Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nền văn học khoa học viễn tưởng và giả tưởng tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2022-11-23

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Thông thường, các tác phẩm văn học mang khuynh hướng đặc biệt như trinh thám, võ hiệp, kỳ ảo, khoa học viễn tưởng được coi là một thể loại văn học. Trái ngược với văn học thuần túy, văn học theo thể loại chú trọng vào tính giải trí và sở thích của đại chúng nên được tầng lớp fan hâm mộ yêu thích. Gần đây, các thể loại văn học này đang phát triển nhanh chóng trong giới xuất bản Hàn Quốc. Bên cạnh việc doanh số bán sách tăng lên và sự nổi lên của các thương hiệu xuất bản chuyên về văn học theo thể loại, ý kiến phê bình cũng xuất hiện không ít. Vậy tại Bắc Triều Tiên thì sao? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các tiểu thuyết giả tưởng và khoa học viễn tưởng miền Bắc cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Văn học Bắc Triều Tiên cũng có thể loại khoa học viễn tưởng. Đây là thể loại mà người viết tưởng tượng về một thế giới mới dựa trên sự phát triển của khoa học. Nói cách khác, khoa học chính là căn cứ cho khoa học viễn tưởng và nội dung của các cuốn tiểu thuyết này có thể xảy ra trong tương lai. Mặt khác, giả tưởng là một thể loại khác có nét tương đồng với khoa học viễn tưởng. Thể loại này phác họa những câu chuyện tưởng tượng mang yếu tố cổ tích, chỉ có thể xảy ra trong trí tưởng tượng và hoàn toàn không thể xảy ra trong thực tế. Trong khi khoa học viễn tưởng (science fiction) đòi hỏi phải có căn cứ khoa học thì giả tưởng (fantasy) lại áp dụng nhiều yếu tố siêu nhiên và hư cấu.

 

Ở Bắc Triều Tiên, văn học có vai trò chủ yếu là phản ánh chính sách của đảng và truyền bá, giáo hóa người dân. Theo đó, các tác giả miền Bắc sáng tác dựa trên cơ sở là chủ nghĩa hiện thực và ít có các yếu tố giả tưởng vì đây được coi là những mộng tưởng hão huyền.

 

Một YouTuber nhí người Bắc Triều Tiên tên Song-a chia sẻ rằng cuốn sách yêu thích nhất của cô bé là Harry Potter, tác phẩm của nhà văn nữ người Anh J.K. Rowling. Song-a là chắt gái của ông Ri Ul-sol, cựu tướng lĩnh Quân đội nhân dân miền Bắc và là con gái của một nhà ngoại giao từng làm việc tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở thủ đô London (Anh). Bộ truyện Harry Potter mà cô bé nhắc tới được đánh giá là đã mở ra một chương mới cho lĩnh vực tiểu thuyết giả tưởng. Truyện kể về cậu bé Harry Potter lớn lên thành anh hùng chống lại cái ác khi theo học tại một trường học phép thuật. Bộ truyện đã được dịch ra hơn 80 ngôn ngữ tại hơn 200 quốc gia trên thế giới và đã có tổng cộng hơn 500 triệu bản được bán ra. Các tập truyện có đội nổi tiếng cực lớn mỗi khi xuất bản. Bộ truyện này thậm chí còn được xuất bản tại Bắc Triều Tiên, một điều tưởng như hiếm thấy.

 

Tuy là quốc gia khép kín nhất thế giới nhưng Bắc Triều Tiên cũng dịch văn học nước ngoài cho người dân đọc. "Những người khốn khổ" và "Cuốn theo chiều gió" là hai trong các cuốn sách được nhiều người dân miền Bắc đón đọc. Tuy nhiên, không phải tất cả các tác phẩm văn học nước ngoài đều được giới thiệu tới người dân. Các tác phẩm khác xa tiêu chuẩn đạo đức của Bắc Triều Tiên sẽ không được dịch và giới thiệu, chẳng hạn như “Hóa thân” của nhà văn người Séc Franz Kafka, một tác phẩm về việc con người biến thành côn trùng, “Một chín tám tư” của nhà văn Anh George Orwell về sự vỡ mộng và sợ hãi về cuộc sống con người và thể chế xã hội. Ngoài ra, có thể kể đến tác phẩm về chủ nghĩa hiện sinh mang tên “Người xa lạ” của nhà văn Pháp Albert Camus hay “Chữ A màu đỏ”, một tiểu thuyết có các yếu tố gợi dục của nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne. Tuy nhiên, văn học thiếu nhi tại miền Bắc có nhiều tác phẩm đa dạng hơn vì được phép có yếu tố tưởng tượng không thực tế. Trẻ em ở Bắc Triều Tiên cũng thích đọc các tác phẩm như "Bà chúa tuyết", "Alice ở xứ sở thần tiên" và "Phù thủy xứ Oz". Vì vậy, trường hợp của Harry Potter không phải là hiếm gặp nếu xét trên phạm trù văn học thiếu nhi. Tuy nhiên, nếu xét đến việc bộ tiểu thuyết về phép thuật này cũng được người lớn tại nước này yêu thích thì đây cũng có thể coi là một trường hợp hiếm thấy, vì Harry Potter là một tác phẩm đương đại, cho thấy Bắc Triều Tiên cũng phần nào bắt kịp xu hướng toàn cầu.

 

Năm 2018, công ty xuất bản văn học nước ngoài của Bắc Triều Tiên đã dịch và xuất bản "Harry Potter phần một" dày 280 trang. Tương tự như các ứng dụng trên App Store và Play Store, miền Bắc cũng có một chương trình đọc sách tổng hợp online mang tên “Người bạn đường của tôi”. Đây là chương trình đọc sách thanh toán bằng điểm và "Harry Potter" là tác phẩm có mức điểm cao nhất.

 

Cho đến hiện tại thì chúng tôi vẫn chưa có được bản cứng của tiểu thuyết “Harry Potter” ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được phiên bản 4.3 của ứng dụng "Người bạn đường của tôi", một nền tảng trực tuyến nơi người dân miền Bắc có thể tải sách, nhạc và phim. Ứng dụng này đã được cập nhật vào tháng 8/2019 và bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2020. Từ đây, chúng tôi có thể tải được phiên bản sách điện tử của “Harry Potter” tại Bắc Triều Tiên. Sách không có thông tin về người dịch, có 280 trang và ra mắt vào năm 2018. Có trị giá lớn nhất, lên tới 3.000 điểm, và được xếp hạng cao trên bảng xếp hạng độ nổi tiếng của ứng dụng “Người bạn đường của tôi”, có thể thấy tác phẩm đã nhận được phản ứng tích cực từ người đọc. Chỉ đọc sơ qua mục lục của tác phẩm cũng cho thấy đây là một bản dịch tốt, giữ đúng tinh thần của nguyên tác.

 

Tháng 6/2020, hai năm sau khi “Harry Potter” được dịch và xuất bản tại Bắc Triều Tiên, báo Văn học, cơ quan ngôn luận của Ủy ban trung ương Hiệp hội nhà văn Bắc Triều Tiên, có bài báo cho biết "Độc giả ngày càng quan tâm đến bộ truyện thiếu nhi “Harry Potter", đồng thời nói thêm "Tác phẩm này đã được dịch và xuất bản ở nhiều nước, và đang trở thành một cuốn sách phổ biến đối với trẻ em cũng như người lớn". Việc miền Bắc đánh giá tích cực về một cuốn tiểu thuyết nước ngoài có chủ đề phép thuật được coi là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, vào tháng 10 cùng năm, một bài báo khác nói về những hạn chế của “Harry Potter” đã được đăng tải.

 

Thứ nhất, tuy các chuyến phiêu lưu hồi hộp của Harry và các bạn có thể trở thành tấm gương cho trẻ em, bộ truyện vẫn bị chỉ trích vì tô hồng xã hội tư bản là nơi người dân có thể thay đổi vận mệnh của mình nhờ tài năng. Thứ hai, bộ truyện bị phê phán vì tạo ra những nhân vật kỳ quái để tập trung vào việc kích thích sự thích thú của độc giả. Cuối cùng, cho dù có quan điểm tiến bộ về việc đi tiên phong trong tương lai, tác phẩm vẫn nhận về ý kiến chỉ trích mạnh mẽ vì thế giới phép thuật vẫn chỉ là một mộng tưởng phi thực tế.

 

Ở Bắc Triều Tiên, nơi tin rằng nghệ thuật phải gắn với chủ nghĩa hiện thực, câu chuyện trong "Harry Potter" dường như chỉ là một giấc mơ viển vông. Tuy nhiên, thể loại khoa học viễn tưởng, hay còn được miền Bắc gọi là khoa học giả tưởng, lại nhận được cái nhìn khác. Đây là thể loại văn học kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và giả tưởng. Theo cuốn “Sáng tác văn học khoa học giả tưởng”, một lý thuyết khoa học viễn tưởng được nhà văn khoa học viễn tưởng hàng đầu Bắc Triều Tiên Hwang Jong-sang xuất bản năm 1993, văn học khoa học giả tưởng được định nghĩa là thể loại văn học “sử dụng trí tưởng tượng để khắc họa các hoạt động, đấu tranh và cuộc sống của những người khám phá khoa học và kỹ thuật”.

 

Khác với yếu tố giả tưởng trong truyện cổ tích, thủ pháp giả tưởng trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng lấy kiến thức khoa học kỹ thuật làm nền tảng. Ở Bắc Triều Tiên, thủ pháp giả tưởng trong một tác phẩm chỉ được công nhận khi tác phẩm đó khắc họa một thế giới có định hướng để người dân tin rằng một ngày nào đó đảng Lao động có thể biến điều đó thành hiện thực kể cả khi việc này ở hiện tại là bất khả thi. Tại miền Bắc, khoa học giả tưởng là một thể loại văn học dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Các tác phẩm thuộc thể loại này bắt đầu được sáng tác vào giữa những năm 1950, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc, đặc biệt là khi vệ tinh đầu tiên của thế giới mang tên Sputnik được Liên Xô phóng vào năm 1957. Sự kiện này đã trở thành cú sốc gây ảnh hưởng trên toàn thế giới, đưa chân trời của trí tưởng tượng từ Trái đất lên vũ trụ. Đặc biệt, cuộc cạnh tranh về công nghệ vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô vào những năm 1960 đã mang lại sự bùng nổ trong thể loại khoa học viễn tưởng ở Bắc Triều Tiên.

 

Khi nói đến khoa học viễn tưởng, “Một thế giới dũng cảm” của nhà văn người Anh Aldous Huxley chính là một trong những tác phẩm mà người ta nghĩ tới đầu tiên. Tiểu thuyết này mô tả một thế giới tưởng tượng với nền văn minh khoa học cực kỳ phát triển, những đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mà không biết cha mẹ chúng là ai và được Nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm nuôi nấng và giáo dục. Địa vị tương lai của mỗi người chỉ được xác định bởi mức độ vượt trội của trí thông minh, mỗi cá nhân chỉ tự động thực hiện các vai trò được các thiết bị khoa học chỉ định, và những lo lắng bất an của con người được giải quyết bằng thuốc an thần. Tương tự, nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng cảnh báo rằng niềm tin mù quáng vào khoa học và tiến bộ cũng như lòng tham của con người cuối cùng có thể tạo ra một địa ngục trần gian. Khoa học viễn tưởng là nơi để con người tưởng tượng tương lai, cũng là nơi cho chúng ta tự suy xét. Tuy nhiên, nền văn học khoa học giả tưởng của Bắc Triều Tiên thì khác.

 

Bắc Triều Tiên sáng tác nên những tiểu thuyết khoa học giả tưởng theo hướng thực tế và đầy hy vọng dựa trên những tưởng tượng mang tính khoa học, đồng thời chỉ trích khoa học viễn tưởng phương Tây phi thực tế và bi quan một cách lố bịch. Những câu chuyện về một thế giới đen tối nơi robot tấn công con người hoặc bị người ngoài hành tinh xâm chiếm sẽ không bao giờ xuất hiện trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng của miền Bắc. Hwang Jong-sang là một trong những nhà văn khoa học viễn tưởng tiêu biểu nhất ở Bắc Triều Tiên. Cuốn tiểu thuyết "Bông xanh" của ông mô tả các nhà khoa học trẻ đang phát triển một loại thực vật chống ung thư ở một tương lai Nam-Bắc thống nhất với một xã hội phát triển cao. Văn học khoa học viễn tưởng của Bắc Triều Tiên chủ yếu đề cập đến việc phát minh ra công nghệ mới hoặc khám phá vật liệu mới nhờ khoa học để cải thiện cuộc sống của người dân và đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Tàu bay bắt tia sét" nói về công nghệ thu bắt sét để cung cấp điện vô thời hạn, trong khi “Đồi tương lai” là một câu chuyện khắc họa kỹ thuật di truyền tạo ra những giống cây trồng khổng lồ. Các tác phẩm đã mở ra hướng giải quyết cho vấn đề kinh niên về khan hiếm lương thực và năng lượng ở Bắc Triều Tiên. Những tiểu thuyết khoa học giả tưởng của miền Bắc cho thấy khoa học kỹ thuật có thể xây dựng một thiên đường trong tương lai.

 

Tác phẩm “Thiếu niên cưỡi cầu vồng” của nhà văn Sin Sung-gu, một tiểu thuyết được Nhà xuất bản Văn học Bắc Triều Tiên cho ra mắt năm 2011, kể về sự gia tăng đột biến của việc vận chuyển cá. Trong truyện, Trưởng phòng Dự án thủy sản phấn khởi khi cá tại vùng biển phía Đông còn nhiều ngập trên cả mặt nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển gặp khó khăn vì các kho đông lạnh quá tải, tàu và phương tiện cũng thiếu thốn. Bỗng một ngày, một thiếu niên xuất hiện, đề xuất giải quyết vấn đề bằng cách đưa cá bay lên trời.

 

Cuốn tiểu thuyết của Sin Sung-gu giải thích về việc một phép màu liên quan đến cá đã xảy ra. Khi nguồn tài nguyên biển cạn kiệt, một nhà nghiên cứu đã bơm oxy xuống biển và làm tăng lượng thức ăn, khiến lượng cá tăng lên đột biến. Cách thức vận chuyển số lượng cá khổng lồ này đến các địa điểm khác trở thành một vấn đề nan giải do thiếu phương tiện và nhân công. Lúc này, một chàng trai trẻ đưa ra phương án giải quyết vấn đề này bằng khoa học, và đây chính là mở đầu của câu chuyện. Giải pháp mà chàng trai nghĩ ra là làm cho cá bay đến địa điểm cần đến, tuy nhiên những nhà chức trách không thể tin vào lời của chàng trai trẻ bởi vì việc cá bay trên trời nghe như một câu chuyện cổ tích chứ không phải khoa học.

 

Tuy nhiên, chàng thiếu niên đã tạo ra một đường ống gió xoáy hoạt động bằng năng lượng thu thập từ một thấu kính năng lượng mặt trời được lắp đặt trong căn cứ không gian. Đường ống này đã thực sự có thể vận chuyển lượng cá khổng lồ kia.

 

Nhà nghiên cứu tạo ra phép màu về cá chính là cha của thiếu niên cưỡi cầu vồng. Chàng thiếu niên đã tỉnh dậy sau 5 năm ngủ đông trong phòng trị liệu đông lạnh của một bệnh viện dưới đáy biển vì căn bệnh truyền nhiễm tử thần, bị gây ra bởi việc bơm chất dinh dưỡng xuống biển. Cuốn tiểu thuyết này có các thiết bị khoa học như cỗ máy “ngủ đông lạnh”. Các công nghệ tiên tiến và thiết bị giàu trí tưởng tượng như robot trí tuệ nhân tạo, tàu vũ trụ nhanh hơn vận tốc ánh sáng, ô tô bay và lý thuyết vũ trụ song song cũng thường được tìm thấy trong các tiểu thuyết khoa học giả tưởng khác của Bắc Triều Tiên. Trọng tâm của tác phẩm là một tương lai đầy cá, khác với tình trạng thiếu lương thực lâu ngày trong thực tế.

 

Nền văn học khoa học giả tưởng của Bắc Triều Tiên tập trung vào việc hiện thực hóa các lý tưởng của chính quyền nhờ khoa học. Nói cách khác, nó thỏa mãn những điều bất khả thi trong thực tế bằng những tưởng tượng khoa học. Chỉ chấp nhận những kết thúc về một thế giới lạc quan không tưởng, các tác phẩm này đã nhận về chỉ trích vì gây hạn chế cho trí tưởng tượng.

 

Các tiểu thuyết được sáng tác dựa trên nhận thức khoa học, nhưng thực tế là dựa trên mục đích chính trị và tư tưởng nhằm duy trì thể chế hoặc củng cố quyền lực. Vì vậy, thế giới tưởng tượng được các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Bắc Triều Tiên thể hiện bị hạn chế hơn khi có liên quan trực tiếp đến chính trị trong thực tế, gây ra sự thiếu đa dạng. Mặt khác, vì khoa học kỹ thuật tiên tiến là động lực của xã hội tương lai nên thể loại khoa học viễn tưởng dự kiến sẽ tiếp tục được sáng tác đều đặn ở miền Bắc. Cụ thể, trong các kế hoạch phát triển quốc gia được trình bày trong báo cáo “Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện (VNR)” mà nước này công bố năm 2011 có cả những chính sách thân thiện với môi trường, chẳng hạn như chính sách giảm khí nhà kính. Dựa trên chủ nghĩa hiện thực, các phương án giảm nhựa, giảm ô nhiễm nước cuối cùng sẽ xuất hiện trong văn học khoa học giả tưởng của Bắc Triều Tiên. Chúng ta hãy cùng chờ xem các tác phẩm này sẽ giải quyết các vấn đề đó và khắc họa một xã hội tương lai tốt đẹp hơn như thế nào.

 

Các tác phẩm khoa học viễn tưởng của Bắc Triều Tiên chủ yếu vẽ nên một viễn cảnh trong mơ khi miền Bắc có thể giải quyết vấn đề tồn tại đã lâu về tình trạng thiếu lương thực và năng lượng bằng các giải pháp khoa học. Đây là những vấn đề cấp thiết mà nước này cần giải quyết vào lúc này.

Lựa chọn của ban biên tập