về buổi hòa nhạc chung của Dàn nhạc giao hưởng liên Triều tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào năm 2000 chắc hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người dân miền Nam. Tại sự kiện, ca sĩ Hàn Quốc sở hữu giọng nữ cao nổi tiếng thế giới Jo Su-mi và ca sĩ giọng nam cao miền Bắc Ri Yong-wook đã thu hút được nhiều sự chú ý nhờ màn song ca đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, nền âm nhạc cổ điển Bắc Triều Tiên vẫn có những điểm khác biệt so với Hàn Quốc.

 

Hàn Quốc coi âm nhạc cổ điển là thể loại âm nhạc truyền thống của phương Tây. Tuy nhiên, tại Bắc Triều Tiên, âm nhạc cổ điển bao gồm cả âm nhạc truyền thống lâu đời của bán đảo Hàn Quốc, hay còn gọi là âm nhạc dân tộc, và âm nhạc cổ điển châu Âu. Âm nhạc cổ điển phương Tây đã du nhập vào bán đảo Hàn Quốc vào cuối thế kỷ 19, sau đó được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc trở thành thuộc địa của đế quốc Nhật Bản. Vì vậy, trong 50 năm trước khi chia cắt, người dân hai miền Nam-Bắc đều có cùng cách đánh giá về âm nhạc cổ điển phương Tây, cho rằng đây là một thể loại âm nhạc từ phương Tây với sự hòa âm của nhiều loại nhạc cụ để tạo ra giai điệu du dương trù phú. Do đó, âm nhạc cổ điển phương Tây ở Hàn Quốc và âm nhạc cổ điển châu Âu tại Bắc Triều Tiên về cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, nền âm nhạc cổ điển châu Âu tại miền Bắc còn bao gồm thêm âm nhạc truyền thống của dân tộc Hàn.

 

Đại diện của Bắc Triều Tiên tham gia vào buổi hòa nhạc chung liên Triều năm 2000 chính là Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Bắc Triều Tiên, được thành lập vào năm 1946. Đây cũng là đơn vị biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng của đài truyền hình KBS tại Buổi biểu diễn dàn nhạc giao hưởng liên Triều nhân dịp Trung thu tại Bình Nhưỡng năm 2002. Một người đào tẩu từ miền Bắc trả lời phỏng vấn đã chia sẻ về khoảnh khắc cảm động khi được xem buổi biểu diễn này.

 

Bên cạnh đó, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Bắc Triều Tiên còn từng biểu diễn cùng với Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic của Mỹ ở Bình Nhưỡng vào năm 2008. Tại miền Bắc, dàn nhạc này được đánh giá là đơn vị sáng tạo nghệ thuật đại diện của đất nước Cộng hòa, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển dàn nhạc Juche (Chủ thể) và nền âm nhạc nghệ thuật. Ngoài Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, Bắc Triều Tiên còn có một số dàn nhạc âm nhạc cổ điển khác.

 

Bắc Triều Tiên thành lập Đoàn nghệ thuật Mansudae vào năm 1969 và Dàn nhạc Yun I-sang vào năm 1990. Dàn nhạc Yun I-sang được giới nhạc công trẻ nước này yêu thích vì biểu diễn thể loại nhạc thính phòng kiểu phương Tây, vốn hiếm khi được biểu diễn ở miền Bắc. Các tiết mục của dàn nhạc này chủ yếu bao gồm các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Đức gốc Hàn cùng tên, cũng là các bài nhạc thường xuyên được biểu diễn ở Tây và Trung Âu. Bên cạnh đó, nhóm biểu diễn nhạc cụ dành cho nữ của Đoàn nghệ thuật Mansudae đã tách ra và thành lập Dàn nhạc giao hưởng Samjiyon. Đối thủ cạnh tranh với đơn vị này là Dàn nhạc giao hưởng Unhasu (Dải ngân hà), cũng là một dàn nhạc Bắc Triều Tiên khá quen thuộc với người dân Hàn Quốc. Ngoài ra, nước này còn thành lập Dàn nhạc Chongbong chuyên dòng nhạc bán cổ điển. Năm 2018, Dàn nhạc giao hưởng Samjiyon đã trở thành dàn nhạc chính thức đại diện cho miền Bắc đến Hàn Quốc nhân dịp Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Hiện nay, dàn nhạc nổi tiếng nhất Bắc Triều Tiên là Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ, chuyên biểu diễn các bản nhạc cổ điển.

 

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành từng nói nghệ thuật là phương tiện mạnh mẽ để dẫn dắt quần chúng đấu tranh cách mạng. Nắm bắt được điều này, Bắc Triều Tiên vận dụng mọi hình thức nghệ thuật làm công cụ để tuyên truyền kích động. Nhạc cổ điển cũng không phải ngoại lệ. Đặc điểm hình thành đặc biệt của âm nhạc cổ điển miền Bắc là sử dụng các “dàn nhạc kết hợp”, bao gồm các nhạc cụ truyền thống đã được cải tiến cùng với các nhạc cụ phương Tây.

 

Ca kịch cách mạng là một thể loại nghệ thuật độc đáo của Bắc Triều Tiên bắt đầu được biểu diễn vào cuối những năm 1960. Ban đầu, thể loại này được gọi là ca kịch dân tộc, sử dụng phong cách biểu diễn sử dụng các nhạc cụ phương Tây từ thời bán đảo Hàn Quốc bị Nhật Bản đô hộ. Tuy nhiên, vì cố Chủ tịch Kim Jong-il cho rằng cần sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hàn để thể hiện tình cảm của người dân Bắc Triều Tiên, các nhạc cụ này đã được đưa vào ca kịch cách mạng. Nhờ thổi hồn dân tộc vào âm nhạc, phong cách mới này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dân và được hy vọng có thể phát triển trở thành thể loại nhạc giao hưởng Chủ thể của miền Bắc. Do đó, Bắc Triều Tiên đã bổ sung vào dàn nhạc giao hưởng các nhạc cụ truyền thống đã được cải cách sao cho phù hợp với âm nhạc phương Tây để tạo thành “dàn nhạc kết hợp”.

 

Trong một cuộc phỏng vấn, một người đào tẩu Bắc Triều Tiên từng là giáo sư khoa Piano tại Đại học âm nhạc và múa Bình Nhưỡng cho biết hầu hết các bản nhạc do dàn nhạc Bắc Triều Tiên biểu diễn là các tác phẩm sáng tác trong nước thay vì các bản nhạc cổ điển truyền thống của phương Tây.

Dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il, trong những năm 1970, Bắc Triều Tiên cho ra đời các bản nhạc giao hưởng dựa trên các bài hát trong nước.

 

Âm nhạc cổ điển của Bắc Triều Tiên có đặc trưng là thường xuyên biểu diễn các bản nhạc thuộc thể loại âm nhạc Chủ thể. Nước này nhận thấy rằng âm nhạc cổ điển truyền thống sẽ không hấp dẫn những người dân không có chuyên môn âm nhạc cho dù có gắn mác “Vì cách mạng” hay “Xã hội chủ nghĩa vạn tuế”, nên sẽ bị giảm tính cách mạng. Các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hàn như phèng Kkwaenggwari và kèn bầu Taepyeongso (Bắc Triều Tiên gọi là Jangsaenap) đã được thêm vào để tạo ra các giai điệu vui tươi. Khi nghe nhạc, khán giả sẽ nhớ lại lời bài hát mà họ đã thuộc nằm lòng. Các bài hát nổi tiếng trong nước đã bắt đầu được miền Bắc cải biên thành bản nhạc giao hưởng, trong đó có bản “Arirang nhạc giao hưởng” quen thuộc tại Hàn Quốc. “Arirang nhạc giao hưởng” là một bản nhạc tuyệt vời ra đời vào những năm 1970. Bản nhạc này đã được Dàn nhạc New York Philharmonic biểu diễn tại Bình Nhưỡng và được Dàn nhạc Dải ngân hà biểu diễn ở thủ đô Paris (Pháp) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Hàn Quốc Chung Myung-whun. Đây cũng là tác phẩm được Dàn nhạc giao hưởng KBS và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Bắc Triều Tiên hợp tấu tại Buổi biểu diễn dàn nhạc giao hưởng liên Triều vào đầu những năm 2000. Có thể nói biểu diễn các bài nhạc Chủ thể đã được cải biên chính là đặc trưng của nền âm nhạc cổ điển miền Bắc.

 

Tuy có vài điểm khác biệt với âm nhạc cổ điển tại Hàn Quốc, nền âm nhạc cổ điển Bắc Triều Tiên vẫn đạt được độ điêu luyện nhất định với chính sách phát hiện và đào tạo các tài năng âm nhạc nhờ nguồn kinh phí quốc gia. Miền Bắc bắt đầu chương trình đào tạo chuyên môn cho nghệ sĩ một cách toàn diện vào năm 1959, khi Hội đồng nhân dân tối cao nước này quyết định cải cách toàn bộ chế độ giáo dục trong nước. Theo đó, Bắc Triều Tiên đưa vào hệ thống trường chuyên, trong đó có trường nghệ thuật với chương trình kéo dài 11 năm, đồng thời thực hiện chương trình giáo dục từ nhỏ cho những trẻ em có năng khiếu trong lĩnh vực âm nhạc.

 

Nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Hàn Quốc Lim Yun-chan từng chia sẻ anh từng học nhạc tại một học viện tư nhân gần nhà. Người dân Bắc Triều Tiên sẽ không thể có trải nghiệm tương tự, vì nước này chỉ có hệ thống giáo dục công. Cho dù vậy, miền Bắc vẫn chú trọng bồi dưỡng nhân tài. Một trong những nhiệm vụ chính của giáo viên mầm non Bắc Triều Tiên là phát hiện ra những trẻ có năng khiếu rồi gửi thư tiến cử lên Ủy ban nhân dân tại địa phương. Nếu được cơ quan này công nhận, đứa trẻ sẽ được chuyển sang trường mẫu giáo chuyên môn có các thầy cô là nghệ sĩ tại địa phương, tiếp nối vào trường tiểu học, trung học và sau đó là đại học chuyên về nghệ thuật.

 

Một cô giáo tại Trường mầm non Kyongsang cho biết các thầy cô tại đây phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận âm nhạc cơ bản và khả năng thực hành biểu diễn của bản thân để bồi dưỡng thế hệ tương lai. Các trường mầm non Kyongsang, Changgwang và Taedongmun là các cơ sở giáo dục tài năng âm nhạc nổi tiếng tại miền Bắc. Đặc biệt, Trường mầm non Kyongsang nằm ngay trung tâm Bình Nhưỡng được nhiều người biết đến vì là trường cũ của phu nhân Ri Sol-ju, vợ của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Các trường mẫu giáo kể trên được trang bị hệ thống âm thanh chất lượng cao, phòng thực hành cùng với hàng chục loại nhạc cụ đa dạng, đồng thời còn có nhiều giáo viên âm nhạc có chuyên môn.

 

Hệ thống giáo dục năng khiếu từ sớm của Bắc Triều Tiên đã mang lại nhiều thành tựu cho nước này trong các cuộc thi quốc tế. Thần đồng piano Yu Pyol-mi đã giành giải nhất tại Cuộc thi piano quốc tế Schumann dành cho thanh thiếu niên (Schumann International Juvenile Piano Concours) năm 2010 khi mới 8 tuổi. Ngoài ra, thí sinh miền Bắc Ma Shin-a cũng đã giành giải cao nhất tại Cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin dành cho thanh thiếu niên 2016 (International Fryderyk Chopin Piano Competition for Children and Young 2016). Cả hai đều tốt nghiệp từ Trường mầm non Kyongsang. Các trẻ em tốt nghiệp các trường mẫu giáo năng khiếu kể trên sẽ được vào các trường nghệ thuật lớn như Học viện âm nhạc Bình Nhưỡng, Học viện Kumsong, Học viện âm nhạc tổng hợp Kim Won-gyun và thậm chí còn có thể đi du học. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ đi theo một con đường sự nghiệp ổn định tại các đoàn nghệ thuật lớn trong nước như Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Bắc Triều Tiên hay Đoàn nghệ thuật Mansudae.

 

Các bậc cha mẹ Bắc Triều Tiên luôn nỗ lực không ngừng để đưa con cái vào hệ thống giáo dục năng khiếu. Để làm được điều này, các học sinh phải có những điều kiện cơ bản như có bố mẹ trong ngành, thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc giàu có. Có thể gọi đây là quá trình cha truyền con nối về giai cấp. Những trường hợp thành công như bà Ri Sol-ju và bà Hyon Song-wol ban đầu đều là ca sĩ có nền tảng gia đình tốt và được học âm nhạc tại một môi trường lý tưởng. Cả hai đều theo học tại Học viện Kumsong. Hyon Song-wol từng là giọng ca tại Ban nhạc điện tử Pochonbo trước khi trở thành quan chức cấp cao, còn phu nhân Chủ tịch Ri Sol-ju thì từng là thành viên của Dàn nhạc Dải ngân hà.

 

Có chỉ trích cho rằng Bắc Triều Tiên liên tục tìm kiếm các trẻ em có năng khiếu nghệ thuật với mục đích sử dụng các nghệ sĩ làm công cụ để tuyên truyền cho chế độ. Những đứa trẻ được giáo dục âm nhạc từ nhỏ đã được dạy dỗ để ca ngợi gia đình nhà họ Kim và chính quyền. Nghệ sĩ dương cầm nhí tài năng Ma Shin-a cũng từng chia sẻ niềm hạnh phúc khi nhận được tình yêu và lời chúc của nhà lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, trong số các tài năng nhí miền Bắc từng đạt được nhiều thành quả ấn tượng, không có mấy người tiếp tục hoạt động trên sân khấu quốc tế.

 

Bắc Triều Tiên gửi nhiều sinh viên ra nước ngoài để học các kỹ thuật tiên tiến với mục đích phát triển nền nghệ thuật Chủ thể. Nhưng một khi giành được giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế, họ trở về và chỉ hoạt động tại quê nhà. Chẳng hạn, nghệ sĩ vĩ cầm Mun Kyong-jin, cựu thành viên của Dàn nhạc Dải ngân hà, đã giành vị trí thứ hai tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky vào năm thi vốn không có giải nhất. Tuy nhiên, hiện nay nhạc công tài năng này chỉ hoạt động trong nước. Khi học tập hoặc tham gia các cuộc thi ở nước ngoài, các nhạc công miền Bắc tin vào sứ mệnh trở thành người tiên phong phát triển nền nghệ thuật Chủ thể, thay vì kiếm tiền và giành được danh tiếng trên trường quốc tế. Chính phủ Bắc Triều Tiên cũng kêu gọi những người này về nước, nếu không họ sẽ gặp phải nguy hiểm. Đây là lý do vì sao các nhạc công miền Bắc không hoạt động trên các sân khấu quốc tế.

 

Thật tiếc khi các nhạc công Bắc Triều Tiên không thể phát huy hết khả năng của mình mặc dù đã được đào tạo nghiêm ngặt, cạnh tranh khốc liệt từ thời thơ ấu và đã được quốc tế công nhận tài năng. Hi vọng một ngày không xa, chúng ta sẽ được thưởng thức màn trình diễn của họ trên sân khấu toàn cầu.

Lựa chọn của ban biên tập