Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nghệ sĩ piano Cho Jae-hyuck, người kể chuyện trong dòng nhạc cổ điển

2017-02-07

Nghệ sĩ piano Cho Jae-hyuck đang giới thiệu đến khán giả Bản hợp tấu đàn vi-ô-lông số 4 của nhà soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart tại “Buổi biểu diễn 11 giờ”, được tổ chức ở Trung tâm nghệ thuật Seoul vào ngày 19/1 vừa qua. Nổi tiếng với tài hoạt ngôn, phần giới thiệu dí dỏm cùng màn biểu diễn đàn piano ngẫu hứng của anh khiến khán giả không thể rời mắt.

Nhạc cổ điển là thể loại âm nhạc được cho là khó hiểu và khó cảm thụ nếu không phải là người am hiểu về âm nhạc. Thế nhưng, nhờ có sự diễn giải của nghệ sĩ Cho Jae-hyuck, những cái tên như Sergei Rachmaninoff, Wolfgang Amadeus Mozart, hay Niccolò Paganini đã trở nên rất đỗi quen thuộc với khán giả. Họ cho biết: “Thật tuyệt vời. Phần biểu diễn đầy nhiệt huyết và đậm chất trữ tình của nghệ sĩ Cho Jae-hyuck khiến tôi cũng muốn chạm tay vào phím đàn.” “Nghệ sĩ piano Cho Jae-hyuck giải thích rất cặn kẽ, dễ hiểu, giúp khán giả dễ dàng cảm thụ được tác phẩm. Cả khán phòng như nín thở lắng nghe những âm điệu mạnh mẽ, dứt khoát của màn trình diễn.” “Tôi từng tham dự một số buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển có phần diễn giải nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức phần trình diễn của nghệ sĩ Cho Jae-hyuck. Cho Jae-hyuck là một nghệ sĩ có sức lôi cuốn vô cùng lớn. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần thuyết trình của nghệ sĩ Cho về bản nhạc của Sergei Rachmaninoff.”

“Buổi biểu diễn 11 giờ” tại Hội trường Recital của Trung tâm nghệ thuật Seoul là nơi nghệ sĩ Cho Jae-hyuck thủ thỉ với khán giả những câu chuyện về âm nhạc, rót vào tai họ những giai điệu du dương. Toàn bộ vé của chương trình biểu diễn đầu tiên của nghệ sĩ Cho đã được bán hết sạch. Nghệ sĩ Cho chia sẻ: “Khán giả đến rất đông và khán phòng hầu như không còn chỗ trống. Sự hưởng ứng nhiệt liệt của họ tiếp cho tôi thêm sức mạnh và sự phấn chấn trong mỗi phần diễn thuyết cũng như biểu diễn. Đặc biệt, tôi cảm thấy rất vui khi nhận được sự chia sẻ và đồng cảm của khán giả trong phần giải thích về nhạc cổ điển với đàn piano.”

Bộc lộ năng khiếu từ thuở nhỏ
Bắt đầu chơi đàn từ năm năm tuổi, trải qua hơn 40 năm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, nghệ sĩ Cho Jae-hyuck hiểu rõ rằng “sân khấu của người nghệ sĩ chỉ tồn tại khi có khán giả”. Ngoài đam mê biểu diễn âm nhạc, Cho Jae-hyuck còn đảm nhận nhiều vai trò như người diễn giải âm nhạc hay truyền bá âm nhạc cổ điển với mong muốn được gần khán giả hơn. Sự nghiệp âm nhạc đầy lãng mạn và tràn ngập xúc cảm của anh bắt đầu tại thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon.



Từ khi còn nhỏ, Cho Jae-hyuck đã thích mày mò tập chơi nhạc với chiếc đàn piano ở trường mẫu giáo và thích đứng cạnh đàn piano khi hát trước lớp. Nghe theo lời khuyên của cô giáo, Cho Jae-hyuck bắt đầu chơi đàn từ đó. Anh kể: “Hiệu trưởng trường mầm non tôi học là giám đốc của một trung tâm dạy đàn piano. Cô đã đến gặp bố mẹ tôi và gợi ý bố mẹ cho tôi đi học đàn. Bố tôi không phản đối, còn mẹ tôi tỏ ra rất hứng thú với đề xuất của cô giáo. Sau lần đó, tôi bắt đầu học đàn piano. Tôi vẫn còn nhớ bìa sách nhạc và bản nhạc Beyer đầu tiên tôi được học.”

Năm 1970, việc con trai học đàn piano là vô cùng hiếm, ngay cả ở thủ đô Seoul. Vậy mà ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, cậu bé năm tuổi Cho Jae-hyuck đã biết chơi piano một cách thành thục. Sau khi lên cấp hai, bố Cho Jae-hyuck yêu cầu cậu ngừng học đàn để chuyên tâm học văn hóa ở trường. Cho Jae-hyuck chia sẻ: “Tôi và bố đã có một trận cãi vã khá căng thẳng. Lúc bấy giờ, tôi muốn tiếp tục học đàn không phải vì thích mà chỉ đơn giản là sự phản kháng của một đứa trẻ trước sự ép buộc của cha mẹ. Thế rồi trong một cuộc thi âm nhạc mà tôi tham gia, ban giám khảo đã mời bố mẹ tôi đứng lên từ hàng ghế khách mời để khen ngợi tài năng của tôi. Tôi đạt được giải nhất tại cuộc thi đó khiến bố tôi rất bất ngờ. Từ đó, ông bắt đầu công nhận tài năng của tôi.”

Theo đuổi con đường nghệ thuật ở nước ngoài
Cuộc thi âm nhạc dành cho thanh thiếu niên mà Cho Jae-huyck tham gia khi mới lên lớp bảy đã trở thành bước ngoặt, chính thức đưa Cho Jae-hyuck bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Cho Jae-hyuck sau đó giành giải nhất tại nhiều cuộc thi âm nhạc trong nước và đỗ thủ khoa trường Phổ thông trung học nghệ thuật Seoul. Một năm sau đó, Cho Jae-hyuck lên đường du học tại trường dự bị Đại học âm nhạc Manhattan, New York, Mỹ. Vào thời kỳ mà số lượng du học sinh châu Á tại ngôi trường này chỉ đếm trên đầu ngón tay, tài năng xuất chúng của Cho Jae-huyck trở nên nổi bật ngay từ những năm tháng theo học tại trường dự bị đại học. Anh chia sẻ: “Sau khi nhập học được sáu tháng, giáo viên giao cho tôi Bản hợp tấu số 3 của nhà soạn nhạc Sergei Rachmaninoff và yêu cầu tôi tập luyện trong suốt kỳ nghỉ hè để chuẩn bị cho cuộc thi hợp tấu vào tháng 9. Bản hợp tấu số 3 của Rachmaninoff là một bản nhạc rất khó và lần đầu tiên trong lịch sử trường dự bị đại học Manhattan, bản nhạc đó được giao cho sinh viên trình diễn.”

Bản hợp tấu số 3 của Rachmaninoff là một bản nhạc có độ khó cao, không dễ dàng để chơi nếu không phải là người có thực lực xứng tầm. Song thật bất ngờ, bản hợp tấu này đã được thể hiện xuất sắc bởi cậu sinh viên Cho Jae-hyuck mới chỉ 16 tuổi.

Sau khi nhận được học bổng và nhập học trường Đại học âm nhạc Julliard, Cho Jae-hyuck vượt qua cuộc tuyển chọn nghệ sĩ piano trẻ chuyên nghiệp New York và bắt đầu sự nghiệp biểu diễn tại Hội trường Carnegie. Anh nói: “Cuộc thi tuyển chọn nghệ sĩ trẻ được tổ chức tại Hội trường Carnegie với sân khấu được trải thảm, các thí sinh được yêu cầu đi giày thể thao và biểu diễn sau rèm che để ban giám khảo không thể biết thí sinh đó là nam hay nữ, thuộc chủng tộc nào, mà chỉ có thể đánh giá khách quan bằng tài năng âm nhạc. Sau khi kết thúc phần biểu diễn của mình, tôi bước xuống sân khấu với nỗi thất vọng tràn trề với suy nghĩ mình đã biểu diễn quá tệ. Tôi trở về nhà sau cuộc thi và tự nhủ sẽ phải chăm chỉ tập luyện nhiều hơn nữa để tham gia cuộc thi năm sau. Khi ban tổ chức gọi điện chúc mừng tôi đã đỗ trong cuộc thi, tôi cứ nghĩ đó chỉ là một trò đùa.”

Ra mắt với tư cách là nghệ sĩ từ Hội trường Carnegie, Cho Jae-hyuck tràn đầy tự tin và nghĩ mình chỉ cần duy trì khả năng hiện tại là có thể chinh phục mọi thử thách. Nghệ sĩ piano Cho Jae-hyuck chia sẻ: “Khi đã sắp bước sang tuổi 30, tôi cảm thấy hoài nghi về sự nghiệp chơi piano mà tôi theo đuổi suốt nhiều năm qua. Không biết từ bao giờ, tôi đã không thể đạt được những kết quả như mong muốn tại các cuộc thi mà tôi tham gia,thậm chí có lúc còn trượt ngay từ vòng loại. Thế rồi tôi tự hỏi mình có nên tiếp tục chơi đàn piano khi không thể thu được những kết quả xứng đáng với những nỗ lực đã bỏ ra, liệu tôi có nên thử sức ở lĩnh vực khác hay không. Từ đó tôi tạm ngừng chơi piano.”

Sau đó, Cho Jae-hyuck theo học trường luật, một lĩnh vực anh từng rất quan tâm. Anh rời xa chiếc đàn piano sau hơn 20 năm gắn bó, cảm thấy tự do và vô cùng hứng thú với ngành học mới. Người nghệ sĩ tâm sự: “Sau một thời gian, tôi bắt đầu thấy buồn chán. Tôi nhận ra đó là do tôi không còn chơi piano và từ bỏ còn đường âm nhạc. Nếu như trước đây tôi chơi nhạc vì muốn đạt thành tích cao hay muốn được mọi người yêu thích, thì giờ đây, tôi muốn trở lại với cây đàn piano vì âm nhạc và vì chính bản thân tôi mà thôi.”

Tìm lại chính mình trong niềm đam mê mới
Ngồi lại trước cây đàn piano, Cho Jae-hyuck trở lại là một người nghệ sĩ hạnh phúc. Anh tham gia các cuộc thi âm nhạc không còn vì giải thưởng mà coi đó là không gian độc tấu âm nhạc của riêng mình. Một trong những cuộc thi anh lựa chọn là cuộc thi piano Monte Carlo được tổ chức tại Monaco. Nghệ sĩ Cho Jae-hyuck cho biết: “Chỉ những người đã từng đạt giải tại các cuộc thi quốc tế mới có thể dự thi tại Monte Carlo. Sau khi đã vượt qua vòng loại chấm video, các thí sinh sẽ tranh tài tại vòng biểu diễn chính thức. Tôi được thông báo là thí sinh duy nhất ở New York lọt vào vòng biểu diễn chính thức. Ban giám khảo cho biết sẽ đích thân đến New York để tiến hành cuộc thi vòng loại dù chỉ với một thí sinh và nhờ tôi tìm một phòng thu. Tôi bèn liều lĩnh mời họ đến nhà, và tất cả 15 thành viên ban giám khảo đã đồng ý đến nhà tôi.”

Trong không gian chật hẹp của căn hộ tại New York, chàng du học sinh đã thể hiện phần dự thi với chiếc đàn piano gần như choán hết không gian căn hộ.

Tại cuộc thi piano quốc tế Monte Carlo, nghệ sĩ Cho Jae-hyuck đạt giải nhì và có cơ hội hợp tấu với dàn nhạc giao hưởng Monte Carlo. Cuộc thi đó cũng là cuộc thi cuối cùng trong sự nghiệp của nghệ sĩ Cho, đã để lại cho anh những giây phút khó quên. Anh cho biết: “Trong phần chung kết, ban tổ chức dặn thí sinh phải mặc áo vét đuôi tôm khi biểu diễn bởi tất cả khán giả có mặt tại đó đều mặc vét tuxedo nếu là nam, và mặc váy dạ hội nếu là nữ.. Giữa chương trình còn có sự xuất hiện của vua Albert II của Monaco. Cả đời tôi chưa từng được chứng kiến sự kiện nào hấp dẫn như vậy.”

Kết thúc cuộc thi âm nhạc cuối cùng, Cho Jae-hyuck trở về Hàn Quốc định cư vào bốn năm trước sau khi tham gia lưu diễn tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Cho Jae-huyck tình cờ có cơ hội tham gia biểu diễn và diễn giải âm nhạc trong chương trình nhạc cổ điển phát một lần hàng tuần trên kênh FM1 của Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS).

Rũ bỏ những nét nghiêm nghị, cứng nhắc khi biểu diễn, Cho Jae-hyuck lựa chọn đồng hành cùng công chúng. Hơn 250 buổi phát thanh trực tiếp trong sáu năm qua tại KBS đã trở thành bệ đỡ giúp Cho Jae-hyuck trưởng thành hơn trên con đường âm nhạc đã lựa chọn. Anh bày tỏ: “Để có thể bước tiếp trên con đường âm nhạc, bên cạnh khả năng sáng tạo nghệ thuật và quá trình luyện tập của bản thân, nỗ lực cống hiến vì khán giả cũng rất quan trọng. Tôi nghĩ diễn giải âm nhạc cũng là một hình thức biểu diễn, và thông tin, kiến thức nếu không chính xác sẽ khiến người nghe không hài lòng. Trong quá trình chuẩn bị cho buổi biểu diễn, tôi cố gắng bao quát toàn bộ chương trình dưới nhiều góc độ khác nhau, và điều này giúp tôi khám phá thêm nhiều diện mạo mới của âm nhạc mà tôi chưa từng nghĩ tới.”

Nghệ sĩ piano Cho Jae-hyuck không đặt ra kế hoạch đặc biệt nào, vì anh muốn sống trọn vẹn, chân thành trong từng phút giây trên con đường âm nhạc đã lựa chọn. Anh sẽ đứng trên sân khấu nơi khán giả đón chờ và sẽ đi đến những nơi có người muốn lắng nghe những câu chuyện âm nhạc anh kể. Cho Jae-hyuck sẽ trở thành nghệ sĩ yêu tất cả những gì thuộc về âm nhạc, và sẽ đồng hành cùng công chúng để mang đến cho đời những bản nhạc đẹp.

Lựa chọn của ban biên tập