Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nghệ nhân Hong Sung-hoon và ước mơ hoàn thành chiếc đại phong cầm của riêng Hàn Quốc

2017-02-21

Trong không gian yên bình tại Nhà thờ Tin lành Guksu ở huyện Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi, nghệ nhân Hong Sung-hoon đang mải mê điều chỉnh chiếc đại phong cầm. Không phải là loại nhạc cụ có thể dễ dàng dịch chuyển, đại phong cầm, hay còn gọi là đàn ống gồm nhiều ống to nhỏ, ngắn dài đủ cỡ, rất hiếm thấy tại Hàn Quốc. Cũng vì thế, nhiều nghệ sĩ hay lui tới đây với mong muốn có cơ hội biểu diễn với chiếc đại phong cầm này.

Vào ngày thường, khi thánh đường vắng người, sự tĩnh lặng tại đây trở thành không gian riêng lý tưởng của người nghệ sĩ chơi chiếc đàn đại phong cầm. Những chiếc ống kim loại phát ra những thanh âm văng vẳng mỗi khi người nghệ sĩ lướt ngón tay trên phím đàn, phản chiếu những vệt sáng lấp lánh như đang muốn gửi đến người nghệ sĩ những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt.

Thiết kế độc đáo chính là lý do khiến các nghệ sĩ biểu diễn đặc biệt yêu thích và tìm đến chiếc đại phong cầm được đặt tại Nhà thờ Guksu. Đàn và ống đàn được đặt đối diện, cách nhau một khoảng nhất định, không chỉ mang lại chất lượng âm thanh tuyệt vời, mà còn tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nghệ sĩ biểu diễn đàn ống Han Yeong-tae chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng một cây đàn ống có thiết kế vô cùng độc đáo như thế này. Những cây đàn ống đặt tại các nhà thờ châu Âu thường rất to lớn, mang lại cảm giác choáng ngợp. Ngược lại, đàn ống ở nhà thờ Guksu lại có dáng vẻ mộc mạc, đơn sơ, mang đậm màu sắc Hàn Quốc. Hơn thế nữa, tôi cho rằng đại phong cầm rất hợp với khung cảnh và không gian của vùng đất Yangpyeong, xứ sở của núi non với tầm nhìn mở rộng bốn phía. Thiết kế của chiếc đàn ống khiến tôi liên tưởng đến những ngọn núi ở đó.”

Người đã đem tâm hồn dân tộc gửi gắm vào cây đại phong cầm này chính là nghệ nhân Hong Sung-hoon. Ông là người đầu tiên và cũng là người duy nhất tại Hàn Quốc được công nhận là nghệ nhân bậc thầy về đại phong cầm Orgelbaumeister. Với chiều dài từ vài mét đến vài chục mét, và sức nặng có thể lên đến vài tấn, đàn ống được ví như một công trình kiến trúc. Orgelbaumeister trong tiếng Đức mang nghĩa người dựng đàn ống và Orgelbau được hiểu với nghĩa “nghệ thuật kiến trúc đàn ống”.



Bước chân vào thế giới nghệ thuật đàn đại phong cầm
Nơi làm việc của nghệ nhân Hong Sung-hoon tọa lạc tại huyện Yangpyeong, tỉnh Gyeonggi, gồm hai nhà xưởng có chiều cao 10m, chủ yếu phục vụ mục đích thiết kế và chế tạo đàn. Do phải cắt ống kim loại, đẽo gọt gỗ mà nghệ nhân Hong Sung-hoon phải sống trong không gian bụi bặm mỗi ngày. Vất vả là thế, nghệ nhân đã bám trụ với nghề được hơn 16 năm, kể từ khi ông xây dựng xưởng và bắt tay vào thiết kế đàn ống tại Hàn Quốc. Hong Sung-hoon từng là thành viên của đoàn ca múa nhạc thành phố Seoul, nay đã lùi về sau ánh đèn sân khấu, âm thầm trở thành nghệ nhân làm đàn ống. Ông chia sẻ: “Đoàn ca múa nhạc thành phố Seoul là đoàn nhạc kịch có rất nhiều ngôi sao sáng. Tài năng diễn xuất tài tình của họ khiến tôi nhụt chí. Tôi tự nhủ liệu mình có giành được đất diễn, dù chỉ là một vai phụ hay không. Tôi bắt đầu lo lắng và sợ rằng giấc mơ đảm nhận vai chính là một điều xa xỉ, và tôi sẽ chỉ dừng lại ở vai quần chúng, rồi sau đó nhanh chóng bỏ cuộc. Đến một lúc, tôi cảm thấy mình cần đưa ra quyết định thay đổi, và thế là tôi lên đường tới Đức.”

Lo lắng về một tương lai bất định, nghệ nhân Hong Sung-hoon lên đường đến Đức du học vào năm 28 tuổi, với suy nghĩ vu vơ về việc thử học đàn ghi-ta cổ điển. Song tại Münster nơi ông sống, vào một dịp ngẫu nhiên, ông lại được biết tới công việc thiết kế đại phong cầm. Nghệ nhân Hong Sung-hoon kể lại: “Tôi đã gặp một du học sinh người Hàn khác đến học trước tôi ở Münster. Anh ấy học về âm nhạc và liên tục khuyên tôi nên học thiết kế đại phong cầm. Cứ thế, anh ấy ra sức thuyết phục tôi trong suốt gần một năm. Ban đầu tôi không biết mình sẽ làm gì khi đến Đức, nhưng khi tận mắt chứng kiến công việc thiết kế đàn, tôi nghĩ đây cũng là một phần vô cùng quan trọng để tạo ra âm nhạc, và có lẽ cũng có đôi chút liên quan đến ngành học của tôi. Cuối cùng, tôi quyết định theo học thiết kế đại phong cầm và bước vào thời kỳ tập sự.”

Tập sự tại Johannes Klais
Đức là đất nước đã có hơn 400 năm lịch sử về thiết kế đàn ống. Vì vậy, để nuôi dưỡng các thế hệ nghệ nhân tài năng, ngành đào tạo thiết kế đại phong cầm do chính phủ trực tiếp quản lý. Do mọi kinh phí cần cho thiết kế đàn đều được chính phủ hỗ trợ, quá trình lựa chọn sinh viên học nghề là không hề dễ dàng. Hong Sung-hoon đã vượt qua được cửa ải đầy khó khăn đó để trở thành nghệ nhân thiết kế đại phong cầm. Ông cho biết: “Một sinh viên người châu Á đột nhiên bày tỏ mong muốn học thiết kế đại phong cầm, bạn thử tưởng tượng hội đồng tuyển sinh sẽ nghĩ như thế nào? Họ bắt đầu cân nhắc liệu có nên tiếp nhận một sinh viên đến từ một đất nước ở thế giới thứ ba hay không. Tôi đã chia sẻ rằng dù có học 10 năm đi chăng nữa, tôi cũng không thể làm ra nổi chiếc đàn ống của nước Đức với lịch sử thiết kế đại phong cầm tới hơn 400 năm. Tôi chỉ dám xin đảm nhận công việc quản lý và sửa chữa cây đàn được chế tạo ở Đức và đặt tại Hàn Quốc mà thôi.”

Vượt qua vòng phỏng vấn và trải qua ba năm học việc, đến năm thứ tư, Hong Sung-hoon thi đỗ kỳ thi nghệ nhân Orgelbaumeister quốc gia, đủ tư cách trở thành một nghệ nhân. Hong Sung-hoon sau đó may mắn được phép học việc tại công ty thiết kế đại phong cầm hàng đầu thế giới Johannes Klais, nơi có truyền thống cha truyền con nối ba đời về sản xuất đàn ống. Nghệ nhân Hong Sung-hoon chia sẻ: “Nước Đức có hơn 180 công ty chế tác đàn ống. Trong số đó, Johannes Klais là công ty nổi tiếng trên toàn thế giới, hoạt động trong suốt 130 năm. Đây là công ty mà sinh viên nào cũng muốn được vào làm. Trong buổi phỏng vấn, ông giám đốc Klais hỏi tôi muốn học gì. Tôi trả lời rằng tôi chỉ muốn được nhìn thấy và tìm hiểu thật nhiều đàn ống vì tôi chưa có dịp được nhìn thấy chúng ở Hàn Quốc hay bất cứ đâu ở châu Á. Sau khi vào làm, tôi thường xuyên được trực tiếp đến nơi sản xuất đàn ống. Cứ trong một năm thì khoảng sáu đến chín tháng tôi được đi thực nghiệm ở nhiều thành phố khác nhau và quá trình này đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều.”

Chặng đường đưa đàn ống tới gần hơn với công chúng Hàn Quốc
Được học hỏi về thiết kế, sửa chữa và bảo trì đàn đại phong cầm ở những nhà thờ lớn tầm cỡ di sản văn hóa, nghệ nhân Hong Sung-hoon nhận ra sức lôi cuốn mãnh liệt của cây đàn ống to lớn. Ngày qua ngày, ông nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của một nghệ nhân thiết kế đại phong cầm.

Đại phong cầm, với hàng loạt những chiếc ống được sắp xếp với chiều dài khác nhau theo thang âm, được thổi vào một luồng khí nhất định, giúp phát ra những âm thanh như tiếng nói của tâm hồn. Chúng vươn qua những ngọn gió và chạm đến cả trời xanh. Nghệ nhân Hong Sung-hoon nói tiếp: “Những âm thanh của piano hay vi-ô-lông do con người tạo ra luôn thiên biến vạn hóa và mang âm hưởng du dương, tình cảm. Song với đàn ống, ngoài năng khiếu chơi nhạc cụ của người biểu diễn, loại nhạc cụ này yêu cầu lượng gió nhất định để có thể tạo được độ rung trong không khí. Khác với những nhạc cụ thông thường, đại phong cầm là loại nhạc cụ mang đến cho người nghe những âm thanh vang vọng đầy thiêng liêng.”

Đại phong cầm, nhạc cụ phát ra âm thanh như những tiếng thỉnh cầu của loài người trước đấng toàn năng. Đặc trưng này của đại phong cầm khiến nghệ nhân Hong Sung-hoon luôn tâm niệm phải làm ra những chiếc đàn tuyệt vời nhất. Ông muốn đặt đứa con tinh thần đầu tiên do mình tạo nên ở một nơi thật ý nghĩa. Ước muốn đó của ông đã trở thành hiện thực. Ông tâm sự: “Trong năm cuối quay trở lại trường để kết thúc khóa học cho phép được công nhận là nghệ nhân bậc thầy, tôi tham gia một kỳ thi thực hành thiết kế đàn ống. Sau khi đắn đo không biết đặt chiếc đàn đầu tiên thiết kế ở đâu, tôi liền nghĩ đến Nhà thờ giáo hội Anh tại Seoul. Nhà thờ giáo hội Anh tại Seoul mang nét cổ kính của phong cách kiến trúc La Mã cổ đại, và tôi nghĩ thật tốt biết mấy nếu chiếc đàn của tôi được đặt ở đó. Tôi đăng ký thiết kế chiếc đàn làm tác phẩm tốt nghiệp. Giấc mơ của tôi trở thành hiện thực khi Nhà thờ giáo hội Anh tại Seoul đồng ý đặt chiếc đàn tại thánh đường của mình.”

Công ty Klais đã bỏ ra 20 triệu won (17.000 USD) để hỗ trợ cậu học trò nghèo Hong Sung-hoon hoàn thành tác phẩm tốt nghiệp của mình. Trải qua quãng thời gian bảy năm với đại gia đình Klais, đến năm 1997, Hong Sung-hoon nhận tấm bằng nghệ nhân thiết kế đàn ống và quay trở về Hàn Quốc. Thế nhưng, trở về quê nhà sau 10 năm bôn ba tại Đức, ông đã không nhận được sự chào đón từ chính quê hương mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lan tới Hàn Quốc. Người nghệ nhân chia sẻ: “Trong một, hai năm đầu, tôi đã không kiếm nổi một đồng. Công việc duy nhất tôi có thể làm khi đó là dắt đứa con gái hai tuổi của mình đến sân chơi ngoài công viên. Chúng tôi cùng nhau ra khỏi nhà từ sáng và trở về lúc chiều tà. Đó thực sự là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với tôi.”

Đối với nghệ nhân Hong Sung-hoon, quãng thời gian khi đó là những chuỗi ngày chịu đựng. Trải qua ba năm gian khó, ông trở lại làm việc với dự án thiết kế đàn ống tại Nhà thờ phường Bongcheon, Seoul, vào năm 2001, mở ra trước mắt ông con đường mới cho sự nghiệp quảng bá đàn ống tại Hàn Quốc. Hong Sung-hoon bày tỏ: “Hàn Quốc có khá nhiều nghệ sĩ chơi đàn ống và số trường đại học có khoa biểu diễn đại phong cầm cũng không phải ít, thế nhưng người thiết kế đàn thì lại không hề có. Để nghệ thuật biểu diễn đại phong cầm trở thành một nền văn hóa, không chỉ cần người biểu diễn mà cần phải có cả đàn. Và thế là tôi liên tục nhận được cơ hội chế tạo ra những chiếc đàn mới. Cùng với sứ mệnh mới, tôi đắn đo tìm kiếm những âm thanh giúp người Hàn Quốc cảm thấy gần gũi hơn với loại nhạc cụ này.”



Phản ánh nét tinh hoa văn hóa dân tộc Hàn trong thiết kế đàn ống
Càng thiết kế đàn, Hong Sung-hoon càng nuôi tham vọng trở thành nghệ nhân thiết kế đại phong cầm duy nhất của Hàn Quốc đưa nét đặc trưng của dân tộc Hàn vào những chiếc phong cầm vĩ đại. Người nghệ nhân bắt tay thiết kế đàn ống dạng di động Truhe Orgel làm từ thùng gỗ đựng gạo truyền thống của Hàn Quốc, được trang trí với tranh hoa mai hồng. Chiếc thùng vẽ tranh hoa mai được khóa chặt, sau khi mở nắp lập tức trở thành một chiếc đàn ống độc đáo. Năm 2014, Hong Sung-hoon đã thể hiện hình ảnh của cả một vùng sông núi Hàn Quốc trên một chiếc đại phong cầm dựng ngay trên bục giáo đường của Nhà thờ Guksu, huyện Yangpyeong, tỉnh Gyeongi. Ông nói: “Một lần đến huyện Yangpyeong, tôi được ngắm cảnh mặt trời khuất dần phía sau dãy núi. Ngây ngất trước sự hùng vĩ của những dãy núi trùng điệp, tôi bèn nảy ra ý tưởng vẽ hình ảnh núi rừng lên chiếc đàn ống. Tuy là nhạc cụ, đại phong cầm cũng đồng thời được coi là một sản phẩm điêu khắc. Thế là bức tranh thủy mặc trên đàn ống được ra đời. Tôi vẽ ba ngọn núi với sườn núi thoai thoải được bao trùm bởi dải ngân hà bao la, đồng thời bổ sung thêm hình ảnh chim cu, sinh vật đặc trưng của vùng Yangpyeong.”

Phía bên phải ống đàn lấp ló hình ảnh một chú chim cu đang bay lượn, và khi bật hệ thống đèn lắp ngay phía trên ống đàn, dải ngân hà của bầu trời đêm sẽ trải rộng ra trước mắt. Hong Sung-hoon lựa chọn màu xanh lá nhạt cho những phần xung quanh khung của chiếc đàn, thể hiện sự sống của thiên nhiên. Ông nói tiếp: “Chiếc đàn ở Nhà thờ Guksu có nhiều rộng 5 mét và chiều cao 6 mét. Tôi muốn vẽ mùa xuân lên chiếc đàn, muốn tô sắc xuân, màu hoa lá, cây cỏ lên chiếc đại phong cầm với màu xanh lá nhạt.”

Ngay sau khi chiếc đại phong cầm có một không hai trên thế giới được dựng tại nhà thờ Guksu, nơi đây bắt đầu tràn ngập không khí lễ hội biểu diễn đàn ống. Mục sư Kim Il-hyun cho biết: “Nhà thờ đã tổ chức buổi biểu diễn kỷ niệm sau khi dựng chiếc đàn ống. Vào mùa thu năm đó, chúng tôi đã tổ chức Lễ hội đại phong cầm tại nhà thờ. Rất nhiều người đã đến tham dự và phần lớn họ đều lần đầu tiên được nghe những thanh âm hùng tráng của đàn ống. Tất cả đều bất ngờ và vô cùng ấn tượng với chiếc đàn.”

Lễ hội đàn ống Yangpyeong từ đó được tổ chức mỗi năm một lần vào mùa thu. Đến nay, lễ hội đã tròn bốn năm tuổi nhưng chưa một lần phải lo lắng về việc mời nghệ sĩ biểu diễn bởi số nghệ sĩ muốn đến ngồi biểu diễn trước chiếc đàn tuyệt vời ấy chưa bao giờ giảm. Lễ hội năm nay chắc sẽ còn náo nhiệt hơn cả những năm trước.

Nghệ nhân Hong Sung-hoon đến nay đã thiết kế được tổng 16 chiếc đại phong cầm. Bị lôi cuốn bởi công việc thiết kế đàn ống của Hong Sung-hoon, nhiếp ảnh gia Kim Seung-bum đã ghi lại 13 năm cuộc đời và thế giới nghệ thuật của nghệ nhân Hong qua những bức ảnh. Ông chia sẻ: “Nhờ nghệ nhân Hong Sung-hoon mà tôi dần có mối quan tâm với đàn ống. Chứng kiến quá trình thiết kế đàn từ những công đoạn dàn dựng, tôi bắt đầu hiểu hơn về đàn ống, hiểu rõ bao nỗ lực vất vả để làm nên một chiếc đàn. Điều này khiến tôi càng thêm ngưỡng mộ ông Hong Sung-hoon. Đẽo gọt những chi tiết nhỏ nhất từ gỗ, sau đó bố trí khiến chiếc đàn có thể phát ra âm thanh hay và đẹp đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ giống như việc gắn nối từng mạch máu, từng khớp xương, từng đường gân trên cơ thể người vậy.”

Nghệ nhân Hong Sung-hoon hiện đang say sưa nghiên cứu bức Ilwolobongdo (Nhật nguyệt ngũ phong đồ) được vẽ trên tấm bình phong đặt phía sau ngai vàng Hoàng đế trong chính điện của triều đại Joseon. Ông muốn đưa hình ảnh tượng trưng cho vương quyền và sự thái bình, thịnh vượng vào chiếc đàn do ông thiết kế. Ông cho biết: “Một ngày nào đó, tôi sẽ làm ra một chiếc đàn có vẽ Nhật nguyệt ngũ phong đồ. Nhật nguyệt ngũ phong đồ là tấm bình phong luôn được đặt phía sau ngai vàng của vua trong triều đại Joseon, gồm mặt trời, mặt trăng, năm đỉnh núi, hai thác nước, hai cây thông đỏ và sóng nước bên dưới. Tôi đã hoàn thành bức tranh mô phỏng bức bình phong này từ hai năm trước. Nếu có thể, tôi muốn đưa cả âm thanh yêu thích của người Hàn vào chiếc đàn với mong muốn chiếc đàn ống sẽ gần gũi hơn với người Hàn, giống như chính nhạc cụ truyền thống của người Hàn vậy. Giống như sáo trúc dọc Piri, trống phong yêu Janggu, phèng Kkwaenggwari khởi nguồn từ phương Tây, tôi muốn đàn ống cũng sẽ trở thành một nhạc cụ tiêu biểu của Hàn Quốc trong tương lai.”

Với những nỗ lực không ngừng, nghệ nhân Hong Sung-hoon mong muốn chiếc đàn ống in hình Nhật nguyệt ngũ phong đồ được kết hợp với âm thanh của sáo trúc dọc Piri, sẽ không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ, mà trở thành một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, biến ước mơ hoàn thành chiếc đại phong cầm mang nét đặc trưng Hàn Quốc của nghệ nhân Hong Sung-hoon sớm trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.

Lựa chọn của ban biên tập