Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhân vật : Bảo Khanh

#Dốc bầu tâm sự l 2019-02-17

Nhân vật : Bảo Khanh

Mình tên là Bảo Khanh, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Xã hội tại Hàn Quốc. Cho đến bây giờ, mình vẫn không thể tin được là mình đã đi đến gần cuối con đường du học tại đất nước này. Thật ra, mình chọn đến học tại Hàn Quốc là vì yêu phim Hàn, nhạc Hàn và ẩm thực Hàn thôi. Trước khi đến đây, mình cũng đã tốt nghiệp tại một trường đại học ở Việt Nam. Trong khi các bạn đồng trang lứa chuẩn bị cho những kế hoạch như xin việc làm, học cao học hay lập gia đình, thì mình lại tự cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi và đi du lịch. Vì vốn dĩ gia đình mình có điều kiện kinh tế, bản thân mình cũng không cần phải vội vã đi làm, thế là mình đã quyết định chuẩn bị cho chuyến đi đến Hàn Quốc. Ban đầu mình chỉ định đi du lịch thôi, nhưng vì quá yêu mến đất nước này, nên mình muốn ở lại trong một thời gian dài, cũng là để được học nhiều hơn về ngôn ngữ, cũng như con người Hàn Quốc. Sau khi suy nghĩ rất nhiều và bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, mình quyết định du học tại Hàn Quốc với chuyên ngành xã hội. 


Được bắt đầu cuộc sống mới ở một chân trời mới mà bản thân đã yên mến từ lâu, mình thật sự rất hào hứng và chuẩn bị đầy đủ tất cả mọi thứ cần thiết cho ngày đến lớp đầu tiên. Thế nhưng khác với suy nghĩ của mình, học ngành Xã hội không có nghĩa là chỉ học về đất nước, văn hóa, con người mà còn phải học về tất cả những chính sách phúc lợi, nhưng phương pháp phát triển đất nước nữa. Nói chung đây là một ngành rất rộng, rất nhiều kiến thức cần phải nắm rõ, nhưng với một đứa “a-ma-tơ” như mình thì đây quả là một việc quá sức. Vốn dĩ mình chỉ muốn học “đại” một ngành nào đó để thỏa ước nguyện được sống tại Hàn Quốc thôi, thế mà bây giờ, mình chẳng khác gì “tự đâm đầu vào chỗ chết”. Những ngày học sau đó tất nhiên mình cũng chẳng thể tập trung được, vì ngành này không có bất cứ tài liệu tiếng Việt nào cả, mà chỉ có mỗi tiếng Anh và tiếng Hàn, đã thế trong sách còn xuất hiện rất nhiều từ ngữ chuyên ngành, cho dù mình có tra từ điển thế nào thì cũng không tìm được nghĩa chính xác. Nhưng đây chỉ mới là khó khăn thứ nhất thôi, khó khăn thứ hai là trong những tiết học ở trường. Hầu như tất cả đều là sinh viên Hàn Quốc, chỉ có duy nhất mình là người nước ngoài. Thế là mỗi khi nghe giảng, đầu óc mình cứ ong ong u u, nghe không hiểu, cũng không theo kịp các bạn, nhưng cho dù có hỏi thì cũng không biết phải hỏi cái gì, bắt đầu từ đâu. Bởi vậy nên việc học của mình cứ dậm chân tại chỗ mãi. Thế rồi mình bắt đầu thấy chán nản, chẳng muốn đến lớp nữa, nhưng bỗng đến một ngày, mọi suy nghĩ của mình về việc học hoàn toàn thay đổi. Đó là sau khi nhận được bài tập của giáo sư môn Đa văn hóa. Mình không biết gì về vấn đề đa văn hóa của xã hội Hàn Quốc, nên đã chọn đề tài về gia đình đa văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc. Vì đây là bài phát biểu quan trọng, nên mình cũng quyết tâm làm cho thật tốt, để còn có thế kéo những điểm tệ hại trong suốt cả học kỳ. Theo lời giới thiệu của chị trở giảng, mình đã đến môt trung tâm văn hóa trong quận để tìm hiểu về cuộc sống của những trẻ em con lai và cả những cô dâu Việt Nam đang sống tại Hàn Quốc. Sau khi thực hiện một số khảo sát nhỏ, mình gần như choáng váng khi nhìn thấy rõ trước mắt cuộc sống của những người đồng hương. 


Đầu tiên là các em bé, tuy là con lai Hàn – Việt, nhưng không phải bé nào cũng có thể nói được tiếng mẹ đẻ của mẹ. Thậm chí có một số bà mẹ còn tỏ ra bất lực khi không có cách nào để dạy tiếng Việt cho con mình. Các em rõ ràng là có thể nghe hiểu và nói được, nhưng lại không muốn, và chỉ nói chuyện với mẹ mình bằng tiếng Hàn thôi. Trong trường hợp khác thì có một số em bé có biểu hiện của căn bệnh trầm cảm và tự kỷ. Nguyên nhân của những bệnh tâm lý này là do các em phải thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã và thậm chí là đánh nhau. Điều này là gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần của các em, và kể cả kỹ năng xã hội lẫn tình cảm, hay thành tích học tập. Dần dà, các em có xu hướng sống khép mình, tránh các mối quan hệ dù là gia đình hay bạn bè, thậm chí là tự giam mình trong một góc tối nào đó để không còn phải chứng kiến những trận đòn roi giữa bố mẹ. Các trẻ em đã như vậy, thì cuộc sống của một số cô dâu Việt cũng không khá khẩm hơn. Có một số người kết hôn vì kinh tế, nên không được cung cấp đầy đủ kiến thức ngôn ngữ, văn hóa về đất nước của chồng, và sau đó vì những mâu thuẫn quá lớn trong lối suy nghĩ, đã khiến họ bất đồng quan điểm và khó tránh khỏi chuyện cãi vã. 


Sau khi biết được những chuyện này, mình thật sự rất buồn và đã suy nghĩ không biết bao nhiêu lần là làm thế nào để cải thiện của cuộc sống của họ. Và có lẽ cách duy nhất để mình giúp họ là trước hết phải học hành thật chăm chỉ, nắm vững những chính sách phát triển phúc lợi xã hội, và mang những điều mà mình đã học được làm nền tảng để xây dựng một trung tâm văn hóa chuyên hỗ trợ cho những em bé con lai và cả các cô dâu Việt Nam, nhằm giúp họ tránh những điều không hay trong cuộc sống tại nơi xứ người. Chính vì thế, ngay từ lúc đó mình đã tự hứa với bản thân sẽ luôn cố gắng không ngừng nghỉ, và cũng không bao giờ bỏ cuộc, để một ngày nào đó, mình có thể thực hiện được mục tiêu và ước mơ của mình.



Lựa chọn của ban biên tập