Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nghệ thuật diễn xiếc của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-11-16

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Các đoàn xiếc của Bắc Triều Tiên đã đạt đến trình độ đỉnh cao của thế giới đến mức có thể càn quét các cuộc thi xiếc quốc tế hàng năm. Truyền thông miền Bắc cũng liên tục đưa tin về các thành tựu ấn tượng của các đoàn xiếc nước này tại các sân khấu quốc tế. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) từng đưa tin về việc đoàn xiếc thể dục “Những người chinh phục” của nước này đã giành giải Quán quân và giải kỹ thuật tại Liên hoan xiếc quốc tế Izhevsk (Nga). Nghệ thuật xiếc tại miền Bắc được gọi là Kyoye, bao gồm các loại hình xiếc và nhào lộn. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về nghệ thuật xiếc của Bắc Triều Tiên cùng giáo sư Kim Seung-gyeom, đến từ khoa Nội dung văn hóa Đại học Konkuk.

 

Bộ phim “Đồng chí Kim bay lên trời” là một bộ phim tiêu biểu của Bắc Triều Tiên, kể về một công nhân khai thác than tình cờ được mời làm diễn viên xiếc và đạt được ước mơ của mình sau khi đã vượt qua nhiều điều kiện khó khăn. Bộ phim này được miền Bắc phát hành vào năm 2012 và trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada) cùng năm.

 

Trong bộ phim “Đồng chí Kim bay lên trời”, nữ diễn viên Han Jong-sim đảm nhận vai nữ chính Yong-mi, còn nam diễn viên Pak Chun-guk đóng vai nam chính Jang-phil. Hai diễn viên này đều là diễn viên của đoàn xiếc nên có thể thực hiện các cảnh diễn xiếc ở độ khó cao. Bộ phim hợp tác cùng Anh và Bỉ này đã được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto, một lần nữa khẳng định trình độ biểu diễn xiếc của Bắc Triều Tiên với thế giới. Nghệ thuật diễn xiếc của miền Bắc đạt đẳng cấp quốc tế đến mức nước này thường giành được giải thưởng tại các cuộc thi tầm cỡ thế giới. Thời gian gần đây, môn nghệ thuật này của Bắc Triều Tiên còn gây được nhiều sự chú ý không chỉ bởi kỹ thuật cao mà còn bởi sức mạnh và quy mô hoành tráng. Trên thực tế, các sự kiện quốc gia hay ngày lễ quan trọng của nước này hiếm khi vắng mặt các màn biểu diễn xiếc. Giống như nhân vật đồng chí Kim trong phim, diễn viên xiếc chính là đối tượng mà mọi người dân đều ghen tỵ.

 

Bắc Triều Tiên giải thích môn nghệ thuật diễn xiếc là một lĩnh vực thực hiện các chức năng giáo dục xã hội bằng cách dùng phương tiện thể hiện hình thái như các động tác thể dục để phản ánh trải nghiệm, cảm xúc và chí hướng của con người. Môn nghệ thuật này được coi là một thể loại văn hóa nghệ thuật, tương tự như văn học, điện ảnh, diễn kịch, mỹ thuật và múa.

 

Nghệ thuật diễn xiếc là một loại hình giải trí quần chúng và là thể loại nghệ thuật độc đáo của Bắc Triều Tiên. Miền Bắc coi xiếc của chủ nghĩa tư bản là lỗi thời và tuyên bố rằng nước này đã đi tiên phong trong việc tạo ra một loại hình mới từ thể loại nghệ thuật cũ. Miền Bắc tìm kiếm nguồn gốc lịch sử của nghệ thuật diễn xiếc trong những bức bích họa cổ thời Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên – năm 668). Tạp chí "Nghệ thuật Bắc Triều Tiên" cho rằng hình ảnh rèn luyện thể lực trong thời đại Goguryeo xuất hiện trong các bức tranh cưỡi ngựa và các bức bích họa tại lăng mộ ở xã Palchong (quận Daedong, tỉnh Nam Pyongan) đã giải thích cho nguồn gốc của môn nghệ thuật này. Đặc biệt, hình ảnh nhào lộn trên lưng ngựa trong bức bích họa tìm thấy trong lăng mộ tại xã Palchong được cho là nguyên mẫu của các màn cưỡi ngựa và múa ngựa trong nghệ thuật diễn xiếc Bắc Triều Tiên. Trong bức tranh này, hai người đàn ông cưỡi ngựa mà không có dây cương hoặc thổi một chiếc kèn sừng lớn trên lưng ngựa.

 

Nghệ thuật diễn xiếc của Bắc Triều Tiên bắt đầu khi nước này thành lập Đoàn xiếc quốc gia Bắc Triều Tiên vào năm 1952, thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Đơn vị này cũng chính là tiền thân của Đoàn xiếc Bình Nhưỡng, cơ quan tiêu biểu của nghệ thuật xiếc nhào lộn miền Bắc ngày nay. Đoàn xiếc này thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn tại Rạp xiếc Bình Nhưỡng, một nhà hát có sức chứa 3.500 chỗ ngồi bên bờ sông Daedong (Đại Đồng). Năm 2000, Đoàn xiếc Bình Nhưỡng đến thăm Seoul và biểu diễn tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều để chúc cho sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng với Đoàn xiếc Bình Nhưỡng, Đoàn xiếc Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên cũng là một đoàn thể tiêu biểu của nghệ thuật xiếc miền Bắc. Đơn vị này biểu diễn thường kỳ tại Rạp xiếc Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, hay còn gọi là Rạp xiếc Moranbong, với 1.800 chỗ ngồi.

 

Nghệ thuật diễn xiếc của miền Bắc phát triển nhờ sự hỗ trợ hết mình của Nhà nước trong những năm 1970. Cố Chủ tịch Kim Jong-il cũng thường xuyên xem các buổi biểu diễn xiếc. KCTV đã từng đưa tin về việc ông Kim Jong-il đến xem buổi biểu diễn xiếc tổng hợp của Đoàn xiếc Bình Nhưỡng. Tại Bắc Triều Tiên, nghệ thuật diễn xiếc được chia làm xiếc thể dục, ảo thuật, xiếc thú, xiếc chuyển màn. Trong đó, tiêu biểu nhất là xiếc thể dục.

 

Xiếc thể dục là sự kết hợp chặt chẽ giữa các động tác, kỹ thuật thể dục với nhịp điệu nghệ thuật. Trong số các môn xiếc thể dục, nhào lộn trên không đặc biệt nổi tiếng. Đây là môn xiếc bao gồm các màn bay trên không và bập bênh thường có trong các trò chơi dân gian. Riêng xiếc bập bênh bao gồm các hình thức khác nhau như bật cao tại chỗ, nhảy qua chướng ngại vật và nhảy lên xuống. Ngoài ra, Đoàn xiếc Bình Nhưỡng còn sáng tạo ra màn đu dây trên không trung vào năm 1979, kết hợp giữa xích đu và kỹ thuật bay trên không. Tác phẩm này đã được toàn thế giới công nhận và giành chiến thắng trong Liên hoan xiếc thế giới năm 1980. Các diễn viên xiếc nữ thực hiện màn biểu diễn nhào lộn với xích đu trên không trung, hay còn gọi là “những cô gái bay”, cũng trở nên nổi tiếng trên sân khấu quốc tế. Những màn biểu diễn xiếc này đều sở hữu điểm chung là có nguồn gốc từ các trò chơi truyền thống của dân tộc Hàn.

 

Ngoài xiếc thể dục, xiếc thú, thể loại xiếc thể hiện tài nghệ bằng cách thuần hóa động vật, cũng là một môn xiếc mà Bắc Triều Tiên luôn tự hào. Trong đó, các màn “gấu nhảy dây” hay “xiếc cá heo” rất nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều màn biểu diễn xiếc thú đã biến mất trong bối cảnh miền Bắc bị chỉ trích về việc ngược đãi động vật, mặc dù cho đến gần đây loại hình xiếc này vẫn nổi tiếng đến nỗi thường được phát sóng trên truyền hình. Ngoài ra, ảo thuật cũng là một trong những thể loại nghệ thuật diễn xiếc nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên.

 

Ở Bắc Triều Tiên, ảo thuật được gọi là yosul (yêu thuật), là môn nghệ thuật kích thích sự tò mò và hứng thú, phát triển trí tưởng tượng, khả năng phán đoán và suy luận của người xem, đồng thời phát triển kỹ năng tìm hiểu bằng cách biến những điều không thực tế thành hiện thực, những điều bất khả thi thành khả thi. Trong các tác phẩm ảo thuật của miền Bắc, có thể kể đến “Sức mạnh thần bí”, trong đó ba nữ diễn viên xuất hiện trong một chiếc hòm mà trước đó đã bị cắm 12 con dao ngang dọc. Ngoài ra còn có tác phẩm “Sự tạo hóa trong đám lửa”, trong đó ba người bước ra từ một hộp giấy bị đốt cháy. Hiện nay, các màn ảo thuật của Bắc Triều Tiên cũng có xu hướng mở rộng hơn về quy mô. Trong một buổi biểu diễn ảo thuật lớn được tổ chức tại Sân vận động 1/5 tại đảo Rungra năm 2011, nhà ảo thuật đã làm cho một chiếc xe buýt lớn, voi, ngựa và máy bay đột nhiên biến mất và xuất hiện trở lại trên sân khấu. Đây là ví dụ cho thấy xu hướng phát triển về quy mô của các màn ảo thuật nhằm cung cấp các phương tiện giải trí cho người dân.

 

Với sự hỗ trợ hết mình của các cơ quan chức năng, nghệ thuật diễn xiếc của Bắc Triều Tiên đã đạt thành tích tốt trong nhiều cuộc thi quốc tế, bao gồm các liên hoan xiếc tại Monte Carlo (Monaco), Nga và Tây Ban Nha. Mỗi dịp như vậy, truyền thông miền Bắc sẽ tích cực tuyên truyền và thậm chí còn chuẩn bị các chương trình đặc biệt để đưa tin về sự kiện.

 

Có ý kiến cho rằng nghệ thuật diễn xiếc của Bắc Triều Tiên có thể duy trì chất lượng đẳng cấp thế giới là nhờ vào nền giáo dục có hệ thống, trong đó trọng tâm là Trường xiếc Bình Nhưỡng. Cơ sở đào tạo diễn xiếc của Bắc Triều Tiên ban đầu được thành lập với tư cách là đoàn đào tạo diễn viên thuộc Đoàn xiếc Bình Nhưỡng vào năm 1952, và chính thức trở thành một cơ quan giáo dục có hệ thống với tên gọi Trường xiếc Bình Nhưỡng vào năm 1972. Ban đầu trường giảng dạy theo chương trình ba năm nhưng nay đã mở rộng lên 6 năm. Tỷ lệ cạnh tranh để nhập học rất khốc liệt và chương trình giảng dạy cũng rất khắc nghiệt. Tiêu chí lựa chọn sinh viên tốt nghiệp trở thành diễn viên xiếc tại các đoàn xiếc chuyên nghiệp cũng rất phức tạp. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên trả lời phỏng vấn cho biết chỉ các cô gái có khuôn mặt tròn, mắt to và hai mí, chân dài và cơ thể nhỏ nhắn mới được chọn, số lượng người được chọn từ các địa phương không nhiều và tiêu chí đánh giá thậm chí còn khắc nghiệt hơn tiêu chí chọn thành viên cho Ban nhạc nhẹ Wangjaesan.

 

Để vào được Trường xiếc Bình Nhưỡng, các em học sinh phải được giáo dục một cách khắc nghiệt từ khi còn nhỏ và cố gắng tồn tại trong sự cạnh tranh khốc liệt. Ngay cả khi đã trở thành một diễn viên xiếc thì khối lượng tập luyện cũng không hề ít. Song song với lịch trình biểu diễn, các diễn viên phải tập luyện kỹ thuật 6 tiếng mỗi ngày, chia làm 6 lần, mỗi lần một tiếng. Tuy nhiên, tùy theo kỹ năng biểu diễn, diễn viên xiếc được phân loại từ cấp 6 lên cấp một, sau cấp một thì có thể được trao danh hiệu “diễn viên nhân dân”. Diễn viên xiếc Choe Kyung-hwa, con gái của một người lao động bình thường, đã học tại một học viện xiếc từ thời tiểu học, sau đó nhập học Trường xiếc Bình Nhưỡng và gia nhập Đoàn xiếc Bình Nhưỡng, trở nên nổi tiếng với màn biểu diễn khó "nhảy lộn ngược 4 lần trên không". Bà Choe đã giành được giải vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế Monte Carlo 2002 và được nhận danh hiệu “diễn viên cống hiến” vào năm 2005 nhờ những công lao này. Năm 2007, bà Choe Kyung-hwa tham gia Liên hoan nghệ thuật xiếc quốc tế Ngô Kiều (Trung Quốc) và giành giải Sư tử vàng với màn biểu diễn lộn ngược 4 vòng trên không.

 

Không giống như các thể loại nghệ thuật khác, nghệ thuật diễn xiếc ít chịu ảnh hưởng của chính sách tuyên truyền thể chế và tích cực được Bắc Triều Tiên quảng bá như một sản phẩm du lịch. Các buổi biểu diễn thường xuyên được tổ chức tại Rạp xiếc Bình Nhưỡng và Rạp xiếc Moranbong, trở thành ưu tiên hàng đầu của những người nước ngoài khi đến thăm miền Bắc, góp phần đáng kể vào việc thu ngoại tệ của nước này. Tuy nhiên, nghệ thuật xiếc không thể hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của chính sách tuyên truyền thể chế. Truyền thông Bắc Triều Tiên nhấn mạnh nghệ thuật diễn xiếc là một thể loại nghệ thuật Juche (Chủ thể). Trên thực tế, nhiều màn biểu diễn trên không nguy hiểm đã được tổ chức tại công trường, nơi treo biểu ngữ "Tốc độ vạn lý mã", khẩu hiệu cho chính sách “cuộc chiến tốc độ” của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Tác phẩm xiếc “Vũ trụ kêu gọi” cũng có cảnh các diễn viên trong đoàn mặc bộ đồ phi hành gia bay trên không như tên lửa. Có phân tích cho rằng các trang phục và động tác của diễn viên đều thể hiện ý chí phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa mà chính quyền ông Kim luôn nhấn mạnh.

 

Trong số các đoàn thể nghệ thuật biểu diễn của Bắc Triều Tiên, đoàn xiếc là một trong những cơ quan hoạt động giao lưu nước ngoài tích cực nhất. Lý do là vì nghệ thuật diễn xiếc sử dụng cơ thể và dụng cụ để biểu diễn, ít thể hiện tính tư tưởng nên khán giả ở các quốc gia khác có thể thưởng thức nội dung một cách tương đối thoải mái. Miền Bắc cũng coi biểu diễn xiếc là một ngành công nghiệp thông qua việc mở các buổi biểu diễn xiếc dành riêng cho người nước ngoài đến thăm Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ở Bắc Triều Tiên, nghệ thuật diễn xiếc vẫn không thể thoát khỏi lý thuyết sáng tạo văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Xiếc vẫn đóng vai trò như một nguồn động viên xã hội chủ nghĩa vì có thể giáo dục người dân về mặt văn hóa thể dục, hun đúc quyết tâm bất khuất và chủ nghĩa lạc quan về cách mạng.

 

Với sự hỗ trợ toàn diện từ Nhà nước, nghệ thuật diễn xiếc của Bắc Triều Tiên đã phát triển đến đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, loại trừ ảnh hưởng của chính trị khỏi môn nghệ thuật này tại miền Bắc không phải là một việc dễ dàng.

Lựa chọn của ban biên tập