Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-10-19

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Tháng 6 vừa qua, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin về cuộc thi giữa đoàn tuyên truyền nghệ thuật và đoàn kích động nghệ thuật lưu động tại công trường xây dựng 10.000 ngôi nhà ở khu vực Hwasong, Bình Nhưỡng. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã giới thiệu Đoàn kích động nghệ thuật lưu động thanh niên mỏ than Inpo vào tháng 8, sau đó đưa tin về các hoạt động tuyên truyền và kích động nghệ thuật của các đơn vị khác nhau ở các trang trại tại mỗi địa phương. Việc truyền thông miền Bắc đưa tin đều đặn về hoạt động tuyên truyền và kích động nghệ thuật cho thấy đây là hoạt động diễn ra tích cực tại đây. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật của Bắc Triều Tiên cùng bà Bae In-gyo, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn Hàn Quốc thuộc Đại học sư phạm quốc gia Gyeongin.

 

Các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật là các tổ chức nghệ thuật văn hóa quần chúng độc đáo của Bắc Triều Tiên có nhiệm vụ truyền tải các thông điệp chính trị và khuyến khích các hoạt động kinh tế thông qua các buổi biểu diễn tại các nhà máy, công ty, trang trại và các đơn vị quân đội. Đây là một thuật ngữ khá xa lạ với người dân Hàn Quốc.

 

Ở Bắc Triều Tiên, về cơ bản, người dân luôn là đối tượng cần phải giáo dục và không ngừng tuyên truyền kích động để tiến lên thể chế xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Đảng Lao động miền Bắc có 22 cơ quan chuyên môn, đứng đầu là Ủy ban chỉ đạo tổ chức, thứ hai là Ủy ban tuyên truyền. Đây cũng là nơi em gái Chủ tịch Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong làm việc và là nơi cố Chủ tịch Kim Jong-il bắt đầu sự nghiệp chính trị khi mới bước vào chính trường. Có thể thấy Ủy ban tuyên truyền chính là cơ quan quan trọng nhất trong việc giáo dục nhân dân, còn các nghệ sĩ văn công của các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật chính là những người làm công tác tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan nhỏ và chi bộ. Tuy hoạt động biểu diễn của các đoàn thể nghệ thuật trung ương đóng một vai trò quan trọng, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng việc xuống các chi bộ để trực tiếp tuyên truyền cũng đem lại hiệu quả lớn. Vì vậy, các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật lưu động mang ý nghĩa không nhỏ dưới góc nhìn chính trị.

 

Sau bài phát biểu "Những người trong lĩnh vực văn hóa phải trở thành các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa" của Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1946, miền Bắc đã thành lập các ban ngành lưu động tại trung ương và địa phương, xã hội từ năm 1947. Năm 1973, đoàn tuyên truyền nghệ thuật tại các tỉnh được thành lập, sử dụng nhân sự độc lập của từng cơ quan thay vì điều động các nghệ sĩ từ các đoàn nghệ thuật có sẵn. Từ đó, đoàn tuyên truyền nghệ thuật đã khẳng định vị trí trở thành một công cụ tuyên truyền quan trọng của Bắc Triều Tiên.

 

Đoàn tuyên truyền nghệ thuật không phải là cơ quan nghệ thuật chuyên nghiệp mà chỉ là các tổ chức nghệ thuật bán chuyên. Họ đến các địa điểm tại địa phương như trung đoàn quân đội, nhà máy, xí nghiệp, công ty, trang trại, mỏ quặng, công trường xây dựng để ca hát, nhảy múa, chơi nhạc cụ đơn giản, diễn các vở kịch trào phúng để khuyến khích người lao động làm việc và đôi khi giải thích các chính sách của đảng Lao động.

 

Cùng với đoàn tuyên truyền nghệ thuật, đoàn kích động nghệ thuật lưu động cũng là đơn vị phụ trách tuyên truyền và kích động nghệ thuật ở Bắc Triều Tiên. Truyền thông miền Bắc nhấn mạnh các hoạt động của các đơn vị này trong thời kì kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” vào những năm 1990 và cho biết, "Đeo ba lô trên vai, họ đến hàng nghìn khu mỏ dưới lòng đất, nhà máy, trang trại và ngư trường để tuyên truyền chính trị và khuyến khích kinh tế theo phương thức hỏa tuyến”.

 

Các đoàn kích động nghệ thuật lưu động có nhiệm vụ giải thích nhanh các chính sách trong từng thời kỳ của đảng Lao động cho đảng viên và người lao động, đồng thời tuyên truyền và quán triệt các chính sách kinh tế của đảng tại nơi sản xuất. Vì vậy, họ còn được gọi là “đoàn kích động nghệ thuật chiến đấu”. Bắc Triều Tiên cho rằng cần thành lập các đoàn kích động nghệ thuật lưu động để tiếp cận các chi bộ hoặc cơ quan cấp dưới tại các nhà máy, xí nghiệp và hợp tác xã để giải thích và thực hiện các chính sách của đảng. Bắt đầu từ đoàn kích động nghệ thuật lưu động cho cựu chiến binh, các đơn vị này sau đó đã mở rộng sang các nhóm đối tượng khác như học sinh và phụ nữ.

 

Khác với một tổ chức bán chuyên như đoàn tuyên truyền nghệ thuật, các thành viên của đoàn kích động nghệ thuật lưu động là những người dân thường có tài. Tuy nhiên, hai đơn vị này có vai trò tương tự nhau. Là một quốc gia ủng hộ thể chế xã hội chủ nghĩa, Bắc Triều Tiên đang nỗ lực tuyên truyền và kích động người dân, bên cạnh chính sách thần tượng hóa nhà lãnh đạo nhằm tạo điều kiện cho thế hệ thứ ba của nhà họ Kim kế thừa quyền lực. Vì vậy, một trong những vai trò của các đoàn tuyên truyền, kích động nghệ thuật là phổ biến các bài hát thể hiện các chính sách về chính quyền tới người dân.

 

Nếu một bài hát mới của các đoàn nhạc trung ương thu được phản ứng tích cực khi công diễn thì sẽ được phát trên TV và lan truyền đến các cơ quan nhỏ. Các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật sẽ tới các cơ quan này biểu diễn bài hát đó cùng các nhạc cụ đơn giản như đàn phong cầm, guitar hoặc trống thật lôi cuốn để khiến khán giả hát theo một cách tự nhiên, từ đó phổ biến các chính sách của đảng Lao động theo quy mô nhỏ.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng các hoạt động của đoàn tuyên truyền nghệ thuật và đoàn kích động nghệ thuật lưu động là các hoạt động tuyên truyền kích động “hỏa tuyến”. Đây là từ chỉ các mặt trận tiền tuyến trong chiến tranh, ám chỉ việc các đơn vị này phải trực tiếp đến tuyên truyền tại các địa điểm sản xuất kinh tế như nhà máy, xí nghiệp, trang trại. Trên thực tế, các đoàn nghệ thuật này luôn có mặt tại các vùng nông thôn thiếu nhân lực trong mùa trồng lúa và các địa điểm đang phục hồi sau thiên tai, chẳng hạn như lũ lụt.

 

Cũng có trường hợp các thành viên thuộc các đoàn nghệ thuật hàng đầu cả nước được đưa đến để cổ vũ cho người dân tại hiện trường. Đoàn nghệ thuật Mansudae, đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Bắc Triều Tiên, cũng đã được cử đến địa điểm xây dựng 10.000 ngôi nhà ở Bình Nhưỡng, một dự án được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un. Diễn viên nổi tiếng đạt danh hiệu “Diễn viên cống hiến” là Ri Kyong-hoon cũng tham gia sự kiện này. Trả lời phỏng vấn, diễn viên Ri đã cổ vũ những người thợ cùng quyết tâm cho hôm nay và tương lai.

 

Vào những dịp chính trị hoặc kinh tế quan trọng, các đoàn nhạc lớn sẽ tới các địa điểm nhất định để biểu diễn nhằm chứng tỏ sự quan tâm của đảng Lao động tới người dân. Những màn trình diễn của các đơn vị này chính là công cụ để đảng xoa dịu lòng dân, vốn dễ bị lay động khi các thảm họa như lũ lụt xảy ra. Ngoài ra, từ năm 1950, các đoàn nhạc nổi tiếng thường được cử đến các địa điểm bị lũ lụt hay các công trường xây dựng để “trải nghiệm thực địa” nhằm hiểu được mong muốn thực sự của người dân. Lý do là vì chính quyền miền Bắc cho rằng các đoàn nghệ thuật không thể sáng tác các bài hát hoặc các bản nhạc thu hút công chúng nếu chỉ ở Bình Nhưỡng, xa rời người dân địa phương và không biết cuộc sống của họ thực sự như thế nào. Với hai mục đích này, các đoàn nhạc trung ương của Bắc Triều Tiên đã có dịp đi biểu diễn ở các địa phương.

 

Ban nhạc Moranbong cũng thường xuyên tham gia các chuyến chỉ đạo thực địa của Chủ tịch Kim Jong-un. Ngày 23/9, KCTV từng đưa tin về sự cảm kích và vui mừng của những người lao động khi được trực tiếp xem màn trình diễn của Ban nhạc Moranbong nhân dịp Chủ tịch Kim Jong-un đến chỉ đạo thực địa.

 

Ban nhạc Moranbong thường biểu diễn trong các chuyến chỉ đạo thực địa của Chủ tịch Kim Jong-un, chẳng hạn như tại một đơn vị quân đội ở mặt trận phía Đông hay tại một nhà máy sản xuất máy kéo ở ranh giới tỉnh Chagang. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên đang thực hiện một dự án xây lại nhà tại huyện Samjiyon (tỉnh Ryanggang) để thành lập một đặc khu du lịch gần núi Baekdu (Bạch Đầu). Ban nhạc Moranbong cũng đã được cử đến công trường để động viên công nhân ở đó.

 

Tháng 3 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã lần đầu tiên tổ chức một lớp huấn luyện cho những cán bộ làm công tác tuyên truyền nhằm “đổi mới" dự án tư tưởng của chính quyền nước này. Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh những người tham gia cần loại bỏ chủ nghĩa hình thức và đổi mới dự án tư tưởng của đảng Lao động một cách toàn diện. Đồng thời, ông Kim chỉ thị họ tìm ra các phương án tuyên truyền và kích động mới theo từng lĩnh vực, chẳng hạn như điện ảnh, phát thanh truyền hình và báo chí.

 

Lý do lớn nhất cho việc này chính là tính thực tế trong hoạt động của các đoàn tuyên truyền nghệ thuật, cũng là yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật biểu diễn. Việc thưởng thức màn trình diễn của ca sĩ trên radio hoặc YouTube sẽ không thể tạo được sự cảm động cho khán giả bằng trải nghiệm xem trực tiếp tại một buổi concert. Tương tự như vậy, nếu các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật có thể trực tiếp đến và giao lưu cùng người xem, được nghe âm thanh cổ vũ ngay bên tai thì những người lao động tại hiện trường cũng sẽ có thể hiểu các chính sách của đảng Lao động nhanh hơn và cảm thấy có động lực để hoàn thành mục tiêu nhanh chóng. Các hình thức truyền thông mới tuy đã phát triển đáng kể nhưng khó có thể ép buộc người dân phải theo dõi. Ngược lại, khi có một đoàn biểu diễn đến thì người dân bắt buộc phải đi xem. Vì lý do đó, tôi nghĩ các đoàn tuyên truyền và kích động nghệ thuật sẽ tiếp tục mang vai trò và ý nghĩa lớn trên phương diện chính sách, bất kể sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.

 

Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế trong nội bộ do áp lực từ cộng đồng quốc tế, nhiều khả năng nước này sẽ nâng cao mức độ tuyên truyền kích động trong và ngoài nước. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu chính quyền miền Bắc có thể đạt được hiệu quả như mong muốn chỉ nhờ tuyên truyền và kích động hay không.

Lựa chọn của ban biên tập