Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Các trò chơi điện tử tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-03-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

“Phá sao”, “Cuộc chiến xe tăng”, “Cô gái nhanh nhẹn”, “Kinh doanh nhà trọ” và “Bắn súng cao su” có lẽ là những cái tên xa lạ với nhiều người. Đây là tên của một số trò chơi điện tử phổ biến ở Bắc Triều Tiên. Tại miền Bắc, người dân cũng chơi điện tử để giết thời gian khi đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Cũng có những người chơi điện tử đến thâu đêm. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các trò chơi điện tử của Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất, cũng là tác giả cuốn sách “Sự hội tụ văn hóa trong các trò chơi điện tử của Bắc Triều Tiên”.

 

Khi nhắc đến ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Bắc Triều Tiên, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến “tin tặc” (hacker). Trên thực tế, người dân miền Bắc cũng xem phim truyền hình, phim điện ảnh cũng như chơi trò chơi trên máy tính hoặc điện thoại di động.

 

Sau giờ học, thanh thiếu niên Bắc Triều Tiên tụ tập tại nhà của một người bạn nào có điện để chơi điện tử trên máy tính. Có thể thấy họ cũng có nền văn hóa cùng thời đại với thế giới. Miền Bắc tổ chức các lễ hội khiêu vũ hoặc sự kiện thể thao tại các quảng trường vào các ngày kỷ niệm quốc gia. Được tổ chức trong không gian mở, những sự kiện dành cho quần chúng này đại diện cho văn hóa xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, khi chơi điện tử, một người có thể trải nghiệm thế giới riêng bằng cách truy cập vào không gian ảo, riêng tư tại nhà. Trải nghiệm mang tính cá nhân này hoàn toàn trái ngược với văn hóa xã hội chủ nghĩa coi trọng tập thể.

 

Không rõ chính xác từ khi nào người dân Bắc Triều Tiên bắt đầu thích chơi game. Các chuyên gia cho rằng trò chơi điện tử bắt đầu phổ biến tại nước này vào khoảng những năm 1990, khi máy chơi điện tử cầm tay du nhập vào miền Bắc qua biên giới Trung-Triều. Vào thời điểm đó, người dân Bắc Triều Tiên có thể kết nối máy chơi game Nhật Bản với tivi để chơi trò chơi, chủ yếu là trò “Super Mario”.

 

“Super Mario” là một trong những trò chơi phổ biến nhất ở Bắc Triều Tiên, bên cạnh trò “Xe tăng”. Một gói trò chơi chứa hàng chục trò điện tử khác nhau, do đó, chỉ cần mua một gói trò chơi là một người có thể mở phòng game để kiếm tiền. Số lượng người tị nạn miền Bắc cho biết họ đã chơi máy điện tử vào những năm 1990 cao hơn nhiều so với chúng tôi nghĩ. Có người tị nạn đã kinh doanh quán game bằng cách lắp đặt ba chiếc tivi và ba máy chơi game tại nhà. Có trường hợp trẻ em sẽ dùng tiền mừng tuổi ngày Tết để chơi điện tử cả ngày. Một số em khác ăn trộm gạo ở nhà đem ra chợ bán lấy tiền chơi game.

 

Chơi điện tử trên máy cầm tay là một loại trò chơi điện tử mà người chơi cần kết nối thiết bị chơi game với tivi hoặc màn hình. Các máy chơi game tiêu biểu có thể kể đến là Wii của Nintendo, Xbox của Microsoft và PlayStation của Sony. Bắc Triều Tiên cũng chế tạo ra máy chơi điện tử mang tên “Moranbong”. Vào năm 2019, trang tuyên truyền đối ngoại của miền Bắc là "Tiếng vọng" (Meari) đã đưa tin “Moranbong” cho phép người dùng vận động toàn bộ cơ thể cho các hoạt động thể chất khác nhau nên có thể giúp rèn luyện thể lực, giảm béo phì và kích thích tăng trưởng chiều cao. Điều này cho thấy máy trò chơi này đi kèm với một camera có thể nhận biết chuyển động và một tấm thảm thể thao.

 

Trò chơi điện tử thường được phân loại thành máy trò chơi cầm tay, máy game thùng, game trên máy tính và game trên điện thoại di động. Máy game thùng thường được cài đặt trong các cơ sở kinh doanh công cộng như quán trò chơi điện tử. Truyền thông Bắc Triều Tiên thường đưa tin về những người thích chơi game tại các quán trò chơi điện tử. Đặc biệt, Công viên giải trí nhân dân Rungra mở cửa tại Bình Nhưỡng vào năm 2013 cũng có một khu trò chơi điện tử vô cùng nổi tiếng.

 

Trong những năm đầu cầm quyền của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đã xây dựng nhiều cơ sở văn hóa và giải trí, bao gồm khu trò chơi điện tử tại Công viên giải trí nhân dân Rungra. Nơi đây có chủ yếu là các máy chơi game vận hành bằng đồng xu. Trò chơi thường kết thúc nhanh chóng khiến người dùng muốn tiếp tục chơi nhiều hơn. Tại khu giải trí này còn có các trò chơi sử dụng nút bấm, chẳng hạn như “Street Fighter” (Chiến binh đường phố) và “Tetris”(Xếp hình). Thậm chí có những trò có mô hình thuyền, ô tô và ngựa ở phía trước màn hình để người chơi cưỡi lên và di chuyển để chơi trò chơi. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, cho biết mỗi ngày có hàng nghìn người đến khu trò chơi điện tử này. Một số du khách trả lời phỏng vấn cho biết các trò chơi thú vị đến mức họ không thể rời mắt hay rời chỗ ngồi. Các du khách hoàn toàn đắm chìm trong các trò chơi, một cảnh rất hiếm và khó tìm thấy trong văn hóa đại chúng của miền Bắc.

 

Các trò chơi điện tử trên máy tính là các trò chơi sử dụng DVD hoặc đĩa CD trên máy tính cá nhân. Vào những năm 1990, Bắc Triều Tiên đã phát triển đồng thời công nghệ phần mềm và trò chơi kết hợp trí tuệ nhân tạo. Năm 2009, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đưa tin chương trình cờ vây trên máy tính mang tên “Cờ vây KCC” của Bắc Triều Tiên đã giành giải nhất trong Cuộc thi cờ vây trên máy tính lần thứ ba được tổ chức tại Nhật Bản. Được phát triển bởi Trung tâm máy tính Bắc Triều Tiên, chương trình phần mềm có tên “Cờ vây Eunbyul” là một chương trình nổi bật trong các cuộc thi quốc tế từ cuối những năm 1990.

 

Ở Hàn Quốc phổ biến các trò chơi điện tử trực tuyến có số lượng lớn người chơi ẩn danh tự sáng tạo câu chuyện của bản thân và liên tục nâng cấp trong thế giới trò chơi. Nhưng rất khó để phát triển một văn hóa môi trường trực tuyến như vậy tại Bắc Triều Tiên. Thay vào đó, miền Bắc lại có năng lực trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo. Năm 1997, nước này đã phát triển chương trình trí tuệ nhân tạo cho cờ vây có tên là “Cờ vây Eunbyul” tại Trung tâm thông tin Samilpo thuộc Trung tâm máy tính Bắc Triều Tiên. Chương trình kể từ đó đã được biết đến rộng rãi nhờ đạt thành tích tốt tại các cuộc thi quốc tế. Trung tâm thông tin Samilpo có các nhóm riêng biệt chuyên nghiên cứu các chương trình phần mềm cho cờ vây, cờ tướng và mạt chược. Các nhân tài từ các trường danh tiếng như Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành và Đại học công nghệ Kim Chaek, cũng như các chuyên gia cờ vây đã tham gia phát triển phần mềm “Cờ vây Eunbyul” và tạo ra một trò chơi thú vị.

 

Tháng 1/2013, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin nước này đã tự phát triển máy tính bảng bằng công nghệ độc quyền. KCTV cho biết các nhà khoa học và nhà nghiên cứu máy tính Bắc Triều Tiên đã phát triển một loại máy tính bảng mới với khả năng trao đổi thông tin được cải thiện. Các sản phẩm liên quan đến ngành công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng, được cho là đang phát triển nhanh chóng tại miền Bắc trong những năm gần đây. Do ngày càng có nhiều người dân nước này sử dụng máy tính, các trò chơi máy tính nước ngoài đã được lưu hành không chính thức trên toàn quốc.

 

Hầu hết các trò chơi điện tử lưu hành tại Bắc Triều Tiên đều có nguồn gốc từ Mỹ và Hàn Quốc. Tuy miền Bắc có thể tự sản xuất các trò chơi trên máy tính về các loại cờ truyền thống như cờ vây hay cờ tướng, giới trẻ nước này lại mê mẩn những trò chơi điện tử lậu của nước ngoài. Trò chơi theo dạng tương tác sẽ thú vị hơn nhiều những trò chơi theo dạng một người. Người dân còn chơi theo nhóm bằng cách tập hợp bạn bè rồi kết nối máy tính qua dây cáp để tạo thành một cộng đồng trực tuyến nhỏ. Các trò chơi điện tử nổi tiếng thế giới tuy được du nhập vào miền Bắc muộn hơn nhưng cũng có độ phổ biến tương tự.

 

“Phòng PC” (PC bang) là một thuật ngữ nổi tiếng khắp thế giới của Hàn Quốc để chỉ các địa điểm trang bị những máy tính và các thiết bị chơi game tối tân nhất, tương đương với các tiệm game hay quán net. Khi nhắc đến Hàn Quốc, người nước ngoài sẽ nghĩ đến phòng PC, thiên đường cho các game thủ, cùng với K-pop, đại diện là nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS) và Blackpink. Ngày nay, các phòng PC đã chuyển mình từ một quán net trực tuyến thành một không gian văn hóa kết hợp đồng thời giữa nhà hàng và quán cà phê. Có thông tin Bắc Triều Tiên cũng có các phòng PC. Vào đầu những năm 2000, miền Bắc đã cho phép các phòng PC hoạt động để người dân địa phương có thể sử dụng máy tính. Tuy nhiên sau đó, các cơ sở này đã bị cấm vì người dân chỉ sử dụng để giải trí, khác với mục đích ban đầu.

 

Sau khi phòng PC bị cấm, có trường hợp người dân Bắc Triều Tiên thuê một góc tòa nhà công cộng hoặc xí nghiệp nơi có điện ổn định để họ kinh doanh phòng PC trái phép. Một số tổ chức công như phòng máy tính hoặc thư viện điện tử sử dụng cơ sở vật chất để làm phòng PC trái phép vào ban đêm. Trong số những người tị nạn từ miền Bắc mà tôi từng phỏng vấn, có một người từng điều hành một phòng PC. Một số người trẻ tuổi khác đào tẩu trước năm 2020 cũng cho biết đã từng sử dụng phòng PC. Các cơ sở này chỉ có ở các thành phố lớn như Bình Nhưỡng, Chongjin (tỉnh Bắc Hamgyong), Wonsan (tỉnh Gangwon), Rason và Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan). Vì vậy, sử dụng phòng PC là một trải nghiệm rất đặc biệt tại miền Bắc. Vì phòng PC là bất hợp pháp nên phải là thành viên mới có thể sử dụng. Do đó, ngay cả những người ở độ tuổi 20, 30 ở thành phố lớn cũng có thể chưa biết về phòng PC. Trải nghiệm của mỗi người là vô cùng khác biệt.

 

Esports (thể thao điện tử) là cuộc thi đấu các trò chơi điện tử trực tuyến. Thể thao điện tử đã được đưa vào thi đấu thử nghiệm tại Đại hội thể thao châu Á 2018 ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Hàn Quốc đã thi đấu với Trung Quốc tại vòng chung kết trong một nội dung thể thao điện tử tại sự kiện này. Thể thao điện tử sẽ trở thành một nội dung tranh huy chương chính thức tại Đại hội thể thao châu Á 2023 khai mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 năm nay. Hàn Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng để lựa chọn thành viên cho đội tuyển quốc gia.

 

Ngày nay, các game thủ chuyên nghiệp cũng đạt được độ nổi tiếng vô cùng lớn. Theo Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc, mức lương hàng năm dành cho các game thủ chuyên nghiệp khá cao và game thủ chuyên nghiệp cũng là một trong những công việc mơ ước hàng đầu được sinh viên lựa chọn. Bắc Triều Tiên không có esports hay game thủ chuyên nghiệp nhưng vẫn có các ngôi sao thi đấu game.

 

Chẳng hạn, một game thủ Bắc Triều Tiên nổi tiếng sử dụng “Athens” làm tên tài khoản game thì video chơi game của người này sẽ được tạo với tiêu đề “Athens tham chiến”. Các video chơi game sẽ được thu lại và lưu truyền qua USB. Quá trình lưu truyền từ Bình Nhưỡng đến các địa phương phải mất vài tháng. Bằng cách này, một game thủ giỏi có thể trở nên nổi tiếng trên toàn quốc. Theo kết quả phỏng vấn những người tị nạn miền Bắc mà tôi từng thực hiện, những người điều hành phòng PC ở các khu vực đã tổ chức một cuộc thi chơi game vào năm 2007.  Tiền thưởng được các ông chủ phòng PC từ thành phố Bình Nhưỡng và Wonsan tài trợ. Người được phỏng vấn thuộc đội Bình Nhưỡng vào thời điểm đó đã tới Wonsan để thi đấu. Ngoài ra, từng có trường hợp thư viện điện tử và phòng máy tính được trang bị modem hỗ trợ truy cập mạng tốc độ cao ở tỉnh Bắc Hamgyong đã truy cập mạng Nhà nước để chơi trò chơi với những người ở các vùng khác nhau như thành phố Sinuiju, Bình Nhưỡng và Rason. Cũng có trường hợp người chơi tự lập đội để thi đấu.

 

Cùng với việc trò chơi điện tử ngày càng phổ biến ở Bắc Triều Tiên, những người nghiện chơi điện tử cũng đã xuất hiện, đồng thời ngành kinh doanh trò chơi cũng đang phát triển. Hy vọng một ngày không xa, chúng ta có thể chứng kiến những game thủ xuất sắc ở cả hai miền Nam-Bắc thành lập đội tuyển chung để thi đấu trên khắp bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập