Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các công trình kiến trúc và địa danh mới của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-02-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tháng 12/2022, trang web của Công ty tem Bắc Triều Tiên đã tổ chức một cuộc triển lãm tem đặc biệt với tiêu đề "Trưng bày thời kỳ thịnh vượng vĩ đại của công cuộc xây dựng" nhằm nhìn lại 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Triển lãm đặc biệt này giới thiệu những con tem được phát hành để kỷ niệm các tòa nhà miền Bắc xây dựng từ 2012 - 2022. Trên thực tế, kể từ khi Chủ tịch Kim lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã xây dựng một loạt tòa nhà mới, đến mức cả đất nước trở thành công trường. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các công trình kiến trúc và địa danh mới tại Bắc Triều Tiên cùng giáo sư Lim Dong-woo của Khoa kỹ thuật đô thị thuộc Đại học Hongik.

 

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên tuyên truyền đây là thời kỳ hoàng kim của kiến trúc Juche (Chủ thể). Tuy nhiên, trên thực tế, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo tối cao miền Bắc đối với lĩnh vực kiến trúc có nhiều điểm khác biệt.

 

Trên thực tế, các nhà cầm quyền trong lịch sử đều thể hiện quyền lực thông qua kiến trúc. Vì vậy, đây có thể được gọi là tham vọng cố hữu của kẻ mạnh. Bắc Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Dưới thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, kiến trúc chưa được coi là đại diện cho quyền lực. Để phản ánh hiện thực của chủ nghĩa xã hội, chính quyền miền Bắc đã đắn đo rất nhiều để tìm ra hướng xây dựng các công trình kiến trúc cần thiết. Đến thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, rất nhiều công trình kiến trúc hoành tráng bắt đầu xuất hiện để khắc họa quyền lực của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, nhìn vào các tòa nhà mang tính biểu tượng dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un gần đây, việc nước này chuyển qua coi các căn hộ chung cư như một biểu tượng là một điều đáng chú ý.

 

Một trong những công trình tiêu biểu được xây dựng sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền là Khu phức hợp Khoa học–Công nghệ hoàn công vào năm 2015 tại đảo Ssuksom nằm trên sông Daedong (Đại Đồng). Chủ tịch Kim Jong-un cho biết Khu phức hợp này là một đối tượng xây dựng quan trọng nhằm thực hiện triệt để phương châm của đảng Lao động về việc biến toàn bộ người dân trở thành nhân tài trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và cho thấy quy mô của nghệ thuật xây dựng Chủ thể trong thế kỷ 21. Một chương trình phát sóng của miền Bắc đã thuật lại lời của Chủ tịch Kim, nói rằng mục đích xây dựng Khu phức hợp Khoa học-Công nghệ để truyền lại cho các thế hệ con cháu về sau. Ông Kim thậm chí đã xem từng bản thiết kế các thiết bị đèn và chỉ đạo sát sao quá trình xây dựng. Khu phức hợp Khoa học-Công nghệ rộng 100.000 mét vuông, bao gồm Tòa nhà Khoa học kỹ thuật cơ bản, Tòa nhà Khoa học khám phá, Tòa nhà Khoa học kỹ thuật tiên tiến và Tòa nhà Khoa học kỹ thuật ứng dụng. Một nhà nghiên cứu giám sát các công trình xây dựng quốc gia của nước này cho biết những cột trang trí hình chữ V tại Khu phức hợp Khoa học–Công nghệ phản ánh đặc điểm liên kết chặt chẽ của cấu trúc nguyên tử.

 

Khu phức hợp Khoa học–Công nghệ là một tòa nhà được mô phỏng theo hình dạng nguyên tử. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên có rất nhiều công trình liên quan đến khoa học, tòa nhà khoa học, cơ sở văn hóa và viện nghiên cứu với kiểu kiến trúc trực quan. Chẳng hạn, có một tòa nhà khoa học mang hình dáng của sao Thổ. Nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội nói chung là sự hợp lý và tính khoa học. Do đó, các nước này đều rất coi trọng công nghệ và khoa học. Vì vậy, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ tiếp tục cho xây dựng những cơ sở như vậy để thúc đẩy tầm quan trọng của khoa học như hai người tiền nhiệm đã từng làm.

 

Theo truyền thông Bắc Triều Tiên, Khu phức hợp Khoa học–Công nghệ được xây dựng với cấu trúc tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời và địa nhiệt hợp lý, với các thiết kế chẳng hạn như mái vòm kính.

 

Không chỉ Khu phức hợp Khoa học–Công nghệ mà nhiều công trình kiến trúc khác của Bắc Triều Tiên cũng mang yếu tố thân thiện với môi trường. Các tạp chí kiến trúc của miền Bắc cho thấy nước này rất quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng địa nhiệt và nhiệt mặt trời, thậm chí các tòa nhà ở nông thôn còn sử dụng phân gia súc để tạo ra năng lượng từ khí sinh học. Dù không biết chính xác nguyên nhân, tôi cho rằng động thái này của Bắc Triều Tiên là nhằm tận dụng triệt để năng lượng tái tạo mới trong các tòa nhà do tình trạng thiếu năng lượng. Ngoài ra, nước này cũng có thể tuyên truyền về xu hướng thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng toàn cầu.

 

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đã xây dựng nhiều khu phức hợp lớn với không gian nhà ở đầy đủ các loại tiện nghi, biến những nơi này thành những địa danh mới. Tiêu biểu trong số này là phố Changjon với nhiều khu dân cư lớn, được hoàn thành vào năm đầu tiên ông Kim lên nắm quyền. Trong một chương trình phát sóng vào tháng 5/2012, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã ca ngợi việc nước này có thể xây dựng những ngôi nhà tuyệt vời tại phố Changjon trong một thời gian ngắn là một thành quả tuyệt vời. Năm 2013, Bắc Triều Tiên xây dựng đường Nhà khoa học ngân hà tại khu vực Ryongsong ở Bình Nhưỡng dành cho các nhà nghiên cứu tham gia phát triển vệ tinh Kwangmyongsong. Năm 2014, miền Bắc xây dựng khu dân cư Nhà khoa học vệ tinh ở thành phố Pyongsong, vốn được coi là thành phố vệ tinh của Bình Nhưỡng, để làm nơi ở cho các nhà nghiên cứu và khoa học đã nghỉ hưu. Một năm sau đó, đường Nhà khoa học tương lai được xây dựng. Tháng 11/2015, KCTV đã gọi đường Nhà khoa học tương lai là một công trình vĩ đại của thời đại chính sách ưu tiên quân sự. Nơi đây đã trở thành một địa danh mới của miền Bắc, với 6 làn xe và khu nhà ở cho các nhà khoa học cùng gia đình.

 

Dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, các đường phố thường có tên như “Thống nhất”, “Quang phục” (giải phóng) và “Thiên lý mã”. Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, các con đường mới thường được đặt tên như “Nhà khoa học”. Những con đường này không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học nhưng đã nhấn mạnh chính sách ưu đãi của miền Bắc đối với họ. Đường Nhà khoa học tương lai là một công trình kiến trúc quan trọng của thời đại Kim Jong-un. Trước đây, Bắc Triều Tiên sẽ áp dụng cùng một thiết kế kiến trúc cho các tòa nhà khác nhau. Ví dụ, một khu chung cư bao gồm 10 tòa nhà với hai hoặc ba thiết kế được sử dụng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, các tòa nhà ở đường Nhà khoa học tương lai đều có thiết kế khác nhau. Công trình này nằm bên bờ sông Đại Đồng, lại ở khu vực trung tâm thành phố với giao thông thuận tiện. Có thể thấy đây là con phố đánh dấu sự thay đổi trong phong cách kiến trúc của miền Bắc.

 

Năm 2017, Bắc Triều Tiên hoàn công phố Ryomyong, nơi tập trung các công trình “thần tượng hóa” nhà lãnh đạo tối cao như cung Thái dương Kumsusan, nơi lưu giữ thi hài của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, hay tháp Yongseng (Bất tử). Tháng 3/2017, một chương trình phát sóng của KCTV cho biết miền Bắc đã phá dỡ 1.500 tòa nhà và ngôi nhà cũ để xây dựng 4.820 căn hộ mới tại phố Ryomyong. Miền Bắc cũng ca ngợi con phố này là biểu tượng của thời đại Kim Jong-un vĩ đại và là con phố lý tưởng, nơi quy tụ nền văn minh xã hội chủ nghĩa. Trên diện tích 900 nghìn mét vuông là 44 tòa chung cư được xây dựng với khoảng 4800 căn hộ, trong đó có những tòa nhà cao tới 70 tầng. Giới phân tích cho rằng, dưới sự cầm quyền của Chủ tịch Kim, những tòa nhà “chọc trời” đã được xây dựng ở Bình Nhưỡng trong thời gian ngắn, làm thay đổi diện mạo của thủ đô.

 

Phố Ryomyong là nơi nhiều công dân Bình Nhưỡng hy vọng được dọn vào ở với nhiều tòa nhà 60, 70 tầng. Một số tòa nhà dân cư được xây dựng dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il trước đó có rất ít tiện nghi, thường chỉ có nhà hàng ăn uống. Điều này hoàn toàn trái ngược với các tòa nhà ở phố Ryomyong, nơi có các cơ sở thương mại, chẳng hạn như trung tâm thương mại, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Không chắc việc đường chân trời của Bình Nhưỡng thay đổi là nguyên nhân hay kết quả của việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, nhưng vấn đề mà thành phố muốn giải quyết chính là mật độ dân cư. Các khu vực mới phát triển ở Bình Nhưỡng không thực sự mở rộng theo chiều ngang nên chỉ có thể xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng. Đây là sự lựa chọn duy nhất và sẽ tiếp tục là xu hướng trong tương lai.

 

Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã cải tạo Sân bay quốc tế Sunan Bình Nhưỡng và Nhà ga Bình Nhưỡng nhằm cải thiện hình ảnh quốc gia bằng cách hiện đại hóa các cửa ngõ chính của đất nước. KCTV cho biết Sân bay quốc tế Sunan Bình Nhưỡng là cánh cửa để vào Bình Nhưỡng, thủ đô của cách mạng, đồng thời là một công trình kiến trúc đồ sộ của thời đại ưu tiên quân sự. Tọa lạc tại quận Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng, sân bay này đã khai trương nhà ga hành khách mới và Đường băng số 1 vào tháng 7/2015. Vào thời điểm đó, Bắc Triều Tiên đã dỡ bỏ bức chân dung cố Chủ tịch Kim Nhật Thành khỏi nóc tòa nhà sân bay cũ và dựng một tác phẩm điêu khắc có chữ “Bình Nhưỡng”. Đồng thời, miền Bắc cũng nâng cao tòa nhà từ ba tầng lên 4 tầng. Khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bắc Triều Tiên năm 2018, Chủ tịch Kim Jong-un đã xuất hiện từ một tòa nhà sân bay, trên đó có chữ tiếng Anh “Terminal 1”.

 

Điều thú vị nhất chính là việc Bắc Triều Tiên dỡ bỏ bức chân dung của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, cho thấy nước này có ý định toàn cầu hóa sân bay quốc tế, một địa điểm đón người nước ngoài. Đây có thể là một thay đổi nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng. Sân bay quốc tế Sunan Bình Nhưỡng là một sân bay quy mô không lớn và chỉ có một số ít đường bay, và thời điểm đông đảo người nước ngoài đến miền Bắc du lịch vẫn còn là một tương lai xa, nên sân bay này sẽ khó có thể trở thành một trong những địa danh nổi bật của thành phố.

 

Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã phát triển Khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong ở tỉnh Gangwon và xây dựng một số cơ sở mà người dân có thể sử dụng, chẳng hạn như công viên nước, đường cưỡi ngựa và cơ sở chăm sóc trẻ em ở thủ đô. Để thúc đẩy ngành du lịch, nước này đã thúc đẩy thành lập Khu du lịch ven biển Wonsan-Kalma (tỉnh Nam Pyongan), Khu phức hợp nghỉ dưỡng Samjiyon (tỉnh Ryanggang) và Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Yangdok (tỉnh Nam Pyongan). Trong số đó, Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Yangdok khai trương vào tháng 1/2020, sau đó là Khu phức hợp Samjiyon hoàn thành. Tuy nhiên, việc xây dựng Khu du lịch Wonsan-Kalma, một trong những dự án du lịch lớn nhất của quốc gia, vẫn chưa thấy tín hiệu hoàn công. Dựa trên những bức ảnh vệ tinh gần đây, trang web về Bắc Triều Tiên 38 North (Vĩ tuyến 38 độ Bắc) có trụ sở tại Mỹ cho biết một công viên nước, một sân vận động mái vòm, hai khách sạn và một số cơ sở trong dự án này vẫn chưa hoàn thiện.

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh vào các xu hướng toàn cầu trong kiến trúc. Trong một chương trình phát sóng, KCTV nhấn mạnh rằng tất cả các tòa nhà ở thủ đô Bình Nhưỡng nên được thiết kế và xây dựng để đáp ứng xu hướng toàn cầu và tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc của thời đại ưu tiên quân sự. Có phân tích cho rằng các tòa nhà của miền Bắc vốn nặng nề, nghiêm nghị và quyền uy đang thay đổi theo hướng nhẹ nhàng và tươi vui hơn dưới thời đại ông Kim.

 

Các tòa nhà trong thời đại Kim Jong-un không có bất kỳ phong cách kiến trúc đặc trưng nào. Tuy nhiên, điều thú vị là thiết kế kiến trúc không bị lặp lại. Đây là một thay đổi không thể xem thường, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thường bài trừ sự đa dạng và ưu tiên những gì hợp lý và máy móc. Tôi cho rằng sự xuất hiện của các tòa nhà đa dạng trong thời đại ông Kim là một thay đổi rất thú vị tại Bắc Triều Tiên.

 

Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã có một bài báo đánh giá năm 2022 là thời kỳ hoàng kim của ngành xây dựng và tuyên truyền về những thành tựu của Chủ tịch Kim Jong-un trong lĩnh vực này. Bài báo nhấn mạnh ông Kim là một nhà lãnh đạo yêu thương người dân. Dưới sự chỉ đạo của ông Kim Jong-un, miền Bắc đã xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng, biến những tòa nhà này trở thành những địa danh mới của đất nước nhằm xoa dịu sự bất an của công chúng trước những khó khăn đối nội và đối ngoại.

Lựa chọn của ban biên tập