Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Nghề nghiệp được ưa chuộng tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-03-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Soát vé xe buýt ắt hẳn là một công việc xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay. Trong các bộ phim Hàn Quốc lấy bối cảnh thập niên 1970 và 1980, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện hình ảnh của những người soát vé xe buýt. Những người soát vé này đảm nhận công việc thu phí hành khách và thông báo bến dừng xe buýt. Tuy nhiên, nghề này đã biến mất từ lâu kể từ khi xe buýt tự động thu phí xuất hiện. Khi thời đại thay đổi, nhiều công việc mới xuất hiện, chẳng hạn như “thợ xóa kỹ thuật số” chuyên loại bỏ các dữ liệu kỹ thuật số như bài đăng, ảnh và video trên Internet mà các cá nhân không muốn. Cùng với việc số lượng hộ gia đình nuôi thú cưng tăng lên, chuyên gia huấn luyện động vật, là người phân tích nguyên nhân gây ra vấn đề về hành vi của thú cưng và thiết kế các chương trình huấn luyện, cũng trở thành một nghề phổ biến. Ngoài ra, các công việc với những cái tên lạ tai cũng xuất hiện nhờ sự phát triển của các công ty công nghệ thông tin (IT). Trong đó, có thể kể đến công việc hack tăng trưởng (growth hacking), là công việc phân tích dữ liệu để phát triển công ty, hay các kỹ sư phát triển và vận hành (DevOps engineer), đảm nhận việc phát triển phần mềm và vận hành hệ thống. Việc làm biến mất hoặc xuất hiện khi công nghệ phát triển và xã hội thay đổi. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các công việc phổ biến ở Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Kim Young-hee, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Quỹ hỗ trợ người tị nạn Bắc Triều Tiên (The Korea Hana Foundation).

 

Điều 23 của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế quy định rằng mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, hưởng các điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp. Hiến pháp của Bắc Triều Tiên cũng công nhận quyền làm việc của công dân, ghi rõ mọi công dân có đủ sức khỏe đều được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng và kỹ năng của mình và được tạo công việc và điều kiện làm việc ổn định. Tuy nhiên, tình hình thực tế thì lại khác.

 

Ở Bắc Triều Tiên, người dân không được phép tự do lựa chọn công việc mà sẽ được Nhà nước bố trí. Công việc thực tế của một người dân miền Bắc chưa chắc đã là công việc mơ ước. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được Phòng lao động Ủy ban nhân dân giao cho các công việc tại địa phương. Nếu tốt nghiệp trường cấp ba dạy nghề về nông nghiệp thì sẽ được gửi đến trang trại để làm việc, còn tốt nghiệp trường cấp ba kỹ thuật thì sẽ làm việc tại một nhà máy. Các học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông bình thường có khả năng được bố trí ở bất cứ đâu. Trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ được bố trí công việc theo chuyên ngành. Sinh viên tốt nghiệp sẽ phỏng vấn với một quan chức đảng Lao động và đề xuất địa điểm làm việc mong muốn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nguyện vọng của họ không được đáp ứng.

 

Trong quá khứ, những công việc được coi trọng nhất tại Bắc Triều Tiên là cán bộ đảng Lao động và quan chức an ninh. Đây cũng được coi là đối tượng lý tưởng để kết hôn. Tuy nhiên ngày nay, những công việc “đẻ trứng vàng” đang trở nên phổ biến.

 

Người dân Bắc Triều Tiên thường hỏi nhau xem công việc có “đẻ ra “trứng vàng” không, tức là có thêm tiền hay có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận hối lộ hoặc bí mật bỏ túi khi làm việc hay không. Người dân nước này ưu tiên các công việc có thu nhập phụ. Ví dụ, các thủy thủ được trả lương bằng đô-la Mỹ và có thể mang hàng hóa nước ngoài về nước rồi bán ở chợ đen để kiếm thêm thu nhập. Do đó, người ta tin rằng thủy thủ là một công việc “đẻ trứng vàng”.

 

Tại Bắc Triều Tiên, những công việc được yêu thích có một chút khác biệt so với những công việc ở các quốc gia khác. Gần đây, một trong những nghề được ưa chuộng nhất ở miền Bắc là lái taxi. Chương trình phát sóng “Những người tôi gặp” của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) gọi những tài xế là những người chứng kiến diện mạo thay đổi hàng ngày của Bình Nhưỡng. Taxi xuất hiện lần đầu tiên ở miền Bắc vào năm 1987 và bắt đầu tăng mạnh sau năm 2010. Tài xế taxi ở nước này chủ yếu phục vụ người nước ngoài hoặc tầng lớp giàu có nên thường có thêm thu nhập phụ. Vì vậy, đây cũng được coi là một công việc “đẻ trứng vàng”.

 

Tài xế taxi tại Bắc Triều Tiên nhận tiền bằng đô-la Mỹ. Chẳng hạn, khi tiền taxi là 37 USD, khách nước ngoài thường đưa 40 USD. Chỉ cần tài xế nói không có tiền thối lại thì người đó sẽ có thể giữ luôn phần tiền thừa. Đó là cách tài xế taxi có thêm thu nhập phụ. Miền Bắc cũng không có nữ tài xế taxi vì các tài xế taxi phải lái xe và tự sửa chữa phương tiện khi cần. Nếu một chiếc taxi bị hỏng trên đường, người lái xe phải tự sửa vì nước này không có dịch vụ bảo hiểm và sửa chữa ô tô. Những người muốn trở thành tài xế taxi thường phải học các kỹ năng lái xe và kỹ thuật sửa chữa trong một năm. Phụ nữ không học các kỹ thuật này nên các tài xế taxi tại Bắc Triều Tiên đều là nam.

 

Ngày xưa, ở mỗi khu phố tại Hàn Quốc đều có ít nhất một cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, một điều mà các bạn trẻ ngày nay có thể thấy xa lạ. Ở Bắc Triều Tiên, sửa chữa đồ điện tử cũng là một trong những nghề phổ biến.

 

Cho đến giữa những năm 1990, một tổ dân phố ở Bắc Triều Tiên bao gồm khoảng 40 hộ gia đình. Vào thời điểm đó, cả tổ dân phố chỉ có khoảng ba thiết bị điện tử, bao gồm một chiếc quạt điện và một chiếc TV. Kể từ khi nước này bắt đầu thương mại hóa vào giữa và cuối những năm 1990, ngày càng có nhiều hộ gia đình mua hàng điện tử. Một số gia đình ở Bình Nhưỡng còn có máy giặt và điện thoại di động. Trước đây, sản phẩm điện tử còn ít nên thường được sửa chữa tại các cửa hàng sửa chữa của Nhà nước. Tuy nhiên ngày nay, nhiều người có thiết bị điện tử hơn trong khi số lượng thợ sửa chữa lại ít ỏi. Tại Hàn Quốc, người dân thường mua luôn thiết bị điện tử mới, chẳng hạn nhiều người Hàn sẽ thay điện thoại hai năm một lần. Ngược lại, vì hàng điện tử khá đắt đỏ, người dân miền Bắc thường sử dụng trong một thời gian dài và sửa đi sửa lại nhiều lần. Vì vậy, thợ sửa chữa đồ điện tử là một trong những công việc được ưa chuộng nhất tại nước này.

 

Tháng 5/2001, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã đưa tin về ba nghề nghiệp mới là kỹ sư điều khiển và vận hành máy tính, nhân viên đánh máy và người viết chương trình máy tính, tương đương với lập trình viên. Bài báo nhấn mạnh rằng miền Bắc cam kết xây dựng một nền kinh tế định hướng thông tin, thể hiện qua việc đưa máy tính vào từng khu vực kinh tế, dẫn đến việc tạo ra các công việc liên quan đến máy tính. Bài báo cũng cho biết số lượng người lao động tham gia lao động trí óc, bao gồm cả công việc liên quan đến máy tính, đang tăng lên nhanh chóng. Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã nhấn mạnh đến việc toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, cùng với xu hướng ưa chuộng các công việc liên quan đến lĩnh vực này.

 

Cho đến đầu những năm 2000, các chuyên ngành liên quan đến máy tính không được các sinh viên đại học ưa chuộng nhiều. Tuy nhiên hiện tại, các trường đại học liên quan đến máy tính rất được ưa chuộng. Đó là bởi vì những người học chuyên ngành khoa học máy tính có thể làm lập trình viên, phát triển ứng dụng và tạo trang web. Họ được trả lương cao và có cơ hội làm việc ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, để kiếm ngoại tệ. Vì vậy, đây là chuyên ngành mà nhiều người muốn học. Đặc biệt, chuyên ngành này cũng rất hữu ích trong quân sự cũng như khoa học kỹ thuật. Có thể nói nghề nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin là một loại hình công việc mới được yêu thích nhất tại miền Bắc hiện nay.

 

Khi nhắc đến nghề nghiệp được ưa chuộng tại Bắc Triều Tiên, không thể không kể đến công việc phục vụ đồ ăn và biểu diễn trên sân khấu tại các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng. Trở thành “nhân viên phục vụ” tại những nơi này là một trong những công việc phổ biến nhất đối với phụ nữ trẻ tại Bắc Triều Tiên. Họ có thể trải nghiệm cuộc sống nước ngoài và nhận được tiền boa cao gấp hai đến ba lần lương tháng. Họ không chỉ là những người làm dịch vụ mà còn là những nhân lực chuyên môn thuộc các cơ quan Nhà nước, chẳng hạn như Tổng cục dịch vụ đối ngoại và Ủy ban dịch vụ nhân dân. Bên cạnh đó, khách du lịch nước ngoài không thể không đến thăm đài tưởng niệm và di tích lịch sử, chẳng hạn như khu vực Mangyongdae (Bình Nhưỡng), nơi sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Những địa điểm này là nơi làm việc của các thuyết minh viên lịch sử. Đây cũng là một trong những công việc được ưa chuộng ở Bắc Triều Tiên.

 

Thuyết minh viên không phải là công việc ai cũng làm được. Nhân viên phục vụ và hướng dẫn viên không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học nhưng những thuyết minh viên lịch sử bắt buộc phải tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử cách mạng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Họ phải nhớ rõ mọi thứ về các cố lãnh đạo như một thước phim trong đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có bằng đại học nghiên cứu về lĩnh vực này đều có thể trở thành một thuyết minh viên. Các thuyết minh viên lịch sử còn phải có ngoại hình ưa nhìn và ăn nói tốt, cùng khả năng thuyết phục người khác. Những thuyết minh viên làm việc tại núi Baekdu (Bạch Đầu) sẽ khoác trên người bộ đồng phục của các chiến sĩ du kích chống Nhật Bản và giải thích về di tích mật doanh Baekdu. Những đặc quyền đáng ghen tị này là lý do khiến đây là một nghề rất được ưa chuộng tại miền Bắc.

 

Gần đây, những người được phép làm việc ở nước ngoài hoặc những công việc trả lương bằng ngoại tệ đang ngày càng được yêu thích tại Bắc Triều Tiên. Theo một người tị nạn Bắc Triều Tiên, người lao động miền Bắc làm việc tại nước ngoài có thể nhận được mức lương tháng tối thiểu là 150 USD, trong khi mức lương trung bình trong nước chỉ là 4.000 won Bắc Triều Tiên (0,5 USD). Tuy điều kiện sống và làm việc có thể nghèo nàn, nhưng người lao động vẫn cố gắng chịu đựng khoảng ba năm để tích góp một số tiền lớn trở về quê hương.

 

Người lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài không được tự do ra ngoài và phải sống trong ký túc xá nhồi nhét mấy chục người. Môi trường sống nói chung vô cùng nghèo nàn. Họ chỉ được cấp một phần thu nhập kiếm được và nộp số tiền còn lại cho Nhà nước, gây ra vấn đề lớn về nhân quyền. Tuy nhiên, nhiều người dân miền Bắc vẫn hy vọng được làm việc ở nước ngoài vì họ không thể kiếm được nhiều tiền ở quê nhà, trừ khi họ kiếm thêm thu nhập thông qua các hoạt động thị trường nhưng điều này không hề dễ dàng. Nếu được ra nước ngoài, họ có thể nhanh chóng kiếm được hàng trăm USD và cũng có thể kiếm thêm tiền bằng cách bí mật làm các công việc phụ. Vì vậy, mức độ cạnh tranh để ra nước ngoài là rất cao. Những người không có quan hệ rất khó để được ra nước ngoài. Giờ đây, lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài đã phải hồi hương do các lệnh trừng phạt quốc tế, với một số lượng nhỏ người lao động còn lại ở một số quốc gia, trong đó có Nga. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, phần lớn lao động đã quay trở lại miền Bắc.

 

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật và thay đổi của xã hội, một công việc có thể xuất hiện hoặc biến mất. Ở Bắc Triều Tiên, những công việc được trả bằng ngoại tệ và có thêm thu nhập phụ, ổn định đang ngày càng được ưa chuộng. Xu hướng này phần nào phản ánh sự thay đổi xã hội ở miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập