Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Heo Yoon-jeong, nữ nghệ sĩ tài năng mang âm thanh Geomungo ra thế giới

2017-01-03

Người nghệ sĩ cầm một thanh tre Suldae bằng tay phải, lướt trên đàn tranh Geomungo. Sáu dây của đàn tranh Geomungo rung lên, phát ra âm thanh mạnh mẽ giống như âm thanh của nhạc cụ gõ nào đó.

Tại không gian âm nhạc Stradeum nằm trên phường Itaewon, Seoul, ban nhạc Black String đã đưa khán giả đắm chìm vào những giai điệu huyền bí, kết hợp thanh âm trầm bổng của đàn tranh sáu dây Geomungo và giai điệu sâu lắng của sáo trúc ngang Daegeum trong tiếng trống Buk vang vọng và những cung bậc tinh tế của đàn ghi-ta và nhạc cụ điện tử. Một số khán giả bày tỏ cảm nhận: “Tôi như lạc vào một không gian mới đầy lạ lẫm. Ban nhạc Black String có một phong cách âm nhạc hoàn toàn mới lạ, từ cách phối hợp biểu diễn đến phong cách sáng tác.” “Tôi được chứng kiến một sân khấu âm nhạc đầy ngẫu hứng và tràn trề sức sống. Tôi có thể nhìn rõ cả biểu cảm trên khuôn mặt của từng nghệ sĩ. Lần đầu tiên tôi thấy nhạc truyền thống biến tấu lại hay đến vậy.”

Black String là nhóm nhạc kết hợp biểu diễn nhạc cụ phương Đông và phương Tây, và trong số đó, đàn tranh sáu dây Geomungo để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn cả. Với mỗi tác phẩm, Geomungo mang đến những cảm xúc khác nhau, khi thì du dương trầm bổng, lúc lại dứt khoát, vang vọng như tiếng trống, khiến khán giả không khỏi thốt lên đầy thán phục. Một số khán giả khác cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự đa dạng trong âm thanh của đàn tranh sáu dây Geomungo, hoàn toàn đắm chìm trong những âm thanh dữ dội tại không gian biểu diễn. Thực sự rất tuyệt vời.” “Không chỉ đơn thuần là gảy đàn, nhóm Black String còn thể hiện được những sắc âm đa dạng của đàn tranh Geomungo. Họ đã thoát khỏi lối biểu diễn cũ và có nhiều thử nghiệm đa dạng.”



Nghệ sĩ Heo Yoon-jeong, thành viên của nhóm nhạc Black String đã cho khán giả thấy sự biến hóa vô hạn của đàn tranh Geomungo. Chuyển hướng từ múa truyền thống sang chuyên ngành đàn tranh sáu dây Geomungo, nghệ sĩ Heo Yoon-jeong từng làm nhạc phó dàn nhạc truyền thống Hàn Quốc thành phố Seoul và hoạt động trong các dàn nhạc truyền thống biến tấu như Seulgidoong, Sangsang và dàn nhạc Tori. Năm 2007, chị được Quỹ Rockefeller, Mỹ, lựa chọn là nghệ sĩ thường trú và được nhận tài trợ hoạt động biểu diễn trong sáu tháng tại Mỹ, đồng thời được bình chọn là “nghệ sĩ của năm” tại lễ hội Yeourak, tên viết tắt của câu có nghĩa là “Âm nhạc của chúng ta”, vào năm 2015 dành cho các nghệ sĩ nhạc truyền thống. Nhóm nhạc Black String mà chị làm trưởng nhóm đã trở thành nhóm nhạc Gukak đầu tiên của Hàn Quốc hợp tác với hãng đĩa ACT nổi tiếng thế giới của Đức phát hành album mang tên “Mask Dance” năm 2016. Heo Yoon-jeong là nghệ sĩ sáng tạo đã mang âm thanh của chiếc đàn tranh sáu dây Geomungo vươn ra tầm thế giới. Lee Ah-ram, nghệ sĩ sáo trúc ngang Daegeum của nhóm Black String chia sẻ: “Đàn tranh sáu dây Geomungo là nhạc cụ rất khó để tạo ra giai điệu đúng theo ý đồ người biểu diễn vì độ lệch âm của các dây rất lớn. Trong âm nhạc, mỗi nghệ sĩ có một thế mạnh riêng, có người chỉ chuyên về dòng nhạc dân tộc, người chỉ theo đuổi dòng nhạc cung đình Jeongak (Chính nhạc), hay có người chỉ biểu diễn nhạc tự sáng tác. Ở Hàn Quốc, hiếm thấy một nghệ sĩ nào lại có thể chinh phục tất cả các thể loại âm nhạc, từ dòng nhạc jazz cho đến nhạc dân tộc, nhã nhạc như nghệ sĩ Heo Yoon-jeong. Thông thường, khi nói đến sự phối hợp các thể loại nhạc, nhiều nghệ sĩ trăn trở làm sao có thể biểu diễn âm nhạc phương Tây với nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, nghệ sĩ Heo Yoon-jeong lại kết hợp biểu diễn nhạc cụ Hàn Quốc truyền thống với nhạc cụ phương Tây hiện đại, hoặc thể hiện âm nhạc truyền thống với nhạc cụ phương Tây. Tôi cho đây là một sáng tạo độc đáo và khác biệt.”

Từ múa truyền thống tới nhạc dân tộc
Nghệ sĩ Heo Yoon-jeong gắn bó với nhạc truyền thống như một định mệnh. Bố của chị, nghệ sĩ Heo Gyu, xuất thân là đạo diễn phim và kịch, đồng thời là người sáng lập ra đoàn kịch Minye. Quá trình trưởng thành của Heo Yoon-jeong gắn liền với những buổi luyện tập múa mặt nạ, hát kể truyện Pansori, kịch búp bê hay biểu diễn lên đồng. “Nghệ thuật truyền thống” đã dẫn dắt chị Heo Yoon-jeong từ những bước đi chập chững đầu đời đến với múa truyền thống Hàn Quốc. Chị cho biết: “Ban đầu, bố tôi khuyến khích tôi học múa. Sau đó, vì thấy sức khỏe tôi không đảm bảo, ông đề xuất tôi chuyển sang học nhạc cụ truyền thống. Tôi cảm thấy thích thú khi nghĩ rằng tôi có thể trực tiếp biểu diễn những bản nhạc nền từng sử dụng khi học múa trước đây. Tôi đã quyết định nhập học trường nhạc thuộc Trường phổ thông Gukak quốc gia.”

Khi còn học cấp ba, Heo Yoon-jeong đã quyết định lựa chọn chơi đàn tranh sáu dây Geomungo. Chị chia sẻ: “Tôi là người không hay biểu lộ tình cảm và thích những âm thanh trầm, mạnh mẽ. Tôi thích đàn cello hơn đàn vi-ô-lông, thích đàn tranh sáu dây Geomungo hơn đàn tranh 12 dây Gayageum. Khi chơi đàn tranh Geomungo, người nghệ sĩ dùng tay phải cầm thanh tre Suldae và gảy dây đàn, tạo ra giai điệu âm thanh đa dạng. Giai điệu nhịp nhàng của đàn Geomungo quen thuộc với tôi ngay từ những ngày còn học múa.”

Khám phá nét đẹp tiềm ẩn của đàn tranh Geomungo
Giai điệu đàn tranh Geomungo lúc dứt khoát, mạnh mẽ nếu gảy bằng thanh tre, lúc lại trầm lắng khi được gảy bằng tay. Những thanh âm muôn màu ấy có sức hút lôi cuốn mạnh mẽ đối với nghệ sĩ Heo Yoon-jeong. Đặc biệt, trong thời gian tham gia đoàn biểu diễn Samulnori, nghệ thuật biểu diễn bằng bốn nhạc cụ gõ truyền thống, chị lại càng bị thu hút bởi sự kết hợp nhịp điệu hài hòa giữa đàn Geomungo và nhạc cụ gõ. Chị bày tỏ: “Trực tiếp biểu diễn nhạc cụ gõ giúp tôi nhận ra được ưu và nhược điểm của đàn tranh Geomungo, và từ đó khám phá ra được vô vàn những điều mới mẻ và thú vị. Tiếp xúc với nhạc cụ gõ cũng giúp tôi nhận thức rõ hơn về sự vĩ đại của âm nhạc truyền thống nước nhà. Biểu diễn nhạc cụ gõ mang đến cho tôi nhiều ý tưởng thú vị.”

Thời đi học của Heo Yoon-jeong đầy ắp ký ức tươi đẹp về những ngày tháng nghiên cứu, khám phá nét đẹp tiềm ẩn trong âm thanh của đàn tranh sáu dây Geomungo. Chị tốt nghiệp năm 1990, sau đó gia nhập Dàn nhạc truyền thống Hàn Quốc của thành phố Seoul. Chỉ sau bốn năm, chị tuyên bố tách ra hoạt động độc lập để thỏa sức sáng tạo, thay vì yên phận với những sân khấu biểu diễn được sắp đặt sẵn. Nghệ sĩ Heo Yoon-jeong chia sẻ: “Tôi cảm thấy tiếc nuối khi đàn tranh Geomungo không hoàn toàn phát huy được hết những điểm mạnh của nó. Đàn Geomungo vốn dĩ có thể tạo ra nhiều âm thanh đa dạng hơn mọi người vẫn nghĩ, lúc trầm, lúc bổng, và còn có thể được chơi như một nhạc cụ gõ. Những đặc tính này không được phát huy khiến đàn Geomungo không thể tạo ra âm thanh hay. Với tôi, Geomungo là nhạc cụ lý tưởng cho những màn độc tấu, và với suy nghĩ đó, tôi muốn tách ra biểu diễn độc lập.”

Dù một mình dấn thân vào trải nghiệm mới, nghệ sĩ Heo Yoon-jeong không hề thấy cô đơn. Chị có màn độc tấu đầu tiên vào năm 1998 và đã đưa được nhiều nét sáng tạo vào nghệ thuật truyền thống. Một mặt, chị giữ vững lập trường tôn trọng nguyên vẹn nét đẹp của âm nhạc truyền thống, mặt khác lại muốn phân tích thật kỹ những yếu tố truyền thống để đưa vào những nét sáng tạo phù hợp, giúp bổ sung hoàn thiện hơn nữa nghệ thuật truyền thống. Nỗ lực ấy cuối cùng đã mang đến cho chị những thành quả lớn vào năm 2007, khi chị ra mắt album “Bảy góc nhìn” (Seven perspectives) với các màn độc tấu những tác phẩm do chị tự sáng tác.

Nắm bắt cơ hội quảng bá nền âm nhạc truyền thống
Trong quá trình phát hành album “Bảy góc nhìn”, nghệ sĩ Heo Yoon-jeong được thông báo rằng Quỹ Rockfeller, Mỹ, đã lựa chọn chị là nghệ sĩ thường trú, mang đến cho chị cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài trong một thời gian dài. Một cánh cửa cơ hội đã mở ra trước mắt nữ nghệ sĩ. Chị cho biết: “Khi đó, tôi đã phải tạm ngưng tất cả mọi hoạt động tại Hàn Quốc. Tuy có phần lo lắng, trong tôi luôn cháy bỏng khao khát được thể hiện mình. Tôi rời dàn nhạc năm 1994 và trong hơn 10 năm hoạt động độc lập, tôi cũng đã có nhiều cơ hội công diễn tại nước ngoài. Nhưng tôi tò mò và muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa những đánh giá, cũng như phản ứng của giới nghệ sĩ nước ngoài, đối với hoạt động nghệ thuật của bản thân. Tôi rất mong chờ chuyến đi này vì đây là cơ hội tốt giúp tôi có nguồn cảm hứng mới để ngày càng hoàn thiện mình.”

Lưu lại New York (Mỹ), trong vòng sáu tháng với tư cách là nghệ sĩ thường trú, nghệ sĩ Heo Yoon-jeong được tiếp xúc với thế giới âm nhạc rộng lớn hơn. Chị hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài để cho ra đời nhiều tác phẩm mới, Heo Yoon-jeong thực hiện biểu diễn kết hợp đàn tranh Geomungo với nhạc cụ tương tự hoặc nhạc cụ hoàn toàn khác biệt để khai thác tối đa điểm mạnh cũng như giới hạn của đàn Geomungo. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Thời gian hoạt động tại Mỹ là cơ hội để tôi khẳng định lại rằng liệu đàn tranh Geomungo nói riêng và nhạc truyền thống Hàn Quốc nói chung có thể tồn tại lâu dài hay chỉ phản ánh một thời kỳ, giai đoạn nhất định, đồng thời có được đón nhận trên toàn thế giới hay chỉ được yêu thích trong phạm vi Hàn Quốc. Nhạc truyền thống Hàn Quốc hoàn toàn có thể trở thành tài sản văn hóa của nhân loại, góp phần làm giàu cho kho tàng âm nhạc thế giới. Để làm được điều đó, tôi tự thấy bản thân cần nỗ lực nhiều hơn.”

Trong thời gian hoạt động với vai trò nghệ sĩ thường trú của Quỹ Rockfeller, nghệ sĩ Heo Yoon-jeong đã thành lập nhóm nhạc Tori gồm bốn thành viên là nghệ sĩ Hàn Quốc. Tham gia các sân khấu lớn như Triển lãm âm nhạc thế giới WOMEX, Lễ hội âm nhạc quốc tế WOMAD, nhóm Tori đã mở ra triển vọng mới cho nền âm nhạc nước nhà. Nghệ sĩ Heo Yoon-jeong nói: “Tori là nhóm nhạc đầu tiên tôi đảm nhận vai trò trưởng nhóm và chính thức tiến ra thị trường nước ngoài. Đứng trên sân khấu lớn với tư cách là những nghệ sĩ biểu diễn nhạc truyền thống đơn thuần đã là một thành tích đáng nể của nhóm. Đây là cơ hội giúp tôi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nghệ sĩ, cũng như hiểu hơn về thị trường âm nhạc thế giới. Chúng tôi được coi là những nghệ sĩ đại diện của Hàn Quốc. Đó là một trách nhiệm lớn lao nhưng cũng là điều vô cùng đáng tự hào.”

Gukak Jazz – làn gió mới của dòng nhạc truyền thống
Năm 2010, Heo Yoon-jung thành lập nhóm EASTrio kết hợp ba nhạc cụ dây gồm đàn tranh sáu dây Geomungo của Hàn Quốc, đàn tỳ bà Trung Quốc và đàn ba dây Shamisen của Nhật Bản. Tiếp đó, năm 2013, Heo Yoon-jung thành lập nhóm Black String và hoạt động cùng nhóm cho đến bây giờ. Black String mang nghĩa “huyền cầm”, là sự kết hợp của bốn nghệ sĩ biểu diễn đàn tranh Geomungo, sáo trúc ngang Daegeum, nhạc cụ gõ và đàn ghi-ta điện, mang phong cách phối hợp giữa nhạc jazz và nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nghệ sĩ Heo Yoon-jung chia sẻ: “Nhạc jazz có thể kết hợp được với tất cả các thể loại nhạc khác. Sự phóng khoáng của nhạc jazz khi kết hợp với nhạc truyền thống sẽ tạo nên âm nhạc hoàn toàn mới. Do nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc mang đặc trưng vùng miền, có tính sáng tạo và đôi phần lạ lẫm với nhạc jazz, tôi đã thử kết hợp sử dụng đàn ghi-ta, nhạc cụ dùng trong biểu diễn nhạc jazz để làm vai trò cầu nối trung gian. Tôi muốn thành lập nhóm biểu diễn mang đậm chất Hàn Quốc nhưng vẫn có phong cách độc đáo theo mong muốn của tôi.”

Kết hợp sự tự do, phóng khoáng của nhạc jazz với những thanh âm lạ lẫm của nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc, nhóm Black String đã tạo nên âm thanh của vũ trụ. Trước sức hấp dẫn trong âm nhạc của Black String, hãng đĩa nổi tiếng thế giới ACT của Đức đã quyết định hợp tác phát hành album Mask Dance của nhóm vào tháng 10/2016.

Album Mask Dance thể hiện sự phá cách trong âm nhạc của nhóm Black String là thành quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ và nhiều năm trau dồi kinh nghiệm của nghệ sĩ Heo Yoon-jung. Nghệ sĩ Oh Jung-soo chơi đàn ghi-ta và phụ trách xử lý âm thanh điện tử của nhóm chia sẻ: “Nghệ sĩ biểu diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc khi kết hợp biểu diễn thể loại âm nhạc hoàn toàn khác vẫn cần khả năng phối hợp ăn ý dù họ không hiểu rõ dòng nhạc đó. Khả năng này rất khó để bắt chước. Nghệ sĩ Heo Yoon-jeong may mắn sở hữu tài năng này. Cô ấy đã khiến tôi ngạc nhiên hết lần này đến lần khác. Là người theo đuổi dòng nhạc phương Tây, tôi có thể hiểu việc hòa hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại khó đến mức nào.”

Chắp cánh cho nhạc truyền thống vươn ra thế giới
Nhóm Black String sẽ khởi đầu năm mới 2017 với chuyến tham gia công diễn tại Lễ hội jazz mùa đông ở New York, góp mặt trong buổi biểu diễn tại thủ đô Washington và thành phố Miami, Mỹ, và tham gia Lễ hội âm nhạc châu Âu ngay sau đó. Với tiếng đàn Geomungo trầm bổng cùng những thử nghiệm táo bạo trên sân khấu nước ngoài, nghệ sĩ Heo Yoon-jung đang cho cả thế giới thấy những khả năng vô hạn của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Chị chia sẻ: “Những người theo học chuyên ngành hoặc đã từng tiếp xúc qua đều hiểu rõ sự vĩ đại của nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak. Những nỗ lực của tôi trong thời gian qua chỉ nhằm mục đích quảng bá nét đẹp của nhạc Gukak tới nhiều khán giả thưởng thức trên toàn thế giới. Khám phá ra những điều mới mẻ trong nghệ thuật là lúc tôi cảm nhận được ý nghĩa to lớn trên chặng đường cống hiến của mình. Người nghệ sĩ có đặc quyền được thỏa sức tưởng tượng và sáng tạo ra những tác phẩm mới. Đây đồng thời cũng là nghĩa vụ mà người nghệ sĩ phải thực hiện. Tôi theo đuổi nhạc truyền thống vì hứng thú. Tôi không đặt ra bất cứ mục tiêu nào cho bản thân mà chỉ đơn thuần thuận theo lẽ tự nhiên mà thôi.”

Vượt qua giới hạn và luôn sẵn sàng đối đầu với thử thách, nghệ sĩ Heo Yoon-jung đã làm nên một Black String với những thành viên tài năng. Những nỗ lực của chị trong suốt hơn 20 năm qua đã trở thành đòn bẩy đưa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc bay cao, bay xa, đến gần hơn với khán giả khắp thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập