Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Kim Sung-nyo, Đạo diễn nghệ thuật Đoàn kịch hát quốc gia Hàn Quốc

2016-12-27

Ngày xửa ngày xưa, có một anh nông dân nghèo tên là Heungbo, vừa hiền lành lại vừa chất phác. Một hôm, Heungbo bắt gặp một chú chim én bị gãy chân và tận tình cứu chữa cho chim én. Để trả ơn cứu mạng, chim én sau đó quay trở lại, mang tới cho Heungbo một hạt bầu. Heungbo đem hạt bầu gieo xuống đất, và chẳng bao lâu sau, giàn bầu đơm hoa kết trái. Khi dùng cưa để bổ đôi quả bầu lớn, Heungbo bỗng thấy tiền bạc, thóc lúa từ trong quả bầu tuôn ra đầy nhà.
Đó là một cảnh trong vở diễn nghệ thuật ngoài sân Madang nori “Nolbo đến”, được ra mắt khán giả tại Nhà hát quốc gia, phường Jangchung, quận Jung, Seoul, vào ngày 8/12 vừa qua.

Vở diễn được dàn dựng dựa theo Truyện “Anh em nhà Heungbo”, một tiểu thuyết cổ của Hàn Quốc về chân lý “lấy thiện diệt ác”, thông qua hai tuyến nhân vật tương phản là người anh Nolbo với đủ thói tham lam, xảo quyệt, ích kỷ, và người em Heungbo, trái lại, nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của người anh, yêu thương gia đình hết mực và luôn hướng thiện. Xen kẽ thêm những nội dung về các vấn nạn của xã hội ngày nay, vở diễn “Nolbo đến” đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả. Một số khán giả chia sẻ: “Vở diễn rất thú vị. Các yếu tố trào phúng được đan xen khéo léo, giúp khán giả có những trận cười sảng khoái. Diễn xuất cũng tuyệt vời, ngoài sự mong đợi của tôi.” “Vở diễn lồng ghép những nội dung châm biếm nền chính trị, cùng một số nội dung tạo được sự đồng cảm của thế hệ trẻ. Khán giả có cảm giác như được sống trong không gian của vở diễn, cùng vui, buồn với các nhân vật.” “Vở diễn được thực hiện trên nền giai điệu truyền thống khiến tôi có cảm giác thân quen và gần gũi. Những yếu tố hài hước, châm biếm đã tạo nên sức hấp dẫn cho vở diễn này.”



Madang nori – nét độc đáo của kịch nghệ Hàn Quốc
Nghệ thuật biểu diễn ngoài sân Madang nori là loại hình kịch sáng tạo dựa trên ý tưởng kịch truyền thống, được ra đời vào năm 1981. Madang nori được đoàn kịch Michoo lần đầu tiên giới thiệu trên sân khấu, và đã khép màn vào năm 2010 sau 30 năm biểu diễn. Loại hình nghệ thuật này những tưởng sẽ bị chìm vào quên lãng, đã sống lại vào năm 2014, tiếp tục mang đến cho khán giả những sân khấu đầy màu sắc dưới sự thể hiện của Đoàn kịch hát quốc gia.

Vở “Nolbo đến” là tác phẩm thứ ba, tiếp nối thành công của hai tác phẩm “Nàng Simcheong đến” năm 2014 và “Nàng Xuân Hương đến” năm 2015, với tỷ lệ khán giả trung bình đạt 94% và tổng số người xem lên tới hơn 86.000 người, đã trở thành vở diễn tiêu biểu cuối năm trong số các vở diễn nghệ thuật ngoài sân. Chứng kiến hàng ghế khán giả luôn chật kín người xem, đạo diễn nghệ thuật Kim Sung-nyo của Đoàn kịch hát quốc gia không khỏi xúc động, bởi nghệ thuật biểu diễn ngoài sân, loại hình nghệ thuật mà bà đã cống hiến 30 năm tuổi thanh xuân, vẫn duy trì mạch sống cho đến ngày hôm nay. Đạo diễn Kim Sung-nyo chia sẻ: “Nghệ thuật biểu diễn ngoài sân cần được thế hệ trẻ tiếp nối và phát triển về lâu dài sau này. Đây là loại nhạc kịch truyền thống thuần túy, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa phương Tây, cần được thay đổi phù hợp với thời đại để có thể tồn tại bền lâu. Mỗi lần bài hát “Khách đến ngày hôm nay” vang lên là nước mắt tôi lại rơi. Với tôi, đó là bài hát bất hủ cùng năm tháng.”

“Khách đến ngày hôm nay”, bài ca mở màn cho mọi vở diễn Madang nori, được bà Kim Sung-nyo, nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật biểu diễn ngoài sân, coi là ca khúc bất hủ. Khác với kịch hát Changgeuk (Xướng kịch), loại hình nghệ thuật kết hợp yếu tố diễn xuất trong lối hát kể truyện Pansori, Madang nori là thể loại kịch truyền thống được biểu diễn trên một sân khấu lớn kết hợp với các loại hình nghệ thuật truyền thống như múa mặt nạ, ca hát, trò chơi dân gian đường phố, đu dây, kể chuyện hài hước,...Đạo diễn nghệ thuật Kim Sung-nyo, với xuất thân là một diễn viên, đã có những đóng góp to lớn trong việc sáng tạo, bảo vệ và phát triển loại hình nghệ thuật Madang nori của Hàn Quốc.

Gắn bó với kịch từ trong nôi
Bà Kim Sung-nyo có mẹ là Park Ok-jin, một nghệ sĩ gạo cội của thể loại kịch truyền thống dành cho nữ Gukgeuk (Quốc kịch), và bố là Kim Hyang, một nhà biên kịch kiêm đạo diễn. Ngay từ khi lọt lòng, giỏ đựng trang phục diễn viên là cái nôi đưa bà Kim Sung-nyo vào giấc ngủ, và nhà hát kịch trở thành nhà và khu vui chơi chủ yếu của bà. Ra mắt khán giả trong vai trò diễn viên từ năm năm tuổi, đến năm 1976, bà Kim Sung-nyo trở thành diễn viên chính thức của đoàn kịch Minye. Tại đây, bà gặp được người tình trăm năm của mình là đạo diễn Son Jin-chaek. Cùng chia sẻ quyết tâm khôi phục lại thể loại kịch truyền thống, năm 1981, hai con người tài năng ấy đã cho ra đời loại hình nghệ thuật mới mang tên “Madang nori”. Đạo diễn Kim Sung-nyo cho biết: “Chúng tôi đã gửi kịch bản vở nhạc kịch theo phong cách Hàn Quốc có tên là Truyện Heosaeng (Thư sinh họ Heo) cho một cuộc thi được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm thành lập một đài truyền hình. Kịch bản của chúng tôi đã được chọn. Kịch Hàn Quốc có nguồn gốc xuất phát từ các loại hình biểu diễn truyền thống như múa mặt nạ, hát kể truyện, lên đồng, …và Madang nori có thể coi là thể loại mang đậm nét truyền thống Hàn Quốc với sự kết hợp của tất cả các loại hình trên.”

“Madang” (sân) là khoảng không gian giữa nhà, nơi mọi người cùng tập trung để hàn huyên, tâm sự. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Madang nori với sân khấu được bố trí ngay chính giữa nhà hát cũng đóng vai trò là sân chơi giao lưu giữa nghệ sĩ và khán giả. Mang đến khái niệm mới cho kịch truyền thống, Madang nori đã và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Rất đông khán giả xếp thành hàng dài đợi sẵn ngoài cửa nhà hát từ rất lâu trước khi vở diễn bắt đầu. Bà Kim Sung-nyo kể lại: “Vở diễn đầu tiên có tên gọi Truyện Heosaeng (Thư sinh họ Heo) được tổ chức vào ngày 2/12. Mặc dù lúc ấy tuyết đang rơi và trời rất lạnh, khán giả đã đến rất đông và thể hiện sự hứng thú rất lớn với vở diễn. Phản ứng của khán giả rất tốt khiến chúng tôi quyết định tổ chức biểu diễn hàng năm. Vì thiếu chỗ ngồi nên chúng tôi đặt thêm đệm rơm trên sàn nhà hát. Rất nhiều khán giả đã đến trước một tiếng để được ngồi đệm rơm vì những chỗ ngồi này ngay sát sân khấu.”

Madang nori đã phá vỡ quan niệm cho rằng nghệ thuật truyền thống là thể loại nhàm chán. Sau thành công của vở kịch “Truyện Heosaeng” (Thư sinh họ Heo), đoàn kịch Michoo tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm mới chuyển thể từ các tích truyện cổ như “Truyện rùa Byeoljubu”, “Truyện Nolbo”, “Truyện Lý Xuân Phong”. Trong suốt 30 năm, tính đến năm 2010, Madang nori đã thu hút 2,5 triệu khán giả, một con số ngoài mong đợi. Tích cực giao lưu với khán giả là một trong những bí quyết làm nên thành công này của Madang nori.

Giao lưu với khán giả, bí quyết thành công của Madang nori

Sân khấu Madang nori với vở diễn “Nolbo đến” lần này tái hiện phiên tòa xét xử Nolbo, phản ánh ý kiến và nguyện vọng của khán giả. Phán quyết của khán giả sẽ là mức hình phạt của Nolbo.

Trò chuyện, giao lưu cùng khán giả là một trong những phần trọng tâm của Madang nori, được đạo diễn Kim Sung-nyo tận dụng tối đa. Với kinh nghiệm diễn xuất lâu năm, khả năng ứng biến tài tình trên sân khấu, hóa thân từ người phụ nữ hiền dịu đến vai nam mạnh mẽ, sự chỉ đạo của đạo diễn Kim Sung-nyo được các nghệ sĩ tuyệt đối tuân thủ. Kim Hak-young, diễn viên đảm nhận vai Nolbo, cho biết: “Sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Kim xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của chính cô đã giúp chúng tôi lĩnh hội được nhiều kiến thức quý giá. Cô đã bỏ ra rất nhiều công sức cho vở diễn “Nolbo đến” lần này, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc. Màn giao lưu với khán giả cũng được lồng ghép một cách rất tự nhiên. Chúng tôi vẫn còn phải học hỏi rất nhiều để có thể theo kịp trình độ của cô. Cá nhân tôi đặc biệt ngưỡng mộ giọng hát đầy xúc cảm của cô Kim. Bất kể là kịch hiện đại hay truyền thống, mọi vở diễn đều được cô Kim Sung-nyo xử lý rất tài tình. Tôi muốn được học hỏi rất nhiều điều từ cô.”

Thành công đến từ những thử nghiệm táo bạo
Đạo diễn Kim Sung-nyo đang nỗ lực phát huy tối đa kinh nghiệm trong suốt 30 năm gắn bó với nghệ thuật biểu diễn Madang nori vì sự phát triển của Đoàn kịch hát quốc gia, kể từ khi bà được bổ nhiệm làm Đạo diễn nghệ thuật vào bốn năm trước. Với sự sáng tạo đột phá của bà, truyện cổ “Nàng Janghwa và Hongryeon” đã biến thành vở nhạc kịch kinh dị, các yếu tố của thần thoại phương Tây được kết hợp tài tình với lối hát kể truyện Pansori truyền thống tạo nên loại hình xướng kịch đầy mới mẻ, tiêu biểu như tác phẩm “Các cô gái thành Troy”, khắc họa vết thương do chiến tranh thành Troy để lại, hay “Truyện Orfeo” phóng tác từ vở opera “Orpheus”. Đặc biệt, bà đã có những thử nghiệm táo bạo khi giao các tác phẩm truyện cổ Hàn Quốc cho đạo diễn nước ngoài, và tác phẩm nước ngoài cho đạo diễn Hàn Quốc đảm trách. Đạo diễn Kim Sung-nyo nói: Tôi nghĩ kịch hát Changgeuk (Xướng kịch) cần được phát triển hơn nữa. Tôi muốn biết Xướng kịch được thể hiện như thế nào dưới góc nhìn của các đạo diễn nước ngoài nổi tiếng, và các đạo diễn Hàn Quốc xử lý các tác phẩm nước ngoài ra sao. Thật may là không có ai từ chối đề xuất hợp tác của tôi và cho biết họ cũng rất mong chờ những thử nghiệm mới mẻ này.”

Tỷ suất người xem là sự đánh giá khách quan nhất cho những thử nghiệm đột phá của Đoàn kịch hát quốc gia. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Đạo diễn nghệ thuật, bà Kim Sung-nyo đã viết nên trang sử mới cho đoàn kịch khi số lượng khán giả luôn chiếm hơn 75% tổng số ghế trong nhà hát. Không chỉ thế, trong tháng 4 năm nay, buổi công diễn đầu tiên tại châu Âu của vở kịch hát “Bà Ongnyeo cùng đốt chấm Byeon Gang-soe” (Madame Ong) đã gặt hái được thành công vang dội tại Nhà hát Théâtre de la Ville, Pháp, dù đây là lần đầu tiên Đoàn kịch hát quốc gia “mang chuông đi đánh xứ người”. Bà Kim Sung-nyo cho biết: “Đây là lần đầu tiên đoàn kịch hát nhận được hỗ trợ kinh phí biểu diễn và ăn ở cho chuyến lưu diễn nước ngoài. Nhà hát Théâtre de la Ville là nơi tất cả các nghệ sĩ hàng đầu thế giới chú ý đến, và đây cũng là nhà hát đầu tiên chúng tôi biểu diễn tại nước ngoài. Trước hàng trăm khán giả là người nước ngoài, tôi tò mò không biết họ sẽ phản ứng như thế nào với tác phẩm của chúng tôi. Chỉ năm phút sau khi sân khấu mở màn, những tiếng cười bắt đầu vang lên từ hàng ghế khán giả khiến tôi thực sự cảm động. Họ dành những tràng pháo tay nồng nhiệt khi vở diễn kết thúc, khiến tôi ngỡ như mình đang được trao huy chương vàng vậy.”

Các thành viên đoàn kịch càng thêm tự hào khi những thay đổi tích cực đầy sáng tạo của họ được đông đảo công chúng đón nhận. Diễn viên Kim Hak-young và Jo Yoo-ah chia sẻ: “Cả đoàn kịch và khán giả như được trở lại tuổi thanh xuân sôi nổi, chứng tỏ những thử nghiệm của cô Kim Sung-nyo đã mang lại những hiệu quả tích cực. Khác với loại hình nghệ thuật truyền thống, Changgeuk được hồi xuân khi kết hợp với nhạc cụ hiện đại như piano.” “Cô Kim Sung-nyo đã mang đến những thay đổi mới cho đoàn kịch, điều mà không phải ai cũng làm được. Cô Kim là một tấm gương sáng cho thế hệ chúng tôi noi theo.”

Không ngừng trau dồi diễn xuất, sẵn sàng cho đường đua lớn
Một trong những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của bà Kim Sung-nyo là “Ông tiên trong bức tường”, vở nhạc kịch một vai được công diễn suốt 10 năm qua. Vở kịch “Ông tiên trong bức tường” là câu chuyện kể về một người cha trong gia đình, sau khi chiến tranh Triều Tiên năm 1950 kết thúc, đã bị cáo buộc là tội phạm chính trị và phải sống trong bức tường tăm tối. Cùng một lúc đảm nhận 32 vai diễn trong vở kịch, diễn viên Kim Sung-nyo đã được khen ngợi hết lời với diễn xuất của mình. Bà tâm sự: “32 vai diễn trong vở kịch “Ông tiên trong bức tường” không phải là gánh nặng quá lớn đối với tôi nhờ sự rèn luyện trong quá trình nhập vai từ nhân vật này sang nhân vật kia ngay trên sân khấu Madang nori. Tôi vô cùng vinh dự khi nhận được những khen ngợi rằng “như có 32 diễn viên thực sự đảm nhận 32 vai của vở kịch”, hay những lời khen tôi là sự hiện diện của cuốn cẩm nang diễn xuất. “Ông tiên trong bức tường” là tác phẩm giúp tôi chứng tỏ khả năng của mình, và một lần nữa cho khán giả biết đến sự tồn tại của diễn viên Kim Sung-nyo. Tôi thử sức với kịch sau một thời gian dài cống hiến cho Madang nori và thật may mắn khi được biết đến và thử sức với tác phẩm “Ông tiên trong bức tường”.”

Kim Sung-nyo, người nghệ sĩ cống hiến thầm lặng phía sau sân khấu Madang nori, diễn viên với khả năng biến hóa diễn xuất tài tình, đã giành được những giải thưởng danh giá của làng kịch nghệ Hàn Quốc như giải nghệ thuật Baeksang, giải nữ diễn viên chính nhạc kịch xuất sắc nhất. Những thành tích của bà khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, nhưng ít ai biết rằng thành công đến với bà khi đã ở tuổi xế chiều.
Kim Sung-nyo lần đầu đảm nhận vai chính ở độ tuổi 35, thể hiện tác phẩm “Ông tiên trong bức tường” khi đã 50 tuổi, và trở thành Đạo diễn nghệ thuật của Đoàn kịch hát quốc gia ở tuổi 60. Thành công của bà không phải đến một sớm, một chiều, và chính vì thế, bà luôn dặn dò các thế hệ sau không bao giờ được nản lòng, vì thành công sẽ đến cùng với những nỗ lực, không sớm thì muộn. Bà chia sẻ: “Được công nhận tài năng là điều may mắn đối với tôi và cũng là động lực cho những nghệ sĩ khác. Đừng mải chạy trên đường đua ngắn, mà cần phải chuẩn bị cho những bước nhảy trong cuộc đua dài hơi. Giải thưởng hay những lời khen ngợi không quan trọng, quan trọng là bản thân không sợ hãi trước bất cứ trở ngại gì.”

Mải miết chạy trên đường đua dài, bà Kim Sung-nyo nay đã 66 tuổi. Khi đã ở ngưỡng tuổi 70, bà vẫn không sợ hãi trước bất cứ điều gì, và nếu được ước nguyện cho tương lai, bà ước sẽ mãi là diễn viên được mọi người nhớ đến, dù chỉ đứng ở một góc nhỏ trên sân khấu.

Lựa chọn của ban biên tập