Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Chu Min-ju, đạo diễn vở nhạc kịch “Giặt quần áo”, nguồn an ủi của những mảnh đời bất hạnh

2017-01-17

Chu Min-ju, đạo diễn vở nhạc kịch “Giặt quần áo”, nguồn an ủi của những mảnh đời bất hạnh
Na-yeong, cô gái trẻ từ tỉnh Gangwon lên thủ đô Seoul tìm việc làm, đang hát nghêu ngao trong lúc phơi quần áo trên sân thượng. Na-yeong giũ mạnh quần áo như muốn giũ sạch mọi chán chường của cuộc sống nơi phố thị. “Giặt quần áo, xóa bỏ những vết hoen ố mang tên ngày hôm qua, giũ sạch những bụi bẩn ngày hôm nay, đem phơi khô với mong muốn được khoác lên mình bộ trang phục thẳng thớm, phẳng phiu vào ngày mai.”

Vở nhạc kịch “Giặt quần áo” đang được công diễn tại nhà hát nằm trên đường Daehak (phường Hyehwa, Seoul) đã gắn bó với khán giả suốt 11 năm, kể từ khi ra mắt vào năm 2005, và hiện vẫn thường xuyên cháy vé. Với hơn 3.800 buổi công diễn, “Giặt quần áo” đã trở thành vở nhạc kịch tiêu biểu của Hàn Quốc mà khán giả không thể bỏ qua.

Vở nhạc kịch “Giặt quần áo” lấy bối cảnh là một xóm nghèo chênh vênh trên lưng đồi của thủ đô Seoul, kể về cuộc sống của những người hàng xóm sống sát vách nhau là Seo Na-yeong đến từ tỉnh Gangwon, hai anh chàng lao động người Mông Cổ Sollongko và Michael, bà chủ nhà trọ có người con gái tật nguyền, mẹ Hui-jung sống chung với người đàn ông góa vợ Gu, nữ nhân viên tiệm sách và chủ tiệm tạp hóa.

Thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những cuộc đời tăm tối
Sự vất vả của những người lao động nước ngoài, nỗi khổ của nhân viên hợp đồng, hành trình đi tìm tình yêu của mẹ Hui-jung, cuộc sống khép kín của bà chủ nhà trọ vì phải che giấu đứa con gái tật nguyền, những mảnh đời sống trong xóm nghèo ấy nương tựa vào nhau, an ủi nhau qua ngày tháng trong những lúc giặt giũ, đem phơi quần áo hàng ngày. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi sự quan tâm, chia sẻ là một thứ xa xỉ, thì vở kịch “Giặt quần áo” chính là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho mọi người. Có lẽ cũng chính vì thế, không ít khán giả đã tìm đến thưởng thức vở kịch không dưới hai lần. Họ cho biết: “Tôi đã xem vở kịch trên dưới mười lần. Vở kịch mang lại cho tôi nhiều cảm xúc buồn, vui lẫn lộn. Ở đoạn kết, khi nghe các nhân vật thổ lộ những kế hoạch muốn thực hiện, tôi cũng muốn có một mục tiêu nào đó cho cuộc đời của mình.” “Kể từ tháng 3 năm 2016, tôi đã xem vở kịch này tổng cộng 25 lần. Xuyên suốt vở diễn, tôi đã cười rất nhiều và khóc cũng không ít. Nội dung vở kịch giống như câu chuyện của những người hàng xóm quanh tôi và giống như chính câu chuyện đời tôi vậy.”

Nhờ mang những nội dung ý nghĩa cho thế hệ trẻ như tia hy vọng le lói trong tuyệt vọng, tình cảm giữa những người hàng xóm, câu chuyện về cuộc sống trong xã hội đa văn hóa, kịch bản của vở kịch “Giặt quần áo” đã từng xuất hiện trong sách giáo khoa cấp trung học và phổ thông trung học năm 2012. Vở kịch còn là một tác phẩm mà nhiều diễn viên muốn có cơ hội được tham gia. Diễn viên Bae Doo-hoon trong vai Sollongko cho biết: “Tôi đã tham gia vở kịch trong khoảng tám, chín tháng. Sau khi xem vở kịch, tôi đã rất muốn trở thành một thành viên của đoàn kịch. Trước tôi, rất nhiều diễn viên giỏi đã đảm nhận vai Sollongko. “Giặt quần áo” là vở kịch có thể vỗ về trái tim con người, có thể khiến chúng ta cảm thấy vô cùng ấm áp. Thật may mắn khi tôi có cơ hội thử sức với vai diễn Sollongko này.”

Mang câu chuyện đời thực lên sân khấu
Vở nhạc kịch “Giặt quần áo” nhiều lúc khiến khán giả cười ngả nghiêng, nhưng cũng có thể khiến người xem trào nước mắt. Với những bộ quần áo được giặt giũ tinh tươm, những ký ức về nỗi đau của ngày hôm qua và buồn phiền của ngày hôm nay cũng được xóa sạch. “Giặt quần áo” là đứa con tinh thần của đạo diễn Chu Min-ju, được thai nghén từ năm 2003. Chị chia sẻ: “Khi mới lên Seoul, tôi sống trong một căn phòng bán hầm. Một hôm, khi lên sân thượng phơi đồ, một người nước ngoài sống ở nhà kế bên đã chào tôi. Tôi đã viết tùy bút kể về ấn tượng ngày hôm đó nhưng không thể hoàn thành. Khi đó tôi mới chuyển lên Seoul sinh sống chưa được bao lâu, và cũng chưa đủ kinh nghiệm hay cảm xúc để hoàn thành cái kết cho câu chuyện. Thế rồi đến khi tốt nghiệp đại học, tôi cảm thấy mình có thể dựa trên câu chuyện đó của bản thân để viết một tác phẩm khác về cuộc sống hiện đại. Tôi bắt đầu viết kịch bản và thầm nghĩ rằng câu chuyện sẽ dễ đi vào lòng người hơn nếu được thể hiện dưới hình thức một vở nhạc kịch.”

Kịch bản ghi lại cảm xúc về cuộc sống đô thị cô đơn, buồn tẻ của đạo diễn Chu Min-ju khi còn là sinh viên khoa kịch ở đại học đã trở thành tác phẩm tốt nghiệp của chị. Vở “Giặt quần áo” bắt đầu với hình ảnh cuộc sống ở Seoul, với cảnh chen chúc trên chiếc xe buýt chật cứng người, cảnh chuyển nhà như cơm bữa do không đủ tiền thuê nhà hay cảnh hối hả, tất bật đi tìm việc. Đó là câu chuyện của chính đạo diễn và những người sống quanh chị.

Đạo diễn Chu Min-ju đã mang tác phẩm tốt nghiệp của mình đi dự thi tại trên dưới 100 cuộc thi khác nhau. Cuối cùng, chị nhận được lời mời tham dự một lễ hội của Nhà hát kịch quốc gia vào năm 2005, cùng cơ hội ra mắt khán giả vở kịch “Giặt quần áo” trên sân khấu của Nhà hát quốc gia. Câu chuyện về những con người nơi xóm nghèo có cơ hội được biểu diễn tại một nhà hát lớn nằm ở trung tâm Seoul khiến đạo diễn Chu Min-ju không khỏi hồi hộp, xúc động. Thế nhưng kết quả lại không như những gì chị mong đợi. Đạo diễn Chu Min-ju cho biết: “Sau hai tuần công diễn tại nhà hát Byeoloreum thuộc Nhà hát quốc gia, vở kịch được trao giải kịch bản và được nhà hát lên kế hoạch tiếp tục công diễn trong sáu tháng của năm sau đó. Ban đầu, tất cả mọi người đều hừng hực khí thế vì tin vào thành công của vở kịch. Vở nhạc kịch được báo chí khen ngợi và khán giả đánh giá cao, nhưng do lượng khán giả ít, vở kịch vốn có kế hoạch công diễn trong sáu tháng đã phải hạ màn chỉ sau ba tháng.”

Sân khấu chuyên nghiệp vốn lạnh lùng, có phần tàn nhẫn. Chị Chu Min-ju cho biết thêm: “Giá vé xem nhạc kịch đắt hơn kịch thông thường do chi phí sản xuất cao. Khán giả bỏ ra một số tiền lớn đến xem cũng yêu cầu vở nhạc kịch đó phải có điểm nhấn để thỏa mãn họ. Ban đầu, khi viết nhạc kịch, tôi chưa bao giờ suy nghĩ theo quan điểm đó mà chỉ cố gắng làm nên một tác phẩm nghiêm túc. Tuy nhiên, để khán giả vui vẻ đón nhận những điều tác giả muốn nhắn nhủ, tác phẩm cần mang lại tiếng cười và sự sảng khoái cho khán giả.”

Dàn dựng công phu, kết nối trái tim khán giả
Đạo diễn Chu Min-ju đã xem xét lại một lần nữa đứa con tinh thần của mình dưới góc nhìn của khán giả, và cố gắng tạo nên những điểm nhấn mang lại những cảm xúc buồn, vui, cảm động cho tác phẩm. Chị cho tăng thời lượng của bài hát, chau truốt thêm câu chuyện của các nhân vật, biến tất cả trở thành nhân vật chính của tác phẩm. Vở kịch với thời lượng 25 phút ban đầu đã tăng lên thành hai tiếng 40 phút. Một trong những cảnh tiêu biểu được bổ sung trong quá trình chỉnh sửa không thể không kể đến cảnh bà chủ nhà trọ và mẹ Hui-jung vừa giặt quần áo vừa an ủi Na-yeong khi cô bị sa thải một cách vô cớ tại tiệm sách.

“Hãy gửi cuộc đời cho gió sương, giống như quần áo phơi mình trước gió để được hong khô. Phơi mãi thì rồi quần áo cũng khô, và những giọt nước mắt buồn bã rồi cũng sẽ khô hết. Vậy nên cháu hãy cố lên”. Bà chủ nhà trọ và mẹ Hui-jung giặt quần áo trước mặt Na-yeong đang nước mắt ngắn dài trong không gian tràn ngập bong bóng xà phòng. Gió từ phía nào đó thổi đến khiến những bộ quần áo treo trên dây phơi đung đưa như nhảy múa. Khi màn “giặt quần áo” vui nhộn kết thúc cũng là lúc những tia hy vọng về cuộc sống bắt đầu lóe sáng. Đạo diễn Chu Min-ju nói: “Thông qua vở kịch “Giặt quần áo”, tôi mong muốn những người xa lạ sẽ trở nên gần gũi hơn. Nếu diễn tả bằng một từ thì đó là “kết nối” hoặc nếu muốn nói dài hơn thì sẽ là bàn tay nắm lấy bàn tay. Đó là thông điệp tôi muốn gửi gắm qua tác phẩm. Dù không biết người sống gần nhà là ai, nhưng nếu có quần áo đang phơi, ít ra chúng ta cũng biết là nhà bên cạnh đang có người sống, có trẻ em hay không, hoặc biết được họ là thanh niên hay người già. Cuộc sống ở thành phố không cho chúng ta nhiều cơ hội để gặp mặt nhau, nhưng những hoạt động bình dị như phơi quần áo ít nhất cũng giúp chúng ta biết được đôi điều về những người sống quanh mình.”

Đạo cụ sân khấu cũng là một yếu tố giúp khơi dậy cảm xúc mà đạo diễn Chu Min-ju rất coi trọng. Chị tạo mùi hương dễ chịu gợi cảm giác về những bộ quần áo sau khi đã được giặt sạch, và bật quạt tạo hiệu ứng gió thổi khiến những dây phơi quần áo rung rinh. Đạo diễn cho biết: “Chúng tôi đặt quạt gió ở bên trong sân khấu để điều chỉnh làm rung dây phơi quần áo tùy theo mạch cảm xúc của khán giả. Hiệu ứng này không chỉ để khán giả nhận ra là gió đang thổi, mà để dòng cảm xúc cũng đung đưa theo gió. Ngoài ra, tôi còn muốn vở kịch được thể hiện một cách chân thực nhất, vì phải có gió thì quần áo mới khô. Thêm vào đó, tôi tạo hương thơm gợi hình ảnh quần áo được giặt sạch sẽ hay tạo thật nhiều bong bóng xà phòng. Tôi chú trọng đến từng chi tiết đạo cụ để vở kịch được thể hiện sống động nhất có thể như câu chuyện trong đời thực.”

Nỗi lòng những con người thời hiện đại
Vở nhạc kịch “Giặt quần áo” quay trở lại sân khấu từ năm 2006 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ khán giả. Những hàng ghế lác đác khán giả trong những ngày mới công chiếu trước đây giờ luôn chật cứng người xem. Một số khán giả cho biết: “Na-yeong có cuộc sống hiện tại không ổn định. Bản thân tôi khi ở tuổi đôi mươi cũng đã từng như vậy. Chứng kiến cuộc sống của nhân vật Na-yeong, tôi đã khóc rất nhiều khi hồi tưởng lại quãng thời gian trong quá khứ của mình. Tình cảm giữa bà chủ nhà trọ và con gái cũng khiến tôi phải kiểm điểm lại bản thân khi có cái nhìn không thiện cảm đối với người khuyết tật trong thời gian qua.” “Ngày nay, những nhân viên hợp đồng, lao động người nước ngoài hay những người khó khăn về tài chính vẫn phải vất vả bươn chải để kiếm sống. Tuy bối cảnh của vở nhạc kịch là thời xưa, nhưng vẫn không khác biệt là mấy so với bây giờ. Câu hát trong đoạn mở đầu của vở kịch “Phủi sạch bụi bẩn ngày hôm qua, là phẳng để ngày mai thật sạch sẽ. Giặt đồ để gột rửa đi những nỗi buồn” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.”

Nhằm phục vụ lượng khán giả ngày một đông, đạo diễn Chu Min-ju đã thuê một nhà hát rộng hơn để công diễn vở kịch. Vở nhạc kịch “Giặt quần áo” với quy mô ngày càng lớn đã được đề cử Giải thưởng nhạc kịch năm 2010 và càn quét các giải kịch bản xuất sắc, lời bài hát xuất sắc, âm nhạc xuất sắc và đặc biệt là nhạc kịch xuất sắc nhất. Đến năm 2011, vở nhạc kịch bắt đầu tiến sang vùng trời nghệ thuật Nhật Bản. Đạo diễn Chu Min-ju chia sẻ: “Nhiều khách du lịch Nhật Bản đến Seoul vì yêu thích làn sóng Hallyu, và trong số họ có nhiều người đặc biệt yêu thích vở kịch. Những nhận xét, đánh giá tích cực của du khách Nhật lọt đến tai những người tổ chức biểu diễn kịch. Họ đến Hàn Quốc xem tác phẩm của tôi và một trong số họ đã ký hợp đồng biểu diễn vở nhạc kịch “Giặt quần áo”.”

Tác phẩm “Giặt quần áo” đã được biểu diễn trong suốt năm năm tại Nhật Bản. Vào mùa hè năm nay, vở nhạc kịch “Giặt quần áo”, với sự xuất hiện của các diễn viên Trung Quốc, cũng sẽ chính thức ra mắt trên sân khấu. Vượt khỏi ranh giới Hàn Quốc, vở diễn “Giặt quần áo” đang tạo nên tiếng vang cho nền nghệ thuật nhạc kịch nước nhà, đóng góp vào sức hút của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Đây là thành quả đền đáp cho nỗ lực bền bỉ, sự đầu tư tinh tế mà dứt khoát của đạo diễn Chu Min-ju. Chị chia sẻ: “Giặt quần áo” là cả cuộc đời, sự nghiệp, là đứa con tinh thần của tôi. Tính hiện thực cuộc sống trong tác phẩm của tôi khiến khán giả vô cùng thích thú. Các diễn viên cũng rất đồng cảm với kịch bản, diễn rất nhập vai bởi đây chính là câu chuyện nói lên nỗi lòng của lớp người hiện đại.”

Vở nhạc kịch “Giặt quần áo” đã bước sang năm công diễn thứ 11. Dù ở quá khứ hay hiện tại, cuộc sống của những người dân nơi xóm nghèo vẫn không thay đổi. Mặc dù vậy, họ vẫn luôn cố gắng xóa sạch những khổ đau của ngày hôm qua, sống cho ngày hôm nay, và không ngừng hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Lựa chọn của ban biên tập