Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhân vật : Thanh Mai

#Dốc bầu tâm sự l 2020-06-13

Nhân vật : Thanh Mai

Mình là Thanh Mai và hiện đang là “mẹ bỉm sữa” tại Hàn Quốc. Mình kết hôn được khoảng hơn 1 năm rưỡi và không lâu sau thì cũng theo chồng sang Hàn luôn. Giờ thì mình đã có một em bé 5 tháng tuổi rồi. Mình quen chồng Hàn Quốc là nhờ có một lần đi phiên dịch tự do, dịch tiếng Anh cho công ty của anh ấy nên bọn mình có làm quen nhau từ lúc đấy luôn. Mình không giỏi tiếng Hàn và công ty của chồng là công ty về mảng điện tử nên anh ấy khá giỏi tiếng Anh, và bọn mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh luôn. Nhưng mà cũng chính vì không giỏi tiếng Hàn nên mình và mẹ chồng không thể trao đổi, nói chuyện nhiều mà phải thông qua chồng mình. Thật ra thì lúc sang Hàn xong mình có học tiếng Hàn nhưng mà cũng chưa được đến mức có thể tự trao đổi mọi thứ với mẹ chồng bằng tiếng Hàn.


Lúc mình mới sinh em bé thì đúng là đỉnh điểm của sự hiểu lẫm giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn. Nhưng mà không phải cái kiểu drama như các bạn đang nghĩ đâu nha. Câu chuyện bắt nguồn từ việc mình ăn cơm rất ít và còn làm hành động mà mẹ chồng cho là kì lạ. Nguyên nhân đầu tiên chính là canh rong biển. Ở Hàn thì bà bầu thường ăn canh rong biển cho nên lúc mình mới sinh em bé mẹ chồng suốt ngày dậy sớm nấu cho mình nồi canh siêu to khổng lồ, ăn cả ngày chắc cũng không hết. Vì người Hàn nghĩ là ăn canh rong biển sẽ tốt cho phụ nữ sau sinh. Ăn canh rong biển thì sẽ nhiều sữa và nhanh hồi phục sức khỏe nên mình cũng gắng ăn nhưng mà thật sự mình bị sợ mùi tanh của rong biển, nên dù biết ơn tấm lòng của mẹ chồng và muốn tốt cho bản thân cũng như để lấy sữa cho em bé thì mình cũng cố ăn, nhưng mà đúng là không thể ăn nhiều được. Mỗi lần ăn mình chỉ ăn có một chút một vì mùi tanh tanh khiến mình thấy nôn nao lắm. Rồi nguyên nhân tiếp theo chính là do quan niệm về trẻ sơ sinh khác nhau giữa hai nước Việt-Hàn. Ở Việt Nam thì trẻ em khi sinh ra sẽ được đánh dấu son đỏ lên trán trong khoảng 100 ngày tuổi, người Việt quan niệm rằng dấu son đỏ đó sẽ đuổi đuổi ma quỷ, những tà khí khỏi em bé Thì mình là người Việt Nam mà, nên mình cũng làm y chang như thế, cũng đánh dấu lên trán bé nhà mình và mẹ chồng lúc nào cũng lau đi xong mình phải chấm lại. Mà bên này thì hoàn toàn ngược lại, người Hàn cho rằng đấy là hành động rất kì lạ và khó hiểu, thậm chí là điên khùng vì họ cho rằng em bé mới sinh không được bôi vẽ hay là đánh dấu bất cứ cái gì lên cơ thể của bé cả. Mình thì tưởng mẹ lau cho bé nên vô tình bị xóa đi thôi, sau này mọi chuyện vỡ lở ra thì mới biết là vì chuyện mình ăn ít, lại thêm vụ chấm son đỏ lên trán em bé mà mẹ chồng tưởng mình bị trầm cảm sau sinh. Trời ơi bảo sao mà tôi thấy mẹ chồng tôi càng ngày càng quan tâm tôi một cách quá đặc biệt luôn.


Thật ra thì mình không biết gì hết cho đến khi chồng mình nói là mẹ chồng đang lo mình bị trầm cảm sau sinh, vì cơm thì ăn có tý mà lại còn chấm son lên trán con, kiểu như người bị khùng vậy đó. Lúc đấy mình mới nhận ra là hóa ra từ trước đến nay mình chưa bao giờ thử trao đổi với mẹ chồng về cách chăm con, cũng như là tâm sự hay nói chuyện đời thường. Chắc có lẽ rào cản ngôn ngữ khiến mẹ con mình không thể trao đổi với nhau dẫn đến hiểu lầm. Sau lúc đấy thì mình cũng tiện có chồng ở nhà làm phiên dịch, bọn mình sang nói chuyện với mẹ luôn. Mình phải giải thích rất rõ là ở Việt Nam thì ai cũng chấm son đỏ lên trán em bé vì người Việt tin rằng như vậy sẽ bảo vệ em bé khỏi ma quỷ, còn phải cho mẹ xem cả ảnh nữa cơ. Còn vấn đề không ăn nhiều là bởi vì mình sợ mùi rong biển nhưng vì không muốn phụ lòng chăm sóc của mẹ nên mình vẫn cố ăn một ít. May quá có chồng ở nhà không thì mình cũng không biết nói thế nào luôn. Sau lần đấy thì mình cũng chăm học tiếng Hàn hơn để có thể giao tiếp được với mẹ, chia sẻ, trao đổi với mẹ xem là người Việt, người Hàn chăm trẻ nhỏ ra sao để thống nhất ý kiến, tránh hiểu lầm. Mình cũng khuyên các bạn sắp hoặc đã sang Hàn nhưng chưa có thời gian học tiếng nếu có điều kiện thì nên học Tiếng Hàn thật giỏi vào. Không phải chỉ du học sinh mới phải giỏi tiếng đâu mà ngay cả chúng mình là cô dâu, nội trợ, mẹ bỉm sữa cũng phải biết để mà sinh hoạt, giao tiếp nói chuyện với người Hàn chứ. Như mình đây không có chồng lúc đấy phiên dịch cho thì chắc mẹ cứ mãi lo lắng vì mình, còn mình thì cứ vô tư làm người khác phải lo sốt vó lên. Văn hóa hai nước chắc chắn sẽ có những khác biệt, mà nếu như chúng ta không có tiếng nói để trao đổi với nhau thì kiểu gì cũng sẽ gây ra những hiểu lầm. Mình tin là hội mẹ bỉm sữa chị em chúng mình có thể làm tốt được mà. Cố lên các bạn nhé.

Lựa chọn của ban biên tập