Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Biến đổi khí hậu tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-02-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Vào đợt trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, Hàn Quốc có tuyết rơi dày kèm theo một đợt rét đậm rét hại. Các phương tiện truyền thông nước ngoài như Đài CNN (Mỹ) và BBC (Anh) đã đưa tin chi tiết về tình hình hiện tại ở Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc, cho rằng "đợt lạnh chết người" gần đây quét qua Đông Á là hậu quả của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các nhà chức trách miền Bắc đã đưa ra cảnh báo thời tiết lạnh, đồng thời dự báo thiệt hại rất lớn đối với những khu vực nghèo nhất ở cực Bắc đất nước như tỉnh Ryanggang và Hamgyong. Các chuyên gia cũng phân tích, đợt lạnh giá khắc nghiệt này đang trở thành một "tiêu chuẩn mới" về dấu hiệu của biến đổi khí hậu, một vấn đề nan giải mà thế giới nên cùng suy nghĩ và ứng phó. Bắc Triều Tiên cũng không phải ngoại lệ. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của miền Bắc cùng tiến sĩ Oh Sam-eon đến từ Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc.

 

Ngày 22/1, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã có một chương trình phát sóng đưa tin về cuộc khủng hoảng bệnh truyền nhiễm tồi tệ nhất từng quét qua thế giới, cuộc khủng hoảng thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, và cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng đã được ghi nhận ở khắp mọi nơi. Đây là một chương trình đặc biệt về ba cuộc khủng hoảng lớn mà thế giới trải qua trong năm qua, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng hiện nay mà miền Bắc đang trải qua là một khó khăn chung trên toàn cầu. Năm 2021, Bắc Triều Tiên tự nhận định là "quốc gia có tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan" trong “Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện” (VNR) vì sự phát triển bền vững đệ trình lên Liên hợp quốc.

 

Biến đổi khí hậu trên bán đảo Hàn Quốc đang diễn ra nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Và Bắc Triều Tiên đang trải qua biến đổi khí hậu với tốc độ nhanh hơn so với Hàn Quốc. Nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng 0,85 độ trong 133 năm qua nhưng bán đảo Hàn Quốc lại tăng tới 1,2 độ trong vòng 30 năm (1981-2010). Ngoài ra, mức tăng nhiệt độ trung bình ở Bắc Triều Tiên là 0,45 độ mỗi thập kỷ, nhanh hơn Hàn Quốc (0,36 độ) tới 1,3 lần. Ngoài ra, miền Bắc có đặc điểm là lượng mưa tăng, số ngày mưa giảm, đồng nghĩa với số lượng những cơn mưa tập trung đã tăng lên. Do đó, Bắc Triều Tiên có thể dễ bị thiệt hại bởi cả lũ lụt và hạn hán. Tháng 10/2021, Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (DNI), tổ chức giám sát 18 cơ quan tình báo của nước này, đã công bố một báo cáo, trong đó chọn ra 11 quốc gia dễ bị “tổn thương” trước tác động của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, trong đó có miền Bắc.

 

Bản báo cáo cũng công khai tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên đã phải chịu nhiều thiệt hại do thiên tai như lũ lụt và bão kể từ những năm 1990. Chương trình thời sự phát sóng vào tháng 8/1995 của Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) đã từng đưa tin về tình hình mưa tập trung gây thiệt hại lớn ở Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, chương trình cũng đề cập đến việc miền Bắc đưa tin về thiệt hại do mưa lớn và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các nạn nhân bị ảnh hưởng, một động thái chưa từng thấy trước đó. Đặc biệt, trận lũ năm 1995 tại nước này được gọi là “đại hồng thủy trăm năm có một”. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho rằng trận lụt năm 1995 ở Bắc Triều Tiên là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trên thế giới trong 50 năm qua. Theo báo cáo của WMO, trận lụt ở miền Bắc đã khiến 68 người thiệt mạng và 5,2 triệu người bị thiệt hại, chiếm một phần bốn tổng dân số nước này lúc bấy giờ. Ngoài thương vong về người, Bắc Triều Tiên còn bị hư hại 1,5 triệu tấn ngũ cốc và bước vào giai đoạn kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” kể từ đó, khiến hàng nghìn người chết đói và phải dựa vào viện trợ quốc tế. Vào những năm 2000 trở về sau, nước này vẫn tiếp tục hứng chịu các thiệt hại do lũ lụt. Vào mùa hè năm 2020, lượng mưa trung bình toàn Bắc Triều Tiên là 852,3mm, bằng 146,1% so với trung bình năm, cho thấy mức độ nghiêm trọng của thiên tai ở miền Bắc.

 

Theo báo cáo gửi Liên hợp quốc, số nạn nhân tại Bắc Triều Tiên là khoảng 100 người vào năm 2015, 523 người vào năm 2016, 151 người năm 2018 và 127 người vào năm 2020. Năm 2015, miền Bắc cho biết đây là đợt hạn hán lớn đầu tiên trong vòng 100 năm tại nước này. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm dịch tễ thảm họa Bỉ, số nạn nhân do hạn hán tại Bắc Triều Tiên lên tới 18 triệu người trong năm 2015. Đồng thời, số nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa lớn vào khoảng 3.540 người, cho thấy không chỉ hạn hán mà thiệt hại từ mưa lớn do bão gây ra cũng rất lớn. Đến năm 2016, Bắc Triều Tiên lại hứng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt mà nước này tự gọi là “thảm họa hậu giải phóng” với 538 người tử vong và 600.000 nạn nhân. Nhìn vào xu hướng lượng mưa từ năm 2011-2020 tại 13 nơi dựa trên tài liệu quan sát thời tiết của Bắc Triều Tiên do WMO thu thập, có thể thấy không có sự khác biệt đáng kể với xu hướng lượng mưa tại 16 nơi ở Hàn Quốc. Mặc dù vậy, thiệt hại do lũ lụt ở Bắc Triều Tiên là rất lớn.

 

Diện tích rừng của Bắc Triều Tiên là 9,06 triệu ha, chiếm 73,6% diện tích đất liền. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tính đến năm 2020, 5 trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có tỷ lệ rừng trên 60% diện tích đất, trong đó Phần Lan có tỷ lệ rừng cao nhất là 73,74%, khá tương tự với miền Bắc. Tỷ lệ diện tích rừng cao nhưng tình trạng tàn phá rừng cũng diễn ra nghiêm trọng tại đây. Viện khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc đã theo dõi tình trạng rừng của Bắc Triều Tiên 10 năm một lần kể từ năm 1999. Theo hình ảnh vệ tinh năm 2018, diện tích rừng bị tàn phá là khoảng 2,62 triệu ha, chiếm 28% tổng diện tích rừng của nước này.

 

Tình trạng phá rừng ở Bắc Triều Tiên chính là nguyên nhân đẩy nhanh sự hình thành thiên tai tại nước này. Do rừng bị tàn phá nên khả năng trữ nước, vốn là chức năng chính của rừng, giảm đi, khiến cho không chỉ lũ lụt mà thiệt hại do hạn hán cũng tăng lên. Thiệt hại do sạt lở đất sẽ tăng lên do tình trạng xói mòn. Nếu những cánh rừng ở thượng lưu bị tàn phá, những dòng sông ở hạ lưu sẽ tràn bờ, đất nông nghiệp và đường sá sẽ bị hư hại. Tình trạng này xảy ra là do miền Bắc phá rừng quá mức để kiếm ngoại tệ, phát quang các vùng núi để giải quyết vấn đề lương thực và lấy củi do thiếu năng lượng, tạo ra một vòng luẩn quẩn khi khó khăn về kinh tế dẫn đến tàn phá rừng, gây ra thiên tai càng lớn, từ đó lại dẫn đến khó khăn về kinh tế. Vòng luẩn quẩn này là nền tảng cho đối sách ứng phó với biến đổi khí hậu của Bắc Triều Tiên, tập trung vào phục hồi rừng.

 

Quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Bắc Triều Tiên bắt đầu với nhiệm vụ phục hồi rừng. Dự án phục hồi rừng toàn diện của miền Bắc được thúc đẩy trở thành một dự án quốc gia cấp thiết kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền. Năm 2012, kế hoạch phục hồi rừng 10 năm được thiết lập. Bài phát biểu năm mới 2015 của ông Kim cũng đã đề cập đến “cuộc chiến” phục hồi rừng. Trong bài phát biểu này, Chủ tịch Kim Jong-un đã ví việc phục hồi rừng giống như việc khôi phục đất nước sau chiến tranh, cần sự tham gia của toàn đảng, toàn quân và toàn dân để biến những cánh rừng xanh thành núi vàng của đất nước. Ông Kim cũng trình bày một tuyên bố đặc biệt về nhiệm vụ tái trồng rừng, chỉ ra sự thất bại của chính sách lâm nghiệp dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, một việc chưa từng thấy trước đây. Ngày 26/1, KCTV đã thuật lại lời của Chủ tịch Kim Jong-un về việc chính quyền tiền nhiệm lấy việc chặt cây làm phương án giải quyết vấn đề lương thực và củi đốt, lại không có các biện pháp phòng cháy rừng, khiến tài nguyên rừng quý giá của đất nước bị giảm đi. Ngoài ra, ông Kim cũng tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của việc phục hồi rừng.

 

Về các thiên tai như lũ lụt, Chủ tịch Kim Jong-un nhận định vì núi rừng không có nhiều cây cối nên chỉ cần mưa rơi nhiều một chút trong mùa mưa cũng có thể gây ra lũ lụt và sạt lở đất, còn khi hạn hán thì sông ngòi khô cạn, gây cản trở lớn cho việc xây dựng nền kinh tế cũng như đời sống của người dân. Ông Kim nhấn mạnh rằng thiệt hại do thiên tai gây ra cần được giải quyết cơ bản thông qua phục hồi rừng toàn diện. Sau phát biểu này, Bắc Triều Tiên đã tập trung vào việc khôi phục rừng. Năm 2015, miền Bắc xác định trồng rừng là một cuộc chiến chống lại thiên tai và gọi dự án trồng rừng là “cuộc chiến phục hồi rừng”. Việc đặt tên chính sách phát triển lâm nghiệp với các thuật ngữ quân sự thể hiện tính cấp bách và chính đáng của việc khắc phục nạn tàn phá rừng và đạt được thành công trong việc phục hồi rừng ngay cả trong những điều kiện khó khăn.

 

Năm 2017, cuộc chiến phục hồi rừng ở Bắc Triều Tiên đã hoàn thành giai đoạn một và đang thực hiện giai đoạn thứ hai từ năm 2018-2024. Đồng thời, nước này cũng có xu hướng tích cực liên hệ việc phục hồi rừng với biến đổi khí hậu. Trước tiên, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đã tăng số lượng bài báo về “biến đổi khí hậu” và tần suất xuất hiện của cụm từ này cũng tăng gần gấp đôi kể từ năm 2015 khi cuộc chiến phục hồi rừng bắt đầu.

 

Thông qua báo Lao động, Bắc Triều Tiên yêu cầu người dân phải có ý thức về nguy cơ biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nước này đang tập trung vào tin tức về phản ứng của các nước khác đối với biến đổi khí hậu. Tháng 9/2021, báo Lao động có bài viết cho rằng "Ngăn chặn các hiện tượng khí hậu bất thường là một nhiệm vụ toàn cầu" và "Cần phải thực hiện dự án để tạo ra một Trái đất khỏe mạnh với sự hiểu biết về các hiện tượng khí hậu bất thường và hậu quả của chúng." Tháng 3/2022, miền Bắc kêu gọi người dân phải tích cực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu và nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn các thảm họa thiên nhiên như hạn hán bằng cách nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống con người.

 

Một biện pháp quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu của Bắc Triều Tiên là khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt. Trên thực tế, các tấm pin mặt trời đã được lắp đặt trên nhiều mái nhà cũng như các nhà máy tại nước này.

 

Năm 2013, Bắc Triều Tiên ban hành Luật năng lượng tái tạo, quy định đây là “năng lượng có thể tái tạo mà không ảnh hưởng đến môi trường”, như năng lượng nhiệt mặt trời, năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, năng lượng sinh khối, và năng lượng biển. Các thiết bị năng lượng tái tạo cũng được chỉ định bao gồm hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống làm mát và sưởi ấm địa nhiệt, hệ thống pin mặt trời, tubin gió phát điện và cơ sở sản xuất bằng khí metan. Miền Bắc đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo để giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và đồng thời giảm lượng khí thải carbon. Thêm vào đó, nước này cũng đang nỗ lực sử dụng công nghệ chiến lược năng lượng. Một ví dụ điển hình là việc sử dụng năng lượng mặt trời để giải quyết nguồn điện sinh hoạt cần thiết cho việc xây dựng nhà ở và trường học, cơ quan công cộng hay các cơ sở tiện lợi. Bắc Triều Tiên tuyên truyền rằng nước này đã áp dụng nhiều công nghệ chiến lược năng lượng qua các công trình kiến trúc không carbon, chẳng hạn như đèn đường sử dụng pin mặt trời tại các thành phố vệ tinh và khu nhà ở của các nhà khoa học tại Bình Nhưỡng, hay các đường phố xanh tiết kiệm năng lượng và không có khí thải carbon.

 

Bắc Triều Tiên cũng tích cực tham gia cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu. Ngoài việc tham gia hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) hàng năm, Bộ trưởng Ngoại giao miền Bắc khi đó là ông Ri Su-yong đã đến thăm thành phố New York (Mỹ) vào năm 2016 và ký vào văn bản gốc của Thỏa thuận chung Paris, một thỏa thuận ký kết năm 2015 tại COP nhằm giảm lượng khí thải carbon từ năm 2020. Trong một buổi phỏng vấn, ông Ri tuyên bố Bắc Triều Tiên đã ký thỏa thuận tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tin tưởng rằng Thỏa thuận chung Paris sẽ được thực hiện thành công. Động thái này nhằm thông báo với cộng đồng quốc tế rằng miền Bắc cũng đang đối phó với biến đổi khí hậu.

 

Sau khi tham gia Công ước chung Paris năm 2016, Bắc Triều Tiên cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính dự kiến cho đến năm 2030. Nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế thì nước này cam kết có thể giảm được 40%. Năm 2019, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã gửi một lá thư lên tổ chức này, cho biết sẽ cắt giảm 11,4% lượng phát thải khí nhà kính và cũng đề xuất mức cắt giảm 52% nếu nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập vào tháng 11/2022, miền Bắc cho biết đang tích cực theo đuổi dự án trồng 2 triệu ha rừng và một lần nữa bày tỏ nỗ lực và thành tựu của mình với cộng đồng quốc tế. Bắc Triều Tiên cho cộng đồng quốc tế thấy nước này đang ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách nêu bật những nỗ lực khôi phục rừng. Động thái được dự đoán có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.

 

Bắc Triều Tiên nhấn mạnh sự trao đổi và hợp tác với cộng đồng quốc tế bằng cách trình bày cụ thể hiện trạng và phương hướng khắc phục biến đổi khí hậu. Chúng ta hãy cùng chờ xem miền Bắc có thể đạt được mục tiêu của mình như thế nào trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập