Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Danh ca Park Ae-ri, nghệ sĩ tài năng của dòng hát kể chuyện Pansori

2017-01-24

Ngày xửa ngày xưa, có một gia đình với hai anh em tên là Nolbo và Heungbo. Dù bị người anh Nolbo ngược đãi, đối xử tệ bạc, người em Heungbo chưa từng một lời oán trách người anh. Quá hiền lành, chất phác, Heungbo cứ thế sống trong nghèo khổ. Đến một ngày, Heungbo chữa lành vết thương cho chim én bị gãy chân và nhận được món quà đền ơn là một hạt bầu. Hạt bầu đem gieo xuống đất liền lớn nhanh như thổi, rồi đơm hoa và kết thành những trái bầu khổng lồ. Những trái bầu quá lớn khiến Heungbo phải dùng cưa để xẻ đôi quả bầu ra.

Đó là trích đoạn cưa quả bầu trong trường ca hát kể chuyện Pansori mang tên “Heungboga” (Anh em nhà Heungbo) do danh ca Park Ae-ri thể hiện.

Khán giả phía dưới ồ lên trầm trồ khi thấy từ trong quả bầu lớn tuôn ra nào là thóc lúa, tiền bạc. Lúc hóa thân thành người anh Nolbo, khi thì đảm nhiệm vai người em Heungbo, rồi người con của Heungbo, danh ca Park Ae-ri thể hiện xuất sắc vai diễn của mình qua giọng ca đầy màu sắc.

Màn biểu diễn của Park Ae-ri càng cuốn hút khán giả hơn khi được kết hợp với phần biểu diễn của chồng chị là nghệ sĩ nhảy breakdance Poppin Hyun-joon. Họ chia sẻ: “Thực sự thán phục. Yếu tố hiện đại được xen kẽ với nghệ thuật Pansori truyền thống càng khiến buổi biểu diễn thêm phần thú vị và hấp dẫn.” “Những cử chỉ, biểu cảm của danh ca Park Ae-ri khi thể hiện trường ca khiến khán giả không khỏi buồn, thương cho số phận nhân vật.” “Tôi không có cơ hội nghe nhiều màn hát kể chuyện Pansori do sinh sống ở nước ngoài từ lâu. Tôi đã thực sự cảm động khi nghe phần trình diễn của nghệ sĩ Park Ae-ri, và tôi có thể nhận thấy những cảm xúc, tâm tư của các tác phẩm đều được chị thể hiện trọn vẹn bằng cả trái tim.”



Đam mê cháy bỏng với âm nhạc truyền thống
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Mokpo, tỉnh Nam Jeolla, miền Tây Nam Hàn Quốc, nghệ sĩ Park Ae-ri đã bộc lộ tài năng của một danh ca Pansori từ rất sớm. Chị đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như giải nhất tại Lễ hội nghệ thuật Honam khi mới học lớp 8, giải trạng nguyên hát kể chuyện Pansori dành cho học sinh tại Cuộc thi âm nhạc truyền thống Hàn Quốc lần thứ 12 tổ chức tại Jeonju vào năm học lớp 12 và giải nhất cuộc thi nhạc truyền thống Donga khi mới là cô sinh viên năm thứ hai đại học. Đặc biệt, đến năm 2005, chị vinh dự được nhận giải thưởng do Tổng thống trao tặng trong Cuộc thi hát dân ca vùng Namdo toàn quốc. Thấm thoắt đã 30 năm trôi qua kể từ khi cô bé chín tuổi Park Ae-ri bắt đầu gắn bó với Pansori. Khi ấy, Park Ae-ri vẫn là cô gái bé bỏng nắm tay mẹ đến theo học tại Viện âm nhạc truyền thống thành phố Mokpo. Danh ca Park Ae-ri cho biết: “Tôi đã òa khóc khi nghe các anh, chị lớn tập hát. Mọi người hỏi sao tôi lại khóc. Tôi bèn đáp lại rằng tôi cũng muốn học hát. Họ yêu cầu tôi thử hát một đoạn trong bài Xuân Hương ca. Mọi người khá ngạc nhiên khi nghe phần biểu diễn của tôi và khen rằng tôi sinh ra là để hát. Mẹ tôi cũng đã rất ngạc nhiên. Họ nói tôi sở hữu giọng ca buồn da diết. Từ đó, tôi coi ca hát là vận mệnh của đời mình.”

Kể từ đó, Park Ae-ri ngày ngày trông ngóng đến giờ học hát. Dù trường học cách nhà ba, bốn bến xe buýt, cô bé luôn đi bộ tới trường để tranh thủ tập hát trên đường đi. Park Ae-ri đam mê ca hát đến mức đã phổ nhạc cho cả bài thơ cổ Sijo trong giờ học môn ngữ văn. Bạn bè của chị khi ấy thường trêu rằng Park Ae-ri bị mắc bệnh yêu ca hát quá nặng.

Nguy cơ mất giọng
Luyện hát mỗi ngày khiến giọng ca của chị ngày càng tiến bộ. Trong mọi cuộc thi, từ cuộc thi âm nhạc tổ chức tại thành phố Gwangju năm lớp 6 đến cuộc thi âm nhạc truyền thống Donga vào năm thứ hai đại học, Park Ae-ri chưa bao giờ để mất vị trí đứng đầu. Park Ae-ri đã nghĩ rằng mình đương nhiên sẽ trở thành giọng nữ chính trong giới hát kể chuyện Pansori. Tuy nhiên, một việc xảy ra sau đó đã khiến sự nghiệp của chị hoàn toàn thay đổi. Chị tâm sự: “Tôi hay bị khản giọng mỗi khi tập hát được khoảng sáu, bảy tiếng, nhưng rồi lại có thể nhanh chóng lấy lại giọng ngay sau đó. Tuy nhiên, vào năm thứ ba đại học, tôi liên tục bị khản giọng và đã không thể lấy lại được giọng trong một thời gian dài. Tôi đã không thể hát được những nốt cao, và giọng hát của tôi trở nên thô và ồm hơn.”

Sự việc này là một cú sốc lớn đối với người nghệ sĩ vốn có chất giọng trầm, bổng, đầy nội lực như Park Ae-ri. Chị không muốn để người khác nhận thấy sự thay đổi đó. Park Ae-ri sau đó lao vào luyện tập không ngừng nghỉ để có thể phục hồi lại giọng hát ban đầu. Thế nhưng, sau khi tập luyện rất lâu, giọng của chị vẫn không hề có dấu hiệu phục hồi. Chị cho biết: “Danh ca Park Song-hee nổi tiếng với bản trường ca “Anh em nhà Heungbo” đã tham gia giảng dạy tại trường tôi. Mỗi học kỳ, cô đều nghe tôi hát. Trong buổi thi hát vào năm thứ tư đại học, cô nói với tôi rằng cô đã rất ngạc nhiên với giọng hát tài năng của tôi khi còn là sinh viên năm thứ nhất, nhưng bây giờ giọng của tôi đang có vấn đề. Cô khuyên tôi nên ngừng tập hát để cổ họng có thể nghỉ ngơi trong một hoặc hai tháng. Đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến.”

Dù cuộc thi tuyển chọn thành viên của Đoàn kịch hát quốc gia Hàn Quốc diễn ra chỉ một tháng sau đó, Park Ae-ri vẫn quyết định nghỉ ngơi thay vì luyện tập. Trong quá trình nghỉ ngơi, chị cố không nói chuyện, dù chỉ một câu. Giọng hát của Park Ae-ri sau khi được nghỉ ngơi đầy đủ đã phát huy hết khả năng tại cuộc thi, và chị đã được chọn vào Đoàn kịch hát quốc gia Hàn Quốc.

Vươn tới đỉnh cao
Park Ae-ri chính thức trở thành thành viên của Đoàn kịch hát quốc gia Hàn Quốc vào ngày 1/1/1999. Ngay trong ngày đầu tiên gia nhập đoàn kịch, các thành viên mới đã được giao nhiệm vụ góp giọng trong tác phẩm xướng kịch “Thiên mệnh”, tái hiện lại phong trào đấu tranh Đông học của nông dân năm Giáp Ngọ (1894). Tài năng của Park Ae-ri được đạo diễn vở kịch là Son Jin-chaek chú ý đến, và cuối cùng, chị được giao các vai phụ trong vở như người con gái chạy nạn và người nông dân đi theo lý tưởng của tướng Jeon Bong-jun. Các vai diễn được chị thể hiện xuất sắc không thua kém gì các nhân vật chính. Chị nói: “Cảnh tôi xuất hiện chỉ là năm phút ngắn ngủi trong tác phẩm kéo dài suốt hai tiếng. Tôi tham gia vào một cảnh tị nạn chỉ vỏn vẹn một phút và cảm thấy vô cùng tiếc nuối, đến mức muốn nán lại trên sân khấu thêm chút nữa. Vì thế, trong khi các diễn viên khác đều hướng thẳng về phía cánh gà thì tôi lại ngoái lại về phía khán giả, như để ngắm nhìn quê hương một lần nữa, rồi có lúc lại vấp ngã do không còn sức bước tiếp, góp phần thể hiện trọn vẹn hơn vai diễn của mình.”

Niềm đam mê cháy bỏng cùng nỗ lực bền bỉ của Park Ae-ri đã giúp chị có cơ hội đảm nhận vai công chúa Bari trong vở kịch “Vua Uru”, lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ Công chúa Bari và tác phẩm Vua Lia của đại văn hào người Anh William Shakespeare. Chị cho biết: “Các diễn viên thường chỉ tập trung hoàn thành tốt vai diễn của mình. Về phần tôi, vì yêu thích mọi tác phẩm, nên ngoài vai diễn của bản thân, tôi tìm hiểu vai diễn của cả những diễn viên khác nữa, và vở “Vua Uru” cũng không phải ngoại lệ. Tôi nghe từng tiếng nói, giọng hát của vua, của hoàng phi, của công chúa, của thằng hề. Những lời thoại, câu hát của các nhân vật cứ mãi luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Đến một ngày, đoàn kịch cần người đóng vai công chúa Bari và tôi đã xung phong thử sức. Tôi còn nhớ mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi khi tôi đứng trong một góc phòng tập để hát thử và tôi đã được trao vai diễn công chúa Bari.”

Với niềm đam mê âm nhạc truyền thống, Park Ae-ri cảm thấy không gì hạnh phúc hơn khi được hát trên sân khấu. Sự chăm chỉ, nỗ lực đã giúp chị tỏa sáng trên sân khấu, hoàn thành xuất sắc mọi vai diễn được giao. Chồng của Park Ae-ri, vũ công Poppin Hyun-joon, cho biết anh học hỏi được rất nhiều điều từ niềm đam mê biểu diễn và sự cống hiến cho nghệ thuật của vợ mình. Anh cho biết: “Những phần biểu diễn của cô ấy rất lôi cuốn và có chiều sâu, mang lại cho tôi ấn tượng mới lạ về dòng nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak. Sự khiêm nhường của cô ấy khiến tôi nể phục. Cô ấy là tấm gương để tôi học hỏi và noi theo. Phong cách biểu diễn của cô ấy mang màu sắc riêng biệt với trình độ chuyên môn vững vàng.”

Phối hợp nét hiện đại với nghê thuật truyền thống
Sau khi gia nhập Đoàn kịch hát quốc gia được một năm sáu tháng, Park Ae-ri đã lần đầu tiên được đảm nhận vai chính là kỹ nữ Aerang (Ái Nương) trong vở Baebijangjeon (Truyện Bae Bi-jang). Tiếp theo đó, chị cũng đã thể hiện thành công nhiều vai diễn như vai công chúa Bari trong “Vua Uru”, nàng Xuân Hương, người con gái hiếu thảo Shim Cheong, cho đến vai người lính và Gia Cát Lượng khoác trên mình bộ áo giáp trong đại chiến Xích Bích. Cho đến khi rời đoàn kịch vào năm 2015, Park Ae-ri đã đảm nhiệm hơn 1.000 vai diễn, để lại những ấn tượng khó phai trong lòng khán giả. Danh ca Park Ae-ri còn mạnh dạn tiến hành những thử nghiệm nghệ thuật táo bạo, với nỗ lực đưa nhạc truyền thống đến gần với công chúng hơn. Chị đã mời nghệ sĩ kịch câm tham gia biểu diễn minh họa một phần nội dung trong trường ca hát kể chuyện Pansori, mang đến cho khán giả một sân khấu với những sắc màu độc đáo, mới lạ. Chị chia sẻ: Trong trường ca hát kể chuyện Pansori, có những nội dung đòi hỏi trí tưởng tượng của khán giả. Tuy nhiên, để khán giả có thể mường tượng ra những tình huống trong vở kịch là điều không hề dễ dàng, và tôi đã nảy ra ý tưởng kết hợp Pansori với kịch câm.”

Với mong muốn thế hệ trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với nhạc truyền thống, nghệ sĩ Park Ae-ri cũng đã hợp tác sản xuất album cùng với nhiều ca sĩ nhạc đại chúng như nhóm SG Wannabe và rapper Cho PD.

Sau khi kết hôn với nghệ sĩ nhảy breakdance Poppin Hyun-joon, Park Ae-ri tích cực mang đến cho khán giả những màn kết hợp độc đáo giữa nhạc truyền thống, hiphop và nhảy hiện đại trên sân khấu, và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả.

Tích cực bảo tồn và quảng bá nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống qua những thử nghiệm táo bạo, độc đáo, danh ca Park Ae-ri đã mang đến diện mạo mới cho nền âm nhạc truyền thống. Anh Poppin Hyun-joon, chồng chị cho biết: “Park Ae-ri có ưu điểm nổi bật là không ngừng cố gắng. Cô ấy luôn sẵn sàng tiếp nhận và đối đầu với những thử thách mới. Ban đầu, khi được tôi dạy rap và nhảy, cô ấy có chút sợ sệt, nhưng thay vì chỉ giới hạn bản thân trong phạm vi nghệ thuật chuyên môn của mình, cô ấy không ngần ngại thử nghiệm kết hợp với các thể loại âm nhạc khác.”

Với tinh thần học hỏi, danh ca Park Ae-ri không ngần ngại kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác nhau trên sân khấu. Chị luôn đảm bảo phong độ diễn xuất tốt nhất trong bất cứ vai diễn hay tác phẩm nào. Poppin’ Juno và nghệ sĩ b-boy Lee Yu-seong cho biết: “Nghệ sĩ Park Ae-ri luôn phát huy tối đa khả năng của mình trên sân khấu với một tâm thế vững vàng. Tôi chưa bao giờ thấy chị bị lạc giọng hay có bất cứ sai sót nào trong quá trình biểu diễn. Quả thật ít ai có thể theo kịp chị ấy cả về trình độ chuyên môn lẫn nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật.” “Tôi từng có suy nghĩ không mấy tích cực về sự kết hợp giữa nhạc truyền thống và b-boy vì nếu hai bên không ăn ý sẽ dễ khiến phần trình diễn bị lạc điệu. Suy nghĩ của tôi đã thay đổi sau khi xem màn biểu diễn của Park Ae-ri và Poppin Hyun-joon. Sự kết hợp đó hoàn toàn khác so với những màn kết hợp trong giới nghệ sĩ từ trước đến nay. Gukak, hiphop và b-boy đã tìm được sự đồng điệu trong nghệ thuật.”

Với những nền tảng cơ bản, vững vàng trong nghệ thuật hát kể chuyện Pansori truyền thống, giọng hát và sân khấu của Park Ae-ri luôn rộng mở đón nhận tất cả những thử thách mới. Chị chia sẻ: “Tôi đã được truyền thụ kỹ năng hát kể truyện Pansori “Xuân Hương ca” và “Người con gái hiếu thảo Sim Cheong” từ cố danh ca Seong U-hyang. Là một danh ca của lối hát kể chuyện Pansori, tôi hiểu rằng mình cần thể hiện nhuần nhuyễn cả năm bản trường ca tiêu biểu của dòng nhạc truyền thống này. Năm nay tôi đã 41 tuổi, tôi không muốn mình chỉ là người thừa kế âm nhạc, mà còn muốn truyền dạy cho thế hệ sau, để họ có thể tiếp bước con đường tôi đang đi.”

Lựa chọn của ban biên tập